Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Từ sự cố Formosa, nghĩ về tương lai môi trường của Việt Nam

18/05/2018

     Sáng ngày 17/5/2018, tại tỉnh Quảng Trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì Hội nghị Tổng kết công tác chỉ đạo để ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh cho nhân dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng sự cố môi trường.

     Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng các Bộ: TN&MT, NN&PTNT, KH&ĐT, TT&TT, Y tế và đại diện lãnh đạo các ban ngành Trung ương và 4 tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế.

 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị

 

     Sự cố môi trường biển xảy ra vào tháng 4/2016 tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế là hết sức nghiêm trọng; gây thiệt hại về môi trường, hệ sinh thái biển và nguồn lợi hải sản, ảnh hưởng lớn tới đời sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh của khoảng 510.000 người thuộc 130.000 hộ dân ở 730 thôn/xóm tại 146 xã/phường/thị trấn của 22 huyện vùng ven biển thuộc 4 tỉnh nói trên.

     Với sự quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương, địa phương vào cuộc để sớm tìm nguyên nhân xảy ra sự cố; ban hành một số chính sách cấp bách hỗ trợ người dân ổn định đời sống; chỉ đạo khôi phục sản xuất. Ngày 23/8/2016, Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo về các giải pháp để ổn định đời sống và sản xuất kinh doanh cho nhân dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo, hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương, Tỉnh ủy, UBND và hệ thống chính trị các cấp đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, tổ chức thực hiện công tác xử lý sự cố môi trường biển. Bên cạnh đó, công tác xác định và kê khai thiệt hại cũng được tiến hành khẩn trương, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, dân chủ; việc thẩm tra, xét duyệt, thẩm định đối tượng, nhu cầu kinh phí về cơ bản đã được thực hiện đúng quy trình. Công tác tuyên truyền, đảm bảo an ninh trật tự được thực hiện đồng bộ…

     Đến nay, sau 2 năm tích cực triển khai các biện pháp khắc phục, nhìn chung tình hình môi trường biển đã được khôi phục, chất lượng nước biển đảm bảo đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; hoạt động khai thác, nuôi trồng, kinh doanh thủy sản, sản xuất muối, các khu du lịch biển, bãi tắm của 4 tỉnh miền Trung hoạt động trở lại bình thường, người tiêu dùng yên tâm tiêu thụ các sản phẩm hải sản; hệ sinh thái biển, nguồn lợi thủy sản bị tổn thương đã bước đầu phục hồi; tình hình an ninh trật tự xã hội ổn định. Cùng với đó, công tác bồi thường thiệt hại cơ bản hoàn thành, công tác phục hồi môi trường biển, hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản, công tác an sinh xã hội, phát triển sản xuất kinh doanh đang tiếp tục được triển khai.

     Sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung là bài học đắt giá về việc phát triển kinh tế thiếu bền vững 

     Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân đã trình bày báo cáo chuyên đề về công tác xác định nguyên nhân, công tác xây dựng định mức bồi thường. Thứ trưởng cho biết, ngay sau khi xảy ra sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung, Bộ TN&MT đã chỉ đạo các địa phương, đồng thời trực tiếp tổ chức các Đoàn khảo sát đánh giá chất lượng môi trường biển để khoanh vùng ảnh hưởng, xác định nguyên nhân; rà soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đối với các đơn vị có hoạt động trong khu vực biển Vũng Áng. Bộ đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành đối với 3 cơ sở có hoạt động xả thải lớn ra khu vực biển này, trong đó có Formosa Hà Tĩnh và đã phát hiện những vi phạm và dấu hiệu vi phạm từ bên trong của Dự án Formosa Hà Tĩnh. Mặt khác, dựa trên kết quả thu thập, phân tích dữ liệu về nguyên nhân gây sự cố môi trường do Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam thực hiện đã đối chiếu về sự tương đồng giữa kết quả kiểm tra của Đoàn kiểm tra. Do vậy, Bộ TN&MT tiến đến xác định đối tượng gây ra sự cố là Formosa Hà Tĩnh, từ đó, xây dựng phương án đấu tranh, buộc Formosa Hà Tĩnh phải thừa nhận.

