Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 22/01/2025

Biến rác thải thành tài nguyên: Thực tiễn và giải pháp của Ôxtrâylia

04/01/2021

     Ô nhiễm rác thải hiện đang là một trong những vấn đề ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, nó không chỉ gây nguy hiểm tới con người mà còn phá hủy hệ sinh thái động vật hoang dã. Nhiều quốc gia trên thế giới đang nỗ lực nghiên cứu, áp dụng các biện pháp để xử lý rác thải, trong đó có Ôxtrâylia.

     Lượng chất thải khổng lồ tạo ra hàng năm

     So với một số nền kinh tế phát triển khác, Ôxtrâylia tạo ra nhiều rác thải hơn mức trung bình. Theo Báo cáo quốc gia về chất thải năm 2018, trong năm 2016 - 2017, Ôxtrâylia đã tạo ra khoảng 67 triệu tấn (Mt) chất thải, bao gồm 17,1 triệu tấn vật liệu thải; 14,2 triệu tấn chất thải hữu cơ; 12,3 triệu tấn bụi tro; 6,3 triệu tấn chất thải nguy hại (chủ yếu là đất bị ô nhiễm); 5,6 triệu tấn giấy và bìa cứng; 5,5 triệu tấn kim loại thải, trong đó có khoảng 54 triệu tấn chất thải “được quản lý” để tái chế và thu hồi năng lượng (13,8 triệu tấn chất thải rắn đô thị từ các hộ gia đình và hoạt động của chính quyền địa phương; 20,4 triệu tấn từ lĩnh vực thương mại và công nghiệp; 20,4 triệu tấn từ lĩnh vực xây dựng và phá dỡ công trình).

     Từ năm 2006, khi Ôxtrâylia bắt đầu xây dựng Báo cáo quốc gia về chất thải, lượng chất thải phát sinh đã tăng 3,9 triệu tấn. Trong khoảng thời gian này, tính bình quân đầu người, lượng chất thải đã giảm 10% (chất thải rắn đô thị giảm 10%; chất thải từ lĩnh vực thương mại và công nghiệp giảm 8%), tuy nhiên, chất thải từ lĩnh vực xây dựng và phá dỡ tăng 2%. Nguyên nhân một phần là do sự gia tăng dân số, một phần do những thay đổi trong nền kinh tế và xã hội, chẳng hạn, gia tăng mức tiêu thụ hàng hóa và trong lĩnh vực bao bì, đóng gói. Ngoài ra, các yếu tố khác như thiên tai cũng có thể làm tăng đáng kể lượng chất thải.

     Giải pháp tiếp cận của Ôxtrâylia

     Áp dụng kinh tế tuần hoàn để tránh lãng phí tài nguyên

     Việc áp dụng các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn (KTTH) để quản lý chất thải ở Ôxtrâylia đòi hỏi phải thay đổi thiết kế sản phẩm, quá trình sản xuất, sử dụng, tái sử dụng, tái chế và thải bỏ. Đây là cách tiếp cận toàn bộ hệ thống yêu cầu hạch toán tất cả chi phí, vòng đời của nguyên vật liệu, đồng thời là cách tiếp cận giúp giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguyên liệu thô và tối đa hóa giá trị kinh tế của tài nguyên.

     Ôxtrâylia đã áp dụng 5 nguyên tắc chính làm nền tảng cho việc quản lý chất thải, tái chế, thu hồi tài nguyên trong nền KTTH, bao gồm: Tránh lãng phí (khuyến khích sử dụng, tái sử dụng hiệu quả; thiết kế sản phẩm ít chất thải, bền lâu, dễ dàng thu hồi vật liệu); Cải thiện khả năng thu hồi tài nguyên (Cải thiện hệ thống, quy trình thu gom vật liệu để tái chế; nâng cao chất lượng vật liệu tái chế để tái sản xuất); Tăng cường sử dụng vật liệu tái chế và xây dựng nhu cầu, thị trường cho các sản phẩm tái chế); Quản lý tốt hơn các dòng vật chất nhằm mang lại lợi ích cho sức khỏe con người, môi trường cũng như nền kinh tế; Cải thiện thông tin để hỗ trợ đổi mới, hướng dẫn đầu tư và cho phép người tiêu dùng đưa ra quyết định sáng suốt.

