Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Ngành Tài nguyên và Môi trường hướng tới xây dựng một Chính phủ kiến tạo, lấy người dân, doanh nghiệp là đối tượng phục vụ

07/11/2016

     Ngày 7/11/2016, Bộ TN&MT đã tổ chức buổi giao lưu trực tuyến (GLTT) với chủ đề “Hoàn thiện chính sách, pháp luật về TN&MT nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhân dân và doanh nghiệp (DN)”. Chủ trì buổi GLTT có Bộ trưởng Trần Hồng Hà và các Thứ trưởng: Chu Phạm Ngọc Hiển, Nguyễn Linh Ngọc, Nguyễn Thị Phương Hoa và Võ Tuấn Nhân.

 

Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu khai mạc Giao lưu trực tuyến

 

     Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, trong thời gian qua, Bộ TN&MT luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về TN&MT. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật về các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ được ban hành đã tạo hành lang pháp lý khá đầy đủ, đồng bộ, góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về TN&MT.

     Trong cải cách thủ tục hành chính, B ộ đã rà soát, đơn giản hóa theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và DN, cắt giảm chi phí tuân thủ các thủ tục của xã hội như lĩnh vực quản lý đất đai giảm 30 thủ tục đối với nơi đã thành lập Văn phòng đăng ký đất đai và giảm 9 thủ tục đối với nơi chưa thành lập Văn phòng đăng ký đất đai; một số thủ tục con hoặc công việc không cần thiết trong giao đất, cho thuê đất và đăng ký, cấp giấy chứng nhận đã được bãi bỏ; thời gian thực hiện thủ tục giảm so với quy định trước đây đối với tất cả các thủ tục; đơn giản hóa thành phần hồ sơ và số lượng hồ sơ phải nộp; lĩnh vực khoáng sản đã cắt giảm gần 40% thủ tục hành chính không cần thiết...

     Mặc dù vậy, một số cơ chế, chính sách hiện vẫn còn bất cập, chưa theo kịp thực tiễn, chưa bắt kịp cơ chế thị trường và yêu cầu của quá trình hội nhập dẫn đến hiệu quả giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn chưa kịp thời, nhất là trong các lĩnh vực quan lý đất đai, môi trường, quản lý tài nguyên nước. Bên cạnh đó, hiện nay, nhiều người dân và DN chưa nắm vững quy trình thủ tục dẫn đến chưa đến đúng nơi phải nộp hồ sơ hoặc phải bổ sung hồ sơ làm phát sinh chi phí tuân thủ thủ tục; ở một số cơ quan, một số địa phương còn một bộ phận cán bộ, công chức phục vụ trong lĩnh vực thủ tục hành chính còn chưa đáp ứng yêu cầu năng lực, còn lợi dụng chức trách nhiệm vụ, yêu cầu nộp thêm giấy tờ, hồ sơ ngoài quy định của pháp luật gây khó khăn cho người dân và DN trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính.

 

Toàn cảnh buổi Giao lưu trực tuyến

 

     Tính đến 17h00 cùng ngày, có 667 câu hỏi được gửi đến Bộ và 63 Sở TN&MT các tỉnh, TP (264 câu hỏi gửi đến Bộ và 403 câu hỏi gửi đến các Sở). Bộ cùng các Sở đã trả lời được 345 câu chiếm 62,5% tổng số câu hỏi hợp lệ, trong đó, Bộ đã trả lời và công bố trên mạng 112 câu hỏi của nhân dân và DN.

     Lĩnh vực đất đai 347 câu, tập trung chủ yếu vào nội dung đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; dự án treo; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư;...

     Lĩnh vực khoáng sản 34 câu, tập trung chủ yếu liên quan đến tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; quyền lợi của người dân và địa phương nơi có mỏ khai thác; đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với khoáng sản là vật liệu xây dựng thông thường...

     Lĩnh vực môi trường 83 câu, tập trung chủ yếu vào nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường; khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường trong khai thác khoáng sản; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bảo vệ môi trường; xử lý vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường...

     Lĩnh vực tài nguyên nước 39 câu, tập trung chủ yếu vào nội dung cấp phép xả nước thải vào nguồn nước; khai thác sử dụng nước dưới đất; xử lý vi phạm về tài nguyên nước...

     Thông qua ý kiến phản ánh, kiến nghị, góp ý xây dựng của nhân dân và DN tham gia buổi GLTT, các cơ quan quản lý nhà nước kịp thời phát hiện, giải quyết những vấn đề mới phát sinh, vướng mắc trong cơ chế, chính sách, pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành TN&MT, trên cơ sở đó tiếp tục hoàn thiện để phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.

 

Uyên Hoàng

Ý kiến của bạn