Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Nâng cao năng lực quản lý môi trường nước lưu vực sông

25/12/2017

     Ngày 22/12/2017, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường đã tổ chức Hội thảo “Tham vấn kỹ thuật về các văn bản pháp luật phục vụ công tác quản lý môi trường nước lưu vực sông”.

​     Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức cho biết, Dự án hợp tác giữa hai Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản về tăng cường năng lực quản lý môi trường nước lưu vực sông (LVS) thông qua xây dựng chính sách, văn bản quy phạm pháp luật đã được Bộ trưởng Bộ TN&MT phê duyệt theo Quyết định số 574/QĐ-BTNMT ngày 22/3/2016 và dự kiến kết thúc vào năm 2018. Thực hiện các nhiệm vụ được giao, trong thời gian qua, Tổng cục Môi trường, nhóm chuyên gia Nhật Bản và Sở TN&MT các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh thuộc lưu vực hệ thống sông Đồng Nai; Các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang trên LVS Cầu phối hợp chặt chẽ và tập trung nguồn lực để thực hiện các hoạt động của Dự án theo kế hoạch đặt ra, góp phần thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý hiệu quả môi trường nước LVS, góp phần quan trọng vào công tác BVMT nói chung và môi trường nước LVS nói riêng ở Việt Nam. Cụ thể là đã triển khai Dự án thí điểm tại các LVS Cầu và hệ thống sông Đồng Nai và xây dựng Dự thảo văn bản quản lý LVS.

 


Toàn cảnh Hội thảo

 

     Căn cứ pháp lý để xây dựng 2 Thông tư nêu trên là Luật BVMT năm 2014 và Nghị định số 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải, phế liệu. Mục tiêu Dự thảo “Thông tư quy định về đánh giá sức chịu tải, phân bổ hạn ngạch xả thải vào sông” nhằm hướng dẫn, quy định tính toán tải lượng ô nhiễm, sức chịu tải trên sông và dựa vào đó để phân bổ hạn ngạch xả nước thải vào sông sao cho vẫn đảm bảo sức chịu tải của sông và tiến tới xây dựng Kế hoạch quản lý tổng thể toàn bộ môi trường nước LVS.

     Với Dự thảo “Thông tư về xác định, kiểm kê các nguồn nước thải” nhằm thống nhất kỹ thuật và đầu mối tổng hợp, quản lý các nguồn nước thải nhằm phục vụ quản lý hiệu quả, thống nhất các nguồn xả nước thải trên LVS nói riêng, môi trường sống nói chung; Phục vụ cung cấp thông tin đầu vào cho “Thông tư quy định về đánh giá sức chịu tải và phân bổ hạn ngạch xả thải vào sông”.

     Tại Hội thảo, các chuyên gia JICA đã trình bày về phương pháp phân tích tải lượng ô nhiễm và kiểm kê nguồn nước thải do Dự án phát triển; Giải thích về hệ thống kiểm soát tải lượng ô nhiễm và Kế hoạch quản lý LVS tại Nhật Bản; Thảo luận về việc tổng hợp quản lý môi trường nước LVS dựa trên thực trạng tại Việt Nam.

     Trong phiên thảo luận, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến để hoàn thiện 2 dự thảo Thông tư - kết quả quan trọng của Dự án như: Phạm vi, đối tượng, quy trình, quy định kỹ thuật, trách nhiệm và tổ chức thực hiện trong 2 Thông tư; Hình thức, nội dung và quy định kỹ thuật trong Hướng dẫn kỹ thuật tính toán sức chịu tải, hạn ngạch xả thải và Sổ tay xác định, kiểm kê các nguồn xả nước thải chính; Xác định chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị liên quan như Tổng cục Môi trường, Sở TN&MT các tỉnh, một số Bộ/ngành khác có liên quan.

 

Quỳnh Như (Theo VEA)

Ý kiến của bạn