Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 21/01/2025

Chính sách thúc đẩy áp dụng mô hình tái sử dụng: Kinh nghiệm quốc tế và gợi ý cho việt nam

02/01/2025

1. Mở đầu

    Trong bối cảnh toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu (BĐKH) đang diễn ra mạnh mẽ, việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH) là xu thế tất yếu trong phát triển kinh tế hiện nay. Tái sử dụng là một trong những nội dung quan trọng của KTTH, giúp kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế phát sinh chất thải, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường. Một số quốc gia tiên tiến đã triển khai nhiều sáng kiến hiệu quả, từ việc tái sử dụng và tái chế chất thải đến thiết kế sản phẩm dễ dàng tháo rời và tái chế, đóng góp tích cực vào việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tiết kiệm nguồn lực.

    Việt Nam đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng đối với nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường sống do phát triển kinh tế nhanh. Quản lý chất thải, ô nhiễm môi trường, khai thác tài nguyên không bền vững đang trở thành những vấn đề đáng báo động. Áp dụng mô hình tái sử dụng đang là một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam hiện nay nhằm giải quyết bài toán môi trường, tài nguyên, chất thải đồng thời phù hợp với xu thế phát triển bền vững và KTTH toàn cầu.

    Thực hiện lộ trình phân loại rác tại nguồn bắt buộc từ 1/1/2025 theo Luật BVMT năm 2020, việc tìm kiếm giải pháp tái sử dụng hiệu quả các chất thải có khả năng TSD là cần thiết. Nhiều Chiến lược, Kế hoạch hành động của Việt Nam đang đặt ra mục tiêu tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải để hướng tới phát triển KTTH. Cụ thể, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT năm 2020 đã quy định khuyến khích việc tái sử dụng chất thải “Khoản 3, Điều 47, quy định chung về BVMT đối với khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung”. Phát triển thị trường tái sử dụng là một trong những biện pháp Nhà nước khuyến khích các hoat động phát triển KTTH. Áp dụng mô hình tái sử dụng sẽ giúp Việt Nam thực hiện các cam kết quốc tế về phát triển bền vững, ứng phó với BĐKH. Sự chuyển đổi sang mô hình KTTH với trọng tâm là tái sử dụng, tái chế là bước đi thiết yếu để đáp ứng các mục tiêu này.

    Bài viết phân tích kinh nghiệm quốc tế về xây dựng và thực thi các chính sách thúc đẩy áp dụng mô hình tái sử dụng theo hướng KTTH. Trên cơ sở đó, rút ra những bài học, gợi ý có giá trị tham khảo cho Việt Nam trong quá trình hoàn thiện hệ thống chính sách để đẩy mạnh hoạt động tái sử dụng trong thời gian tới.

2. Kinh nghiệm quốc tế về chính sách thúc đẩy áp dụng mô hình tái sử dụng

2.1. Khu vực châu Âu

    Châu Âu được coi là khu vực tiên phong trên thế giới trong việc xây dựng và triển khai các chính sách thúc đẩy KTTH và tái sử dụng. Liên minh châu Âu (EU) đã ban hành Kế hoạch hành động KTTH (CEAP) từ năm 2015 (European Commission, 2015), bao gồm 54 hành động với các mục tiêu cụ thể về tái sử dụng, tái chế, giảm chôn lấp.

    Năm 2018, chỉ thị về chất thải của EU sửa đổi đã đề xuất hàng loạt các chính sách, quy định, biện pháp nhằm thúc đẩy các hoạt động hạn chế, tái chế, tái sử dụng chất thải trong khu vực EU. Một số các văn bản quy định cụ thể bao gồm: Chỉ thị về khung chất thải (Waste Framework Directive), Chỉ thị về bãi chôn lấp (Landfill Directive), Chỉ thị về bao bì và chất thải bao bì (The Packaging and Packaging Waste Directive) và Chỉ thị về nhựa sử dụng một lần (Single-Use Plastics Directive)… cũng như các mục tiêu cụ thể về hạn chế, tái chế, tái sử dụng chất thải đã và đang được các nước tích cực triển khai trên thực tế. Trên cơ sở các quy định được đưa ra từ Liên minh châu Âu, các quốc gia thành viên sẽ ban hành các quy định, chính sách, hoạt động nhằm hướng tới thực hiện các mục tiêu chung được đề ra. Các chính sách của châu Âu hướng tới việc đóng góp cho KTTH thông qua việc tận thu tối đa các loại chất thải có giá trị, có khả năng tái chế, tái sử dụng.

