Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Tham vấn ý kiến đại biểu Quốc hội về một số định hướng cần sửa đổi, bổ sung trong Dự án Luật Bảo vệ môi trường và Luật Đất đai

12/11/2019

     Ngày 11/11/2019, Bộ TN&MT phối hợp với báo Đại Biểu Nhân Dân tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến Đại biểu Quốc hội về một số định hướng lớn cần sửa đổi, bổ sung trong dự án Luật BVMT và Luật Đất đai, dự kiến trình Quốc hội trong năm 2020.

     Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, theo Chương trình xây dựng Luật và Pháp lệnh, tại Kỳ họp thứ 9 vào tháng 6/2020, Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến về hai bộ luật quan trọng thuộc lĩnh vực TN&MT là Luật BVMT và Luật Đất đai. Để sửa đổi hai bộ luật này, Bộ TN&MT đã tổ chức sơ kết đánh giá kết quả 5 năm thi hành, xác định các nội dung mới được ban hành trong các Nghị quyết của Đảng, những cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia để xác định vấn đề trọng tâm, cốt lõi cần phải sửa đổi, bổ sung, đáp ứng yêu cầu phát triển, hội nhập của đất nước trong giai đoạn tới.

     Về sửa đổi Luật BVMT, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, đây là vấn đề phải đặt ra trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với quốc tế. Tuy nhiên, khi hội nhập, ngoài các thuận lợi cũng sẽ có những vấn đề khó khăn. Đó là khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 làm thay đổi rất lớn về công nghệ, như vậy hoàn toàn có khả năng các công nghệ lạc hậu sẽ tìm đường vào Việt Nam. Vì vậy, trong sửa đổi Luật BVMT phải chủ động thay đổi chính sách. "Nếu không cập nhật, không theo kịp thế giới, sẽ mắc phải những vấn đề liên quan đến cạnh tranh các hàng rào kỹ thuật, đồng thời có khả năng Việt Nam có thể là nơi đưa vào công nghệ, máy móc lạc hậu, thậm chí cả những dòng vốn đầu tư nước ngoài tiềm ẩn những công nghệ gây ô nhiễm môi trường" - Bộ trưởng giải thích.

     Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, so với 5 năm trước, các thành phần môi trường từ nước, không khí, chất thải rắn... đang vượt khả năng chịu tải của môi trường. Hơn nữa, giữa Luật BVMT với Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, các luật liên quan... cũng có những bất cập, xung đột. Vì vậy, vấn đề môi trường hiện nay đòi hỏi phải có những thay đổi mang tính cách mạng với những chính sách mới. Trước hết, cần thể chế hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước về chủ trương phát triển kinh tế dựa trên sự cân bằng sinh thái, lựa chọn mô hình kinh tế xanh và nền kinh tế tuần hoàn. Tức là xác định môi trường tiên phong để dẫn dắt các dòng vốn đầu tư từ nước ngoài, cũng như định hình cho các mô hình phát triển kinh tế trong nước.

 

Toàn cảnh Hội thảo (Ảnh: Monre)

 

     Thứ hai, trong một thế giới hội nhập, Việt Nam cần có chính sách môi trường hài hòa, phù hợp với chủ trương đã cam kết. Việc nâng các quy chuẩn, tiêu chuẩn môi trường lên để tạo ra sức đề kháng nhằm ngăn cản các dòng vốn với công nghệ ô nhiễm, với các công nghệ sử dụng lãng phí, không hiệu quả, tiêu tốn năng lượng vào Việt Nam.

     Thứ ba, cần xem xét để thay đổi chính sách môi trường, thay đổi về đánh giá và tư duy. Con người có quyền sống trong môi trường trong lành nên không có lý do gì chúng ta không nâng các quy chuẩn môi trường, chính sách môi trường lên ngang bằng các nước phát triển.

     Đề cập đến việc sửa đổi Luật Đất đai, Bộ trường Trần Hồng Hà cho rằng, có rất nhiều vướng mắc, điểm nghẽn trong chính sách đất đai hiện nay, trong đó tập trung ở 4 vấn đề lớn: Chuyển mục đích sử dụng, quy hoạch sử dụng đất đai; kinh tế, tài chính đất đai; Luật Đất đai hiện nay là nền tảng của rất nhiều luật khác, nhưng cũng nảy sinh những vướng mắc về phạm vi điều chỉnh, xung đột giữa các luật; vấn đề quản lý đất đai thông qua xây dựng cơ sở dữ liệu để làm sao thực hiện tốt dịch vụ công đất đai, cải cách thủ tục hành chính và phòng ngừa tham nhũng.

     Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận, góp ý cho các bộ Luật. Đa số các ý kiến đều thống nhất,việc sửa đổi hai bộ Luật này cần có sự đồng hành của Chính phủ, Quốc hội và các tầng lớp trong xã hội. Các đại biểu cũng cho rằng, việc sửa cần có những nghiên cứu cụ thể và theo lộ trình, đảm bảo bắt kịp với nền kinh tế thị trường và xu thế hội nhập như hiện nay. Vì vậy, Bộ TN&MT cần tổ chức thêm nhiều hội thảo để thu thập, bổ sung những ý kiến đóng góp nhằm hoàn thiện hai bộ Luật này.

     Chủ nhiệm Ủy Ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội  Phan Xuân Dũng cho rằng, trong quá trình sửa đổi một số điều của hai Luật nêu trên, nếu có nhiều vấn đề cấp thiết, định hướng và bắt kịp xu thế phát triển trong tương lai, có thể đề xuất với Quốc hội chuyển thành Luật sửa đổi năm 2020 (Môi trường và Đất đai).

 

Phương Linh

Ý kiến của bạn