Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Ngành Tài nguyên và môi trường: Chủ động, sáng tạo đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp

20/07/2019

     Ngày 19/7/2019, tại Thanh Hóa, Bộ TN&MT tổ chức Hội nghị Giao ban công tác quản lý TN&MT các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng cùng các Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa, Võ Tuấn Nhân, Trần Quý Kiên, Lê Công Thành chủ trì Hội nghị. 

     Chủ động, chuyển hóa thách thức thành cơ hội

     Qua 3 năm 6 tháng thực hiện triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của  về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020. Ngay từ khi bắt đầu triển khai kế hoạch, ngành TN&MT đã đối mặt với nhiều khó khăn, thách, tuy nhiên, bằng các giải pháp tổng thể, với cách tiếp cận tư duy và triết lý phát triển mới, ngành TN&MT đã chủ động chuyển hóa thách thức thành cơ hội; tập trung tháo gỡ các rào cản, giải phóng nguồn lực tài nguyên cho phát triển kinh tế - xã hội; tạo sự chuyển biến rõ nét, thực chất trên các lĩnh vực. Đặc biệt, ngành đã chủ động chuẩn bị và tham mưu để Đảng và Nhà nước ban hành những chủ trương, chính sách lớn mang tầm chiến lược dài hạn cho giai đoạn phát triển mới của đất nước. Riêng 6 tháng đầu năm 2019, toàn ngành đã chỉ đạo giải quyết tháo gỡ các vướng mắc cụ thể từ thực tiễn với gần 3.000 văn bản giải đáp, hướng dẫn (riêng Bộ TN&MT đã ban hành 1.300 văn bản). Các văn bản này sẽ được tập trung thành cơ dữ liệu để các địa phương nghiên cứu, tổ chức triển khai. Bộ TN&MT cũng đã nghiên cứu, đề xuất Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ ban hành các chủ trương, chính sách, pháp luật, chiến lược để phát huy nguồn lực tài nguyên, BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) như: Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kết luận số 36-KL/TW về đất đai; Luật Đo đạc và Bản đồ; Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với BĐKH…

     Lĩnh vực môi trường có những chuyển biến tích cực từ phương thức, tư duy quản lý đến triển khai trong thực tiễn. Nhiều dự án công nghiệp lớn được kiểm soát chặt chẽ, thực hiện đúng quy định pháp luật về BVMT, đảm bảo hoạt động hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy kinh tế phát triển. 88,3% số KCN có hệ thống xử lý chất thải tập trung, có thể hoàn thành vượt mục tiêu 89% do Quốc hội giao trong năm 2019. Đã triển khai nhiều giải pháp, sáng kiến quốc tế và trong nước nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa, bước đầu tạo được sự chung tay của toàn xã hội. Thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực môi trường đã được đơn giản hóa (25 thủ tục hành chính), rút ngắn thời gian 15 - 25 ngày phù hợp với công nghệ.

     Trong ứng phó với BĐKH, Bộ TN&MT đã nghiên cứu, đề xuất giải pháp tổng thể phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long; nghiên cứu giải pháp thủy thạch động lực trong phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển; khảo sát xác định các khu vực có nguy cơ sạt lở ở miền núi phía Bắc… để từ mô hình điểm, tiến tới nhân rộng ra các vùng.

 

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị

 