    Thỏa thuận Xanh châu Âu (EU Green Deal) năm 2019 nhấn mạnh KTTH là trụ cột chính trong chuyển đổi nền kinh tế của châu lục. Năm 2020, EU tiếp tục ban hành Kế hoạch hành động KTTH mới, xác định 7 lĩnh vực ưu tiên và đưa ra nhiều chính sách, biện pháp hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

    Năm 2022, Ủy ban Liên minh châu Âu (EC) đã đề xuất quy định mới nhằm yêu cầu các nước tăng tỷ lệ bao bì có thể tái sử dụng và đặt các mục tiêu tái sử dụng bắt buộc đối với một số nhóm sản phẩm cụ thể. Theo đó, toàn bộ 27 nước thành viên EU sẽ được yêu cầu tăng tỉ lệ giảm bao bì chất thải trên đầu người thêm 5% đến năm 2030 và 15% đến năm 2040 so với mức đặt ra năm 2018.

    Ở cấp độ các nước, nhiều quốc gia thành viên EU cũng đã ban hành các kế hoạch hành động, chiến lược quốc gia về kinh tế tuần hoàn. Pháp là quốc gia điển hình với Luật chống lãng phí và KTTH được thông qua năm 2020. Luật này đưa ra nhiều quy định quan trọng như yêu cầu nhà sản xuất thông báo chỉ số khả năng sửa chữa của sản phẩm, cấm tiêu hủy hàng hóa chưa bán hết, quy định ưu đãi giá đối với sản phẩm tái sử dụng… Pháp cũng đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030, 5% lượng rác thải đô thị phải được tái sử dụng. Pháp đang phát triển nhanh chóng các hệ thống tái sử dụng cho hộp đựng thực phẩm và đồ uống, với sự tham gia của nhiều nhà hàng, dịch vụ ăn uống và nhà bán lẻ.

    Trong khi đó, tại Đức, Chính phủ khuyến khích mạnh mẽ việc sử dụng bao bì tái sử dụng trong lĩnh vực ăn uống và thực phẩm. Đức tập trung vào việc khuyến khích doanh nghiệp áp dụng thiết kế thân thiện với môi trường, giảm bao bì, tăng tỷ lệ tái sử dụng bao bì trong một số ngành như đồ uống. Các mô hình kinh doanh như REBOWL và VYTAL cung cấp hệ thống hộp đựng thực phẩm có thể tái sử dụng cho các nhà hàng, quán cà phê trên khắp đất nước (Sea At Risks, 2022).

    Một số quốc gia khác đã đưa ra các quy định ràng buộc cụ thể, chẳng hạn Tây Ban Nha quy định nhà sản xuất có trách nhiệm tái sử dụng đối với từng nhóm sản phẩm điện, điện tử (3% đối với các sản phẩm điện, điện tử cỡ lớn; 4% đối với các sản phẩm công nghệ thông tin và thiết bị viễn thông cỡ nhỏ; 2% đối với các sản phẩm dệt may, sản phẩm điện, điện tử, đồ nội thất và các dòng chất thải khác); Bỉ yêu cầu mỗi công dân phải tái sử dụng một khối lượng chất thải cụ thể đến một thời điểm nhất định.

    Nhìn chung, các chính sách tái sử dụng ở châu Âu khá toàn diện và đi vào thực chất, vừa có tính bắt buộc vừa có các biện pháp khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp và người tiêu dùng. Các chính sách này không chỉ góp phần thúc đẩy hoạt động tái sử dụng, kéo dài tuổi thọ sản phẩm mà còn tác động tới toàn bộ chuỗi giá trị sản xuất và tiêu dùng theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường hơn.

