Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Bộ Tài nguyên và Môi trường - Bộ Quốc phòng: Đẩy mạnh các hoạt động phối hợp trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường

05/09/2017

     Ngày 1/9/2017, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà và Thượng tướng - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Bế Xuân Trường đã chủ trì Lễ công bố Quy chế phối hợp hoạt động giữa hai Bộ. Tham dự buổi Lễ có lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ TH&MT; Thủ trưởng Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Thủ trưởng một số Quân chủng, Bộ Tư lệnh, các Cơ quan trực thuộc Bộ Quốc phòng.  

 

Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu tại Lễ công bố

 

     Trong 8 năm qua, Bộ Quốc phòng và Bộ TN&MT đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung hoạt động phối hợp trên các lĩnh vực: Quản lý, sử dụng đất đai; Quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản, nước, rừng, đa dạng sinh học; Quản lý tài nguyên, môi trường, bảo vệ chủ quyền biển, đảo và thềm lục địa; Hoạt động khí tượng, thủy văn, ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng; Đo đạc, bản đồ, viễn thám, phân giới, cắm mốc biên giới; Khắc phục, xử lý chất độc da cam/dioxin, bom, mìn, vật nổ tồn lưu sau chiến tranh. Đặc biệt, hai Bộ đã phối hợp tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản về quản lý, sử dụng đất, trong đó có đất quốc phòng; Ban hành, tổ chức thực hiện 21 văn bản luật, nghị quyết, quyết định, chỉ thị, kế hoạch hành động ở lĩnh vực quân sự, quốc phòng và quản lý, bảo vệ tài nguyên, môi trường; Phối hợp điều tra cơ bản tài nguyên nước, môi trường biển và hải đảo...

     Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, tài nguyên và môi trường biển, đảo, hai Bộ đã phối hợp triển khai 5 dự án thuộc Đề án 47 của Chính phủ; Quan trắc khí tượng thủy văn và ứng phó với BĐKH thông qua việc triển khai đánh giá ảnh hưởng, xác định giải pháp ứng phó, giảm thiểu tác động của BĐKH đến các lĩnh vực hoạt động quân sự, quốc phòng.  Bên cạnh đó, Tập đoàn Viễn thông Quân đội phối hợp với Tổng cục Khí tượng Thủy văn lập đề án xây dựng hệ thống quan trắc phục vụ công tác dự báo khí tượng, thủy văn. Cục Bản đồ, Bộ Tổng Tham mưu phối hợp với Cục Viễn thám quốc gia cung cấp đầy đủ tư liệu viễn thám phục vụ quy hoạch, sử dụng đất quốc phòng, phục vụ ứng phó với thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, phân giới, cắm mốc trên đất liền, trên biển.

     Ngoài ra, hai bên đã phối hợp quản lý, sử dụng 3 trạm quan trắc môi trường thuộc hệ thống quan trắc môi trường quốc gia, gồm: Trạm quan trắc môi trường hóa - độc xạ do Bộ Tư lệnh Hóa học chủ trì thực hiện; Trạm quan trắc và phân tích môi trường biển; Trạm quan trắc môi trường nền và mưa axit khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Đồng thời, phối hợp xử lý, hỗ trợ xử lý 15/19 cơ sở gây ô nhiễm môi trường trong Quân đội theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

     Triển khai Kế hoạch hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, đã hoàn thành việc xử lý triệt để khoảng 90 nghìn m3 đất ô nhiễm đioxin, bàn giao 18,67 ha đất sạch để thực hiện dự án mở rộng sân bay quốc tế Đà Nẵng phục vụ Hội nghị cấp cao APEC vào cuối năm 2017…

     Nhằm nâng cao hiệu quả, phát huy sức mạnh tổng hợp trong công tác quản lý nhà nước về quốc phòng, TN&MT, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng của hai Bộ sẽ phối hợp lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên phạm vi toàn quốc, bảo đảm nguyên tắc thực hiện đồng thời các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; Bảo đảm ưu tiên quỹ đất cho mục đích quốc phòng, an ninh, phục vụ lợi ích quốc gia theo quy định của Luật Đất đai năm 2013.

