Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Nỗ lực của Malaixia trong cân bằng lợi ích giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường

05/09/2018

     Với diện tích 328.543 km2, dân số 32 triệu người, Malaixia đặc biệt quan tâm tới vấn đề BVMT thông qua việc cam kết giảm cường độ phát thải xuống 40% vào năm 2020, đồng thời, ban hành nhiều đạo luật nhằm phát triển kinh tế xanh, thân thiện với môi trường và đã đạt được những kết quả tích cực.

     Quy định BVMT nghiêm thông qua các đạo luật

     Malaixia là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu dầu cọ. Tuy nhiên, nhu cầu đất canh tác cây cọ ngày càng tăng dẫn đến sự hủy hoại và biến các khu rừng nhiệt đới trở thành đồn điền. Điều này đe doạ nghiêm trọng đến hệ sinh thái, dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng một số loài động vật quý, hiếm như đười ươi, cọp, voi, tê giác…

 

Iskandar phấn đấu trở thành TP các bon thấp đầu tiên trong cả nước

 

     Để giải quyết vấn đề trên, ngay từ thập niên 70 của thế kỷ XX, Malaixia đã xây dựng hệ thống thu phí cấp giấy phép đối với các cơ sở sản xuất dầu cọ. Lúc đầu, nước này áp dụng mức phí rất thấp nên không có tác dụng khuyến khích các cơ sở sản xuất dầu cọ giảm chất thải. Sau đó, Chính phủ đã điều chỉnh mức phí theo hướng nộp phí cấp phép gồm hai phần: Lệ phí hành chính nói chung và phí ô nhiễm theo lượng chất thải gây ô nhiễm. Nhờ đó, chỉ sau hai năm áp dụng, lượng chất thải gây ô nhiễm ra nguồn nước từ các cơ sở sản xuất dầu cọ đã giảm mạnh. Nối tiếp thành công trên, Chính phủ Malaixia áp dụng thêm một biện pháp hành chính là tịch thu giấy phép của các cơ sở vi phạm tiêu chuẩn môi trường. Như vậy, Malaixia đã kết hợp biện pháp kinh tế với biện pháp hành chính một cách vừa mềm dẻo, vừa linh hoạt, buộc các cơ sở sản xuất phải quan tâm tới việc tuân thủ các quy định BVMT.

     Trong xử lý chất thải, Malaixia ban hành Luật Quản lý chất thải rắn (CTR) và vệ sinh công cộng với những quy định chi tiết, chặt chẽ về quy trình quản lý từ phát thải, thu gom đến vận chuyển, xử lý, công tác quy hoạch, mô hình quản lý… Trong đó, mô hình quản lý CTR của Malaixia theo chế độ liên bang và tư nhân hóa được nhiều quốc gia khác học tập. Tổng Công ty quản lý CTR và vệ sinh công cộng có trụ sở chính và chi nhánh tại tất cả các bang trên bán đảo, chuyên cung cấp dịch vụ quản lý CTR và vệ sinh công cộng; thực hiện chính sách, kế hoạch, chiến lược của chính quyền liên bang; đề xuất tiêu chuẩn, quy chuẩn về quản lý CTR; xây dựng và thực hiện các chương trình đào tạo, nghiên cứu phát triển, xác định mức phí - giá đối với những dịch vụ mà công ty cung cấp… Ngoài ra, Chính phủ cũng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý CTR, đặc biệt là thực hiện chiến lược kiểm soát, quản lý chất thải theo hướng áp dụng 3R (giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế), biến chất thải thành tài nguyên. 