2.2. Khu vực châu Á

    Tại Ấn Độ, mặc dù mức tiêu thụ nhựa bình quân đầu người hiện chỉ bằng 2,5 lần so với mức trung bình toàn cầu, nhưng với dân số đông và tốc độ tăng trưởng nhanh, vấn đề quản lý nhựa ngày càng trở nên quan trọng và cấp bách. Ấn Độ đã ban hành một loạt các quy định về quản lý chất thải nhựa từ năm 2000, bao gồm việc cấm nhập khẩu chất thải nhựa rắn vào năm 2019. Các cơ quan chịu trách nhiệm thực thi bao gồm: Bộ Môi trường, Rừng và BĐKH ở cấp Trung ương; Ban kiểm soát ô nhiễm Quốc gia ở cấp bang, và Cơ quan đô thị địa phương ở cấp cơ sở. Chiến lược tuần hoàn nhựa của Ấn Độ tập trung vào 4 trụ cột: (1) Xây dựng chính sách toàn diện; (2) Áp dụng công nghệ hiện đại; (3) Truyền thông nhất quán tới người tiêu dùng và (4) Thực thi nghiêm túc pháp luật (CII-ITC, 2020).

Bảng 1. Tóm tắt chiến lược tuần hoàn nhựa của Ấn Độ

Chiến lược

Nội dung và giải pháp

Chiến lược I

Xây dựng chính sách KTTH toàn diện cho nhựa bao gồm:

• Thiết lập tiêu chuẩn: thành phần vật liệu bao bì; hàm lượng tái chế;

• Nghiên cứu về các loại nhựa mới: phát triển vật liệu có thể tự phân hủy có gốc sinh học;

• Đặt mục tiêu từ cấp trung ương tới địa phương, có ràng buộc thời hạn: phân loại tại nguồn (% hộ gia đình, số lượng địa phương thực hiện); hàm lượng tái chế vật liệu tối thiểu trong sản phẩm (%, lộ trình); giảm tiêu thụ nhựa (từ thượng nguồn/upstream); ràng buộc trách nhiệm giải trình;  

• Khuyến khích và trợ cấp cho các công nghệ đã được xác định (liên quan tới Chiến lược II): giảm lãi suất cho vay với máy móc thiết bị; giảm thuế nhập khẩu cho các thiết bị công nghệ được lựa chọn;

Chiến lược II

Áp dụng và phát triển các công nghệ hiện đại, khả thi, hiệu quả đối với quản lý nhựa từ thượng nguồn (upstream) và hạ nguồn (downstream):

• Xác định các công nghệ khả thi và có thể mở rộng để phân loại, tái chế tốt hơn: công nghệ phân loại từng loại nhựa; tái chế nâng cao chất lượng, giảm tiêu thụ nhựa nguyên sinh; nâng cao tính giải trình qua theo dõi, giám sát dòng chất thải bằng thiết bị IoT;  

• Thúc đẩy sự hợp tác giữa các doanh nghiệp, khối nghiên cứu, nhà chuyển đổi và nhà tái chế;

Chiến lược III

Cung cấp thông điệp nhất quán với người tiêu dùng về KTTH, trong đó tập trung vào:

• Giảm sử dụng sản phẩm nhựa không cần thiết, nhựa dùng 1 lần;

• Tự phân loại tại nguồn;

Chiến lược IV

Thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật và thi hành các hình phạt:

• Phạt tiền với các trường hợp không tuân thủ: áp dụng với các hộ gia đình, cơ sở kinh doanh không thực hiện tự phân loại rác (đã thực hiện ở một số địa phương);

• Các hình thức phạt khác: không thu gom rác chưa được phân loại;

Nguồn:(CII-ITC, 2020)

