Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Ngăn ngừa vận chuyển xuyên biên giới chất thải nguy hại

29/11/2017

     Từ ngày 28 - 30/11/2017, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường phối hợp với Bộ Môi trường Nhật Bản tổ chức Hội thảo "Mạng lưới Đông Nam Á về ngăn ngừa vận chuyển xuyên biên giới trái phép chất thải nguy hại (CTNH)". Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ thực hiện Công ước Basel về kiểm soát việc vận chuyển, xuyên biên giới CTNH và tiêu hủy, nhằm nâng cao năng lực các quốc gia thành viên trong việc thực hiện Công ước Basel và thúc đẩy việc trao đổi thông tin nhằm ngăn ngừa việc vận chuyển trái phép CTNH xuyên biên giới.
     Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thế Đồng cho biết, thời gian qua, các quốc gia thành viên đã cùng hợp tác để tăng cường, bảo đảm việc quản lý về môi trường đối với CTNH và các loại chất thải khác. Cơ quan thẩm quyền Công ước Basel của Việt Nam, Tổng cục Môi trường thường xuyên phối hợp với Ban thư ký Công ước về các lĩnh vực xây dựng các văn bản pháp luật nhằm thực hiện Công ước về ngăn ngừa vận chuyển xuyên biên giới trái phép CTNH và đã đạt được những kết quả đáng được ghi nhận. Tuy nhiên, các nước cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa nhằm ngăn ngừa việc vận chuyển bất hợp pháp CTNH. 
 

Các đại biểu tại Hội thảo


     Tại Hội thảo, đại diện các bên tham gia đã trình bày chính sách mới trong hoạt động xuất khẩu CTNH, nhập khẩu phế liệu, tạm nhập, tái xuất chất thải, nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng; tình hình thực hiện Công ước Basel, tập trung vào các chất thải điện tử, ắc quy chì thải và chất thải thủy ngân; thuận lợi, khó khăn, các điển hình trong việc thực hiện Công ước Basel ở châu Á; xây dựng khung pháp lý về quản lý môi trường chất thải điện tử bao gồm trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất.
     Theo báo cáo của Ban Thư ký Công ước Basel, việc buôn bán chất thải giữa các nước chủ yếu tập trung vào các chất thải có thể tái chế, đặc biệt là các phế liệu kim loại, gồm có kim loại màu, kim loại đen, xỉ và cặn kim loại, phế liệu gốc kim loại như động cơ và xe cơ giới qua sử dụng, phế liệu phá dỡ tàu cũ. Hàng năm, trên thế giới có khoảng 50 triệu tấn chất thải độc hại được tạo ra và có khoảng 8 triệu tấn được vận chuyển giữa các nước, hầu hết từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển ở châu Phi và một số nước châu Á, trong đó có Việt Nam.

Trung Thảo

 

Ý kiến của bạn