Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Năm 2019: Ngành Tài nguyên và Môi trường có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước

28/12/2019

     Ngày 27/12/2019, tại Hà Nội, Bộ TN&MT tổ chức Hội nghị tổng kết công tác 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020 của ngành TN&MT. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

     Nỗ lực của toàn ngành tạo sự chuyển biến rõ nét, thực chất trên các lĩnh vực và trong phạm vi cả nước

     Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, trong năm 2019, nhờ có sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, trực tiếp là Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng; quyết tâm tạo đột phá, phát huy nguồn lực tài nguyên cho phát triển kinh tế - xã hội, BVMT, chủ động ứng phó với BĐKH vì mục tiêu phát triển bền vững; sự phối hợp hiệu quả của các Bộ, ban, ngành; sự quan tâm của UBND các cấp cùng với sự hưởng ứng và tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, toàn ngành TN&MT đã xây dựng Chương trình hành động cụ thể hoá các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể:

     Bộ TN&MT đã bám sát phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”, quyết liệt triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đặt ra; dự báo sát các xu thế và nhận diện, xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh; đổi mới tư duy và hành động; đẩy mạnh hoạt động phối hợp giữa Trung ương và địa phương để nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật; tăng cường rà soát, đánh giá thực tiễn, trình ban hành kịp thời các cơ chế, chính sách góp phần khơi thông các nguồn lực tài nguyên, thúc đẩy thu hút đầu tư cho tăng trưởng kinh tế, thắt chặt quản lý môi trường, chủ động ứng phó với BĐKH. Đồng thời, chuẩn bị các điều kiện, nền tảng cho giai đoạn phát triển mới; tập trung xây dựng hạ tầng thông tin địa lý; tích hợp, liên thông các dữ liệu TN&MT, tạo nền tảng phục vụ phát triển Chính phủ điện tử, sẵng sàng cho ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công; công tác thanh tra, kiểm tra về TN&MT đã được đổi mới, triển khai có trọng tâm, trọng điểm, tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc của người dân, qua thanh tra đã xử phạt vi phạm hành chính, truy thu 82 tỷ đồng, thu hồi 1.484 ha đất.

 

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

 

     Bên cạnh đó, cơ cấu sử dụng đất chuyển dịch theo hướng hiệu quả, nguồn thu từ đất đạt 184 nghìn tỷ đồng, đóng góp 11% thu ngân sách nội địa. Chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân (SIPAS) đối với dịch vụ công về đất đai, môi trường tăng đều qua 3 năm; tổ chức dịch công chuyển dần sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo minh bạch, tái đầu tư cho ngành; các Văn phòng đăng ký đất đai đã thu 3.857 tỷ đồng; An ninh nguồn nước từng bước được đảm bảo, tài nguyên nước điều tiết, sử dụng hài hòa phục vụ đa mục tiêu. Tiềm năng địa chất, khoáng sản đã được phát huy hiệu quả hơn nữa, đóng góp cho tăng trưởng sau nhiều năm suy giảm. Lợi thế, thế mạnh về biển ngày càng được phát triển, trở thành động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; một số địa phương có biển như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, TP. Hồ Chí Minh... đã trở thành khu vực phát triển năng động, thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước.

     Công tác quản lý, BVMT cũng tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ từ trong tư duy quản lý đến hành động, với nhiều giải pháp đồng bộ, từ hoàn thiện chính sách pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, sự giám sát và tham gia của người dân. Các giải pháp cho vấn đề quản lý chất thải rắn, giảm thiểu rác thải nhựa từng bước được đẩy mạnh thực hiện và nhận được sự hưởng ứng, ủng hộ của các Bộ, ban, ngành, chính quyền địa phương các cấp, sự đồng tình và tham gia chủ động, tích cực của người dân, doanh nghiệp trên cả nước. Hệ thống quan trắc, giám sát từng bước được bổ sung đầu tư để kiểm soát nguy cơ cao ô nhiễm môi trường. Chất lượng dự báo khí tượng thủy văn ngày càng được nâng cao về dự báo dài hạn và ngắn hạn để các Bộ, ngành, địa phương chủ động xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, cũng như tổ chức phòng, tránh thiên tai hiệu quả, góp phần bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân. Các giải pháp ứng phó với BĐKH được đẩy mạnh triển khai như chuyển đổi quy mô lớn, tăng cường kết nối về hạ tầng phát triển kinh tế, nhằm chuyển hóa các thách thức thành cơ hội, phục vụ phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long và các vùng, miền khác trên cả nước.