     Các địa phương cũng làm tốt nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp. Nếu năm 2015 - 2016, người dân, doanh nghiệp thường phản ánh các thủ tục hành chính (TTHC) về đất đai, khoáng sản… gặp khó khăn thì hiện nay, qua lăng kính đánh giá của các tổ chức độc lập quốc tế, nhân dân, doanh nghiệp, ngành TN&MT đã có bước chuyển biến rất rõ qua từng năm. Theo khảo sát của PAPI, tỷ lệ người dân phản ánh phải bôi trơn khi làm thủ tục sổ đỏ giảm 29% so với năm 2015, chỉ số hài lòng đối với trường hợp bồi thường khi thu hồi đất nông nghiệp đạt 68%. Chỉ số tiếp cận đất đai tăng 0,27 điểm. Các chỉ đo lường sự hài lòng của người dân (SIPAS) đối với 2 dịch vụ công về đất đai và môi trường tăng đều qua 3 năm, trong đó chỉ số đánh giá về tiếp cận dịch vụ công tăng từ 73,7 năm 2016 lên 80,03 điểm năm 2018; chỉ số đánh giá về quy định về TTHC từ 73,5 lên 84,53 điểm; chỉ số đánh giá sự phục vụ của công chức tăng từ 74,3 lên 81,52 điểm; chỉ số đánh giá kết quả giải quyết TTHC tăng từ 73,7 lên 85,25 điểm. Chỉ số đăng ký tài sản (gồm đất đai, nhà ở, tài sản gắn liền với đất) xếp 60/190 quốc gia được đánh giá. Tỷ lệ cấp Giấy chứng nhận đã đạt 97,5%.

     Trong công tác phối hợp với các Bộ, ngành, đơn vị liên quan, Bộ TN&MT đã lắng nghe ý kiến từ địa phương cơ sở để hoàn thiện chính sách theo hình thức một văn bản sửa nhiều văn bản như: Nghị định số 01/2017/NĐ-CP giải quyết các vướng mắc về chính sách đất đai; Nghị định số 40/2019/NĐ-CP giải quyết các vấn đề về môi trường. Trên cơ sở kiến nghị địa phương và sau 2 Hội nghị giao ban vùng, Bộ sẽ tiếp tục trình ban hành các văn bản theo thẩm quyền để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc.

     Cùng tháo gỡ khó khăn, tạo sự chuyển biến lớn trong công tác quản lý nhà nước về TN&MT

     Hội nghị đã được nghe các đơn vị chức năng của Bộ TN&MT giới thiệu, hướng dẫn một số văn bản mới ban hành về TN&MT; báo cáo những định hướng lớn trong sửa đổi Luật Đất đai, Luật BVMT; tình hình thực hiện Hệ thống tương tác, kết nối liên thông giữa Bộ với các Sở TN&MT… Trên cơ sở đó, các đại biểu tập trung thảo luận về nhiệm vụ, hoạt động trọng tâm trong công quản lý, thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về TN&MT; việc phối hợp giữa các đơn vị trực thuộc Bộ với Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước của ngành; hướng dẫn, tháo gỡ và giải đáp các vướng mắc của địa phương, cụ thể: Chủ trương, cơ chế, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm tạo được các đột phá có tính cách mạng để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về TN&MT, phát huy nguồn lực tài nguyên, BVMT, chuyển hoá thách thức của biến đổi khí hậu thành cơ hội cho phát triển, đưa vào các văn kiện, Nghị quyết Đại hội đảng các cấp để huy động toàn hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện; vấn đề liên quan đến Luật sửa đổi một số điều của Luật đất đai và Luật BVMT; xác định các mục tiêu, nhiệm vụ, định hướng ưu tiên trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 để giao chỉ tiêu trách nhiệm cho từng cấp, từng ngành. Bên cạnh đó, quán triệt và quyết tâm thực hiện chỉ đạo của của Thủ tướng Chính phủ "kiên định mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, không điều chỉnh bất cứ một chỉ tiêu nào". Ngành TN&MT với vai trò là cơ quan quản lý các tư liệu, nguồn lực đầu vào và đầu ra cho mọi hoạt động kinh tế - xã hội, đặt quyết tâm cao, chủ động, sáng tạo để triển khai các nhiệm vụ, trực tiếp lắng nghe phản ánh các vướng mắc và cùng thảo luận, trao đổi, giải đáp, tháo gỡ để khơi thông các điểm nghẽn cho phát triển; chia sẻ những kinh nghiệm về nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.

