Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Đánh giá kết quả 20 năm Việt Nam hợp tác với ASEAN về môi trường

09/01/2017

   Năm 2016 là năm đầu tiên sau khi hình thành Cộng đồng ASEAN, là thời điểm mà các nước thành viên ASEAN đang nỗ lực xây dựng và triển khai các mục tiêu của Cộng đồng ASEAN đến năm 2025. Đồng thời, đây cũng là năm đánh dấu quá trình 20 năm Việt Nam tham gia hợp tác với ASEAN về môi trường, qua đó nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam trong khu vực.

Toàn cảnh Hội thảo

   Đó là phát biểu của Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài tại Hội thảo tổng kết chặng đường 20 năm hợp tác ASEAN về môi trường của Việt Nam diễn ra ngày 6/1/2016 tại Hà Nội.

   Ngày 28/7/1995, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 7 của ASEAN. Trong hợp tác ASEAN, Việt Nam bắt đầu tham gia hợp tác về môi trường từ năm 1996. Tháng 2/1996, Tổ chức các quan chức cấp cao về môi trường của Việt Nam (ASOEN Việt Nam) được thành lập và hình thành các nhóm công tác thuộc ASOEN Việt Nam. Từ năm 2002 - 2008, Cục trưởng Cục Môi trường là Chủ tịch ASOEN Việt Nam và Cục Môi trường (sau này là Cục BVMT) là cơ quan thường trực. Từ năm 2008 đến nay, Tổng cục Môi trường là cơ quan thường trực và Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường là Chủ tịch ASOEN Việt Nam. Ngay sau khi thành lập, ASOEN Việt Nam đã nhanh chóng hòa nhập và tích cực tham gia vào tất cả các hoạt động, diễn đàn môi trường trong ASEAN.

   Nhìn lại chặng đường 20 năm hợp tác với ASEAN về môi trường, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tài nhấn mạnh, Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò và vị thế của mình trong lĩnh vực môi trường, tạo hình ảnh một nước Việt Nam đang đổi mới, phát triển năng động, có trách nhiệm, đồng thời là một đối tác tin cậy trong ASEAN và cộng đồng quốc tế. Trong 20 năm tham gia hợp tác ASEAN về môi trường, Việt Nam đã tham gia tích cực và hiệu quả, thực hiện tốt trách nhiệm và nghĩa vụ quốc gia trong mọi hoạt động có liên quan, bao gồm các nhóm công tác về môi trường của ASEAN (các TP bền vững môi trường, môi trường biển và đới bờ, biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý tài nguyên nước...); tổ chức các hội nghị, hội thảo, diễn đàn, cuộc gặp các cấp với nhiều hình thức song phương, đa phương.

   Thông qua hợp tác với ASEAN, bạn bè trong và ngoài khu vực hiểu rõ hơn đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam, đồng thời, Việt Nam đã có điều kiện để học tập và chia sẻ kinh nghiệm, tiếp cận các tiến bộ khoa học - công nghệ, nâng cao năng lực cũng như chủ động nêu các sáng kiến để thúc đẩy hợp tác có lợi cho đất nước. Việt Nam đã đề xuất được hơn 10 sáng kiến hợp tác với ASEAN về môi trường, 7 dự án mà Việt Nam là đầu mối thực hiện, tham gia 4/30 các TP bền vững về môi trường trong ASEAN, 6/30 vườn quốc gia được công nhận là di sản ASEAN...

   Tại Hội thảo, các đại biểu đã đánh giá những kết quả hợp tác, những tồn tại, hạn chế và đề xuất giải pháp để nâng cao hiệu quả của hợp tác với ASEAN trong thời gian tới. Với sự thành lập Cộng đồng ASEAN từ cuối năm 2015, tiến trình hợp tác ASEAN được chuyển sang một giai đoạn hợp tác mới, mở ra nhiều cơ hội, nhưng cũng không ít thách thức đặt ra cho khu vực và mỗi quốc gia ASEAN, đòi hỏi các nước thành viên ASEAN phải nỗ lực hơn để đóng góp vào nỗ lực chung của Cộng đồng thực hiện các cam kết toàn cầu trong BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của thế giới. Trong tình hình đó, Việt Nam cần xây dựng một Chiến lược hay Kế hoạch hành động tham gia hợp tác ASEAN về môi trường phù hợp trong từng giai đoạn và kịp thời hỗ trợ các chiến lược phát triển của đất nước, cũng như phù hợp với bối cảnh phát triển, hoạt động mới của thế giới và ASEAN; Tăng cường năng lực cho đầu mối quốc gia (Văn phòng ASOEN Việt Nam) để đảm nhiệm tốt việc điều phối chung mọi hoạt động hợp tác ASEAN về môi trường; Chủ động xây dựng và đề xuất sáng kiến mang lại lợi ích khu vực và đất nước, bên cạnh việc tích cực tham gia thực hiện các sáng kiến do khu vực, hoặc các đối tác của ASEAN đề xuất.

Hương Trần 

Ý kiến của bạn