Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Hai năm thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ: Cần sớm nghiên cứu, hình thành thể chế phù hợp cho đồng bằng sông Cửu Long

19/06/2019

     Ngày 18/6/2019, tại TP. Hồ Chí Minh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với BĐKH. Hội nghị lần này thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ đối với sự phát triển của vùng đồng bằng chiếm 20% dân số cả nước, đóng góp 18% cho GDP quốc gia nhưng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi BĐKH.

 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận Hội nghị

 

     Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự đã nghe phát biểu tham luận đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP và đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả việc thực hiện Nghị quyết trong thời gian tới của đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, đối tác phát triển trong và ngoài nước, lãnh đạo các tỉnh thuộc ĐBSCL, nhà khoa học, doanh nghiệp…

     Những kết quả bước đầu

     Theo Báo cáo đánh giá tổng hợp kết quả thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP, đã có những kết quả bước đầu đáng ghi nhận: Nghị quyết được ban hành đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy của các cấp, các ngành trong xây dựng chính sách, xác định chương trình chiến lược, dự án cấp bách. Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo, tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, chính sách, nguồn lực, quy hoạch kết nối liên vùng… Nhân dân đồng tình, ủng hộ và chủ động tham gia. Đảng bộ, chính quyền các tỉnh vùng ĐBSCL nỗ lực vươn lên vượt qua khó khăn thách thức. Các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển đã tích cực tham gia và hỗ trợ hiệu quả. Nhờ đó, sau hai năm thực hiện Nghị quyết, chúng ta đã đạt được một số kết quả ban đầu quan trọng.

     Theo đó, hệ thống cơ chế, chính sách bước đầu được hoàn thiện, tập trung thúc đẩy phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững; phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, ổn định dân cư; gắn kết các quy hoạch phát triển…

     Chuyển đổi quy mô lớn theo cơ cấu kinh tế và theo lãnh thổ trên cơ sở phát huy tiềm năng thế mạnh của vùng và từng tiểu vùng. Sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng thủy sản, trái cây, giảm lúa; từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, chuyên canh nông sản chủ lực gắn với công nghệ chế biến, chuỗi giá trị nông sản. Nhiều loại nông sản đã thâm nhập các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hoa Kỳ, đưa kim ngạch xuất khẩu các nông sản chủ lực (gạo, cá tra, tôm, trái cây) đạt 8,43 tỷ USD…

     Thúc đẩy kết nối liên vùng thông qua kết nối kinh tế, kết nối hạ tầng nội vùng và với TP. Hồ Chí Minh. Lợi thế, sức lan toả phát triển vùng TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã được phát huy để hình thành khu công nghiệp, đô thị tại các tỉnh Long An, Tiền Giang, thành phố Cần Thơ…

     Điểm nghẽn về nguồn vốn đang được quan tâm giải quyết, đã quan tâm bố trí nguồn lực nhà nước cho phát triển vùng. Tổng số vốn đầu tư qua địa phương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 (chưa bao gồm 10% dự phòng) là 193.967,151 tỷ đồng chiếm 16,53% so với cả nước. Vốn bổ sung cho các dự án xử lý sạt lở cấp bách nguy hiểm là 2.500 tỷ đồng. Trong khuôn khổ chương trình mục tiêu BĐKH và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020, đã giao 3.700 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương cho 20 dự án tại ĐBSCL.

