Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Giao ban công tác quản lý tài nguyên và môi trường các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam

13/07/2019

     Nhằm đánh giá kết quả đạt được; thảo luận, bàn các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, rào cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, của vùng; xác định những vấn đề lớn trong hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai, môi trường và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần tập trung ưu tiên của ngành TN&MT trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 và các năm tiếp theo, ngày 12/7/2019, tại tỉnh Tây Ninh, Bộ TN&MT tổ chức Hội nghị giao ban công tác quản lý TN&MT các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương khu vực phía Nam. Bộ trưởng Bộ TN&MT chủ trì Hội nghị.


Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị

 

     Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Hội nghị có vai trò quan trọng trong bối cảnh toàn ngành đang chuẩn bị các văn kiện, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2021 - 2030, phục vụ Đại hội các cấp; chuẩn bị triển khai xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 để tập trung hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 của đất nước cũng như từng địa phương.

     Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, bằng các giải pháp tổng thể, với cách tiếp cận, tư duy và triết lý phát triển mới, ngành TN&MT đã từng bước “chuyển từ bị sang chủ động” giải quyết các thách thức lớn đối với sự phát triển của đất nước như biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở ở đồng bằng sông Cửu Long; sạt lở, hạn hán ở Nam Trung bộ và Tây Nguyên; ô nhiễm môi trường biển do tác động tích luỹ từ nhiều năm.

     Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Trần Văn Chiến đã báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, điển hình là công tác quản lý nhà nước về đất đai đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đạt tỷ lệ cao; lĩnh vực BVMT đã xử lý xong các điểm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; công tác quy hoạch, quản lý khoáng sản đi vào nền nếp…

     Có được kết quả đó là do Bộ TN&MT đã tập trung chỉ đạo, giúp địa phương giải quyết khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật về TN&NT, nhất là ở lĩnh vực đất đai, khoáng sản, BVMT. Hỗ trợ địa phương tháo gỡ nhiều vướng mắc, bất cập, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh; hỗ trợ cho Tây Ninh thực hiện các nhiệm vụ quan trọng như: Đề án cơ sở dữ liệu đất đai, đầu tư hệ thống Quan trắc môi trường; công tác thanh tra, kiểm tra rà soát giải quyết dứt điểm những vấn đề liên quan đến đất đai tồn đọng, công tác cải cách thủ tục hành chính; kiểm soát, phòng ngừa các sự cố, điểm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được tập trung chỉ đạo.

 

Toàn cảnh Hội nghị

 

     Các đại biểu tham dự Hội nghị đã nghe báo cáo, thông tin chi tiết về công tác quản lý về TN&MT; công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo của ngành; các định hướng lớn trong sửa đổi Luật Đất đai, Luật BVMT; phổ biến, hướng dẫn thực hiện Luật Đo đạc và Bản đồ, các văn bản hướng dẫn thi hành; tình hình thực hiện hệ thống tương tác giữa Bộ với các Sở TN&MT; công tác kết nối liên thông trong xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ quản lý, điều hành của ngành và ứng dụng công nghệ thông tin của ngành trong tình hình mới. Trên cơ sở đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận, chia sẻ, đóng góp các ý kiến thực tiễn để Bộ TN&MT và địa phương cùng nhau tháo gỡ, giải quyết.

     Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã tổng kết và trao đổi cặn kẽ từng nhóm vấn đề mà các đại biểu đã đặt ra. Đối với nội dung về mô hình tổ chức, cơ chế, biên chế liên quan đến các đơn vị sự nghiệp ngành TN&MT của các địa phương, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Bộ TN&MT đã có văn bản gửi Tỉnh ủy, UBND cáctỉnh, thành phố có ý kiến về việc khôi phục lại hoạt động của các đơn vị đã sắp xếp, sáp nhập để đồng bộ hóa các đơn vị thuộc ngành TN&MT trên toàn quốc. Về việc nâng cao hiệu quả tương tác giữa Bộ với các Sở TN&MT và giữa các Sở với nhau, Bộ trưởng cho biết, hiện nay Chính phủ đang thiết lập trục liên thông văn bản giữa Trung ương và địa phương. Trong đó, Bộ TN&MT giao Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu TN&MT xây dựng phần mềm hệ thống kết nối thông tin hai chiều giữa Bộ và Sở TN&MT tại 63 tỉnh, TP. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, công nghệ thông tin chỉ trao đổi thư điện tử thì chưa đủ, mà cần phải có một hệ thống kiến thức, cơ sở dữ liệu đồng bộ liên thông thống nhất, kết nối được ở Trung ương và địa phương. Vì vậy, trong thời gian tới, Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu TN&MT cần tập trung xây dựng hệ thống thông tin này, trước mắt là lĩnh vực đất đai, sau đó đến lĩnh vực môi trường và các lĩnh vực khác, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong toàn ngành.

     Đối với lĩnh vực môi trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, chúng ta phải thay đổi theo hướng xác định lại tư duy và phương pháp quản lý. Trên cơ sở đó, việc xây dựng quy chuẩn môi trường phải dựa vào khả năng và tình trạng ô nhiễm, thực trạng môi trường, khả năng chịu tải của môi trườn; cần xem xét lại toàn bộ quy trình quản lý từ khâu cấp phép, đánh giá tác động môi trường, xác định trách nhiệm người gây ô nhiễm. Bên cạnh đó, cần tập trung xử lý một số vấn đề cấp bách, đó là vấn đề xử chất thải rắn. Sắp tới chất thải nói chung sẽ do ngành TN&MT quản lý. Vì vậy, Bộ TN&MT sẽ tổ chức một hội nghị bàn về cơ chế quản lý, cơ chế chính sách tài chính, quy hoạch, xã hội hóa.

     Về kế hoạch sửa đổi Luật Đất đai và Luật BVMT, Bộ trưởng đề nghị các địa phương khu vực phía Nam phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc đóng góp ý kiến mang tính thực tế tại địa phương để khi Luật được xây dựng, ban hành phải đảm bảo tính khả thi, hiệu lực, hiệu quả, có khả năng dự báo...

 

Hoàng Đàn (Tổng hợp)

 

Ý kiến của bạn