     Theo Bộ trưởng, năm 2020 được Chính phủ xem là năm “về đích” hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, môi trường của giai đoạn 2016 - 2020, tạo nền tảng cho các mục tiêu, tầm nhìn dài hạn hơn đến năm 2030, 2045. Vì vậy, để góp phần thực hiện thành công các chủ trương lớn của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, ngành TN&MT sẽ tiếp tục cố gắng có thêm những đột phá từ thế chế, chính sách, pháp luật, đến chiến lược, quy hoạch, tổ chức triển khai thực hiện, nhằm thay đổi cách thức tăng trưởng và mô hình phát triển, phát huy một cách bền vững nguồn lực tài nguyên; chủ động chuyển hóa các nguy cơ về suy thoái, suy giảm tài nguyên, ô nhiễm môi trường, tác động của BĐKH. Đồng thời, góp phần thực hiện tốt các cam kết đóng góp của Việt Nam về BVMT, giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa đại dương, ứng phó với BĐKH trong nỗ lực chung của toàn cầu; tận dụng tốt những cơ hội từ xu thế toàn cầu về khoa học, công nghệ nhằm nâng cao sức cạnh tranh của cả nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế trong bối cảnh mới…

     8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2020

     Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động ngành TN&TMT nói chung, Bộ TN&MT nói riêng đã đoàn kết, nỗ lực khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ, góp phần quan trọng phát triển đất nước trong những năm qua, đặc biệt là năm 2019. Phó Thủ tướng cho rằng, ngành TN&MT đã đạt được những kết quả quan trọng, trong đó tập trung nguồn lực sửa đổi Luật Đất đai, Luật BVMT; chủ động đề xuất các giải pháp, vấn đề liên quan đến chiến lược ứng phó với BĐKH, tài nguyên nước, thúc đẩy việc triển khai các quyết sách có tính hệ thống, chiến lược về ứng phó với BĐKH, nhất là thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với BĐKH. Phó Thủ tướng cũng thống nhất với phương hướng nhiệm vụ, kế hoạch công tác năm 2020, cũng như các giải pháp thực hiện đã nêu trong Báo cáo Tổng kết của Bộ TN&MT. Để triển khai thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đã để ra, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị ngành TN&MT tập trung thực hiện 8  nhiệm vụ trọng tâm sau:

     Một là, hoàn thiện hệ thống chủ trương, cơ chế, chính sách, pháp luật, đảm bảo đồng bộ, minh bạch, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường để khơi thông, giải phóng tối đa và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho phát triển. Trong đó trọng tâm là sửa đổi chính sách pháp luật về đất đai; sửa đổi, bổ sung Luật BVMT đảm bảo phù hợp với yêu cầu chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đưa môi trường cùng với kinh tế, xã hội là 3 trụ cột trung tâm của phát triển. Cùng với đó, thực hiện tổng kết, đánh giá việc thực thi các Luật: Khoáng sản, Tài nguyên nước, Khí tượng thuỷ văn, Đa dạng sinh học, Tài nguyên, môi trường Biển và hải đảo; nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp với các địa phương để kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện liên thông, đảm bảo thuận lợi cho các thành phần kinh tế tiếp cận nguồn lực tài nguyên.

 

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cùng lãnh đạo các Bộ, ban, ngành ấn nút ra mắt Mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia

 

     Hai là, tập trung điều tra, kiểm kê, thống kê các nguồn tài nguyên thiên nhiên; triển khai công tác lập quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch không gian biển quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch ngành để trình phê duyệt; khắc phục được tình trạng thiếu đồng bộ, thiếu khả thi, không sát với thực tiễn; quy hoạch đất đai cần phải đảm các định hướng lớn của quốc gia như vấn đề an ninh lương thực, môi trường sinh thái, định hình không gian phát triển của đất nước với tầm nhìn dài hạn; kết nối với quy hoạch không gian biển để tạo sự liền mạch, phát huy tiềm năng thế mạnh của biển cho phát triển bền vững, mở cửa hội nhập; phải quản lý tốt không gian ngầm và chiều cao.

     Ba là, chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm, nhằm nâng hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật. Đặc biệt, cần chú trọng công tác tiếp dân, đối thoại, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở ngay từ cấp cơ sở không để phát sinh thành các điểm nóng phức tạp trong năm diễn ra nhiều sự kiện của đất nước.