 

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân trình bày báo cáo tại Hội nghị

 

     Ngày 29/6/2016, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Formosa Hà Tĩnh đã cúi đầu nhận trách nhiệm về việc gây ra sự cố môi trường, công khai xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam; đồng thời, cam kết bồi thường thiệt hại với số tiền 500 triệu USD, khắc phục triệt để các vi phạm của Dự án theo yêu cầu của Việt Nam; phối hợp xây dựng các giải pháp để kiểm soát môi trường biển miền Trung và cam kết không để tái diễn các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT và tài nguyên nước; nếu tái phạm thì sẽ chịu xử lý và buộc phải đóng cửa. Đến ngày 30/8/2016, Formosa Hà Tĩnh hoàn thành việc chuyển tiền bồi thường cho Việt Nam với tổng số tiền là 500 triệu USD. “Quá trình đấu tranh buộc Formosa Hà Tĩnh thừa nhận việc gây ra sự cố môi trường biển miền Trung là kết quả của sự chỉ đạo chặt chẽ, sát sao của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ và sự nỗ lực, cố gắng của các Bộ, Ngành, địa phương có liên quan”, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân khẳng định.

     Về công tác giám sát quá trình khắc phục hậu quả vi phạm của Formosa Hà Tĩnh, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho hay, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã phê duyệt Kế hoạch khắc phục hậu quả vi phạm và giám sát môi trường đối với Formosa Hà Tĩnh trong thời hạn 3 năm; đồng thời, thành lập Hội đồng giám sát liên ngành, Tổ giám sát liên ngành để kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải của Formosa Hà Tĩnh, đảm bảo đạt QCVN và phù hợp với tiêu chuẩn môi trường của các nước tiên tiến trên thế giới như: Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan.

     Trên cơ sở đó, Formosa Hà Tĩnh đã triển khai nghiêm túc việc khắc phục các vi phạm (53 vi phạm mà ta đã chỉ ra). Đến nay, hầu hết các vi phạm đã được khắc phục, còn 1 vi phạm là phải chuyển đổi công nghệ làm nguội than cốc từ ướt sang khô đang trong lộ trình thực hiện; dự kiến hoàn thành trong tháng 6/2019. Bên cạnh đó, thực hiện yêu cầu quản lý, xử lý các loại chất thải theo tiêu chuẩn quốc tế, Formosa Hà Tĩnh đã đầu tư bổ sung các hạng mục cải thiện công trình bảo vệ môi trường với kinh phí khoảng 400 triệu USD, trong đó, có hệ thống Hồ sự cố kết hợp hồ sinh học trên diện tích 10 ha để phòng ngừa, ứng phó sự cố về nước thải.

     Kết quả: Lò cao số 1 đã được Formosa Hà Tĩnh vận hành thử nghiệm từ ngày 29/5/2017 theo đúng tiến độ, đang hoạt động với 95% công suất thiết kế; đã sản xuất được 2,41 triệu tấn thép. Đến ngày 11/5/2018, Hội đồng giám sát liên ngành đã họp, trên cơ sở xem xét Báo cáo của Formosa Hà Tĩnh, Báo cáo của Tổ giám sát liên ngành, ý kiến của tỉnh Hà Tĩnh, Hội đồng đã thống nhất chủ trương cho phép Formosa Hà Tĩnh vận hành thử nghiệm Lò cao số 2 theo quy định. Theo dự tính, khi Lò cao số 2 được vận hành từ tháng 5/2018 thì tổng sản lượng thép của Formosa Hà Tĩnh trong năm 2018 đạt khoảng 5 triệu tấn thép thành phẩm. Nhìn chung, hoạt động của Formosa Hà Tĩnh đã và đang được Bộ TN&MT, tỉnh Hà Tĩnh giám sát chặt chẽ, thường xuyên, liên tục thông qua hệ thống quan trắc hiện đại; kết quả giám sát chất thải được cập nhật về Sở TN&MT Hà Tĩnh hàng ngày, hàng giờ.