     Xây dựng Chính sách quốc gia về chất thải

     Năm 2018, Ôxtrâylia xây dựng Chính sách quốc gia về chất thải dựa trên nguyên tắc cơ bản của KTTH, tập trung vào việc tránh lãng phí, cải thiện việc thu hồi và sử dụng hiệu quả các nguyên vật liệu thu hồi. Chính sách này đưa ra một tầm nhìn chung về các ưu tiên để ứng phó với sự thay đổi của thị trường rác thải quốc tế, giúp Ôxtrâylia tiến gần hơn đến một nền KTTH, tránh lãng phí tài nguyên, đồng thời, cải thiện các kết quả kinh tế, xã hội và môi trường; nâng cao năng lực của các hệ thống tái chế tài nguyên và khôi phục niềm tin vào công tác quản lý tài nguyên của Ôxtrâylia. Chính sách cũng đặt ra một khuôn khổ quốc gia cho hành động, sự hợp tác giữa tất cả các chính phủ bang, khu vực kinh doanh, ngành công nghiệp và cộng đồng, nhằm đạt được mục tiêu quản lý chất thải bền vững.

     Kế hoạch Hành động quốc gia về chất thải

     Kế hoạch Hành động quốc gia bao gồm các mục tiêu, hành động cụ thể để thực hiện hiệu quả Chính sách quốc gia về chất thải năm 2018 và định hướng cho đầu tư, các nỗ lực quốc gia đến năm 2030 cũng như những năm tiếp theo. Nội dung chính của Kế hoạch gồm:

     • Cấm xuất khẩu nhựa phế thải, giấy, thủy tinh, lốp xe, bắt đầu từ nửa cuối năm 2020;

     • Giảm tổng lượng chất thải phát sinh ở Ôxtrâylia xuống 10%/người vào năm 2030;

     • Tỷ lệ thu hồi trung bình 80% từ tất cả các dòng thải vào năm 2030;

     • Tăng đáng kể việc sử dụng sản phẩm tái chế của các chính phủ và ngành công nghiệp;

     • Loại bỏ sử dụng các loại nhựa không thiết yếu vào năm 2025;

     • Giảm 50% lượng rác thải hữu cơ đưa đến các bãi chôn lấp vào năm 2030;

     • Cung cấp công khai, kịp thời dữ liệu tổng thể, toàn diện nền kinh tế để hỗ trợ các quyết định chính sách, đầu tư và tiêu dùng tốt hơn.

     Kế hoạch này bổ sung, hỗ trợ việc thực hiện các kế hoạch quản lý chất thải tốt hơn của chính quyền tiểu bang và vùng lãnh thổ, chính quyền địa phương, doanh nghiệp, các ngành kinh tế.

     Hội nghị thượng đỉnh quốc gia về nhựa 2020

     Tháng 3/2020, Bộ Nông nghiệp, nước và môi trường Ôxtrâylia tổ chức Hội nghị thượng đỉnh quốc gia về nhựa tại thủ đô Canberra. Hơn 200 đại biểu, đại diện cấp cao từ Chính phủ, các bang, ngành, lĩnh vực công nghiệp và cộng đồng tham dự. Hội nghị đã giới thiệu và xác định giải pháp mới cho thách thức rác thải nhựa, huy động thêm hành động từ các chính phủ, ngành công nghiệp và tổ chức phi Chính phủ. Hội nghị cũng xác định cơ hội mới để giải quyết trực tiếp các mục tiêu trong Kế hoạch Hành động quốc gia.

     Ban hành đạo luật quan trọng về chất thải - Dự Luật Tái chế và Giảm thiểu chất thải 2020

     Chính phủ Ôxtrâylia đã trình Quốc hội ban hành đạo luật mang tính bước ngoặt để đảm bảo Ôxtrâylia chịu trách nhiệm về chất thải của mình. Dự Luật cung cấp một khuôn khổ quốc gia để quản lý chất thải và tái chế trên toàn Ôxtrâylia ở hiện tại và tương lai. Dự Luật này khuyến khích các công ty chịu trách nhiệm về chất thải mà họ tạo ra thông qua các sản phẩm do họ thiết kế, sản xuất hoặc phân phối. Dự Luật dẫn đến việc tăng cường tái chế, tái sản xuất các vật liệu phế thải, điều này sẽ biến đổi ngành công nghiệp và thúc đẩy tạo thêm việc làm mới. Hiện Dự Luật đang được Quốc hội xem xét thông qua.

     Cấm xuất khẩu chất thải

     Thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia, Ôxtrâylia ban hành lệnh cấm xuất khẩu các dạng chất thải khác nhau bắt đầu từ năm 2021. Việc ngừng vận chuyển chất thải ra nước ngoài, chuyển đổi chất thải và tái chế sẽ định hình lại ngành công nghiệp chất thải trong nước, thúc đẩy tạo thêm việc làm mới, đưa nguyên vật liệu có giá trị trở lại nền kinh tế. Lệnh cấm xuất khẩu chất thải dự kiến sẽ giúp nền kinh tế Ôxtrâylia tạo ra thêm 1,5 tỷ USD hoạt động kinh tế trong vòng 20 năm tới.

Lộ trình thực hiện lệnh cấm xuất khẩu

chất thải của Ôxtrâylia

  • 1/2021: Thủy tinh chưa qua chế tác trong tình trạng nguyên khối hoặc bị vỡ. Bao gồm cả thủy tinh tấm phẳng và dùng để chế tạo làm vật chứa.
  • 7/2021: Nhựa hỗn hợp không thuộc loại nhựa/ polimer đơn lẻ và/hoặc cần phân loại, làm sạch và xử lý trước khi sử dụng trong sản xuất lại.
  • 12/2021: Tất cả các loại lốp xe đã qua sử dụng,  nhưng không bao gồm lốp xe buýt, xe tải và lốp máy bay được xuất khẩu cho mục đích đã được xác định
  • 7/2022: Nhựa dẻo đơn/nhựa polimer chưa được tái chế (ví dụ: chai PET đã làm sạch và đóng gói)
  • 7/2024: Giấy và bìa cứng hỗn tạp và không được phân loại
  • 7/2024: Tất cả các lệnh cấm có hiệu lực.

     Tăng cường đầu tư cho ngành công nghiệp chất thải và tái chế

     Chính phủ Liên bang cam kết đầu tư 190 triệu đô la thành lập mới Quỹ hiện đại hóa tái chế (RMF), qua đó tạo ra 600 triệu đô la đầu tư cho lĩnh vực tái chế, thúc đẩy phát triển thị trường chuyển đổi năng lực ngành công nghiệp chất thải và tái chế của Ôxtrâylia trị giá hàng tỷ đô la. Cùng với đó, hơn 10.000 việc làm mới sẽ được tạo và hàng năm có khoảng 10 triệu tấn chất thải được chuyển từ bãi chôn lấp thành nguyên liệu đầu vào cho sản xuất các sản phẩm hữu ích đáp ứng nhu cầu xã hội.

     Quỹ RMF cũng hỗ trợ đầu tư sáng tạo vào cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và công nghệ mới để phân loại, xử lý tái chế, tái sản xuất các nguyên vật liệu từ nhựa hỗn hợp, giấy, lốp xe, thủy tinh đã qua sử dụng.

     Sự tham gia hưởng ứng của chính quyền các tiểu bang và cam kết của doanh nghiệp

     Nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng tái chế Lãnh thổ Thủ đô

     Chính phủ Liên bang phối hợp với Chính quyền Lãnh thổ Thủ đô (ACT) thực hiện dự án 21 triệu đô la từ Quỹ RMF để nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng tái chế, nhằm phân tách, xử lý tốt hơn các dòng vật liệu có thể tái chế như giấy, thủy tinh, nhựa. Qua đó, hàng năm có thể thu hồi, xử lý 23.000 tấn giấy, bìa cứng hỗn tạp; 1.800 tấn nhựa hỗn hợp và 14.000 tấn thủy tinh trong khu vực ACT và bang New South Wales (NSW).

     Dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng tái chế bao gồm các nội dung:

     • Thiết bị quét quang học để xác định và phân tách các loại nhựa khác nhau;

     • Công nghệ sàng lọc tốt hơn để giảm ô nhiễm trong tái chế giấy và bìa cứng;

     • Công nghệ làm sạch thủy tinh trước khi đưa vào nghiền thành nguyên liệu “cát thủy tinh” chất lượng tốt, có thể được sử dụng trong nhiều lĩnh vực;

     • Công nghệ làm sạch, tách và nghiền nhựa thành các hạt nhỏ, cung cấp một sản phẩm sạch sẵn sàng cho thị trường địa phương.

     Việc triển khai Dự án cũng khuyến khích các doanh nghiệp địa phương sử dụng vật liệu tái chế, cung cấp thêm cơ hội việc làm cho người dân và hỗ trợ tạo ra các ngành công nghiệp trong khu vực phát triển. Điều đó cũng có nghĩa là địa phương có cơ sở hạ tầng cần thiết để đáp ứng những thách thức của lệnh cấm xuất khẩu chất thải.

     Thúc đẩy tái chế nhựa và lốp xe ở bang Tây Ôxtrâylia (WA)

     Chính phủ bang Tây Ôxtrâylia cam kết đầu tư 20 triệu đô la để tăng cường năng lực cho các địa phương trong việc chế biến nhựa phế thải và lốp xe đã qua sử dụng ở Tây Ôxtrâylia. Theo đó, 15 triệu đô la được cung cấp để hỗ trợ địa phương trong lĩnh vực chế biến nhựa, lốp xe đã qua sử dụng và phát triển cơ sở hạ tầng ở khu vực phía Bắc của Bang; 5 triệu đô la đầu tư cơ sở hạ tầng chế biến tại các khu công nghiệp trong khu vực. Theo số liệu từ Cục Thống kê Ôxtrâylia thì tại bang Tây Ôxtrâylia có khoảng 12.500 tấn nhựa và 7.000 tấn lốp xe sẽ bị giữ lại khi lệnh cấm xuất khẩu đối với một số chất thải có hiệu lực. Đây là cơ hội lớn cho ngành công nghiệp chất thải và tái chế ở bang này.

     Cam kết của doanh nghiệp

     Tại Hội nghị thượng đỉnh quốc gia về nhựa 3/2020, ngành công nghiệp đã đưa ra một số thông báo về cách họ sẽ giúp giải quyết thách thức chất thải nhựa, cụ thể:

     • Pact Group sẽ đầu tư 500 triệu USD vào cơ sở vật chất, nghiên cứu, công nghệ để tăng cường sử dụng bao bì bền vững. Pact phối hợp với Cleanaway và Asahi Beverage thành lập cơ sở tái chế trị giá 30 triệu đô la ở Albury. Dự kiến Pact sẽ có 30% nội dung tái chế trong danh mục sản phẩm của mình vào năm 2025 và loại bỏ gần 2 tỷ hộp nhựa đưa ra bãi rác.

     • McDonald’s sẽ loại bỏ dần dao, dĩa nhựa vào cuối năm 2020, góp phần giảm 585 tấn rác thải nhựa mỗi năm. Điều này bổ sung cho cam kết trước đó của McDonald’s là loại bỏ 500 triệu ống hút mỗi năm và đưa tổng lượng nhựa giảm hàng năm xuống còn 860 tấn.

     • Nestlé sẽ hợp tác với Công ty quản lý chất thải IQ Renew thử nghiệm một dự án thu gom và tái chế nhựa dẻo từ hơn 100.000 hộ gia đình, qua đó giảm thiểu  khoảng 750 tấn nhựa dẻo đưa đi bãi chôn lấp.

     Ôxtrâylia cũng đang nỗ lực biến nhựa và rác thải sinh hoạt thành đồ nội thất, quần áo, vật liệu xây dựng mới; phát triển thị trường nội địa mới cho nguyên vật liệu tái chế bằng cách thiết lập các tiêu chuẩn quốc gia về hàm lượng vật liệu tái chế trong xây dựng đường giao thông, đồng thời, khuyến khích mua sắm, sử dụng sản phẩm tái chế trong lĩnh vực chi tiêu công và dịch vụ xã hội.

Đỗ Hoàng (Tổng hợp)

 

 

 

 

Ý kiến của bạn