Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Những vấn đề môi trường của Liên bang Nga hiện nay

18/05/2017

   Cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, môi trường đang là một trong những vấn đề bức xúc nhất tại Liên bang Nga (LBN). Cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, khai thác tài nguyên thiên nhiên ngày càng làm trầm trọng thêm các vấn đề môi trường, đe dọa sự phát triển bền vững của LBN.

   LBN có diện tích 17.125.407 km2, dân số 146.267.288 người, là quốc gia có diện tích lớn nhất thế giới và đứng thứ 10 về dân số. Trong đó, thủ đô Mátxcơva là TP đông dân nhất cả nước với dân số là 16.829.125 người. LBN là một trong những quốc gia có trữ lượng nước ngọt và nguồn tài nguyên thiên nhiên lớn nhất thế giới, đó là các nguồn dầu mỏ, khí đốt, than đá và gỗ… Hệ động, thực vật đa dạng, phong phú, với khoảng 25 nghìn loài thực vật và trên 130 nghìn loài động vật được ghi nhận. Hiện nay, LBN đang phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, suy giảm đa dạng sinh học cả về số lượng và thành phần loài… Nguyên nhân chủ yếu do hoạt động công nghiệp, nông nghiệp, khai thác khoảng sản, cũng như các hoạt động khác của con người gây ra.

Diễn đàn Môi trường trong khuôn khổ “Năm Môi trường 2017” tại Liên bang Nga

   Phá rừng và suy thoái rừng

   Hiện nay, tổng diện tích rừng của LBN là 800 triệu ha, bao phủ 45% diện tích bề mặt, bao gồm các loài cây gỗ lớn như bạch dương, tùng, sồi… Vấn nạn phá rừng đã tồn tại từ nhiều năm nay và ngày càng khó kiểm soát. Từ năm 2000 đến nay, tổng diện tích rừng bị phá là 40 triệu ha, nhưng chỉ có một nửa diện tích được trồng lại. Rừng bị tàn phá mạnh tại các vùng Viễn Đông, phía Tây Bắc và Siberia. Nạn phá rừng không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, mà còn ảnh hưởng lớn đến môi trường và tàn phá các hệ sinh thái, làm tăng khí thải gây hiệu ứng nhà kính… Ngoài ra, diện tích rừng bị suy giảm do các nguyên nhân khác như cháy rừng, phát triển công nghiệp và khai thác khoáng sản cùng với việc mở rộng diện tích đất nông nghiệp, xây dựng nhà ở và giao thông.

   Ô nhiễm nguồn nước

   Theo ghi nhận, 90% lượng nước thải ra môi trường không đảm bảo chất lượng, thậm chí chưa được xử lý, trong đó có 50% lượng nước bị ô nhiễm. Nguyên nhân chính gây ô nhiễm nguồn nước tại LBN là do hoạt động của các nhà máy công nghiệp, với hệ thống xử lý nước thải lạc hậu và không đáp ứng được các tiêu chuẩn môi trường. Hàng năm, có hàng nghìn chất thải thuộc các ngành công nghiệp hóa học, lọc hóa dầu và ngành sản xuất khác đổ ra sông và hồ, ảnh hưởng tới môi trường sống của nhiều loài động, thực vật thủy sinh. Bên cạnh đó, chất thải sinh hoạt của con người cũng gây ô nhiễm nguồn nước. Nước thải từ các khu đô thị thải vào các thủy vực trong nhiều trường hợp không được xử lý, hoặc xử lý không đảm bảo tiêu chuẩn môi trường do thiếu cơ sở hạ tầng, tài chính. Ngành công nghiệp năng lượng cũng đóng góp vào sự ô nhiễm, suy thoái nguồn nước. Ngoài ra, việc xây dựng các thủy điện, hồ chứa nhân tạo để sản xuất điện trên các dòng sông và thủy vực đã làm thay đổi quy luật, chu trình nước tự nhiên, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về môi trường…

   Ô nhiễm không khí

   Hiện nay, vấn đề ô nhiễm không khí tại LBN chủ yếu là ở các TP đông dân và tập trung công nghiệp, với nhiều thông số vượt tiêu chuẩn cho phép. Cả nước có khoảng 27.600 nhà máy và cơ sở sản xuất công nghiệp, với 1,2 triệu nguồn thải. Các ngành công nghiệp có mức độ phát sinh khí thải gây ô nhiễm cao như alumin, luyện kim màu, hóa chất và hóa dầu, khai thác và chế biến các sản phẩm dầu mỏ…

