Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 22/01/2025

Nhật Bản: Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn xã hội

06/04/2021

    Hiện nay, trong khi nhiều nước trên thế giới đang chấp nhận đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường vì mục tiêu tăng trưởng kinh tế, thì Nhật Bản được biết đến là quốc gia hiện đại, văn minh, coi trọng BVMT vì sự nghiệp phát triển bền vững. Ngoài khung pháp lý rất đầy đủ, Nhật Bản có hẳn một hệ thống tư pháp thực thi luật môi trường được phân cấp rõ ràng từ Trung ương đến địa phương. Hoạt động BVMT được xem là trách nhiệm chung của toàn xã hội, từ Nhà nước tới các tổ chức dân sự, doanh nghiệp và người dân đều phải vào cuộc.

Chính sách quản lý nghiêm ngặt của Chính phủ

     Theo chia sẻ của ông Yasuhiro Kasuya, thành viên nhóm môi trường, Văn phòng Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) Việt Nam tại Chương trình thông tin chuyên đề về “Vấn đề môi trường của Nhật Bản và các chính sách liên quan” do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với JICA tổ chức ngày 11/12/2020, từ năm 1868, khi thực hiện cải cách Minh Trị với chính sách “Phú quốc cường binh, thực sản hưng nghiệp”, kinh tế Nhật Bản có sự tăng trưởng mạnh, đặc biệt, từ năm 1955 - 1973, Nhật Bản luôn đạt tốc độ tăng trưởng bình quân trên 10%/năm, cùng với đó là sự gia tăng về tiêu thụ năng lượng và hình thành các tổ hợp công nghiệp lớn, nhưng đồng thời cũng là khởi đầu của những vấn đề về ô nhiễm môi trường không khí, nguồn nước, khí thải, nước thải, chất thải… do hoạt động của các nhà máy nhiệt điện, hóa dầu, dẫn đến 4 căn bệnh nghiêm trọng đối với sức khỏe con người: Bệnh Itai-itai, xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1912 tại tỉnh Toyama. Nguyên nhân được xác định là do nhiễm độc Cadimi trong nguồn nước từ vịnh sông Jinzugawa. Nguồn Cadimi được phát hiện từ hoạt động xả thải của Công ty khai thác, luyện quặng Mitsui ra dòng sông Jinzugawa. Bất cứ ai uống nước hoặc ăn thức ăn được tưới bởi nguồn nước ở sông Jinzugawa đều có những dấu hiệu của bệnh itai-itai. Bệnh Minamata, xuất hiện ở Minamata  thuộc tỉnh Kumamoto vào năm 1956. Sau một cuộc điều tra kỹ càng, căn bệnh Minamata được xác minh do nhiễm độc kim loại nặng, đặc biệt là thủy ngân metyla, truyền đến người bệnh khi ăn phải cá bị độc từ vịnh Minamata. Tiếp đó, năm 1965, một số người dân ở tỉnh Niigata có hiểu hiện của căn bệnh Minamata lần hai, do sự nhiễm độc thủy ngân methyla ở vịnh sông Agano. Ngoài ra, tại TP. Yokkaichi thuộc tỉnh Mie, được biết đến là “thị trấn dầu mỏ”. Nhà máy lọc dầu đầu tiên được xây ở khu vực này từ năm 1955 và sau khi Nhà máy đi vào hoạt động, rất nhiều các căn bệnh về hô hấp đã xảy ra ở khu vực nội thành, các quận lân cận(1).

     Trước thực trạng trên, những địa phương có khu công nghiệp lớn như Tokyo đã ban hành quy định và ký kết các thoả thuận phòng, chống ô nhiễm. Về phía Nhà nước, năm 1958 đã ban hành Luật phòng chống ô nhiễm nguồn nước; năm 1967, ban hành Luật cơ bản về phòng chống ô nhiễm (Luật phòng chống ô nhiễm tổng hợp), đến năm 1970, tại kỳ họp Quốc hội lần thứ 64, ban hành và sửa đổi 14 luật liên quan đến phòng, chống ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản cũng tiến hành đồng loạt các giải pháp để cải thiện hệ thống pháp luật và thiết lập cơ quan quản lý nhà nước về môi trường, nhằm giải quyết cùng lúc 3 vấn đề: Giảm thiểu ô nhiễm, BVMT; Giảm được chi phí kiểm soát ô nhiễm, chi phí về sức khỏe của cộng đồng; Giảm giá thành sản xuất, giảm chi phí năng lượng. Để đạt được mục tiêu đề ra, Chính phủ Nhật Bản ban hành những quy định pháp luật nghiêm ngặt về tiêu chuẩn phát thải chất thải, kiểm soát ô nhiễm nước, không khí và giám sát ô nhiễm chất độc hại, đồng thời, coi trọng chính sách giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng về BVMT, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức xã hội nỗ lực ngăn chặn, kiểm soát ô nhiễm môi trường. Đây cũng chính là tư duy mới về quản lý sản xuất, nghĩa là không phải chỉ lo xử lý chất thải ở công đoạn cuối của sản phẩm mà phải tính toán ngay từ đầu, làm sao để sản xuất hợp lý, phát thải ít nhất.

     Đặc biệt, tháng 11/1993, Luật Môi trường căn bản được ban hành, vạch ra hướng đi mới cho các chính sách môi trường của Nhật Bản. Mục tiêu chính của Luật là BVMT bằng cách công nhận nó là hệ thống hỗ trợ cuộc sống thiết yếu của con người và truyền lại cho các thế hệ tương lai. Mục tiêu này kỳ vọng đạt được bằng cách xây dựng một xã hội bền vững về kinh tế mà không gây tổn hại cho môi trường, đồng thời, đóng góp tích cực vào việc bảo tồn môi trường toàn cầu. Luật Môi trường căn bản của Nhật Bản gồm 3 chương: Chương 1 đưa ra 3 nguyên tắc cơ bản để bảo tồn môi trường và quy định rõ trách nhiệm của từng chủ thể trong xã hội (Trung ương, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và công dân); Chương 2 là danh sách những chính sách cơ bản về bảo tồn môi trường, bao gồm xây dựng Kế hoạch môi trường cơ bản, thúc đẩy đánh giá tác động môi trường, các giải pháp chính sách mới (giải pháp kinh tế nhằm xóa bỏ trở ngại đối với bảo tồn môi trường và biện pháp ứng phó với vấn đề môi trường toàn cầu); Chương 3 quy định các điều kiện cần thiết để triển khai nội dung ở chương 2.

     Gần đây nhất, ngày 31/5/2019, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định “Chiến lược tuần hoàn tài nguyên nhựa”, nhằm giảm thiểu lượng rác thải nhựa xả ra môi trường và thúc đẩy hoạt động tái chế rác. Chiến lược này hướng đến việc bắt buộc các cửa hàng bán lẻ không được phục vụ miễn phí mà phải tính phí cho túi nhựa, nếu người tiêu dùng đi mua hàng mang theo túi vải sẽ được giảm 2 yên cho một lần mua hàng, ngược lại sẽ bị tính phí túi 2 yên. Bên cạnh đó, việc Chính phủ Nhật Bản quyết định bắt đầu từ năm tài chính 2019, hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa tại căng tin và cửa hàng bên trong khoảng 200 cơ quan nhà nước như văn phòng chính quyền hay trường đại học công lập cũng có tác động tích cực trong kế hoạch thực hiện các giải pháp BVMT của quốc gia.

Các thùng phân loại rác có mặt ở hầu hết các nơi trên đường phố Nhật Bản

Ý thức cộng đồng là yếu tố then chốt

     Cùng với hệ thống chính sách nghiêm ngặt của Chính phủ, các tổ chức, đoàn thể, chính quyền địa phường và nhân dân Nhật Bản rất nỗ lực trong việc giữ sạch môi trường. Tại Nhật, có hàng nghìn tổ chức phi Chính phủ hoạt động trong lĩnh vực môi trường, hàng trăm tờ báo chuyên ngành về môi trường, xử lý chất thải, bảo tồn đa dạng sinh học. Thông điệp về ý nghĩa, trách nhiệm BVMT tràn ngập trên mọi dãy phố, tuyến đường, phương tiện thông tin đại chúng… tác động trực tiếp vào nhận thức của các tầng lớp nhân dân.

     Ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người Nhật còn thể hiện rõ ở cách họ ứng xử ngoài đường phố. Rất nhiều người chọn xe đạp làm phương tiện di chuyển chính, giúp cho không khí trong lành hơn. Họ cũng thường mang theo một ba lô hoặc túi xách bằng giấy, có cả ngăn chứa rác mỗi khi đi làm hoặc ra ngoài và tỉ mẩn phân loại rác thải trước khi cho vào thùng rác. Bên cạnh đó, nhiều cửa hàng chuyên thu mua đồ dùng, vật dụng gia đình có thể tái sử dụng để tái chế, phục hồi rồi bán lại cho người có nhu cầu, góp phần hạn chế một lượng lớn rác thải ra môi trường. Ngoài ra, tại Nhật, các nhà máy xử lý rác thải được quy hoạch, xây dựng bài bản, như một khu nghỉ dưỡng cao cấp, tấp nập khách tham quan, thậm chí, nhiều nơi còn thiết kế cả hồ bơi nước nóng để tiết kiệm nhiệt năng sản sinh ra khi thiêu hủy rác. Tiêu biểu như đảo nhân tạo Odaiba, cách Thủ đô Tokyo khoảng hơn 10 km - Nơi đang thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, trước kia từng là một bãi tập kết rác khổng lồ. Vào thập kỷ 60 của thế kỷ 20, với dân số khoảng 35 triệu người (chiếm gần 1/3 dân số Nhật Bản), trung bình mỗi năm, Tokyo thải ra gần 3 triệu tấn rác, tập kết chủ yếu ở Odaiba (2). Năm 1850, chính quyền Tokyo đã quyết tâm biến bãi rác Odaiba thành đảo nhân tạo, đến cuối thế kỷ 20, Odaiba trở thành cảng biển và phát triển thành khu thương mại, giải trí… với cây cầu hiện đại hình cầu vồng vắt ngang qua biển, tượng Nữ thần tự do và khách sạn Hilton. Giờ đây, ký ức kinh hoàng của người dân sống quanh Odaiba về tình trạng ô nhiễm không khí đã không còn, thay vào đó là không gian của bầu trời xanh ngắt và gió biển.

     Đối với các doanh nghiệp, trong thời kỳ đầu của tăng trưởng kinh tế tại Nhật Bản, khu vực tư nhân hầu như không tham gia vào các hoạt động quản lý ô nhiễm và phát triển đô thị. Tuy nhiên, sau một số vụ việc liên quan đến pháp lý cùng với chính sách hỗ trợ tài chính cho các giải pháp môi trường đã nhanh chóng thay đổi thái độ của doanh nghiệp về vấn đề này. Procter & Gamble Japan - Công ty hàng đầu về hàng hóa tiêu dùng ở Nhật Bản đã thực hiện tái chế rác thải nhựa thành chai đựng nước rửa bát. Khoảng 6 tấn vỏ chai nhựa được Công ty thu gom từ các bờ biển rồi xay nhỏ, kết hợp với một số nguyên liệu khác để làm ra 550.000 chiếc chai (mỗi chai chứa 25% rác nhựa tái chế). Sản phẩm bắt đầu bán ra thị trường vào cuối năm 2019. Trong khi đó, các chuỗi cửa hàng tiện lợi tại Nhật Bản cũng đẩy mạnh cắt giảm rác thải nhựa bằng cách chuyển sang sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường. Từ đầu tháng 10/2019, Seven Eleven - Hệ thống cửa hàng tiện lợi hàng đầu của Nhật Bản bắt đầu bán cà phê đá có nắp đậy không kèm ống hút. Khách hàng muốn sử dụng sẽ được cung cấp ống hút bằng giấy hoặc làm từ thực vật. Cũng trong thời gian này, các cửa hàng của Lawson áp dụng kế hoạch dùng hộp giấy để đựng thức ăn.

     Sở dĩ người dân Nhật Bản có ý thức BVMT như vậy là do cách thức giáo dục ngay từ nhỏ. Trong sách giáo khoa cấp tiểu học, ngay từ lớp 1 đã có những bài học về các loại rác và cách thu gom, phân loại, xử lý. Trong quá trình học tập tại trường, mọi học sinh đều phải tham gia trò chơi tập thể, học thể thao trong phòng tập, nhà thể chất, công việc dọn dẹp phòng học sau đó do học sinh thực hiện. Vì vậy, vào năm học mới, một thứ không thể thiếu đối với học sinh là khăn lau bụi và sàn lớp. Hầu hết tất cả các trường học đều quy định mua hai chiếc khăn lau, treo bên cạnh bàn học của từng học sinh, thỉnh thoảng thầy, cô giáo sẽ phân công các em mang về nhà giặt. Ở lớp, vào cuối tuần hoặc trước các dịp nghĩ Lễ, Tết, dưới sự hướng dẫn của thầy, cô giáo, học sinh sẽ tự lau sàn lớp, cầu thang, cửa kính. Mỗi lần đi dã ngoại, nhà trường cũng yêu cầu các em mang theo túi để đựng rác trong trường hợp không có nơi vứt rác. Cứ thế, trong cả giai đoạn hình thành nhân cách đến lúc trưởng thành, tư duy phân loại rác và vứt rác đúng nơi quy định đã hình thành trong mỗi công dân.

    Bằng những chính sách quản lý nghiêm ngặt của Chính phủ, cùng với sự quyết liệt của toàn thể người dân đã tạo nên một đất nước Nhật Bản sạch đẹp, đáng sống như ngày hôm nay. Đây cũng là bài học kinh nghiệm quý báu cho Việt Nam nói riêng, những nước đang nỗ lực thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế gắn với BVMT nói chung.

Trương Thị Huyền

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 3/2021)

Ý kiến của bạn