    Tại Nhật Bản, ngành công nghiệp môi trường đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, thị trường công nghiệp môi trường chiếm 10,1% toàn bộ giá trị ngành công nghiệp và dự kiến tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai. Thị trường này sử dụng khoảng 2,61 triệu lao động và ước tính rằng toàn bộ thị trường sẽ tăng lên với giá trị 133,5 nghìn tỷ JPY vào năm 2050. Trong số này, các lĩnh vực bao gồm năng lượng sạch và hiệu quả năng lượng dự báo chiếm 46,9% tổng giá trị (Bangert, 2020). Các doanh nghiệp liên quan đến tái chế và quản lý chất thải, tái sản xuất và sửa chữa, cho thuê và thuê lại, và xây dựng công trình độ bền cao chiếm 40% tổng giá tri. Các chính sách chuyển đổi sang KTTH xoay quanh khái niệm "Xã hội tuần hoàn vật chất lành mạnh" được đưa ra trong Luật Cơ bản về thành lập xã hội tuần hoàn vật chất lành mạnh. Luật này đặt ra thứ tự ưu tiên trong xử lý chất thải (Giảm phát sinh, tái sử dụng, tái chế, thu hồi nhiệt, xử lý), và được hỗ trợ bởi Luật Quản lý chất thải; Luật thúc đẩy sử dụng tài nguyên hiệu quả; 6 luật tái chế riêng lẻ và Luật về mua sắm xanh (Ministry of Environment of Japan).

Hình 1. Hệ thống luật pháp Nhật Bản liên quan đến quản lý chất thải

Nguồn: Tổng hợp từ Ministry of Environment of Japan

    Luật cũng lần đầu tiên đặt ra thứ tự ưu tiên xử lý chất thải trong luật pháp Nhật Bản: (1) Giảm phát sinh chất thải; (2) tái sử dụng sản phẩm/bộ phận; (3) Tái chế vật liệu; (4) Tái chế nhiệt; (5) Xử lý đúng cách.

2.3. Khu vực Bắc Mỹ và một số quốc gia khác

    Tại Mỹ, Chính phủ đã ban hành nhiều quy định và cung cấp hỗ trợ tài chính đáng kể để thúc đẩy tái sử dụng và giảm thiểu chất thải, như Đạo luật BVMT đã đề ra "Chiến lược tái chế quốc gia" (National Recycling Strategy). Chương trình này không chỉ nhằm tăng cường nhận thức của người dân mà còn khuyến khích các hoạt động tái chế và tái sử dụng thông qua việc thiết lập các tiêu chuẩn mới và cung cấp hướng dẫn chi tiết cho các doanh nghiệp và cộng đồng. Các biện pháp khuyến khích bao gồm giảm thuế, trợ cấp, và các khoản vay ưu đãi. Đầu tư vào công nghệ, đổi mới, và hợp tác công tư cũng đóng vai trò quan trọng. Nhiều tổ chức phi lợi nhuận hoạt động như trung tâm tái sử dụng phục vụ cộng đồng. Ngoài ra, giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng cũng được chú trọng để thay đổi thói quen tiêu dùng.

    Canada đã có những bước tiến đáng kể trong việc áp dụng mô hình KTTH thông qua "Kế hoạch Hành động KTTH cho Canađa". Trọng tâm bao gồm nâng cao nhận thức về lợi ích của tái sử dụng, tăng cường hợp tác giữa các bên liên quan, hỗ trợ đổi mới và chuyển đổi mô hình kinh doanh, phát triển chính sách và tiêu chuẩn khuyến khích thiết kế tuần hoàn, và mở rộng các giải pháp tài chính và đầu tư cho doanh nghiệp tái sử dụng (Circular Economy Leadership Canađa and Circular Innovation Council, 2023).

Một số quốc gia khác

    Tại Ôxtrâylia, mô hình cửa hàng đồ second-hand như Salvos rất phổ biến, cung cấp các mặt hàng như thiết bị điện tử, quần áo, đồ gia dụng với giá cả vừa phải.

    Tại Áo, Công ty Berglandmilch đã sản xuất chai sữa có thể tái sử dụng và thiết lập hệ thống hoàn trả tiền đặt cọc rộng khắp, góp phần giảm thiểu rác thải bao bì (Sea At Risks, 2022).

    Ở Bỉ, nhiều thành phố cung cấp trợ cấp cho việc sử dụng tã vải có thể giặt được nhằm giảm rác thải từ tã dùng một lần. Các doanh nghiệp tư nhân cũng hướng tới phát triển và cung cấp dịch vụ cho thuê tã và hộp đựng thực phẩm có thể tái sử dụng (Sea At Risks, 2022).

