Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 22/01/2025

Sự thức tỉnh về sinh thái: Đo lường nhận thức toàn cầu và hành động vì thiên nhiên

30/06/2021

    Một nghiên cứu toàn cầu do WWF ủy quyền cho Economist Intelligence Unit (EIU) của The Economist Group thực hiện cho thấy, mối quan tâm của công chúng đối với thiên nhiên đã tăng lên rõ rệt (16%) trong 5 năm qua và tiếp tục gia tăng trong đại dịch COVID -19. Nghiên cứu được thực hiện nhằm đo lường mức độ tham gia, nhận thức và hành động vì thiên nhiên của con người bằng 27 ngôn ngữ, tại 54 quốc gia trên toàn cầu. Nghiên cứu khảo sát trên 80% dân số thế giới trong 5 năm (2016 - 2020) và được phân tích, bằng cách sử dụng Google Trends.

    Ngày nay, trên khắp thế giới, đặc biệt tại các nền kinh tế mới nổi, con người ngày càng nhận thức rõ hơn về cuộc khủng hoảng môi trường của hành tinh. Điều này đã tác động đến hành vi của họ, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID – 19 đang diễn biến phức tạp. Báo cáo "Sự thức tỉnh về sinh thái: Đo lường nhận thức toàn cầu, sự tham gia và hành động vì thiên nhiên" cho thấy, các hoạt động về môi trường bùng nổ trên các phương tiện trực tuyến. Trong 4 năm qua, lượt đề cập về các vấn đề môi trường trên mạng xã hội Twitter tăng đến 65%, trong đó chủ đề thiên nhiên và đa dạng sinh học tăng từ 30 triệu lên 50 triệu lượt được đề cập. Nhiều cá nhân, đơn vị có sức ảnh hưởng như các nhà lãnh đạo tinh thần, chính trị gia và các tổ chức truyền thông, tin tức và những người nổi tiếng, đã lên tiếng vì thiên nhiên, bao gồm Giáo hoàng, BBC và The New York Times, với các bài đăng trên mạng xã hội có lượt tiếp cận tới hơn 1 tỷ khán giả trên toàn thế giới...

Chủ đề về động vật hoang dã đang ngày càng nhận được sự quan tâm của cộng đồng xã hội

    Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng con người đang gia tăng sự quan tâm tới thiên nhiên qua các từ khóa tìm kiếm liên quan tới chủ đề về động thực vật hoang dã, đa dạng sinh học, cháy rừng, nạn phá rừng và các loài có nguy cơ tuyệt chủng trên google, đặc biệt tại các quốc gia châu Á và châu Mỹ La tinh như Inđônêxia (tăng 53%) và Ấn Độ (tăng 190%). Ngoài ra, ngày càng nhiều người nhận ra mất mát về thiên nhiên là một vấn đề toàn cầu nghiêm trọng, cụ thể 96% người dân sinh sống tại châu Mỹ La tinh đồng ý với điều này khi được khảo sát (khu vực có tỉ lệ cao nhất). Sự thay đổi này từ cộng đồng phản ánh một thực tế đáng suy ngẫm, vì người dân ở các khu vực đang phát triển đang phải qua nhiều tác động tàn khốc từ những mất mát của thiên nhiên hơn những nơi khác.

    Trải qua một kỷ nguyên của việc tuần hành phản đối và nêu kiến nghị, giờ đây ngày càng nhiều người tiêu dùng trên khắp thế giới đang thay đổi hành vi của mình như điều chỉnh thói quen mua hàng - chỉ mua những gì phù hợp với giá trị và nhu cầu của họ. Phân tích cho thấy kết quả tìm kiếm về những sản phẩm bền vững tăng đáng kinh ngạc - 71% kể từ năm 2016, phổ biến tại các quốc gia có thu nhập cao, như Anh, Mỹ, Đức, Ôxtrâylia và Canađa. Tuy nhiên, xu thế này không chỉ có ở những nền kinh tế trên mà còn xuất hiện và gia tăng tại các nền kinh tế mới nổi hoặc các quốc gia đang phát triển như Inđônêxia (24%) và Ecuador (120%). Áp lực này đang buộc các tập đoàn sản xuất phải hồi đáp lại bằng hành động, đặc biệt là trong lĩnh vực mỹ phẩm, dược phẩm, thời trang và thực phẩm. Kể từ năm 2016, hơn 159 triệu chữ ký cho các chiến dịch liên quan đến đa dạng sinh học đã được thu thập, cùng với đó là sự gia tăng về mức độ và tần suất của các cuộc biểu tình trên toàn thế giới nhằm yêu cầu các nhà ra quyết định có những hành động quyết liệt vì hành tinh và thế hệ tương lai, trong bối cảnh các phong trào bảo tồn thiên nhiên ngày càng lớn.