     Triển khai thực hiện các chương trình ứng phó với BĐKH, phòng chống thiên tai, khắc phục sụt lún, sạt lở bờ sông bờ biển, BVMT, đảm bảo an sinh xã hội, tập trung vào những vấn đề cấp bách; đã khảo sát, xác định 564 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 834 km, trong đó 57 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm (sạt lở gây nguy hiểm trực tiếp đến khu tập trung dân cư và cơ sở hạ tầng quan trọng) tổng chiều dài 170 km. Trong đó, Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH và Chương trình Hỗ trợ ứng phó với BĐKH hỗ trợ 28 dự án. Chương trình mục tiêu ứng phó với BĐKH và Tăng trưởng xanh hỗ trợ 20 dự án. Xử lý sạt lở cấp bách bờ sông, bờ biển, đoạn sụt lún, sạt lở trọng điểm; xây dựng bản đồ sạt lở, bố trí ngân sách xây dựng công trình phòng chống sạt lở, ưu tiên 36 dự án cấp bách. Các địa phương trong vùng cũng triển khai các dự án đầu tư nâng cấp đê biển kết hợp xây dựng hệ thống ngăn mặn, trữ ngọt...

     Ban hành 20 tiêu chuẩn và chỉ dẫn kỹ thuật về sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong công trình xây dựng, góp phần hạn chế việc khai thác cát từ lòng sông để san nền. Công tác bảo vệ môi trường nông thôn được quan tâm, chú trọng, đặc biệt là xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt khu dân cư và cải tạo cảnh quan. Xây dựng hệ thống cấp nước đủ công suất, đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt và sản xuất cho các tỉnh thành phía Tây Nam sông Hậu.

     Bên cạnh đó, công tác điều tra cơ bản, quan trắc được tăng cường; số liệu, dữ liệu liên ngành được thiết lập, cập nhật và hệ thống hóa để phục vụ hiệu quả cho công tác dự báo, hoạch định chính sách; cập nhật và từng bước hệ thống hóa số liệu điều tra cơ bản về TN&MT, dữ liệu khí tượng, thủy văn, hải văn và bùn cát, tài nguyên nước. Hoàn thành và đưa vào sử dụng trạm vùng quan trắc môi trường Tây Nam bộ; đang xây dựng Trung tâm tích hợp dữ liệu vùng ĐBSCL làm cơ sở cho việc tích hợp dữ liệu của các Bộ, ngành, địa phương.

 

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà trình bày Báo cáo

 

     Để triển khai thực hiện Nghị quyết trong thời gian tới, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề xuất, cần nghiên cứu hình thành thể chế phù hợp cho ĐBSCL (mô hình Cao ủy đồng bằng như ở Hà Lan) với chức năng, nhiệm vụ rõ ràng; có đủ thẩm quyền đại diện cho ĐBSCL, lựa chọn các nhà tư vấn khoa học, tư vấn quốc tế để xác định được trọng tâm ưu tiên phát triển, đề xuất cơ chế chính sách đặc thù, xác định được các mục tiêu ưu tiên, cũng như xây dựng các dự án đầu tư cho các công trình mang lại lợi ích liên vùng; xác định được nguồn vốn để thực hiện các chương trình, dự án, tạo sự chuyển đổi, giải quyết căn cơ về hạ tầng giao thông, thủy lợi cho ĐBSCL. Cần xác định phát triển hạ tầng đa mục tiêu là điều kiện tiên quyết để chuyển đổi theo 3 vùng kinh tế sinh thái”.

     Thúc đẩy liên kết vùng nhằm ứng phó với BĐKH

     Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tưởng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đã đạt được sau 2 năm thực hiện Nghị quyết. Đồng thời, nêu rõ phương châm hành động của Chính phủ thời gian tới là: Thúc đẩy doanh nghiệp hành động, người dân hưởng ứng bằng chức năng kiến tạo, xác lập các cơ chế, chính sách để khuyến khích và thúc đẩy. Trong đó, doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại… hành động bằng các dự án đầu tư cụ thể; người dân hưởng ứng bằng tăng cường sự nhận thức, đồng thuận và tham gia cùng với Chính phủ, cộng đồng.Chính phủ sẽ tiếp tục bố trí, bổ sung nguồn lực, trước hết là hạ tầng cứng, đào tạo nhân lực.