Các thành phố đông dân, tập trung công nghiệp là nguyên nhân gây ô nhiễm không khí tại Liên bang Nga

   Hoạt động giao thông cũng đóng góp lượng lớn các chất thải gây ô nhiễm không khí. Theo tính toán, mỗi năm, có khoảng 4 triệu tấn các chất ô nhiễm phát thải từ các phương tiện giao thông. Điển hình như tại Mátxcơva, khí thải từ ô tô chiếm 93% lượng phát thải các chất ô nhiễm vào khí quyển. Trung bình, các phương tiện giao thông đóng góp 42% lượng khí thải, hệ thống xả thải không được kiểm soát dẫn đến gia tăng mức độ ô nhiễm không khí. Theo Bộ TN&MT LBN, tại các khu vực ven đường cao tốc chạy qua các TP đều có hàm lượng các chất ô nhiễm như cadimi, chì, selen vượt 2 lần tiêu chuẩn cho phép.

   Trong những năm gần đây, mức độ ô nhiễm không khí tại LBN đang có xu hướng giảm. Theo thống kê, trong thời gian từ năm 2011 - 2015, tổng lượng các chất ô nhiễm không khí như bụi lơ lửng và CO giảm 11 - 15%, nhưng tổng lượng khí thải CO2 không thay đổi.

   Ô nhiễm phóng xạ

   Thảm họa Chernobyl xảy ra năm 1986 được xem là vụ tai nạn hạt nhân trầm trọng nhất trong lịch sử năng lượng hạt nhân. Thảm họa này phát ra lượng phóng xạ (gấp 400 lần so với quả bom nguyên tử được ném xuống Hiroshima - Nhật Bản năm 1945). Sau thảm họa Chernobyl, theo thống kê đến năm 2014, có khoảng 1 triệu người bị phơi nhiễm phóng xạ. Hiện nay, nhiều nhà máy điện hạt nhân của LBN thực hiện các điều kiện và thiết bị an toàn, tiên tiến hơn. Ngoài ra, khu vực biên giới phía Bắc nước Nga, nơi có các căn cứ hải quân, trong đó có các tàu ngầm hạt nhân được xem là “nghĩa trang hạt nhân” để xử lý các vật liệu phóng xạ, chất thải phóng xạ từ các hoạt động của thiết bị quân sự và vũ khí.

   Các đồng vị phóng xạ có thể gây tử vong, hoặc đột biến gen. Các chất phóng xạ xâm nhập vào cơ thể con người và động vật, không khí, nước và thực phẩm. Vì vậy, hiện nay, vấn đề xử lý chất thải phóng xạ cần đảm bảo an toàn ở mức cao nhất.

   Để giải quyết các vấn đề trên, LBN đã siết chặt các điều kiện nhằm kiểm soát hoạt động xuất khẩu gỗ, đặc biệt là các loài gỗ quý; tăng cường năng lực hoạt động của kiểm lâm, kiểm soát tốt việc khai thác rừng; xem xét đầu tư công nghệ xử lý và tái sử dụng nước thải, đặc biệt kiểm soát chặt nguồn thải; thực hiện các bước chuyển đổi sang sử dụng các loại nguyên, nhiên liệu thân thiện với môi trường, trong công nghiệp áp dụng bộ tiêu chuẩn kiểm soát khí thải. Ngoài việc áp dụng các phương pháp xử lý chất thải, LBN khuyến khích người dân sử dụng các loại vật liệu thân thiện với môi trường, đặc biệt chú ý đến tái chế chất thải; áp dụng đồng bộ các biện pháp như tăng hình phạt đối với hành vi gây ô nhiễm, sử dụng các biện pháp kinh tế “người gây ô nhiễm phải trả tiền” để buộc doanh nghiệp phải áp dụng các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm; tăng cường các hoạt động truyền thông về BVMT cho cộng đồng…

   Ngày 5/1/2017, Tổng thống Vladimir Putin đã ký Sắc lệnh chọn 2017 là Năm Môi trường quốc gia LBN với mục tiêu tập trung sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và người dân đến các vấn đề BVMT và cải thiện chất lượng môi trường của đất nước. Tổng thống giao Bộ TN&MT LBN là cơ quan chủ trì hướng dẫn tổ chức các hoạt động thiết thực để thực hiện mục tiêu trên.

Nguyễn Đình Đáp

Trường ĐH Xây dựng Quốc gia Liên bang Nga

Trần Đình Quý

Trường Cao đẳng An ninh nhân dân I

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 4/2017

Ý kiến của bạn