     Tăng cường quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước, điều tra cơ bản và BVMT biển, hải đảo, đa dạng sinh học; Nghiên cứu, tổ chức lực lượng ứng phó với chiến tranh sinh học, hoạt động đấu tranh, phòng ngừa, kiểm soát săn bắt, đánh bắt, nhập khẩu, vận chuyển, mua, bán trái phép các loài quý hiếm qua biên giới theo quy định của pháp luật; Xây dựng, tổ chức lực lượng kiểm soát ô nhiễm, ứng phó sự cố môi trường biển xuyên biên giới.

 

Toàn cảnh buổi Lễ

 

     Đẩy mạnh quan trắc khí tượng, thủy văn và BĐKH; Chú trọng việc khai thác, sử dụng cơ sở hạ tầng thông tin, trạm viễn thông của Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel.

     Xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch bay chụp ảnh hàng không, phục vụ công tác đo đạc và bản đồ; Khai thác, sử dụng công nghệ viễn thám trong quản lý đất đai, theo dõi hiện trạng, biến động tình hình khu vực biên giới, hải đảo và phục vụ công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.

     Tập trung quản lý và BVMT, quan trắc môi trường biển xa, môi trường hóa - độc xạ trong mạng lưới quan trắc TN&MT quốc gia giai đoạn 2016 - 2025 theo Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 12/1/2016 của Thủ tướng Chính phủ; Nghiên cứu xây dựng và tổ chức lực lượng tham gia hoạt động ứng phó, khắc phục sự cố môi trường; Xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường theo quy định của Luật BVMT.

     Phối hợp trong các hoạt động khắc phục, xử lý chất độc da cam/dioxin, bom, mìn, vật nổ sau chiến tranh, góp phần đẩy nhanh tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 651/QĐ-TTg ngày 1/6/2012 và Quyết định số 504/QĐ-TTg ngày 21/4/2010…

     Phát biểu tại buổi Lễ, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, kết quả của hoạt động phối hợp giữa hai Bộ trong công tác quản lý TN&MT, góp phần quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền đất nước… Trên cơ sở phân tích những thách thức trong tiến trình đổi mới và hội nhập như: Sự suy thoái, cạn kiệt nguồn tài nguyên đất, nước, khoáng sản đang diễn ra ở rất nhiều nơi; BĐKH không còn là vấn đề của tương lai mà là nguy cơ hiện hữu; Môi trường Việt Nam đang chịu nhiều áp lực từ phát triển kinh tế - xã hội trong nước cũng như tác động xuyên biên giới; Nguy cơ tranh chấp các nguồn tài nguyên dẫn đến tranh chấp chủ quyền ngày càng lớn…  Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, TN&MT là lĩnh vực có liên quan đến mọi hoạt động sản xuất, dân sinh, quốc phòng, an ninh do đó, rất cần có sự phối hợp liên ngành, liên vùng. Hơn nữa, đất đai, biển, hải đảo, biên giới không chỉ là tài nguyên mà là lãnh thổ, chủ quyền thiêng liêng của đất nước, vì vậy, sự hợp tác giữa hai Bộ được thể hiện qua Quy chế phối hợp đã được hai Bộ trưởng ký kết ngày 22/7/2017 là rất quan trọng, phát huy được sức mạnh tổng hợp trong công tác quản lý nhà nước về quốc phòng, TN&MT.

     Theo Thượng tướng Bế Xuân Trường - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Quy chế mới ban hành nhằm tăng cường sự phối hợp, khắc phục một số hạn chế chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của hai Bộ; Bảo đảm sự phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành liên quan đến chức năng nhiệm vụ của hai Bộ trong tình hình mới… Do đó, các cơ quan, đơn vị quân đội cần thực hiện tốt việc quán triệt, phổ biến rộng rãi nội dung quy chế để tổ chức một cách hiệu quả, chặt chẽ theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

 

Hồng Nhự (Theo Monre)

Ý kiến của bạn