Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Đa dạng hóa các kênh thông tin tiếp nhận phản ánh của người dân đối với công tác thanh tra

28/02/2019

     Ngày 27/2/2019, tại TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà chủ trì Hội nghị tập huấn nghiệp vụ và triển khai công tác thanh tra, kiểm tra ngành TN&MT năm 2019. Tham dự Hội nghị có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu, cùng hơn 400 đại biểu đại diện các cơ quan: Văn phòng Chính phủ; Thanh tra Chính phủ; Ban Tiếp công dân Trung ương; Sở TN&MT các tỉnh, TP trên toàn quốc.

     Theo Báo cáo, năm 2018, toàn ngành TN&MT đã triển khai trên 2.700 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với gần 7.500 tổ chức, cá nhân. Qua đó, xử phạt vi phạm hành chính 1.500 tổ chức, cá nhân với số tiền trên 116 tỷ đồng, kiến nghị truy thu, nộp ngân sách nhà nước trên 15 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 700 ha đất. Bên cạnh đó, toàn ngành cũng triển khai hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết kịp thời đơn thư khiếu nại, tố cáo theo quy định.

 

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: Monre)

 

     Công tác thanh tra, kiểm tra đã có sự kết hợp hiệu quả giữa Trung ương và địa phương; nội dung thanh tra gắn với những vấn đề bức xúc từ thực tiễn như vấn đề vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đất đai, chấp hành pháp luật về BVMT trong các dự án đầu tư. Trong năm 2018, số cuộc thanh tra kết hợp nhiều lĩnh vực đã tăng 28% so với năm 2017, trong đó, nổi bật là việc triển khai hiệu quả các cuộc thanh tra kết hợp nhiều lĩnh vực của một số địa phương như: Bình Dương, Nghệ An, Quảng Bình…

     Toàn ngành đã thực hiện 530 cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất, trong đó, Bộ TN&MT thực hiện thanh tra, kiểm tra đột xuất với tỷ lệ 38%. Một số cuộc thanh tra đã kịp thời xử lý các sai phạm trong lĩnh vực TN&MT mà dư luận xã hội quan tâm, như: Kiểm tra, xử lý các dự án sử dụng đất thực hiện chậm tiến độ; việc chấp hành pháp luật về BVMT đối với các nhà máy tại khu kinh tế Dung Quất và các dự án đang hoạt động tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân; công tác BVMT trong nhập khẩu phế liệu tại các cảng biển; các vụ việc về ô nhiễm, sự cố môi trường và đa dạng sinh học trên địa bàn cả nước; hoạt động khai thác titan; các dự án san lấp biển, ảnh hưởng đến cảnh quan Vịnh Nha Trang... Tất cả các cuộc thanh tra do Bộ chủ trì, trước khi triển khai, Bộ đều phối hợp với các địa phương tiến hành khảo sát để kịp thời điều chỉnh, bổ sung về nội dung và đối tượng thanh tra, tránh sự chồng chéo với Thanh tra Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và địa phương theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

     Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, công tác thanh, kiểm tra thời gian qua vẫn tồn tại một số hạn chế nhất định, chưa tạo được bước đột phá; nhiều vụ việc chỉ được triển khai khi các phương tiện thông tin đại chúng phát hiện và đăng tin hoặc do Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo. Do đó, kết quả công tác thanh tra chưa góp nhiều hiệu quả vào việc giải quyết những vấn đề tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, để đảm bảo tinh thần thượng tôn pháp luật. Việc phát hiện những kẽ hở, bất cập của cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoàn thiện, chưa tạo được sự tin tưởng tuyệt đối của các tầng lớp nhân dân.

     Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị, toàn ngành cần bám sát và quán triệt phương châm năm 2019 của Chính phủ là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả” để tạo bước đột phá, đưa công tác thanh tra, kiểm tra trở thành công cụ sắc bén, hữu hiệu, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về TN&MT. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ thanh tra phải thể hiện được trình độ chuyên môn, liêm khiết, công minh khi thực hiện nhiệm vụ được giao, tạo được niềm tin cho nhân dân.

 

Các đại biểu tham dự Hội nghị

 

     Đối với công tác chuyên môn, Bộ trưởng đề nghị thường xuyên tăng cường thanh tra đột xuất để giải quyết tình trạng nhũng nhiễu, gây bức xúc trong dư luận, trong đó tập trung trọng tâm về đất đai, những cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, Bộ trưởng đề nghị cần có sự phối hợp tốt trong việc xây dựng, triển khai kế hoạch thanh tra hàng năm, thiết lập cơ chế trao đổi thông tin để khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp giữa Bộ, ngành và địa phương; đa dạng hóa các kênh thông tin để tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị của người dân đối với công tác thanh tra, khiếu nại, tố cáo. Đồng thời, cần gắn trách nhiệm và nâng cao hơn nữa công tác chỉ đạo điều hành của người đứng đầu các đơn vị thanh tra, từ đó đưa ra những ý kiến tham mưu kịp thời, khách quan tới các cấp; giải quyết theo thẩm quyền các nhiệm vụ được giao.

     Bộ trưởng cũng đề cập đến công tác phối hợp giữa Bộ TN&MT với các địa phương trong việc xây dựng chủ trương, cơ chế, chính sách, pháp luật về công tác quản lý tài nguyên và BVMT; trao đổi, chia sẻ thông tin, giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn ở địa phương. Bộ trưởng khẳng định, Bộ TN&MT sẵn sàng hỗ trợ địa phương trong quá trình triển khai các cơ chế, chính sách, pháp luật và giải quyết, tháo gỡ khó khăn cũng như những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra ở địa phương.

     Đồng quan điểm với Bộ trưởng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu cho rằng, cần tăng cường công tác thanh tra, thanh tra đột xuất những nơi có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường. Khi phát hiện có sai phạm cần phải xử lý dứt điểm, khách quan để các bên đều “tâm phục khẩu phục”. Phó Chủ tịch cũng đề nghị Bộ TN&MT hỗ trợ địa phương trong công tác xây dựng cơ sở dữ liệu ngành để phục vụ tốt hơn công tác phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

     Hội nghị lần này là dịp để tỉnh Quảng Ninh và các địa phương trên toàn quốc cùng trao đổi, chia sẻ, thảo luận bàn giải pháp tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, để từ đó tạo chuyển biến tích cực trong công tác thanh tra, kiểm tra, góp phần chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực TN&MT.

 

Phạm Văn Ngọc

Ý kiến của bạn