     Bốn là, tập trung triển khai kiểm kê quỹ đất của toàn quốc; hoàn thành dứt điểm việc rà soát, xử lý đất đai của các công ty nông, lâm nghiệp; giải quyết căn bản tình trạng lãng phí, sử dụng đất sai mục đích, vi phạm pháp luật về đất đai; kịp thời giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án trọng điểm của quốc gia, đặc biệt là vướng mắc trong việc đấu thầu, đấu giá đất; bồi thường, giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, an ninh nguồn nước đang là vấn đề cấp bách bởi Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu nước do gia tăng về ô nhiễm nguồn nước và đặc biệt là khan hiếm nguồn nước dưới tác động của BĐKH. Do đó, cần tiến hành kiểm kê, đánh giá hiện trạng tài nguyên nước; tiếp tục đổi mới quản trị tài nguyên nước quốc gia; sớm hoàn thành việc lập Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia và các lưu vực sông sông liên tỉnh; nghiên cứu, đề xuất ngay các giải pháp tổng thể để tăng cường khả năng trữ nước, trước mắt ưu tiên những vùng thường xuyên bị hạn hán, xâm nhập mặn; chủ động tham mưu chủ trương, đối sách của Việt Nam trong các vấn đề xuyên biên giới; hoàn thiện các giải pháp cấp bách xử lý, ứng phó sự cố ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt trên diện rộng…

     Năm là, cần phải hành động quyết liệt để tạo chuyển biến căn bản trong công tác quản lý, BVMT. Trước hết, phải hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, tăng cường trách nhiệm BVMT của nhà sản xuất, người gây ô nhiễm; rà soát, hoàn thiện các quy trình quy chế ứng phó sự cô môi trường để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, đảm bảo khắc phục nhanh, hiệu quả khi có sự cố; thiết lập cơ chế sàng lọc dự án từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, phòng ngừa, giảm thiểu, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm; bảo vệ các khu vực nhạy cảm về môi trường; tập trung xử lý các cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, thực hiên di dời các cơ sở sản xuất kinh doanh có nguy cơ ô nhiễm ra khỏi đô thị, khu dân cư; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành đông của toàn xã hội về BVMT, xây dựng ý thức BVMT trở thành nếp sống, văn hóa trong cộng đồng dân cư.

 

Toàn cảnh Hội nghị

 

     Sáu là, tiếp tục ưu tiên nguồn lực, tập trung triển khai các giải pháp ứng phó với BĐKH, nước biển dâng. Cần sớm hiện đại hóa, hoàn thiện thiện hệ thống trạm khí tượng thủy văn, hệ thống cảnh báo thiên tai, coi đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong điều kiện BĐKH đang ngày càng khốc liệt. Bộ TN&MT phải tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế khẩn trương hoàn thiện chính sách pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho công tác quản lý nhà nước về BĐKH; cập nhật kịch bản BĐKH, nước biển dâng của Việt Nam và ban hành Kế hoạch hành động quốc gia ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021 - 2030; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp ứng phó hiệu quả, phù hợp với điều kiện của từng vùng để thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất quy mô lớn, quy hoạch dân cư để thích ứng; tập trung nguồn lực để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ.

     Bảy là, tập trung hoàn thiện hạ tầng không gian địa lý, tích hợp dữ liệu các nền tảng trong ứng dụng thành tựu cuộc Cách mạng khoa học công nghệ 4.0, trong đó tập trung xây dựng hạ tầng không gian địa lý, phát triển ngành đo đạc, bản đồ; phát triển hạ tầng không gian quốc gia, áp dụng công nghệ số trong lĩnh vực này; ứng dụng mạnh công nghệ viễn thám trong giám sát và quản lý tài nguyên môi trường.

     Tám là, tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ nghiệp vụ, khoa học nghiên cứu, công chức, viên chức trong hệ thống ngành TN&MT để đáp ứng yêu cầu  nhiệm vụ của ngành.

     Tại Hội nghị, đại diện các Bộ, ngành đã tập trung thảo luận, đưa ra nhiều ý kiến để giải quyết những vướng mắc về thể chế, góp phần giúp ngành TN&MT tập trung sửa đổi Luật BVMT và những vấn đề khác trong thời gian tới.

     Nhân dịp này, Bộ TN&MT ra mắt Mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia (VNGFONET), nhằm nâng cao chất lượng xác định vị trí, tọa độ, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa hạ tầng đo đạc và bản đồ cơ bản; cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác thông tin, dữ liệu đo đạc và bản đồ, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.

 

Bùi Hằng

Ý kiến của bạn