Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Tăng cường chính sách phòng ngừa, bảo vệ và kiểm soát phế liệu nhập khẩu

02/11/2018

     Ngày 31/10 và 1/11/2018, Bộ trưởng Bộ TN&MT tiếp tục trả lời chất vất trước Quốc hội về những câu hỏi mà đại biểu quan tâm liên quan đến lĩnh vực môi trường.

     Đại biểu Hà Thị Lan (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang) đặt ra câu hỏi: Về tình trạng phế liệu nhập khẩu đã khiến Việt Nam có nguy cơ trở thành bãi thải phế liệu của thế giới. Nguyên nhân và các biện pháp để ngăn chặn tình trạng tái diễn trong thời gian tới?

     Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt trong việc tìm giải pháp giải quyết kịp thời. Bộ TN&MT cũng đã ban hành, tham mưu các cơ chế chính sách để phòng ngừa, bảo vệ từ xa và kiểm soát tình trạng này. Đối với công tác quản lý nhập khẩu phế liệu, Bộ trưởng cho biết, theo quy định pháp luật, Việt Nam chỉ nhập khẩu một số loại cần phục vụ sản xuất. Ngoài ra, chúng ta đã có Nghị định, Quyết định về nhập khẩu phế liệu cũng như các quy định, Thông tư của Bộ TN&MT về các doanh nghiệp đủ năng lực nhập khẩu.

     Nếu nói về các hành lang pháp lý, chúng ta có đầy đủ, vì vậy, nếu có “lỗ hổng” thì đó là do chưa kiểm soát được trước khi hàng hóa vào lãnh thổ Việt Nam và chúng ta chưa có cơ chế để các cơ quan "gác cổng” phối hợp với các cơ quan quản lý kiểm soát hàng hóa - Bộ trưởng trăn trở.

     Nhưng ngay cả khi đã có Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ không cho nhập, thì số container vào Việt Nam vẫn tăng lên. Theo Bộ trưởng, trên thực tế, việc quản lý vấn đề này không khó. Hiện nay, trong số các container tồn đọng ở các cảng, có đến 58% không có giấy tờ hợp pháp, không đủ điều kiện nhập khẩu, đó là những container nhập lậu. Chúng ta nói là chưa có chủ nhưng chắc chắn là có chủ, vừa qua, Bộ Công an cũng đã tìm ra một số đối tượng để xử lý.

 

Toàn cảnh Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV (Ảnh: TTXVN)

 

     Về việc xử lý các container phế liệu tồn đọng, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Đối với những cá nhân, doanh nghiệp có giấy tờ đầy đủ, vẫn yêu cầu phải tự bỏ chi phí để xuất, đây là quy định của pháp luật. Đối với 58% nhập lậu, yêu cầu một cơ quan điều tra và có biện pháp xử lý. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, trong đó không chỉ là phế liệu mà còn có thể là rác, như vậy theo quy định, đây không phải hàng hóa nữa mà là chất thải.

     Chúng ta cần tổ chức lựa chọn các doanh nghiệp có năng lực để xử lý và được sử dụng hàng hóa đó để bán đấu giá, một phần bù đắp cho Nhà nước, một phần để xử lý chất thải. Hiện Bộ TN&MT đã đề xuất Chính phủ xem xét để xử lý theo hướng này, nếu được đồng ý, trong vòng 2 tháng, chúng ta sẽ giải phóng được cảng rác, phế liệu nhập lậu” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề xuất.        

     Về lâu dài, Bộ trưởng cho biết, chúng ta đã tính toán đến việc trước khi các lô hàng chuyển vào Việt Nam phải có yêu cầu độc lập kiểm tra. Hiện nay vấn đề này rất cần sự đồng thuận từ nhiều bên và về phía Bộ TN&MT đã nhất trí. Bộ đã ban hành đầy đủ quy chuẩn kỹ thuật để có thể áp dụng được. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, chúng ta không được dùng các văn bản hành chính để thay thế các văn bản quy phạm pháp luật, tránh tình trạng chồng chéo trong vấn đề giám định.

     Về giải pháp xử lý, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ TN&MT thanh tra trách nhiệm đối với các cơ sở xử lý. Hiện Bộ TN&MT đã tính đến giảm các danh mục phế liệu nhập khẩu; không cho các doanh nghiệp nhập về mà chỉ nhập khẩu sản phẩm sơ chế, phục vụ sản xuất các sản phẩm có giá trị và hiệu quả kinh tế cao.

     Liên quan đển một số câu hỏi về công tác xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của đại biểu Mai Sỹ Diến (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) và đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre), Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, hiện nay, có gần 500 cơ sở gây nhiễm trên toàn quốc. Thực tế, những cơ sở này được hình thành trước khi có Luật BVMT, thậm chí, có những cơ sở có trước năm 1993 là những cơ sở liên quan đến bãi rác, bệnh viện, tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật, ô nhiễm chất độc hóa học trong chiến tranh… Nhà nước sẽ bỏ kinh phí để đầu tư vào các cơ sở công ích. 

     Theo Luật BVMT 2014, tất cả cơ sở, doanh nghiệp, tổ chức cá nhân phải tuân thủ pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nếu vi phạm ở mức gây ô nhiễm nghiêm trọng phải đình chỉ hoặc đóng cửa cơ sở đó. 

     Để xử lý số cơ sở ô nhiễm này, theo Bộ trưởng Trồng Hồng Hà, cần khoảng 2.000 tỷ đồng nhưng hiện tại mới cân đối được 500 tỷ đồng; các tỉnh, thành phải đối ứng 50% vốn trong số này nhưng nhiều địa phương tồn tại cơ sở ô nhiễm không có nguồn thu, chủ yếu dùng ngân sách nhà nước. Bộ TN&MT sẽ báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để giải quyết.

     Trả lời câu hỏi của Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Đoàn ĐBQH Long An) về sự vênh nhau trong dữ liệu tỷ lệ khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải giữa Bộ TN&MT (88%) và Bộ KH&ĐT (87%), Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, con số vênh nhau giữa các Bộ do khác nhau về thống kê đối tượng và thời gian tiếp nhận. Hiện, có 20  khu công nghiệp đang làm hồ sơ và Bộ TN&MT chưa tiếp quản. Cuối năm 2018, khi số khu công nghiệp này được bàn giao về Bộ TN&MT quản lý, số liệu sẽ khớp. 


 Bảo Bình (Tổng hợp)

Ý kiến của bạn