     Tại Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cùng các Thứ trưởng và lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ TN&MT đã giải đáp từng kiến nghị của địa phương liên quan đến chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở gây ô nhiễm trong khu dân cư; quy định chế độ báo cáo công tác BVMT của doanh nghiệp; vướng mắc liên quan đến các dự án sản xuất, kinh doanh thuộc diện tự thỏa thuận mà có phần diện tích đất mà người đang sử dụng đất không có quyền chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất…

 

Toàn cảnh Hội nghị

 

     Trên cơ sở phân tích và trả lời cụ thể những kiến nghị của các tỉnh, thành phố, kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh một số nhóm nhiệm vụ chiến lược, vấn đề toàn ngành cần tập trung triển khai trong 6 tháng cuối năm. Trong đó, việc xây dựng hoàn thiện thể chế chính sách là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, bởi chủ trương, cơ chế, chính sách, pháp luật đúng đắn, phù hợp sẽ tạo được những đột phá có tính cách mạng cho phát triển trong giai đoạn tiếp theo; đặc biệt đối với lĩnh vực tài nguyên và môi trường là đầu vào và đầu ra của các hoạt động kinh tế - xã hội. Theo Bộ trưởng, trước mắt cần tập trung xây dựng các quy hoạch về đất đai, tài nguyên nước, môi trường, khoáng sản, không gian biển, tài nguyên vùng bờ với tư duy mới - tiếp cận tổng hợp, theo không gian, phát huy lợi thế tự nhiên của tài nguyên, thích ứng với biến đổi khí hậu, giải quyết được yêu cầu phát triển trước mắt và bảo đảm lợi ích lâu dài.

     Bộ trưởng Trần Hồng Hà yêu cầu các địa phương làm tốt hơn công tác truyền thông chính sách, phản ánh kiến nghị đến tới các Đoàn Đại biểu Quốc hội tại địa phương. Như vậy chính sách khi được xây dựng sẽ mang tính thực tiễn cao. Từ nay đến cuối năm, Bộ sẽ triển khai một số Hội nghị chuyên đề hoàn thiện chính sách về đất đai, môi trường, cơ sở dữ liệu thông tin về TN&MT; tiêu chuẩn về môi trường; hội nghị về quản lý chất thải rắn… Bên cạnh đó, phải có cơ chế gắn kết giữa các địa phương đối với Bộ TN&MT, tạo sự tương tác thường xuyên để tháo gỡ những khó khăn trong việc thực thi chính sách. Xây dựng cơ sở dữ liệu văn bản hướng dẫn dùng chung để các địa phương tham khảo, nghiên cứu, thực hiện thống nhất đối các trường hợp tương tự để giảm văn bản trao đổi. Bộ trưởng giao cho Cục Công nghệ thông tin và dữ liệu TN&MT hoàn thiện hệ thống tương tác để Bộ trưởng, các đơn vị và các Sở TN&MT có thể trao đổi chuyên môn, tham khảo kinh nghiệm của các địa phương.

     Cơ sở dữ liệu là nền tảng cho quản lý, xây dựng Chính phủ điện tử, ứng dụng kết nối vạn vật để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng. Vì vậy, cần phải tập trung các nguồn lực để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về tài nguyên và môi trường, trong đó cơ sở dữ liệu đất đai, Nghị quyết của Quốc hội giao phải hoàn thành trước năm 2023 đối với đô thị và trước 2025 đối với các tỉnh, thành phố còn lại - Bộ trưởng nhấn mạnh.

     Về việc sắp xếp bộ máy của các Sở TN&MT, Bộ đã có văn bản đề nghị Tỉnh ủy, Thành ủy, UBND các tỉnh quan tâm, chỉ đạo việc sắp xếp cơ cấu tổ chức của các Sở, chú ý bảo đảm tinh gọn nhưng phải trên cơ sở hướng dẫn của Bộ TN&MT - Bộ Nội vụ, bảo đảm tiêu chí khi sắp xếp, đáp ứng yêu cầu quản lý. Trước mắt, các tỉnh cần rà soát gửi các Đề án vị trí việc làm của Sở về Bộ để xây dựng khung vị trí việc làm của ngành, từ đó, các Sở thực hiện bảo đảm chuẩn hóa, sắp xếp, bố trí biên chế, đào tạo.

 

Gia Linh (Tổng hợp)

Ý kiến của bạn