Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Tổng cục Môi trường: Khắc phục khó khăn, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác bảo vệ môi trường

22/07/2016

     Ngày 21/7/2016, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016. Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân; Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài; các Phó Tổng cục trưởng Mai Thanh Dung, Nguyễn Thế Đồng, Hoàng Dương Tùng, Hoàng Văn Thức cùng đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT và Tổng cục Môi trường.

 


Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

 

     Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tài cho biết, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ, sự nỗ lực của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, 6 tháng đầu năm 2016, Tổng cục Môi trường đã cụ thể hóa, triển khai quyết liệt và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Công tác chỉ đạo, điều hành của Tổng cục tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, đúng trọng tâm, trọng điểm, bám sát tinh thần chỉ đạo của Bộ, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, Tổng cục đã chủ động phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả giữa các đơn vị có liên quan trong và ngoài Bộ nhằm giải quyết các vấn đề thuộc phạm vi quản lý, đặc biệt là những vấn đề bức xúc, vướng mắc về cơ chế, chính sách…

 

Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài phát biểu tại Hội nghị

 

     Báo cáo sơ kết công tác 6 tháng đầu năm của Tổng cục, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thế Đồng chỉ rõ, Tổng cục đã trình Chính phủ 1 Nghị định; 1 Nghị định đang giải trình ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp; Trình Bộ trưởng ban hành 2 Thông tư; 9 Thông tư đang triển khai xây dựng; 2 Thông tư đang gửi xin ý kiến lãnh đạo Bộ về hình thức ban hành.

     Công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo các vụ việc tồn đọng, kéo dài được chú trọng. Tổng cục đã ban hành 431 kết luận thanh tra về công tác BVMT trên địa bàn 12 tỉnh/thành phố; 225 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là 30.175.300.000 đồng và 17 Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm theo quy định. Tổng cục đã tiếp nhận và xử lý 12 hồ sơ khiếu nại, tố cáo và 251 báo cáo giải trình việc khắc phục hậu quả vi phạm. Trong 6 tháng đầu năm, Tổng cục tổ chức 7 Đoàn thanh tra, kiểm tra đột xuất để xử lý các điểm nóng về môi trường. Đặc biệt, từ tháng 4/2016 đến nay, Tổng cục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện hàng loạt hoạt động điều tra, xác định nguyên nhân, thủ phạm, khắc phục, xử lý sự cố môi trường gây hải sản chết bất thường tại các tỉnh ven biển miền Trung. Ngay sau khi xảy ra sự cố, Tổng cục đã hướng dẫn địa phương thực hiện ngay một số biện pháp khẩn cấp để ứng phó với sự cố; tổng hợp, cập nhật thông tin về diễn biến sự cố và hiện tượng dị thường từ các Bộ, ngành, địa phương có liên quan phục vụ các cuộc họp giao ban về ứng phó sự cố vào lúc 10 giờ sang hàng ngày; theo dõi, quan trắc và công bố thường xuyên thông tin về chất lượng môi trường biển trên phương tiện thông tin đại chúng, cổng thông tin điện tử; lấy và phân tích mẫu nước biển và hải sản chết; triển khai việc chấp hành BVMT tại các cơ sở có nguồn thải lớn đang hoạt động trong Khu kinh tế Vũng Áng (Công ty Điên lực Dầu khí Hà Tĩnh, Trung tâm Dịch vụ hạ tầng Khu kinh tế Hà Tĩnh, Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formusa)…

 

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thế Đồng báo cáo tại Hội nghị

 

     Bên cạnh đó, hoạt động quản lý khắc phục ô nhiễm, cải tạo và phục hồi môi trường được đẩy mạnh. Đến nay, có 11/47 làng nghề của 9 tỉnh đã được hỗ trợ dự án thực hiện khắc phục và cải thiện ô nhiễm; 14/100 điểm bị ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu được khắc phục và cải thiện. Quản lý chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp và chất thải nguy hại được đẩy mạnh với tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải ngày càng tăng.

     Công tác bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn thiên nhiên đạt được những kết quả nhất định. Tính đến hết tháng 6/2016, 12 tỉnh/thành phố đã phê duyệt Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học; các tỉnh/thành phố còn lại đang xây dựng Quy hoạch. Đến nay, Việt Nam đã có 08 khu Ramsar, 09 khu dự trữ sinh quyển thế giới, 05 khu di sản ASEAN và 02 khu di sản thiên nhiên thế giới được công nhận.

     Ngoài ra, công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về BVMT của người dân và cộng đồng tiếp tục được đẩy mạnh thực hiện thông qua duy trì xuất bản thường xuyên các số Tạp chí Môi trường và cập nhật trên Tạp chí Môi trường bản điện tử cũng như phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn (Đài Truyền hình Việt nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã…); Vận hành tốt hệ thống thông tin của mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia; Ban hành Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin năm 2016 và giai đoạn 2016-20120, trong đó tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm thực hiện thành công Nghị quyết số 36a/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 3455/QĐ-BTNMT của Bộ TN&MT về Chính phủ điện tử.

     Về triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2016, Tổng cục Môi trường tiếp tục thực hiện tốt công tác tham mưu, tổng hợp phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Bộ; Tưng cường xây dựng, hướng dẫn thực hiện và kiểm tra, thanh tra chấp hành pháp luật về BVMT; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả các công cụ, biện pháp quản lý nhà nước về BVMT. Đồng thời, để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về BVMT, Tổng cục Môi trường kiến nghị lãnh đạo Bộ: Tiếp tục quan tâm, chỉ đạo việc triển khai nhiệm vụ của Tổng cục; Tạo cơ chế, chính sách và đầu tư cho đội ngũ cán bộ môi trường đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng; Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ giữa Tổng cục với các đơn vị trực thuộc Bộ, các Bộ, ngành có liên quan; Nâng cao vai trò của Tổng cục trong phân bổ, điều phối, kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn lực nhà nước đã đầu tư, cho cho BVMT; Chỉ đạo các đơn vị trong Bộ cân đối, bổ sung, tăng kinh phí để Tổng cục triển khai các nhiệm vụ theo đề xuất.