    Tại Đan Mạch, công viên giải trí Tivoli Gardens đã triển khai hệ thống cốc có thể tái sử dụng kết hợp hoàn trả tiền đặt cọc từ năm 1998, giúp tiết kiệm môi trường hàng chục tấn rác thải nhựa mỗi năm (Rethinking Plastic, 2021).

3. Thực trạng chính sách tái sử dụng tại Việt Nam

    Trong những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng và hoàn thiện khung chính sách, pháp luật về KTTH và tái sử dụng. Các chủ trương, quan điểm về phát triển KTTH, BVMT và sử dụng tài nguyên bền vững đã được đề cập trong nhiều văn kiện quan trọng của Đảng như: Nghị quyết số 24-NQ/TW; Kết luận số 56-KL/TW của Bộ Chính trị và Văn kiện Đại hội XIII. Việc ban hành Luật BVMT năm 2020 với nội dung dành riêng 1 điều về KTTH là một bước tiến quan trọng, tạo cơ sở pháp lý cho thúc đẩy mô hình này.

    Ở cấp độ dưới Luật, Chính phủ và các Bộ, ngành cũng đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện như Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT; Quyết định số 687/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển KTTH ở Việt Nam, Quyết định 1746/QĐ-TTg và Quyết định số 1316/QĐ-TTg về tăng cường quản lý chất thải nhựa. Các văn bản này bước đầu đã cụ thể hóa các chính sách, giải pháp và lộ trình hành động để thúc đẩy tái sử dụng, tái chế chất thải, phát triển KTTH.

    Bên cạnh đó, nhiều Chiến lược, Quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 cũng đã lồng ghép các nội dung về KTTH và tái sử dụng như: Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; Chiến lược quốc gia về BĐKH… Điều này cho thấy tầm nhìn của Chính phủ coi KTTH là một trụ cột quan trọng để phát triển bền vững và BVMT.

    Mặc dù, Việt Nam đã có những nỗ lực đáng kể trong việc ban hành các chính sách, quy định về KTTH và tái sử dụng, tuy nhiên việc áp dụng và triển khai trên thực tế vẫn còn nhiều hạn chế. Các chính sách hiện tại còn chưa đủ mạnh, chưa tạo được động lực đủ lớn để thúc đẩy hoạt động tái sử dụng diễn ra rộng khắp và hiệu quả.

    Để TSD thực sự trở thành một hoạt động phổ biến và mang lại lợi ích thiết thực, cần có các chính sách hiệu quả hơn nữa nhằm khuyến khích, hỗ trợ và tạo động lực cho các bên liên quan tham gia vào quá trình này. Các chính sách cần tập trung vào việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân và doanh nghiệp, xây dựng hạ tầng và cơ sở vật chất cần thiết, đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ về tài chính và công nghệ...

    Bên cạnh đó, các chính sách cũng cần có những quy định ràng buộc, chế tài cụ thể để đảm bảo tính hiệu lực trong việc thực thi trên thực tế. Cần có sự giám sát chặt chẽ và xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm để tạo sự công bằng cho những đối tượng chấp hành tốt.

    Ngoài ra, cũng cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan ban ngành từ trung ương đến địa phương trong việc xây dựng và triển khai chính sách. Các chính sách và quy định về tái sử dụng cần được lồng ghép và thống nhất với nhau, tránh chồng chéo và mâu thuẫn.

4. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

    Qua nghiên cứu kinh nghiệm về chính sách thúc đẩy tái sử dụng của một số quốc gia trên thế giới, có thể rút ra một số bài học có giá trị tham khảo cho Việt Nam như sau:

    Thứ nhất, cần có một hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ từ luật, chiến lược, chính sách đến kế hoạch hành động cụ thể để tạo nền tảng vững chắc cho thúc đẩy tái sử dụng và kinh tế tuần hoàn. Sự nhất quán và đồng bộ từ quan điểm, cam kết của Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương và sự tham gia của doanh nghiệp, người dân là yếu tố then chốt thành công.