     Không chỉ ban hành nhiều đạo luật về BVMT, Malaixia còn áp dụng chế tài xử phạt vi phạm nghiêm khắc. Ở xứ sở dầu cọ, các tội phạm trong lĩnh vực BVMT chủ yếu được quy định trong các đạo luật chuyên biệt về BVMT và mức phạt đối với tội phạm môi trường rất nặng. Ví dụ, Điều 22, Luật Chất lượng môi trường Malaixia năm 1974, sửa đổi 5 bổ sung năm 2001 quy định về tội phạm môi trường như sau: người nào xả thải các loại CTR, lỏng, khí vượt quá định mức cho phép trong giấy phép môi trường thì bị phạt tiền đến 100.000 ringgit hoặc bị phạt tù đến 5 năm, hoặc cả hai hình phạt trên. Hay Điều 23 quy định: Người nào gây tiếng ồn vượt quá tiêu chuẩn cho phép hoặc vượt quá định mức mà giấy phép đã quy định thì bị phạt tiền đến 100.000 ringgit hoặc bị phạt tù 5 năm hoặc bị áp dụng cả hai hình phạt trên. Hoặc Điều 27 quy định: Người nào có hành vi xả thải xăng dầu trái phép vào nguồn nước ở Malaixia thì bị phạt tiền đến 500.000 ringgit hoặc bị phạt tù 5 năm hoặc bị áp dụng cả hai hình phạt trên… Nhờ việc áp dụng các hình thức phạt nặng, nước này đã ngăn chặn đáng kể các hành vi vi phạt pháp luật về BVMT.

     Hướng đến giảm cường độ phát thải khí nhà kính

     Quy hoạch TP các bon thấp đã trở thành một phần quan trọng trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Malaixia. Bằng việc khởi động chương trình “Khuôn khổ các TP các bon thấp”, Chính phủ cam kết giảm cường độ phát thải xuống 40% vào năm 2020. Trong đó, thúc đẩy năng lượng tái tạo trở thành mục tiêu trọng điểm Malaixia hướng tới, đạt tỷ lệ 11% năng lượng tái tạo trong tổng các nguồn năng lượng vào năm 2020. Nhiều TP của Malaixia cũng có tham vọng này, điển hình như vùng Iskandar và TP Kuching.

 

Các con đường ở Malaixia luôn sạch, đẹp

 

     Vùng Iskandar

     Iskandar, bang Johor, là một trong những vùng kinh tế phát triển nhanh nhất tại Malaixia. Trước đây, quy hoạch tổng thể của Iskandar là quy hoạch thông thường, không tính đến bất kỳ yếu tố nào liên quan đến phát triển các bon thấp. Tuy nhiên, đến năm 2011, các chuyên gia của Trường Đại học Teknologi Malaixia (UTM) đã tập hợp một nhóm chuyên gia hàng đầu để giúp đỡ Cơ quan Phát triển Vùng Iskandar (IRDA) hình thành một quy hoạch hướng tới mục tiêu giảm khí nhà kính (KNK) tới năm 2025 và hành động từng bước, đưa vùng trở thành khu vực phát triển các bon thấp đầu tiên trong cả nước.

     TP Kuching

     Kuching là TP nằm ở phía Đông Malaixia, với dân số khoảng 600 nghìn người. Thị trưởng TP cam kết và tuyên bố về mục tiêu hướng tới TP các bon thấp, tuy nhiên, gặp phải một số khó khăn do chưa có nhiều dự án chi tiết để thực thi giảm thiểu khí thải. Để giải quyết vấn đề này, chính quyền lập kế hoạch tiến hành kiểm kê, thống kê KNK và huy động mọi nguồn lực hướng tới mục tiêu TP các bon thấp. Các bước cần phải thực hiện gồm: Tăng cường năng lực thông qua đào tạo, nâng cao hiểu biết của cán bộ về khái niệm TP các bon thấp, cách lập kế hoạch, thực hiện và giám sát hoạt động này; Tiêu chuẩn kiểm kê KNK bằng việc đánh giá và báo cáo lượng khí thải định kỳ dựa trên các con số thống kê thực tế để đảm bảo mức độ chính xác và khả năng tương thích quốc tế; Sử dụng phần mềm cho quy hoạch TP các bon thấp để đo lường chính xác lượng khí thải nhà kính và xác định các biện pháp giảm thiểu tương thích…

     Như vậy, với việc xây dựng quy định BVMT nghiêm thông qua các đạo luật cũng như cam kết giảm cường độ phát thải KNK, Chính phủ liên bang Malaixia cho thấy, họ đang nỗ lực để cân bằng lợi ích giữa phát triển kinh tế với BVMT. Những kinh nghiệm của Malaixia sẽ là bài học hữu ích cho Việt Nam trong tiến trình xây dựng TP các bon thấp.

 

ThS. Nguyễn Việt Cường

Bộ Ngoại giao

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 8/2018)

 

 

Ý kiến của bạn