     Thủ tướng cho rằng, cần xây dựng chế tài riêng cho vùng thông qua nguồn lực ngoài nước, vốn ODA và hoàn thiện thể chế về môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút đầu tư tư nhân. Quyết tâm xây dựng một chương trình trọng điểm quốc gia cho vùng ĐBSCL để triển khai thực hiện trong nhiệm kỳ tới theo hướng nghiên cứu xây dựng cơ chế ưu tiên phân bổ nguồn lực từ ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2021 - 2025 cho vùng ĐBSCL. Theo đó, nghiên cứu đa dạng hóa nguồn lực Trung ương, địa phương, ODA, FDI… với cam kết một khoản vốn khoảng 2 tỷ USD tăng thêm so với giai đoạn 2016 - 2020 và dành riêng cho ĐBSCL để đầu tư các dự án mang tính liên vùng, đang là “điểm nghẽn” phát triển trong lĩnh vực giao thông vận tải, BĐKH phù hợp với quy hoạch vùng được phê duyệt.

     Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh, cần nhận thức “thuận thiên” ở đây không có nghĩa là phó mặc cho trời đất mà dành các nguồn lực để phát triển ĐBSCL rõ hơn. Thủ tướng đề nghị đưa ngân sách chi cho ứng phó BĐKH thành một nhiệm vụ chi chính trong ngân sách của các địa phương. Chúng ta không chỉ lập dự toán dự phòng chống thiên tai như hiện nay, tức là kiểu ứng phó bị động mà phải có chương trình, nguồn lực ứng phó BĐKH một cách chủ động.

 

Các đại biểu tham dự Hội nghị

 

     Đối với công tác liên kết vùng, Thủ tướng nhấn mạnh: “Các địa phương cần thúc đẩy liên kết vùng mạnh mẽ hơn trong ứng phó BĐKH, nếu không thì các chính sách sẽ không thể thành công. TP. HCM phải phát huy vai trò “nhạc trưởng” trong điều phối hiệu quả các cơ chế liên kết vùng…”. Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu cơ chế thuế phát thải để khuyến khích cắt giảm phát thải khí nhà kính, qua đó, giúp huy động nguồn lực hỗ trợ các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi BĐKH. Thủ tướng giao Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị hành động nhằm thể chế hóa, thúc đẩy triển khai các ý tưởng, sáng kiến, giải pháp được nêu ra tại Hội nghị, góp phần tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết 120/NQ-CP trong thời gian tới.

     Thủ tướng tin rằng, với ý chí của người Việt Nam, người Nam bộ, nếu giữ được cội nguồn văn hóa, giữ được đất đai thì chúng ta sẽ làm giàu được trên mảnh đất thiêng liêng mà cha ông để lại. “Công cuộc chống BĐKH và thiên tai là một cuộc chiến trường kỳ, hết sức khó khăn và phức tạp. Do đó, chúng ta phải biết huy động nguồn lực tổng hợp của tất cả các thành phần, từ Trung ương đến địa phương, cả trong và ngoài nước, từ sức mạnh của nhân dân, hệ thống chính trị thì mới có thể bền vững, thành công...”

 

Gia Linh (Tổng hợp)

 

     7 kiến nghị của Bộ TN&MT với Thủ tướng Chính phủ tập trung ưu tiên thực hiện một số nhiệm vụ có tính định hướng trong thời gian tới:

     - Cần xây dựng, thực hiện các dự án lớn; phát triển hạ tầng đa mục tiêu: giao thông, thủy lợi, thích ứng với BĐKH để tạo ra chuyển đổi quy mô lớn. Rà soát, xây dựng các tiêu chí xác định và đầu tư dự án, công trình ứng phó với BĐKH quy mô lớn, có tính chất liên vùng, có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội; các dự án quan trọng, cấp bách trong giai đoạn 2021 - 2025 và đến năm 2030. Đẩy nhanh việc triển khai các chương trình, dự án ODA đã ký kết và các dự án vốn trong nước quy mô lớn để sớm phát huy hiệu quả hỗ trợ chuyển đổi sinh kế. Bổ sung chức năng, tăng vốn điều lệ cho Quỹ BVMT Việt Nam để thực hiện Quỹ hỗ trợ phát triển ĐBSCL;

     - Có quy hoạch tổng thể về đất đai, tài nguyên nước, không gian biển theo 3 vùng kinh tế sinh thái. Đẩy nhanh quá trình xây dựng và phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững vùng ĐSBCL giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo phương pháp tích hợp đa ngành làm định hướng để các Bộ, ngành, địa phương rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực cũng như tạo cơ chế khuyến khích, thu hút đầu tư, tăng cường kết nối liên vùng. Triển khai Quy hoạch BVMT cho ĐBSCL trong giai đoạn 2021 - 2030;

     - Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, nâng cao giá trị hàng hóa nông nghiệp, có cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ cao về thủy sản, nuôi trồng biển, phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp, sinh thái biển. Tiếp tục cơ cấu lại ngành công nghiệp phát triển công nghiệp xanh, ít phát thải, ứng dụng công nghệ cao. Phát triển năng lượng tái tạo, BVMT có công nghệ xử lý rác thải đô thị, nông thôn phù hợp. Đảm bảo an toàn năng lượng thông qua phát triển, sử dụng hiệu quả năng lượng mặt trời, gió phù hợp với yêu cầu sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực đất đai.

     - Khẩn trương rà soát, bổ sung và hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách được giao tại Nghị quyết và Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết, đặc biệt là cơ chế chính sách huy động nguồn lực, nhất là từ khối tư nhân; đẩy mạnh triển khai hình thức đối tác công tư. Hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai để thúc đẩy tập trung đất đai, khuyến khích, thu hút dự án có tính chất động lực; cho phép tách tiểu dự án bồi thường để thực hiện trước. Huy động nguồn vốn để tạo quỹ đất bên cạnh các công trình đầu tư hạ tầng của nhà nước để đấu giá tạo nguồn lực. Nhà nước thực hiện việc bồi thường, giải phóng mặt bằng để thu hút các dự án công tư; quy hoạch các khu vực đất trồng lúa có thể chuyển đổi mục đích linh hoạt để nông dân chủ động trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo điều kiện tự nhiên của từng năm;

     - Tăng cường điều tra, đánh giá, xây dựng và triển khai tổng thể các giải pháp trữ nước dựa vào xu thế tự nhiên của từng khu vực; phòng chống sạt lở bờ sông, xâm thực biển và sụt lún đất vùng ĐBSCL. Trước mắt, tăng cường các biện pháp ứng phó với tình trạng sụt lún đất và sạt lở bờ sông, bờ biển nhằm tập trung nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để thực hiện đồng bộ các giải pháp liên ngành, liên vùng. Khẩn trương hoàn thành cơ sở dữ liệu liên ngành phục vụ công tác hoạch định chính sách, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, các quyết định đầu tư. Sớm hoàn thành Trung tâm tích hợp dữ liệu vùng ĐBSCL;

      - Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ 4.0; thúc đẩy hình thành các trung tâm phát triển, tiếp nhận và chuyển giao công nghệ cao. Xây dựng chương trình KH&CN về thích ứng lâu dài ở ĐBSCL. Đẩy mạnh đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn với thị trường xuất khẩu lao động; đổi mới công tác đào tạo, công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền và người dân;

     - Thúc đẩy hợp tác quốc tế, thiết lập các khuôn khổ hợp tác mới trong lĩnh vực BĐKH và tài nguyên nước nhằm phát huy sự hỗ trợ, đầu tư của các đối tác phát triển để phát triển bền vững ĐBSCL. Chú trọng công tác điều phối các hoạt động hợp tác song phương, đa phương và với các quốc gia thượng nguồn về ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên nước.

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn