Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Mô hình quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại Penang, Malaixia

29/11/2016

   Hiện nay, tại các đô thị, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh ngày càng lớn đặt ra những thách thức đối với nhiều quốc gia trên thế giới. Một số quốc gia đã quản lý chất thải bằng cách biến chất thải thành tài nguyên, đem lại hiệu quả về kinh tế và BVMT. Một trong những mô hình thành công theo phương thức quản lý trên là TP. Penang, Malaixia.

 

Học sinh trường Trung học Heng Ee (Penang) thực hiện phân loại chất thải hữu cơ 

   

    Penang (tên gọi khác là George Town) là TP của bang Penang (Malaixia), có diện tích 1.024 km² với dân số 1,6 triệu người. Trước đây, Penang là một thương cảng quốc tế sầm uất ở eo biển Malacca và đến nay, đã phát triển thành TP có nền kinh tế đứng thứ 3 tại Malaixia. Nền kinh tế của Penang chủ yếu dựa vào nông nghiệp, du lịch và sản xuất, chế tạo công nghiệp.

   Cùng với tốc độ đô thị hóa và sự phát triển kinh tế nhanh, lượng rác thải của TP ngày càng gia tăng đã tạo sức ép cho chính quyền trong việc giải quyết bài toán xử lý rác thải khi diện tích đất chôn lấp không còn. Theo thống kê năm 2012, mỗi ngày, đảo Penang phát sinh 790 tấn chất thải, trong đó chất thải hữu cơ chiếm từ 40 - 60% tổng số chất thải (chủ yếu là thực phẩm và chất thải từ khu vườn gia đình), còn lại là các loại chất thải khác như giấy, nhựa, kim loại… Mỗi ngày, Penang có 300 xe tải thu gom rác chuyển đến trạm trung chuyển Batu Maung ở phía Nam và xếp lên một chiếc xà lan lớn (có 3 chuyến xà lan/ngày), sau đó, xà lan chở các thùng chứa rác đến bãi chôn lấp Pulau Burong (tỉnh Seberang Perai) để xử lý. Ước tính, để xử lý mỗi tấn rác từ Penang đến Pulau Burong, chính quyền địa phương phải chi khoảng 130 Ringgit (tương đương 41 USD).

   Tháng 4/2007 đã xảy ra sự cố môi trường khi chiếc xà lan chở rác từ Penang đến Pulau Burong bị chìm ở biển Malacca, làm cho hàng tấn rác thải nổi trên mặt biển, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và tác động tiêu cực đến hệ sinh thái biển. Sau khi vụ việc xảy ra, người dân Pulau Burong đã biểu tình để phản đối việc vận chuyển rác thải từ đảo Penang đến và điều này buộc Chính phủ Malaixia phải tìm giải pháp giải quyết vấn đề rác thải sinh hoạt của Penang.

   Để giải quyết vấn đề rác thải sinh hoạt tại Penang cũng như các địa phương khác, Chính phủ Malaixia đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để tăng cường công tác quản lý chất thải rắn (CTR), đặc biệt là thực hiện chiến lược kiểm soát, quản lý chất thải theo hướng áp dụng 3R (giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế), biến chất thải thành tài nguyên. Với sự chỉ đạo của Chính phủ Malaixia cùng sự hỗ trợ, hướng dẫn của các chuyên gia thuộc Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), chính quyền Penang đã thực hiện công tác quản lý tổng hợp CTR thông qua các hoạt động thúc đẩy tái chế, giảm thiểu chất thải chôn lấp, hướng đến nền kinh tế tuần hoàn và bền vững. Bên cạnh việc tổ chức nhiều chiến dịch truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại của rác thải đối với môi trường, kinh tế - xã hội, Penang đã thiết lập bộ máy quản lý chất thải, gồm 2 cơ quan chịu trách nhiệm: Hội đồng TP. Penang (MPPP) và Hội đồng TP. Perai Seberang (MPSP). Ngoài ra, Penang cũng xây dựng chính sách quản lý chất thải hữu cơ nhằm thúc đẩy việc phân loại, xử lý chất thải hữu cơ tại nguồn, giảm chi phí vận chuyển, xử lý rác.

   Theo đó, việc phân loại rác tại nguồn được triển khai tại các hộ gia đình, chợ, khách sạn, bệnh viện và trường học, nhà hàng dưới sự kiểm soát chặt chẽ của chính quyền TP. Bên cạnh đó, Penang tăng cường giáo dục và nâng cao nhận thức cho người dân, các nhà quản lý, công nhân viên về lợi ích của việc phân loại chất thải và yêu cầu họ đưa ra cam kết về phân loại rác tại nguồn. Nếu chất thải không được phân loại, đơn vị thu gom sẽ không tiếp nhận.

   Đối với các đơn vị thu gom tư nhân, Penang tổ chức đấu thầu và ưu tiên những đơn vị có khả năng xử lý chất thải hữu cơ tại chỗ; đồng thời, áp dụng phương thức thu gom riêng đối với từng chủ nguồn thải (triển khai hệ thống thu gom chất thải chân không cho trung tâm thương mại, chợ…). Chính quyền địa phương cũng tiến hành nâng cấp hệ thống xử lý chất thải cho khu nhà hàng, khách sạn, nơi bán thực phẩm bằng cách lắp đặt các máy chế biến thực phẩm để không còn thức ăn thừa, biến rác thải hữu cơ thành phân compost; hay chất thải thực phẩm được sản xuất thành khí sinh học phục vụ đun, nấu thức ăn cho các trang trại, khu dân cư nhỏ, ký túc xá… Dầu ăn được tận dụng và chế biến thành nhiên liệu cho lò hơi, hay làm xà phòng, dầu diesel sinh học.

   Theo quy định của Penang, các loại rác thải có thể tái chế như giấy loại, chai lọ thủy tinh, vỏ đồ hộp... được thu gom vào các thùng chứa riêng. Người dân đem đến thùng rác trong khu dân cư, hoặc có thể gọi điện để bộ phận chuyên trách mang đi nhưng phải thanh toán phí thông qua việc mua tem dán vào các túi rác này theo trọng lượng.

   Nhằm thực hiện hiệu quả công tác quản lý chất thải theo 3R, chính quyền Penang đã đưa ra các chính sách khuyến khích, khen thưởng đối với sáng kiến thân thiện môi trường, cũng như kỷ luật, xử phạt nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm trong phân loại, thu gom và tái chế rác thải sinh hoạt của người dân. Cụ thể, nếu thực hiện hiệu quả việc tái chế, nhà quản lý, cán bộ, nhân viên sẽ được thăng chức. Đối với các hộ gia đình, cơ sở tiểu thương, khi tiến hành hoạt động tái chế chất thải sẽ được hỗ trợ kinh phí, nhưng nếu không thực hiện đúng quy trình thu gom, để phát sinh chất thải quá mức, họ sẽ phải trả phí (lượng chất thải phát sinh càng nhiều thì số tiền phí càng lớn).

   Có thể nói, việc thực hiện quản lý CTR phù hợp với phương pháp 3R đã giúp Penang giảm được lượng rác thải phát sinh, góp phần hình thành một TP không chất thải và phát triển bền vững.

P. Linh

(Theo UNEP)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 10/2016)

Ý kiến của bạn