Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Chủ động phòng ngừa, tăng cường kiểm soát hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường

27/12/2019

     Ngày 25/12/2019, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2020. Tới dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ và toàn thể công chức, viên chức, người lao động thuộc Tổng cục.

     Ngay từ đầu năm 2019, trên cơ sở Chương trình công tác năm 2019 của Bộ, Tổng cục đã nhanh chóng xây dựng, ban hành Chương trình công tác năm 2019 của Tổng cục, trong đó xác định mục tiêu trọng tâm là hoàn thiện hành lang pháp lý về BVMT, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; tiếp tục sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của Tổng cục; tăng cường nguồn lực cho hoạt động; chủ động phòng ngừa, kiểm soát, khắc phục ô nhiễm môi trường (ÔNMT), cải thiện chất lượng môi trường; cải cách thủ tục hành chính; đổi mới trong chỉ đạo điều hành, cập nhật thường xuyên các nhiệm vụ phát sinh và có lộ trình triển khai cụ thể để hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ, đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

 

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

 

     Với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp lãnh đạo; sự vào cuộc trực tiếp của tập thể Lãnh đạo, sự nỗ lực của các cán bộ, công chức, viên chức Tổng cục Môi trường; sự phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ tích cực của các Bộ, ngành, đơn vị liên quan, công tác quản lý nhà nước về BVMT đã đạt được những kết quả nhất định, đã có những đóng góp vào những thành công chung của toàn ngành TN&MT. Một số kết quả chính đạt được đó là tập trung nguồn lực hoàn thiện hành lang pháp lý trong lĩnh vực môi trường, coi là trọng tâm đột phá nhằm chuyển đổi phương thức quản lý theo hướng chủ động phòng ngừa, tăng cường kiểm soát, ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật về BVMT. Đến nay, Tổng cục đã trình và được Chính phủ ban hành 3 Nghị định, Bộ trưởng ban hành 1 Thông tư; đã hoàn thiện, đăng tải xin ý kiến rộng rãi đối với dự thảo số 2 Luật BVMT 2019 với nhiều điểm mới căn bản so với Luật BVMT 2014; đã trình 1 Nghị định đúng tiến độ; 1 Thông tư tiếp tục được hoàn thiện theo yêu cầu của Lãnh đạo Bộ. Nhìn chung, công tác xây dựng văn bản pháp luật năm 2019 đã được đổi mới theo hướng tiệm cận quy định của các quốc gia phát triển; quản lý theo vòng đời và áp dụng nền kinh tế tuần hoàn.

     Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cấp phép, công nhận, chứng nhận về môi trường

     Thực hiện quy định về kiểm soát thủ tục hành chính, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 40/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật BVMT, Tổng cục Môi trường đã thực hiện đơn giản hóa về điều kiện và cách thức thực hiện, bãi bỏ các thủ tục hành chính không thực sự cần thiết cho công tác quản lý môi trường; lồng ghép việc thẩm định các thủ tục hành chính liên quan trong lĩnh vực BVMT. Tiến hành rà soát, trình Lãnh đạo Bộ ký ban hành Quyết định số 2736/QĐBTNMT ngày 29/10/2019 công bố 06 thủ tục hành chính mới ban hành, 22 thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung, 02 thủ tục hành chính được thay thế, 24 thủ tục hành chính bị bãi bỏ trong lĩnh vực BVMT thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ TN&MT. Trong năm 2019, đã trả kết quả, thẩm định, phê duyệt 03 báo cáo đánh giá môi trường chiến lược; 422 báo cáo đánh giá tác động môi trường; 23 báo cáo đánh giá tác động môi trường và phương án cải tạo, phục hồi môi trường; cấp Giấy xác nhận hoàn thành công trình BVMT cho 86 dự án; 09 Phương án cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản; 03 đề án BVMT chi tiết; 04 Chấp thuận về môi trường đối với đề nghị điều chỉnh, thay đổi nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt. Nhìn chung, công tác giải quyết thủ tục hành chính, cấp phép, công nhận, chứng nhận về môi trường đã được thực hiện đúng trình tự, thủ tục, bảo đảm chất lượng, góp phần phòng ngừa, kiểm soát tác động xấu đến môi trường, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp.

     Tăng cường kiểm soát nguồn gây ÔNMT, quản lý chất thải rắn, quản lý chất lượng môi trường và bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học 