    Thứ hai, việc xây dựng chính sách về tái sử dụng cần bám sát thực tiễn, xuất phát từ đặc thù và nhu cầu của từng quốc gia. Chính sách cần có các mục tiêu, chỉ tiêu định lượng rõ ràng và lộ trình phù hợp cho từng ngành, lĩnh vực, sản phẩm cụ thể; có sự cân bằng giữa biện pháp bắt buộc và khuyến khích, ưu đãi cho các đối tượng thực hiện.

    Thứ ba, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của doanh nghiệp, người tiêu dùng đóng vai trò quyết định. Các chính sách cần tập trung vào giáo dục, đào tạo và truyền thông một cách đa dạng, sáng tạo, phù hợp với từng nhóm đối tượng, làm cho tái sử dụng trở thành xu hướng, lối sống của toàn xã hội.

    Thứ tư, chính sách tái sử dụng cần đi liền với đầu tư cho nghiên cứu, đổi mới, chuyển giao công nghệ và phát triển hạ tầng cho tái sử dụng, tái chế. Khuyến khích và ưu đãi cho các hoạt động thiết kế sản phẩm thân thiện với môi trường, dễ tái sử dụng, tái chế; nghiên cứu vật liệu mới; phát triển hệ thống thu gom, xử lý chất thải hiện đại và mạng lưới tái sử dụng, sửa chữa rộng khắp.

    Thứ năm, cần có cơ chế hợp tác đa bên, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan hoạch định chính sách với hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và người tiêu dùng trong xây dựng và thực thi chính sách. Ngoài ra, hợp tác quốc tế, học hỏi kinh nghiệm và chuyển giao công nghệ từ các nước tiên tiến cũng rất cần thiết.

    Cuối cùng, việc giám sát, đánh giá hiệu quả thực thi và điều chỉnh chính sách thường xuyên cũng cần được chú trọng. Xây dựng hệ thống đo lường, thu thập dữ liệu và báo cáo minh bạch, chính xác về các chỉ tiêu tái sử dụng, KTTH sẽ giúp nâng cao hiệu quả chính sách và định hướng các bên liên quan.

5. Đề xuất định hướng hoàn thiện chính sách tái sử dụng cho Việt Nam

a. Các nguyên tắc và mục tiêu chính sách:

+ Nguyên tắc phát triển bền vững, BVMT: Chính sách tái sử dụng cần hướng tới mục tiêu phát triển KTTH, giảm thiểu chất thải, khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên, BVMT.

+ Nguyên tắc thị trường và sự tham gia của các bên liên quan: Chính sách cần tạo môi trường thuận lợi để thị trường tái sử dụng phát triển, khuyến khích sự tham gia tích cực của cộng đồng, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội.

+ Nguyên tắc công bằng xã hội: Chính sách cần đảm bảo sự công bằng, hỗ trợ nhóm yếu thế và đối tượng chịu ảnh hưởng, tránh gia tăng bất bình đẳng trong quá trình chuyển đổi sang mô hình tái sử dụng.

    Mục tiêu tăng tỷ lệ sản phẩm được tái sử dụng, giảm lượng chất thải chôn lấp, phát triển các ngành công nghiệp tái sử dụng và tái chế, tạo việc làm xanh, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của xã hội.

b. Các nhóm giải pháp và khuyến nghị:

+ Nhóm giải pháp về thể chế, pháp luật: Hoàn thiện khung pháp lý thống nhất, đồng bộ liên quan đến TSD, có quy định cụ thể và chế tài đủ mạnh. Ban hành chiến lược, kế hoạch hành động quốc gia về phát triển kinh tế tuần hoàn với trọng tâm là tái sử dụng.

+ Nhóm giải pháp kinh tế, tài chính: Áp dụng các công cụ tài chính như thuế tài nguyên, phí xử lý chất thải, trợ giá, ưu đãi về thuế và tín dụng để khuyến khích tái sử dụng. Thành lập các Quỹ đầu tư vào ngành công nghiệp tái sử dụng và tái chế.

+ Nhóm giải pháp kỹ thuật, công nghệ: Đầu tư nghiên cứu, chuyển giao công nghệ tái sử dụng tiên tiến, thân thiện môi trường. Xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho sản phẩm tái sử dụng. Hỗ trợ doanh nghiệp về đổi mới công nghệ tái sử dụng.

