Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 22/01/2025

Những hậu quả môi trường của Vành đai và Con đường

21/02/2019

    Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc có thể làm hỏng hệ sinh thái và tăng mạnh lượng khí thải các bon. Dưới đây là 5 thách thức lớn nhất về môi trường gây ra bởi dự án này.

 

 

1. Ô nhiễm

    Mặc dù Sáng kiến Vành đai và Con đường trải dài tới khoảng 78 quốc gia, Trung Quốc cho biết họ sẽ chỉ cam kết các tiêu chuẩn xanh trong phạm vi đất nước của mình. Điều này có nghĩa là Trung Quốc không chịu trách nhiệm về ô nhiễm do xây dựng các tuyến đường sắt, cảng, đường cao tốc và nhà máy điện trên khắp châu Á, châu Phi, châu Âu và Nam Mỹ.

    Ông Zheng Yi, nhà sáng lập Trung tâm Sinh thái Mùa đông Trung Quốc lo ngại rằng, các công ty Trung Quốc sẽ gây ô nhiễm và hưởng lợi từ đó vì các quốc gia nghèo có thể sẽ làm bất cứ điều gì để tăng trưởng kinh tế.

    Là một phần của dự án trị giá 8 nghìn tỉ USD, có 33 hành lang đường sắt đã hoặc sẽ được xây dựng chỉ riêng ở châu Phi. Hành lang đường sắt được đi kèm với đường ống và đường dây điện yêu cầu xây dựng thêm đường và các cơ sở hạ tầng hỗ trợ khác. Tất cả các công trình này gây ô nhiễm không khí và nguồn nước xung quanh. Các nhà nghiên cứu từ Đại học Hồng Kông Trung Quốc tính toán rằng Trung Quốc sẽ phải gánh chịu một triệu người chết mỗi năm do ô nhiễm không khí trên đất nước của mình.

2. Môi trường sống

    Bên cạnh ô nhiễm không khí và nước, toàn bộ hệ sinh thái có nguy cơ chịu rủi ro. Hiện chỉ còn ít hơn 800 con đười ươi Tapanuli được tìm thấy ở phía bắc rừng Sumatra từ Batang Toru, Inđônêxia. Đập thủy điện Sinohydro trị giá 1,6 tỉ USD được lên kế hoạch cho vùng đất thấp Batang Toru, có thể xóa sạch khoảng 10 đến 20% số đười ươi và sẽ gây ngập lụt cho người dân bản địa. Các nhà môi trường lo ngại rằng những con đường mới được xây dựng dọc theo dự án sẽ đi kèm với nạn xâm lấn, phá rừng và khai hoang bất hợp pháp.

    Một dự án khác ở lưu vực sông Congo xuyên qua đất rừng, tàn phá 1/10 voi rừng của khu vực. Số voi rừng giảm 62% từ năm 2002 đến 2011. Vì BVMT không phải là ưu tiên hàng đầu của các nước đang phát triển, có rất ít công ty ngăn chặn, khai thác gỗ nông nghiệp và khai thác làm tổn hại đến đất đai và sinh kế của người dân.

    WWF cũng cảnh báo, có đến 265 loài bị đe dọa và 46 điểm nóng đa dạng sinh học trong phạm vi Vành đai và Con đường. Sự bùng nổ về giao thông và cơ sở hạ tầng năng lượng sẽ có tác động lớn đến đa dạng sinh học, Fernando Ascensão, nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu CIBIO-InBIO thuộc Đa dạng sinh học và tài nguyên di truyền, Đại học Porto, Bồ Đào Nha cho biết.

3. Khí thải các bon

    Việc xây dựng cơ sở hạ tầng mới đòi hỏi xi măng, một vật liệu góp hơn 6% lượng khí thải carbon trên toàn cầu. Dự án Vành đai và Con đường sử dụng nhiên liệu hóa thạch và nguyên liệu thô như cát và đá vôi để sản xuất xi măng xây dựng các tòa nhà, đường, cầu và đập. Trung Quốc là nhà sản xuất xi măng lớn thứ hai thế giới và cũng là một trong những nhà tiêu dùng lớn nhất.

    Trung Quốc đã chịu trách nhiệm cho ít nhất 1/3 lượng khí thải nhà kính toàn cầu và vẫn là nhà đầu tư lớn nhất thế giới về các nhà máy than, tại các quốc gia như Ấn Độ, Inđônêxia, Mông Cổ, Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ được đưa vào dự án Vành đai và Con đường.