     Tổng cục Môi trường tiếp tục chủ động thực hiện các hoạt động giám sát về môi trường đối với các cơ sở, dự án lớn, có nguy cơ gây ÔNMT cao, đảm bảo các dự án vận hành, hoạt động an toàn về môi trường thông qua việc tiếp tục duy trì, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động các Tổ giám sát môi trường, bao gồm: Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh; Nhà máy Giấy Lee&Man Việt Nam; Dự án Nhà máy Bột - Giấy VNT19 tại Khu kinh tế Dung Quất; Công ty TNHH Lọc hoá dầu Nghi Sơn tại tỉnh Thanh Hóa; các Dự án tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân - Bình Thuận; Nhà máy nhiệt điện sông Hậu tại Hậu Giang và Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải tại Trà Vinh; Dự án Bôxit nhôm Lâm Đồng và các dự án tại Trung tâm điện lực Thái Bình; Dự án “Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt” tại tỉnh Quảng Ngãi; các cơ sở, chủ đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Tằng Loỏng, tỉnh Lào Cai; Công ty TNHH Khai thác và chế biến khoáng sản Núi Pháo, tỉnh Thái Nguyên; các cơ sở đang hoạt động tại Làng nghề Phong Khê và Cụm công nghiệp giấy Phong Khê, tỉnh Bắc Ninh…

 

Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường phát biểu khai mạc Hội nghị

 

     Tổng cục đã tích cực, chủ động hướng dẫn các địa phương triển khai nhiều hoạt động đẩy nhanh tiến độ xử lý triệt để của các cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng; đã tổ chức họp Ban Chỉ đạo liên ngành thực hiện Kế hoạch xử lý triệt để cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng đến năm 2020. Tính đến nay, đã có 407/439 cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg, đạt tỷ lệ 92,71% (tăng 03 cơ sở so với năm 2018), 289/435 cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg cơ bản hoàn thành các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để, chiếm tỷ lệ 66,43%. Đối với các cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng thuộc khu vực công ích, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành cơ chế hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách nhà nước để xử lý triệt để các cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng thuộc khu vực công ích nhằm dành nguồn lực để ưu tiên xử lý ô nhiễm, qua đó thúc đẩy tiến độ xử lý đối với các cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng thuộc khu vực công ích.

     Bên cạnh đó, Tổng cục đã phối hợp với các địa phương đẩy nhanh tiến độ xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường tại khu vực bị ô nhiễm do hoá chất bảo vệ thực vật tồn lưu; giải quyết các sự cố, điểm nóng về môi trường như tổ chức đoàn công tác kiểm tra về việc xử lý, tiêu hủy lợn chết do dịch tả lợn Châu Phi nhằm hướng dẫn địa phương thực hiện các giải pháp bảo đảm yêu cầu về BVMT; đã phối hợp với Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực tiếp khảo sát hoặc có văn bản đôn đốc địa phương khẩn trương giải quyết các điểm nóng về môi trường theo phản ánh của người dân và phương tiện thông tin đại chúng. Đặc biệt đã chủ động phối hợp chặt chẽ với Sở TN&MT Hà Nội quan trắc, đánh giá tình hình ÔNMT sau sự cố cháy kho của Nhà máy Rạng Đông.

     Tổng cục đã chủ động, tập trung đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các hoạt động về thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật về BVMT; triển khai phương án giao Bộ TN&MT là cơ quan đầu mối, thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn (CTR), Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về vấn đề rác thải và xử lý rác thải trên địa bàn theo tinh thần Nghị quyết số 09/NQ-CP của Chính phủ; ứng phó, khắc phục ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường; quản lý chất thải; xử lý triệt để các cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng; kiểm soát ÔNMT các khu, cụm công nghiệp, làng nghề; quan trắc môi trường; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Tiếp tục kiện toàn, duy trì hiệu quả hoạt động các Tổ giám sát về môi trường đối với các cơ sở, dự án có nguy cơ gây ÔNMT cao; triển khai có hiệu quả hoạt động của đường dây nóng tiếp nhận, xác minh, xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức và cá nhân về ÔNMT từ Trung ương đến địa phương. Nhờ đó, các chỉ tiêu về môi trường có sự chuyển biến tích cực, đều đạt kết quả cao hơn so với năm 2018 và đạt chỉ tiêu đề ra trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.

     Nhìn chung, trong năm 2019, công tác quản lý,  đã có những chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động, đã chủ động kiểm soát, giám sát, phòng ngừa được ÔNMT, đảm bảo các dự án lớn tiềm ẩn nguy cơ cao về môi trường được kiểm soát chặt chẽ, hoạt động an toàn, đóng góp cho tăng trưởng; xu hướng suy giảm nhanh chất lượng môi trường được kiềm chế, ÔNMT vẫn xảy ra nhưng xu hướng tăng mạnh như trước đây được giảm dần; vấn đề môi trường đã thu hút, nhận được sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, xã hội và người dân.

 

Toàn cảnh Hội nghị

 

     Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước nói chung và của Tổng cục trong năm qua chưa đạt được kết quả như mong muốn, cụ thể ÔNMT vẫn còn diễn biến phức tạp, đặc biệt ÔNMT không khí đang ngày càng trở nên nghiêm trọng tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, nhất là tại một số thời điểm trong ngày và một số ngày trong năm; lượng chất thải được thải ra môi trường ngày càng gia tăng, trong khi phần lớn được xử lý theo hình thức chôn lấp, tỷ lệ CTR sinh hoạt được giảm thiểu hoặc tái chế chưa cao; nước thải đô thị phát sinh ngày càng lớn, hầu hết chưa qua xử lý, xả ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước mặt trong các đô thị, khu dân cư; vẫn còn nhiều cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng chưa được xử lý triệt để, nhiều cơ sở công nghiệp nằm xen lẫn trong khu dân cư chậm được di dời; chất lượng và tính đa dạng sinh học của hệ sinh thái tiếp tục suy giảm, vẫn còn các nguy cơ từ sinh vật ngoại lai xâm hại và rủi ro từ sinh vật biến đổi gen.

