Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Hướng tới xây dựng đồng bằng sông Cửu Long trở thành khu vực phát triển nông nghiệp công nghệ cao

28/09/2017

     Sau 2 ngày làm việc, với gần 1.000 người tham dự, hàng trăm Lãnh đạo Trung ương, địa phương, các nhà khoa học, đại biểu quốc tế, Hội nghị về phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) diễn ra tại TP. Cần Thơ đã thành công tốt đẹp. Hội nghị đã ghi nhận nhiều ý kiến góp ý quan trọng, nhất là những kinh nghiệm của thế giới về phòng chống thiên tai, ứng phó với BĐKH.

     Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, ĐBSCL không chỉ là vựa lúa lớn nhất của Việt Nam mà phải là nền kinh tế nông nghiệp thông minh, bền vững, có giá trị gia tăng cao ở khu vực và rộng hơn là châu Á trong tương lai. Thủ tướng cũng nêu ra 4 thách thức lớn đối với ĐBSCL, đó là BĐKH và nước biển dâng, gây ảnh hưởng nặng nề trong 100 năm qua; Việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn châu thổ, trong đó có việc chuyển nước sông Mê kông sang lưu vực sông khác cũng là nguy cơ lớn đối với vùng này... Bên cạnh đó, các hoạt động kinh tế cường độ cao của con người gây ra nhiều tổn thương và hệ lụy, hiện tượng sụt lún với tốc độ nhanh, mức độ ngày càng nghiêm trọng, môi trường bị suy thoái do ô nhiễm nước, không khí và tàn phá rừng ngập mặn. Ngoài ra, chất lượng nguồn nhân lực cũng là một thách thức bởi ĐBSCL là vùng trũng về giáo dục đào tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa và hạ tầng cơ sở chưa tương xứng với tiềm năng… “Các thách thức nêu trên không phải là dự báo mà hiện hữu, cần được nhận thức và xử lý một cách biện chứng, không tách rời”.

 


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kết luận Hội nghị (Ảnh: Monre)

 

     Vì vậy, ĐBSCL cần chuyển đổi theo 3 hướng: Kiến tạo phát triển bền vững, thịnh vượng trên cơ sở chủ động thích ứng, chuyển hóa được những thách thức, biến thách thức thành cơ hội, bảo đảm cuộc sống ổn định và khá giả của người dân cũng như bảo tồn được những giá trị truyền thống văn hóa của vùng; Thay đổi tư duy phát triển, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy, chủ yếu là sản xuất lúa, sang tư duy kinh tế nông nghiệp từ số lượng sang chất lượng, gắn với chuỗi giá trị từ sản xuất nông nghiệp hóa học sang nông nghiệp hữu cơ và công nghệ cao; Chú trọng công nghiệp chế biến và công nghiệp hỗ trợ gắn với phát triển kinh tế nông nghiệp… - Thủ tướng nhấn mạnh.

     Theo Thủ tướng, cần tôn trọng quy luật tự nhiên, chọn mô hình thích ứng với lũ, mặn, khô hạn, thiếu nước, coi nước lợ, nước mặn cũng là một nguồn tài nguyên; Xác định BĐKH và nước biển dâng là xu thế tất yếu, phải sống chung, do đó, phải biến thách thức thành cơ hội. “Quan điểm của Chính phủ, của Đảng Cộng sản Việt Nam là phát triển để phục vụ người dân, với tinh thần giữ được đất, giữ được nước, giữ được con người, giảm khoảng cách giàu nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau, hướng tới xây dựng ĐBSCL từ vựa lúa trở thành khu vực phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

     Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ thu các ý kiến góp ý và tiếp tục kêu gọi các sáng kiến cùng chung tay phát triển bền vững khu vực ĐBSCL thích ứng với BĐKH, tất cả các bài phát biểu tại Hội nghị sẽ được đưa vào kỷ yếu làm tài liệu nghiên cứu. Để phát triển bền vững vùng đất Chín Rồng, định kỳ 2 năm/lần, Chính phủ sẽ tổ chức Hội nghị quy mô để cùng bàn thảo kế hoạch, rà soát việc thực hiện các mục tiêu, chủ trương, giải pháp, chung tay xây dựng, đưa ĐBSCL đi đến một tương lai tươi sáng hơn. Thủ tướng giao Bộ TN&MT ngày sau Hội nghị, chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tiếp thu, tổng hợp ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các địa phương, tổ chức quốc tế, khẩn trương hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH để Chính phủ bàn thảo trong kỳ họp thường kỳ tháng 9/2017.

     Về tài chính đầu tư các công trình ứng phó BĐKH, Thủ tướng yêu cầu cần nghiên cứu thành lập Quỹ phát triển ĐBSCL với nhiều nguồn lực, đặc biệt là cấp ngân sách. Từ nay đến năm 2020, giải ngân có hiệu quả ít nhất là 1 tỷ USD để xây dựng hệ thống cống điều tiết, cống sông Cái Lớn, sông Cái Bé của tỉnh Kiên Giang để ngăn mặn; Cống Trà Sư, Tha La của tỉnh An Giang để điều tiết lũ và một số đoạn sạt lở nghiêm trọng, trực tiếp ảnh hưởng đến nhà cửa của nhân dân.

 

Nam Hưng (Tổng hợp)

 

Ý kiến của bạn