Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Hợp tác xây dựng các mô hình, kịch bản về tác động của biến đổi khí hậu và giải pháp ứng phó

08/05/2018

     Ngày 7/5/2018, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà và Giáo sư - Giám đốc điều hành Ban Đổi mới, Khoa học và Tri thức, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) Gael Giraud đã có buổi làm việc về xây dựng các mô hình, kịch bản về tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) tới sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, nhất là khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và giải pháp ứng phó. 

 


Bộ trưởng Trần Hồng Hà và Giáo sư - Giám đốc điều hành Ban Đổi mới, Khoa học

và Tri thức (AFD) Gael Giraud tại buổi làm việc 

 

     Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Việt Nam đánh giá cao quyết tâm của Pháp, đặc biệt Tổng thống Emmanuel Macron trong vấn đề chống BĐKH và thực hiện Thỏa thuận Pari năm 2015. Đặc biệt, ngày 27/3/2018, dưới sự chứng kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Bản ghi nhớ triển khai quan hệ đối tác chiến lược Thỏa thuận Pari giữa Bộ TN&MT với AFD đã được ký kết. Theo đó, một trong ba nhiệm vụ mà Bộ TN&MT (cơ quan thường trực Ủy ban quốc gia về BĐKH) sẽ cùng AFD cam kết hợp tác, phát triển Chương trình Gemmes nhằm nghiên cứu các khía cạnh khác nhau về thiệt hại do BĐKH gây ra tại Việt Nam và đánh giá các chiến lược thích ứng. Trên cơ sở mô hình kinh tế vĩ mô cho từng vùng của Việt Nam, mục tiêu của Chương trình là dự báo tác động của BĐKH đến các hoạt động kinh tế - xã hội; Đồng thời, tích hợp và đánh giá các phương án thích ứng ngành hoặc địa phương, các mục tiêu của Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam trong Thỏa thuận Pari.

     Giáo sư - Giám đốc điều hành Ban Đổi mới, Khoa học và Tri thức (AFD) Gael Giraud chia sẻ, Chương trình xây dựng các mô hình và các kịch bản về tác động của BĐKH tới sự phát triển kinh tế - xã hội đã được AFD triển khai tại nhiều nước trên thế giới như Brazil, Colombia, Ma rốc, Bờ Biển Ngà... Việt Nam hiện là một trong những quốc gia chịu tác động lớn nhất về BĐKH, nhất là khu vực ĐBSCL. Việc đánh giá tác động của BĐKH đối với ĐBSCL rất phức tạp bởi bên cạnh những yếu tố tự nhiên còn có sự tác động của các quy hoạch phát triển kinh tế Việt Nam cũng như của các nước thượng nguồn sông Mê Công. Vì vậy, AFD sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ TN&MT cùng các chuyên gia kinh tế trong nước xây dựng mô hình và kịch bản về tác động của BĐKH tới sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là khu vực ĐBSCL với những số liệu xác thực nhất, trên cơ sở đó, đưa ra những giải pháp thích ứng để tránh và giảm những thiệt hại do BĐKH gây ra.

 

Toàn cảnh buổi làm việc

 

     Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, việc AFD lựa chọn khu vực ĐBSCL để thực hiện Chương trình có ý quan trọng không chỉ cho Việt Nam mà của cả khu vực với những vấn đề liên quan đến BĐKH, môi trường, kinh tế xuyên quốc gia. Bộ trưởng cho biết, thông qua Ủy ban sông Mê Công, Việt Nam đã nghiên cứu đánh giá toàn diện trên lưu vực sông Mê Công dưới góc độ tác động của tự nhiên, hoạt động phát triển kinh tế, tác động của các đập thủy điện ở thượng nguồn gây ảnh hưởng đến các quốc gia trong khu vực cũng như ở hạ nguồn sông Mê Công... Tuy nhiên, Việt Nam không có được những số liệu cụ thể của những quốc gia thượng nguồn nên không thể đánh giá chính xác. Do vậy, Việt Nam đang cần những phương án, năng lực để mô phỏng, tính toán lại các hoạt động, quy trình tự nhiên và đưa ra kết quả dự báo về thiệt hại, ảnh hưởng của BĐKH đối với nền kinh tế. Hiện Việt Nam đang tập trung đào tạo nguồn nhân lực tại các trường đại học, trung tâm nghiên cứu của Uỷ ban sông Mê Công để đào tạo, xây dựng đội ngũ nhân lực có trình độ tiếp cận được những mô hình tiên tiến trên thế giới, đồng thời mong muốn hợp tác với các đối tác, trong đó có AFD để nghiên cứu khoa học, chia sẻ kinh nghiệm liên quan đến xây dựng thể chế, chính sách về BĐKH.

     Về những mô hình phát triển kinh tế, ứng phó với BĐKH, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng chia sẻ, Việt Nam đang phối hợp với Hà Lan xây dựng Kế hoạch tổng thể chuyển đổi toàn diện và tái cơ cấu lại ĐBSCL trên bình diện kinh tế đang diễn ra. Cùng với đó, đưa ra được những phương án, quyết định khoa học, chính xác, hiệu quả và phù hợp với điều kiện tự nhiên của khu vực.

 

Thanh Huyền (Theo Monre)

Ý kiến của bạn