Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Ký kết Quy chế phối hợp trong việc bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai

09/01/2017

   Ngày 6/1/2017, tại tỉnh Bình Phước, Bộ TN&MT tổ chức phiên họp lần thứ 10 của Ủy ban BVMT lưu vực hệ thống sông Đồng Nai. Tham dự phiên họp có Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân, đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo UBND 11 tỉnh/thành phố trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai .

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân phát biểu tại phiên họp

   Lưu vực hệ thống sông Đồng Nai là một trong những lưu vực sông lớn nhất của Việt Nam. Nguồn nước của lưu vực có vai trò đặc biệt quan trọng, phục vụ đời sống của nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội cho một trong những vùng kinh tế trọng điểm phát triển năng động nhất nước ta. Tuy nhiên, hiện nay tài nguyên nước tại lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đang phải đối mặt với những thách thức lớn trong quản lý, khai thác và sử dụng nước. Gia tăng dân số, phát triển kinh tế, thay đổi cơ cấu sử dụng đất và biến đổi khí hậu đã khiến tình trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường ở nhiều nơi trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai ngày càng gia tăng, có lúc và có nơi lên đến mức báo động. Sự phân bố của tài nguyên nước thường không phụ thuộc theo địa giới hành chính, vì vậy, quản lý tài nguyên nước theo lưu vực sông phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa khai thác, sử dụng, phát triển tài nguyên nước với việc BVMT. Do đó, công tác BVMT lưu vực sông là một nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách đối với các Bộ, ngành và đặc biệt là 11 tỉnh/thành phố trên lưu vực.

   Ủy ban BVMT lưu vực hệ thống sông Đồng Nai được Thủ tướng Chính phủ thành lập theo Quyết định số 157/2008/QĐ-TTg ngày 1/12/2008, là tổ chức chỉ đạo, điều phối liên ngành, liên vùng để thống nhất thực hiện “Đề án BVMT lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2020”.

   Phiên họp lần thứ 10 nhằm đánh giá các nhiệm vụ đã được thực hiện trong năm 2016 về triển khai Đề án BVMT lưu vực hệ thống sông Đồng Nai. 

   Báo cáo của Ủy ban BVMT lưu vực hệ thống sông Đồng Nai cho biết, hệ thống lưu vực sông Đồng Nai chảy qua địa phận 11 tỉnh/thành phố khu vực Tây Nguyên và Nam bộ. Nguồn nước của lưu vực sông có tầm quan trọng đối với các tỉnh/thành phố trong phát triển kinh tế - xã hội và quan trọng hơn là chức năng cung cấp nước cho sinh hoạt của hàng triệu người dân của khu vực phía Nam. Trong năm 2016, 11 tỉnh/thành phố thuộc lưu vực sông Đồng Nai đã có nhiều chính sách, thực hiện nhiều đợt quan trắc, giám sát môi trường và cơ sở hạ tầng bảo vệ nguồn nước. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về điều kiện tự nhiên, thông tin thủy văn, thông tin khí tượng, hiện trạng môi trường, số liệu quan trắc… đã được Ủy ban BVMT hệ thống lưu vực sông Đồng Nai thực hiện nhằm chia sẻ thông tin dữ liệu giữa 11 tỉnh/thành phố có lưu vực sông để phối hợp quản lý và xử lý các vấn đề liên vùng, liên ngành.

   Kết quả quan trắc nguồn nước cho thấy, hiện nay, tầng nước mặt của lưu vực sông Đồng Nai vẫn đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, chất lượng phần nước trung lưu và hạ lưu sông đang trong tình trạng ô nhiễm do tiếp nhận nguồn nước thải sinh hoạt và công nghiệp của các tỉnh/ thành phố lận cận. Đối với Bình Phước, tỉnh có 3 con sông chính có nguồn nước chảy qua và đổ về sông Đồng Nai là sông Bé, sông Sài Gòn, sông Đa Dâng. Thống kê cho thấy, xung quanh khu vực các con sông này hiện có 261 nguồn thải của các cơ sở sản xuất, khu công nghiệp, trang trại chăn nuôi, cơ sở y tế… xả ra lưu vực sông, với lưu lượng khoảng hơn 29.700 m3/ngày. Tuy nhiên, hiện nay tỉnh mới chỉ thống kê, điều tra được 70 nguồn thải.

Toàn cảnh phiên họp

   Tại phiên họp, Thứ trưởng Võ Tấn Nhân lưu ý, hoạt động của Ủy ban BVMT lưu vực hệ thống sông Đồng Nai trong 10 phiên họp đã qua còn hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu từ cơ chế tổ chức của Ủy ban, không có nguồn lực để triển khai triển khai các nhiệm vụ, dự án khắc phục ô nhiễm, cải thiện chất lượng nước các dòng sông.

   Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa, cần phải phát huy trách nhiệm của từng địa phương trong việc bảo vệ lưu vực hệ thống sông Đồng Nai; phải bảo vệ chất lượng nguồn nước thật tốt để phục vụ cho các hoạt động của con người. Lãnh đạo TP.HCM xác định không phát triển kinh tế quá mức để đánh đổi việc ô nhiễm môi trường.

Lãnh đạo UBND các tỉnh/thành phố ký kết Quy chế phối hợp

   Thảo luận tại phiên họp, lãnh đạo các tỉnh/thành phố tập trung bàn bạc các nội dung liên quan đến cơ chế phối hợp hoạt động giữa các thành viên trong Ủy ban BVMT lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, để nâng cao chất lượng thực hiện đề án, tạo sự đồng thuận trong việc thực hiện các vấn đề liên tỉnh, liên vùng, liên ngành. Kết thúc phiên họp, các đại biểu đã ký kết Quy chế phối hợp quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản và BVMT.

Đinh Hương

Ý kiến của bạn