+ Nhóm giải pháp xã hội: Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về lợi ích của tái sử dụng. Lồng ghép nội dung tái sử dụng vào chương trình đào tạo các cấp. Vận động thay đổi thói quen tiêu dùng, ưu tiên sản phẩm tái sử dụng.

+ Nhóm giải pháp về hợp tác quốc tế: Tăng cường hợp tác và học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng chính sách, thúc đẩy tái sử dụng. Thu hút nguồn lực tài chính, khoa học công nghệ từ các đối tác nước ngoài để phát triển tái sử dụng.

    Để triển khai hiệu quả các giải pháp trên cần có lộ trình và nguồn lực thích hợp, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, cơ quan địa phương cũng như giữa Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng. Các chính sách cần được thường xuyên rà soát, đánh giá để điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn.

5. Kết luận

    Từ kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới cho thấy, các nước đã triển khai đa dạng chính sách tái sử dụng, bao gồm các công cụ pháp lý, kinh tế, kỹ thuật và truyền thông nhằm thúc đẩy phát triển mô hình KTTH. Tuy nhiên, chính sách tái sử dụng ở Việt Nam còn nhiều hạn chế, chưa đồng bộ và thiếu cụ thể. Việt Nam cần hoàn thiện chính sách tái sử dụng dựa trên các nguyên tắc phát triển bền vững, thị trường, công bằng xã hội, với nhiều nhóm giải pháp đồng bộ về thể chế, kinh tế, kỹ thuật, xã hội và hợp tác quốc tế.

    Bài viết đề xuất một số khuyến nghị nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách để đẩy mạnh hoạt động tái sử dụng trong thời gian tới như: (1) cần tiếp tục nghiên cứu sâu hơn kinh nghiệm của từng quốc gia điển hình trong xây dựng và thực thi chính sách tái sử dụng để rút ra bài học cho Việt Nam; (2) phân tích, đánh giá tác động cụ thể của từng chính sách tái sử dụng, làm cơ sở để điều chỉnh và cải tiến chính sách; (3) nâng cao nhận thức, thái độ và hành vi của các bên liên quan trong chuỗi tái sử dụng như người tiêu dùng, doanh nghiệp để có giải pháp truyền thông, thay đổi hành vi phù hợp; (4) nghiên cứu mô hình hợp tác công tư và sự tham gia của cộng đồng trong thực hiện tái sử dụng. Các nghiên cứu sâu rộng hơn này sẽ tiếp tục hoàn thiện nền tảng khoa học cho việc xây dựng chính sách tái sử dụng một cách toàn diện và hiệu quả ở Việt Nam.

ThS. Nguyễn Trọng Hạnh, TS. Lại Văn Mạnh, TS. Mai Thanh Dung, ThS. Nguyễn Thị Thanh Huyền, ThS Nguyễn Thu Trang, CN. Đỗ Thị Thanh Ngà

Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 12/2024)

Tài liệu tham khảo

1. Bài viết này được thực hiện với sự hỗ trợ của Nhiệm vụ thường xuyên giao tự chủ năm 2024 “Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về thúc đẩy mô hình tái sử dụng theo hướng kinh tế tuần hoàn và đề xuất áp dụng cho Việt Nam” do Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường chủ trì thực hiện.

2.CII-ITC Centre of Excellence for Sustainable Development, 2020. 15th CII-ITC Sustainability Awards 2020 Winner Booklet. Delhi: CII-ITC Centre of Excellence for Sustainable Development.

3. Circular Economy Leadership Canada and Circular Innovation Council, 2023. Circular Economy Action Plan for Canada.

4. European Commission, A., Closing the Loop—An EU Action Plan for the Circular Economy. Communication No. 614. 2015, European Commission Brussels, Belgium.

5. RethinkPlastic, Realising Reuse The potential for scaling up reusable packaging, and policy recommendations. 2021.

6. Risks, S.A., Best Practices To Reduce And Phase Out Single-UsePlastics In Europe. 2022.

Ý kiến của bạn