     Tại Hội nghị, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho rằng, sự cố này, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo, là bài học đắt giá về việc phát triển kinh tế thiếu bền vững. Do vậy, cần có ngay cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu lực, hiệu quả các hoạt động bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển; thực hiện công khai, minh bạch; nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, cơ quan nhà nước đối với các dự án phát triển, nhất là các dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường; nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của doanh nghiệp và người dân trong công tác BVMT. Đồng thời, phải có sự phối hợp thực chất, hiệu quả giữa các Bộ, ngành và địa phương, kể cả huy động các nguồn lực quốc tế trong công tác ứng phó với các sự cố môi trường có tính chất phức tạp như sự cố vừa qua.  

     Cũng theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, bài học từ sự cố môi trường và kinh nghiệm của các nước trên thế giới đã phải hứng chịu nhiều thảm họa môi trường do thiên nhiên và con người gây ra; chúng ta cần tiến hành ngay việc xây dựng và ban hành quy chế thiết lập hệ thống phòng ngừa và ứng phó sự cố đủ mạnh, trong đó, có sự cố môi trường, có khả năng hoạt động một cách chuyên nghiệp trên cơ sở phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan. Bên cạnh đó, cần nâng cao hệ thống các Tiêu chuẩn, Quy chuẩn BVMT, đảm bảo an toàn và phòng tránh sự cố…

 

 

Toàn cảnh Hội nghị

 

     Cần có giải pháp bảo đảm môi trường biển lâu dài

     Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, qua việc xử lý sự cố môi trường biển miền Trung, có 3 thành công lớn nhất: Người dân tin chính quyền, tin Đảng; Người dân đoàn kết hơn và cán bộ trưởng thành hơn, như “lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Thủ tướng tin tưởng rằng, trước những vấn đề phức tạp trong xã hội, có sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và sự ủng hộ của nhân dân thì mọi khó khăn đều sẽ vượt qua.

     “Từ sự cố Formosa, nghĩ về tương lai môi trường của nước ta và khu vực biển của chúng ta, phải làm tốt hơn, không được để ô nhiễm, kể cả ô nhiễm không khí, ô nhiễm đất, nguồn nước. Tôi đề nghị Bộ TN&MT cần có giải pháp và đề xuất xử lý để bảo đảm môi trường nói chung, môi trường biển nói riêng được gìn giữ lâu dài”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

     Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với Bộ TN&MT nghiên cứu thuế môi trường đối với chủ thể kinh tế gây ô nhiễm để thực hiện các chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu. Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan chức năng để tổ chức nghiên cứu, thực hiện thí điểm thành lập thị trường mua bán phát thải khí các bon trong thời gian tới.

     Thủ tướng cũng đề nghị Bộ TN&MT cần xem xét lắp đặt thêm những điểm quan trắc môi trường tự động ở các TP lớn, khu công nghiệp, các nơi đang bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và phải công khai, minh bạch để người dân và cộng đồng giám sát.

     Bên cạnh đó, Theo Thủ tướng, cần công khai bộ chỉ số đánh giá, thẩm định, kiểm tra chất lượng BVMT của các tỉnh, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Đồng thời, có các phương án khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư và sử dụng công nghệ xanh, thân thiện môi trường.

     Đối với 4 tỉnh miền Trung, Thủ tướng yêu cầu hoàn thành dứt điểm việc chi trả tiền hỗ trợ bồi thường còn tồn đọng; hoàn thiện hồ sơ, chứng từ thanh toán, quyết toán các khoản đã chi một cách mạch lạc, rõ ràng; nếu có tiêu cực, tham nhũng phải xử lý nghiêm; tiếp tục thực hiện các chính sách khác về an sinh như hỗ trợ bảo hiểm y tế, học phí, đào tạo nghề, tạo việc làm, hỗ trợ vốn cho người dân vùng bị ảnh hưởng, nhất là xuất khẩu lao động; tổ chức tổng kết, đánh giá các kết quả đạt được, đồng thời rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện…

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hăm hỏi và tặng quà cho bà con ngư dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển ở Thuận An

 

     Ngay trước Hội nghị, ngày 16/5/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Trịnh Đình Dũng và lãnh đạo các Bộ, ngành đã đến thăm hỏi, động viên người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường tại 4 tỉnh miền Trung.

 

Thu Hà (Tổng hợp)

 

Ý kiến của bạn