    Tại khu vực Đông Nam Á, những nhà hoạch định chính sách và các tổ chức xã hội dân sự cũng đã có những hành động quyết liệt lên tiếng để bảo vệ thiên nhiên và môi trường. Năm 2020, Chính phủ Thái Lan đe dọa sẽ đưa ra một thỏa thuận có thể ngăn chặn kế hoạch xây dựng thêm một đập thủy điện khác trên sông Mê Kông. Số lượng lớn các đập thủy điện của Lào và Trung Quốc dọc theo sông Mê Kông đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân khu vực hạ lưu ở Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Tình trạng các vùng đất màu mỡ bị nhiễm mặn đã ảnh hưởng đến việc xuất khẩu lương thực và cung cấp nước ngọt cho nhu cầu hàng ngày. Chính phủ Thái đã yêu cầu các dự án xây dựng đập phải nghiên cứu tác động môi trường trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

    Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo chính trị ở Inđônêxia và Malaixia cùng hợp sức để chống lại cái mà họ mô tả là một chiến dịch bôi nhọ dầu cọ. Hai quốc gia sản xuất 85% dầu cọ - một thành phần phổ biến trong thực phẩm chế biến, mỹ phẩm và dầu diesel sinh học - của thế giới. Việc sản xuất này đã vấp phải sự chỉ trích trên toàn cầu do những tác động tiêu cực đến môi trường, kèm theo đó là nhiều lời kêu gọi tẩy chay các sản phẩm có chứa thành phần này. Động thái của Chính phủ Inđônêxia khiến các nhà hoạt động, nhằm cải cách hoặc xóa bỏ ngành công nghiệp này, lo ngại bởi nỗ lực của họ có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vào năm 2021, Malaixia đã nối gót Inđônêxia đệ đơn kiện EU, cáo buộc họ ưu ái các nhà sản xuất dầu thực vật của chính họ. Các biện pháp trả đũa thương mại cũng đã được đưa ra.

    Việt Nam, một quốc gia có mức đa dạng sinh học cao - đã tham gia Nhóm Công tác về Biến đổi Khí hậu của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm 2021. Với tư cách là thành viên, Việt Nam sẽ tham gia các sáng kiến khu vực như ngăn chặn rác thải nhựa đại dương, các sáng kiến giải quyết ô nhiễm không khí và ô nhiễm nguồn nước xuyên biên giới.

    Như vậy, trước những mất mát về thiên nhiên đang làm tăng khả năng dễ bị tổn thương của nhân loại trước đại dịch, làm suy yếu các nỗ lực giải quyết khủng hoảng khí hậu và đe dọa sinh kế, các cộng đồng và xã hội trên thế giới đang cùng ủng hộ quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế và phát triển bền vững, trong đó coi việc bảo vệ thiên nhiên là nghĩa vụ đạo đức, đền đáp cho sự sống mà Trái đất mang lại cũng như những dịch vụ quan trọng mà hành tinh này cung cấp cho nền kinh tế, phúc lợi, sức khỏe và an ninh quốc gia. Đây thực sự là một "sự thức tỉnh về sinh thái" mang tính lịch sử và là cơ hội để cân bằng lại mối quan hệ của con người với thiên nhiên.

Nam Việt

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 6/2021)

 

Ý kiến của bạn