    Trong khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói trong bài phát biểu quan trọng của Diễn đàn Vành đai và Con đường năm 2017 rằng, Trung Quốc “sẽ đề xuất thành lập liên minh quốc tế về phát triển xanh cho Vành đai và Con đường” và “cung cấp hỗ trợ cho các nước liên quan để thích ứng với biến đổi khí hậu”. Tuy nhiên, phản hồi từ các chuyên gia môi trường đã làm cho các bên liên quan không yên tâm. Theo Tiến sĩ Ma Jun, cố vấn đặc biệt của Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, Sáng kiến Vành đai và Con đường xây dựng cơ sở hạ tầng trên khắp các quốc gia với dân số gấp ba lần Trung Quốc. “Nếu không có bất cứ điều gì được thực hiện, lượng khí thải của họ có thể gấp ba lần lượng khí thải của Trung Quốc”, ông nói.

4. Di cư

    Thành công của Vành đai và Con đường phụ thuộc vào sự tăng trưởng kinh tế mà nó hứa hẹn cho các quốc gia đang phát triển, nhưng lời hứa này đã bỏ qua các tác nhân hủy diệt hệ sinh thái. Ví dụ, Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan là một dự án thuộc Vành đai và Con đường hàng đầu trị giá 46 tỉ USD sẽ phát triển cơ sở hạ tầng thương mại để liên kết hai nước.

    Theo Ủy ban Kinh tế và Xã hội của Liên hợp quốc tại châu Á và Thái Bình Dương, những người di cư từ các khu vực khác đến Pakistan có thể khiến dân tộc Baloch trở thành thiểu số ở Balochistan. Ngoài ra, người dân địa phương đang bị di dời phần lớn bởi các tối hậu thư. Các cộng đồng địa phương đã dần bị thay thế bởi các dự án và thay đổi hệ sinh thái khu vực. Hơn 9.000 dặm vuông của tổng diện tích 22.000 dặm vuông của Thar sẽ được dùng cho khai thác than, trong khi phần còn lại sẽ không tránh khỏi việc xây đập; các dự án hứa hẹn sẽ thay đổi cuộc sống của khu vực 150.000 người, Aasim Sajjad Akhtar viết trong Tạp chí hàng tháng.

5. Tham nhũng

    Đầu tư cơ sở hạ tầng đã trở thành một lựa chọn hấp dẫn cho các nhà tài chính, nhưng chỉ có một vài bên liên quan chính đưa ra quyết định tác động đến toàn bộ các quốc gia, như sáng kiến Vành đai và Con đường. Tham nhũng là một trong những vấn đề lớn nhất đối với đầu tư nước ngoài tại các quốc gia đang phát triển, đây là một sự khích lệ mạnh mẽ để phê duyệt các dự án không nên được phê duyệt, William Laurance, giáo sư nghiên cứu nổi tiếng tại Trung tâm Khoa học Môi trường và Bền vững của Đại học James Cook, Úc nói.

    Ở Nigeria, một tuyến đường thay thế cho Superhighway Cross River được đề xuất đã được phê duyệt sau khi Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã tuyên bố tuyến đường ban đầu sẽ thay thế 180 cộng đồng bản địa và đe dọa một trong những trung tâm đa dạng sinh học lớn nhất thế giới. Tuyến đường mới tạo ra sự suy thoái môi trường ít hơn, cung cấp lối đi trên đường cao tốc cho các ngôi làng và bảo tồn môi trường sống của khỉ đột và voi.

    Do đó, các dự án cơ sở hạ tầng có thể mang lại lợi ích cho môi trường khi các quyết định thông minh, rộng rãi được đưa ra cho các cộng đồng địa phương. Chúng thậm chí có thể có tác động tích cực đến nền kinh tế. Ví dụ, một con đường được đặt ở vị trí chiến lược có thể giúp nông dân tiếp cận thị trường và cơ hội nhập khẩu phân bón sẽ làm tăng năng suất cây trồng, lợi nhuận và sinh kế nông thôn. Tuy nhiên, tham nhũng ngăn cản các quyết định thông minh và thường dẫn đến các dự án có hại.

 

Thu Hà (Nguồn Raconteur)

Ý kiến của bạn