     Tại Hội nghị, các đại biểu còn được nghe báo cáo tham luận và tham gia đóng góp ý kiến về nhiều vấn đề như: Tình hình thực hiện Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; Công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực môi trường; Công tác kiểm soát các vấn đề môi trường nóng, bức xúc, nổi cộm được dư luận quan tâm, phương tiện thông tin đại chúng phản ánh…

 

Toàn cảnh Hội nghị

 

      Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đánh giá cao nỗ lực của toàn thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Tổng cục Môi trường đã vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2016 và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác BVMT.

     Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta vẫn đang trong giai đoạn khó khăn. Đây là một thách thức lớn không chỉ đối với ngành tài nguyên môi trường nói chung, trong đó có công tác BVMT nói riêng. Trong khi đó, ô nhiễm môi trường đang có xu hướng gia tăng, đe dọa tới sự phát triển bền vững của đất nước. Vi phạm pháp luật về BVMT ngày càng diễn biến phức tạp, tinh vi, gây bức xúc trong đời sống xã hội, làm giảm sút lòng tin của người dân vào các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt là hiện tượng hải sản chết bất thường do sự cố môi trường tại một số tỉnh miền Trung thời gian qua đã đặt ra cho công tác BVMT những yêu cầu, nhiệm vụ hết sức nặng nề. Do đó, Thứ trưởng đề nghị Tổng cục Môi trường tiếp tục phát huy các kết quả đạt được, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan liên quan, vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2016. Trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm:

     Một là, tập trung xây dựng, hoàn hiện hệ thống chính sách, pháp luật về BVMT cũng như việc tổ chức triển khai các quy định pháp luật trên thực tế; đặc biệt là các văn bản hướng dẫn thi hành Luật BVMT năm 2014; đảm bảo hoàn thành đúng yêu cầu về tiến độ và chất lượng văn bản.

     Hai là, cần coi trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức ngành môi trường nói chung và của Tổng cục nói riêng; tiếp tục rà soát trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ các đơn vị trực thuộc, kể cả cán bộ lãnh đạo để đề xuất bố trí, phân công công việc bảo đảm sự hợp lý về năng lực với trọng trách được giao; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, xây dựng các tiêu chí chức danh chuyên môn nhằm nâng cao vai trò của cán bộ trong quá trình thực thi công vụ.

     Ba là, tập trung thực hiện tốt “Đề án khắc phục hậu quả đối với môi trường do sự cố môi trường gây ra tại các tỉnh ven biển miền Trung”; đồng thời triển khai tốt việc giám sát chặt chẽ thực hiện cam kết cũng như khắc phục các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường của Công ty Formosa để không xảy ra các sự cố tương tự.

     Bốn là, tiếp tục tăng cường cải cách hành chính, hướng về địa phương và cơ sở. Tổng cục cần tiếp tục rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp; hoàn thiện các quy trình, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian giải quyết các thủ tục hành chính.

     Năm là, tăng cường hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành; đặc biệt là công tác kiểm tra, giám sát các dự án lớn, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố; yêu cầu các dự án này thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với sự cố môi trường (quan trắc, lấy mẫu tự động; xây dựng hồ điều hòa, áp dụng chỉ thị sinh học;...).

     Sáu là, khẩn trương nghiên cứu, đề xuất với Lãnh đạo Bộ việc xây dựng các quy định về phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường, trong đó có các quy định về cơ chế chỉ đạo, điều hành, phối hợp giữa các cơ quan Trung ương và địa phương; phát huy được vai trò trách nhiệm chủ động của địa phương; việc phát ngôn và xử lý thông tin truyền thông.

     Bảy là, thống nhất với đề xuất của Tổng cục về việc tăng cường hơn nữa vai trò của Tổng cục trong việc phân bổ ngân sách nguồn sự nghiệp môi trường cho các Bộ, ngành và địa phương. Giao Vụ Tổ chức cán bộ của Bộ chủ trì, đề xuất quy chế phối hợp, phân công trách nhiệm cụ thể giữa Tổng cục Môi trường với Vụ Kế hoạch của Bộ trong công tác quản lý, phân bổ nguồn chi sự nghiệp môi trường cũng như công tác quản lý nguồn chi đầu tư phát triển trong lĩnh vực môi trường.

     Tám là, tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, huy động sức mạnh tổng hợp của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức đoàn thể và cộng đồng vào công tác bảo vệ môi trường nói chung và giám sát thực thi pháp luật về BVMT nói riêng.

     Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đề nghị Tổng cục Môi trường tiếp thu các ý kiến tâm huyết, sâu sắc của các đại biểu tại Hội nghị để tổng hợp, bổ sung vào kế hoạch nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm 2016; đồng thời, chủ động phối hợp, với các đơn vị trực thuộc Bộ để hoàn thành tốt nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra.

     Kết luận Hội nghị, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tài khẳng định, chỉ đạo của Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân sẽ được cụ thể hóa trong thời gian sắp tới. Tổng cục trưởng mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Bộ để Tổng cục ngày càng hoạt động hiệu quả, góp phần quan trọng vào phát triển bền vững đất nước.

 

Duy Bạch

Ý kiến của bạn