     Cần phải có những hành động quyết liệt, những giải pháp mang tính đột phá để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ BVMT

     Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đánh giá cao nỗ lực, cố gắng và những kết quả đạt được của Tổng cục trong năm 2019, đồng thời đề nghị Tổng cục phải rút kinh nghiệm, khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế trong thời gian tới. Nhìn lại năm 2019, Thứ trưởng đánh giá trong năm qua có nhiều vấn đề môi trường nổi lên được dư luận xã hội quan tâm, cần xử lý như vấn đề quản lý CTR, quản lý rác thải nhựa, vấn đề ÔNMT không khí, một số sự cố môi trường xảy ra ở quy mô không lớn nhưng lại ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của một bộ phận không nhỏ Nhân dân. Điều này đã đặt ra cho những người làm công tác quản lý nhà nước về  thêm những trọng trách, nhiệm vụ nặng nề trước Nhân dân.

     Bước sang năm 2020, năm quyết định kết quả của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 – 2020, Thứ trưởng đề nghị Tổng cục cần phải có những hành động quyết liệt, những giải pháp mang tính đột phá để nỗ lực đạt được các mục tiêu đề ra, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ  mà Đảng, Chính phủ đã đề ra, đó là “Kết hợp công tác  hài hòa với phát triển kinh tế - xã hội. Kiểm soát chặt chẽ nguồn xả thải; giảm thiểu rác thải nhựa; thu gom, tái chế CTR; đề cao trách nhiệm của doanh nghiệp và người dân; xử lý nghiêm các hành vi gây ÔNMT; khuyến khích, thúc đẩy ngành công nghiệp môi trường; từng bước xây dựng nền kinh tế tuần hoàn”. Để thực hiện tốt nhiệm vụ năm 2020, Tổng cục cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm:

     Một là, phải tập trung cao độ vào việc nghiên cứu, sửa đổi Luật BVMT, đảm bảo yêu cầu về chất lượng và đúng tiến độ trình các cấp (dự kiến tháng 5/2020 trình lấy ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 và trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 10 vào tháng 10/2020). Đồng thời, tập trung nguồn lực để xây dựng hành lang pháp lý về quản lý CTR theo hướng thống nhất quản lý trên phạm vi cả nước; nghiên cứu xây dựng quy hoạch  quốc gia làm cơ sở phân vùng, định hướng đầu tư, phát triển các ngành kinh tế; rà soát, điều chỉnh hoặc xây dựng mới các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của các nước phát triển trên thế giới.

     Hai là, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy của các đơn vị trực thuộc Tổng cục theo chức năng, nhiệm vụ mới để bảo đảm thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về CTR theo đúng Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 03/02/2019 của Chính phủ. Cần có sự đổi mới ngay trong cách chỉ đạo, điều hành, tạo được sự đoàn kết, nhất trí, hiệp đồng phối hợp giữa các đơn vị trực thuộc trong Tổng cục, giữa Tổng cục với các đơn vị trong Bộ cũng như các Bộ, ngành và địa phương để nhân lên sức mạnh; phát huy được năng lực, sở trường của mỗi tập thể, cá nhân.

     Ba là, thực hiện đúng tiến độ và chất lượng các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ giao; chủ động báo cáo Lãnh đạo Bộ theo tiến độ để kịp thời chỉ đạo. Chú trọng công tác kế hoạch - tài chính, đảm bảo tiến độ phê duyệt, giải ngân các dự án, nhiệm vụ. 

     Bốn là, chủ động nắm bắt thông tin, tham mưu kịp thời cho Lãnh đạo Bộ các giải pháp để xử lý các vụ việc môi trường nóng, mới phát sinh được dư luận và báo chí phản ánh.

     Năm là, tiếp tục phát huy thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường; tăng cường các hoạt động thanh tra đột xuất; thực hiện thanh tra đến đâu, ban hành kết luận đến đó theo quy định; xử lý nghiêm, có tính răn đe đối với các hành vi vi phạm, đồng thời kịp thời tháo gỡ vướng mắc về chính sách, pháp luật, giúp các địa phương làm tốt công tác quản lý nhà nước trên địa bàn.

     Sáu là, tiếp tục duy trì hoạt động, phát huy hiệu quả của Đường dây nóng tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức và cá nhân về ÔNMT của trung ương và địa phương; tập trung đẩy mạnh, làm tốt hơn việc tiếp nhận, xác minh và xử lý các thông tin.

 

Nguyễn Hằng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn