Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 22/01/2025

Đằng sau lệnh cấm ngà voi ở Trung Quốc

04/05/2021

    Trung Quốc là thị trường tiêu thụ ngà voi lớn nhất thế giới, ước tính 70% sản phẩm ngà voi trên toàn cầu được bán tại Trung Quốc. Từ ngày 31/12/2017, Trung Quốc ra quyết định cấm tất cả hoạt động thương mại và chế tác ngà voi. Tuy nhiên, Báo cáo “Đằng sau lệnh cấm ngà voi - Nghiên cứu về khách Trung Quốc du lịch nước ngoài” được thực hiện bởi WWF và Công ty nghiên cứu GlobeScan đã cho thấy có sự chuyển dịch mua bán ngà voi của du khách Trung Quốc khi đến tham quan các nước láng giềng. Báo cáo nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc tăng cường hợp tác quốc tế để thiết lập các phương thức chia sẻ thông tin và phối hợp thực thi pháp luật nhằm giải quyết nạn buôn bán ngà voi trong khu vực. 

Các sản phẩm được làm bằng ngà voi bị cơ quan chức năng Trung Quốc tịch thu

Đằng sau lệnh cấm ở Trung Quốc

    Trong nhiều thập niên qua, nạn buôn bán ngà voi và các sản phẩm từ động vật hoang dã ở Trung Quốc nói riêng và thế giới nói chung diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Các thị trường giáp biên giới Trung Quốc đã có hoạt động buôn bán ngà voi hợp pháp hoặc bất hợp pháp từ rất lâu. Ngà voi đã trở thành một thứ hàng hóa xa xỉ và hoạt động buôn bán ngà voi được tiến hành dưới nhiều hình thức nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao. Điều này đã dẫn đến tình trạng số lượng loài voi ngày càng suy giảm.

    Trước tình hình đó, ngày 31/12/2017, Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm giao dịch thương mại và buôn bán ngà voi. Việc đóng cửa các thị trường buôn bán ngà voi tại Trung Quốc đã và đang làm thay đổi thói quen tiêu dùng của những người mua ngà voi, cũng như các sản phẩm từ ngà voi trong khu vực. Nhiều người đã tuân thủ lệnh cấm và không mua ngà voi, tuy nhiên, một số người đã tìm cách phá vỡ lệnh cấm bằng nhiều cách. Các thị trường ngoài nước được dự đoán sẽ gia tăng về quy mô và khối lượng ngà voi bán ra.

     Theo Tổ chức Du lịch thế giới, Trung Quốc là thị trường có lượng khách đi du lịch nước ngoài lớn nhất thế giới tính theo số chuyến đi và chi phí. Trong năm 2018, công dân Trung Quốc thực hiện khoảng 150 triệu chuyến du lịch nước ngoài và con số này dự kiến sẽ đạt 160 triệu vào năm 2020 (ước tính trước dịch COVID-19). Nhu cầu du lịch nước ngoài của Trung Quốc đang gia tăng. Khách du lịch nước ngoài của Trung Quốc đang trải qua những thay đổi đáng kể về sở thích du lịch, cũng như hành vi và cách chi tiêu, những thói quen này khác nhau giữa các phân khúc người tiêu dùng, bao gồm giữa người già và người trẻ, giữa nông thôn và thành thị... Tuy nhiên, trên thực tế có một nguy cơ cao là những người buôn bán ngà voi, đặc biệt ở khu vực Đông Nam Á, đang chờ đợi tới khi lệnh cấm có hiệu lực hoàn toàn ở Trung Quốc, đồng thời lợi dụng việc thực thi pháp luật yếu kém ở các nước khác để tăng cường hoạt động buôn bán, trong đó tại các điểm du lịch, các sản phẩm từ ngà voi được nhắm đến công dân Trung Quốc, với nhiều tác phẩm chạm khắc được thực hiện theo phong cách truyền thống của Trung Quốc với bảng giá được hiển thị bằng đồng Nhân dân tệ (NDT).

     Báo cáo “Đằng sau lệnh cấm ngà voi – Nghiên cứu về khách Trung Quốc du lịch nước ngoài” đã tìm hiểu hành vi mua bán ngà voi của khách Trung Quốc khi tới các quốc gia châu Á lân cận trong hai năm từ 2017 - 2019. Hơn 3.000 khách Trung Quốc, những người từng đến Campuchia, Hong Kong, Nhật Bản, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam đã được phỏng vấn. Theo kết quả nghiên cứu, khoảng 1/10 trong số họ có ý định và lên kế hoạch mua các sản phẩm làm từ ngà voi trước khi đi từ khi lệnh cấm được ban hành. Từ thông tin xác định được trong cuộc theo dõi và khảo sát hàng năm, tập trung vào 16 thành phố ở Trung Quốc có thị trường ngà voi hoạt động trước khi lệnh cấm có hiệu lực, một tỷ lệ đáng kể trong nhóm “du khách đều đặn đi nước ngoài” (du khách đi du lịch bên ngoài Trung Quốc Đại lục ít nhất hai lần mỗi năm) bị phát hiện vẫn có ý định mua ngà voi bất chấp lệnh cấm. Điều gây sốc nhất đó là một tỷ lệ phần trăm đáng kể khách du lịch được chính những người làm trong ngành du lịch của các quốc gia điểm đến gợi ý đi tới các cửa hàng bán sản phẩm ngà voi và gần 1/4 khách đã từng đến ít nhất một cửa hàng bán sản phẩm ngà voi.

     Báo cáo cũng chỉ ra Tết Nguyên đán hoặc tuần lễ Vàng (tuần kỷ niệm ngày Quốc khánh Trung Quốc) là khoảng thời gian cao điểm du lịch đối với khách Trung Quốc. Việt Nam được các du khách xếp hạng là một trong những điểm đến hấp dẫn để mua sản phẩm từ ngà voi do sản phẩm sẵn có, được chạm khắc tinh xảo, khả năng hàng thật cao và giá thành rẻ hơn so với các quốc gia khác. Các sản phẩm này được mua chủ yếu để làm quà cho người thân hoặc để biếu trong công việc. Hầu hết du khách nhận thức được mua bán và vận chuyển các sản phẩm từ ngà voi là bất hợp pháp. Tuy nhiên, dưới sự hướng dẫn của người bán hàng, họ muốn thử vận may của mình bằng những sản phẩm nhỏ để dễ dàng vận chuyển về Trung Quốc, khó bị phát hiện cũng như không bị thiệt hại quá nhiều nếu sản phẩm bị tịch thu. Khi đánh giá tính xác thực của ngà voi, gần một nửa khách du lịch được hỏi cho rằng họ dựa vào các giấy xác thực do người bán cung cấp để xác định sản phẩm này có phải đồ thật hay không. Hơn 30% các sản phẩm sau khi mua sẽ được người bán gửi về địa chỉ của người mua tại Trung Quốc theo đường bưu điện, 22% theo đường bộ hoặc máy bay và 11% bằng đường thủy.

     Có thể thấy, lệnh cấm ngà voi ở Trung Quốc được coi là một bước tiến tích cực lớn cho việc bảo tồn voi. Tuy nhiên, còn nhiều việc hơn nữa phải làm để giải quyết nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã, bao gồm hành động khẩn cấp để giảm thiểu ý định mua ngà voi của du khách Trung Quốc khi đến các nước láng giềng.

Đề xuất các giải pháp ngăn chặn nạn buôn bán ngà voi trong khu vực

    Báo cáo là cơ sở quan trọng để các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á có các chiến lược bảo vệ và tăng cường các biện pháp nhằm giảm cầu ngà voi và các loài hoang dã trong khu vực. Theo đó, một số biện pháp được đề ra:

    Tăng cường thực thi pháp luật tại Trung Quốc và các nước láng giềng như Việt Nam và Lào để ngăn chặn việc buôn bán ngà voi bất hợp pháp. Hiện nay, các nhóm tội phạm chuyển sang hoạt động bí mật nhiều hơn tại các quốc gia có năng lực thực thi pháp luật kém hơn, vì vậy việc tăng cường thực thi pháp luật ở mỗi quốc gia trong khu vực là cần thiết. Các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á cần rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật để xóa bỏ các lỗ hổng pháp lý về buôn bán voi và các bộ phận của voi; Tăng cường năng lực cho các cán bộ thực thi pháp luật để có thể xác định và hiểu rõ các chiến thuật marketing hiện tại đang được sử dụng trong buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp; Tập trung giải quyết việc vận chuyển bất hợp pháp ngà voi qua biên giới; phát hiện, xử lý các kênh quảng cáo gián tiếp như sử dụng công khai quảng cáo bằng tiếng Trung cho sản phẩm ngà voi tại cửa hàng và việc lập các nhóm mới trên nền tảng trực tuyến.

    Thường xuyên tiến hành các khảo sát thị trường truyền thống bằng phương pháp đã được chuẩn hóa, nhất là ở những khu vực có thị trường ngà voi kết hợp với hoạt động du lịch trong nước và quốc tế đã hoặc đang phát triển. Do việc tiến hành khảo sát thị trường toàn diện và thường xuyên là rất khó khăn, có thể khảo sát nhanh thông qua phương pháp đã được chuẩn hóa để tiếp tục theo dõi xu hướng và xác định động cơ và hành vi của người mua trên thị trường truyền thống và trực tuyến. Từ đó, xây dựng và thực hiện chiến dịch truyền thông xã hội và thay đổi hành vi để tác động đến người mua hoặc có ý định mua ngà voi. Mặt khác, ngành du lịch tại các quốc gia cũng cần phải đẩy mạnh hơn nữa và nhìn nhận nghiêm túc trách nhiệm xã hội doanh nghiệp của mình trong bảo vệ các loài hoang dã khỏi bị tuyệt chủng do buôn bán bất hợp pháp có liên quan du lịch. 

    Tăng cường hợp tác quốc tế để thiết lập các phương thức chia sẻ thông tin và phối hợp thực thi pháp luật nhằm giải quyết nạn buôn bán ngà voi trong khu vực, đặc biệt là hỗ trợ các quốc gia thiếu năng lực và nguồn lực để chống lại tội phạm động vật hoang dã xuyên quốc gia trên lãnh thổ của họ.

Nam Việt

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 4/2021)

Ý kiến của bạn