Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Hội thảo Góp ý Dự thảo Đề án phát triển kinh tế chất thải ở Việt Nam

08/11/2019

     Ngày 7/11/2019, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường đã tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Đề án phát triển kinh tế chất thải ở Việt Nam.

     Hiện nay, việc áp dụng các công cụ kinh tế trong quản lý môi trường là giải pháp phù hợp với cơ chế vận hành của nền kinh tế thị trường. Đối với lĩnh vực quản lý chất thải rắn (CTR), các giải pháp về phát triển kinh tế chất thải (KTCT) được xác định là giải pháp mới, phù hợp với xu hướng quản lý trong điều kiện hiện nay. Xuất phát từ thực tiễn và nhận thức nêu trên, việc xây dựng Đề án phát triển KTCT ở Việt Nam sẽ góp phần thay đổi tư duy quản lý về CTR, đề xuất giải pháp mới và phù hợp trong hoạt động quản lý CTR, từ đó hạn chế lượng chất thải phải chôn lấp, đồng thời tận dụng tối đa giá trị kinh tế từ chất thải.

 

    Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức phát biểu tại Hội thảo

 

     Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức cho biết, với khối lượng chất thải rắn (CTR) phát sinh khoảng 25 - 28 triệu tấn/năm và dự báo đến năm 2020 con số này đạt khoảng 60 - 70 triệu tấn/năm. Nguyên nhân của sự gia tăng lượng CTR đó là Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh. Cùng với sự gia tăng dân số và sự hình thành, mở rộng của các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN), kèm theo đó là sự phát triển các hoạt động nông nghiệp, du lịch, dịch vụ một mặt đã thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, mặt khác đã làm phát sinh nhanh chóng khối lượng chất thải phát sinh ra môi trường. Bên cạnh đó, công nghệ sản xuất ở hầu hết các cơ sở công nghiệp còn lạc hậu, dẫn tới việc sử dụng tiêu tốn nguyên, nhiên vật liệu trong quá trình sản xuất, phát sinh nhiều chất thải gây ô nhiễm môi trường. Việc tái chế, tái sử dụng chất thải phát sinh còn chưa hiệu quả, mới chỉ được thực hiện một cách phi chính thức, ở quy mô tiểu thủ công nghiệp, phát triển một cách tự phát, không đồng bộ, thiếu tính định hướng, do vậy tỷ lệ chất thải chôn lấp vẫn ở tỷ lệ cao. Ý thức BVMT của cộng đồng dân cư và các cơ sở sản xuất kinh doanh còn hạn chế, gây khó khăn, trở ngại không chỉ cho việc giảm thiểu chất thải, mà còn khó khăn cho việc quản lý, thu gom, xử lý.

     Hiện nay, Bộ TN&MT đang nỗ lực, quyết tâm thực hiện  hiệu quả công tác quản lý CTR trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt ngày 3/2/2019 tại Nghị quyết số 09/NQ-CP, Chính phủ đã giao Bộ TN&MT là cơ quan đầu mối, thống nhất quản lý về CTR. Cùng với các hoạt động, sự kiện khác, việc xây dựng Đề án phát triển Kinh tế chất thải ở Việt Nam có ý nghĩa quan trọng trong công tác quản quản lý tổng hợp chất thải, góp phần kiểm soát ô nhiễm, hướng tới mục tiêu gia tăng giá trị kinh tế từ chất thải.

     Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, góp ý trực tiếp về Dự thảo Đề án phát triển kinh tế chất thải ở Việt Nam, trong đó phân tích hệ thống cơ chế chính sách, luật pháp và các rào cản, thách thức hiện nay, từ đó đề xuất lộ trình ưu tiên trong thực hiện Đề án. Bên cạnh đó, các đại biểu cho rằng cần phải làm sâu sắc tính cấp thiết của Đề án; bổ sung giải pháp và phương pháp tổ chức thực hiện trong Đề án; điều chỉnh phạm vi Đề án để việc triển khai được thuận lợi. Các ý kiến góp ý của đại biểu sẽ được cơ quan chủ trì xây dựng Dự thảo Đề án hoàn thiện trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét.

 

Nguyễn Hằng

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn