Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Liên hợp quốc kêu gọi cộng đồng ngừng xả rác thải nhựa vào đại dương

24/04/2017

     Từ thực tế trung bình mỗi năm, hơn 8 triệu tấn rác thải nhựa trôi dạt ra đại dương, trở thành mối đe dọa đối với sự sống của các loài sinh vật biển, ngành thủy sản, du lịch biển và tổn thất đối với hệ sinh thái biển lên tới ít nhất 8 tỷ USD, Liên hợp quốc (UNEP)  đã chính thức “tuyên chiến” với rác thải nhựa đại dương.

     Cuối tháng 2/2017, Chương trình UNEP ốc đã phát động Chiến dịch CleanSeas (làm sạch biển), nhằm loại bỏ những nguồn rác thải chính ra đại dương như vi hạt nhựa trong các loại mỹ phẩm và đồ nhựa dùng một lần cho tới năm 2022.

     Chiến dịch được khởi động trong Hội nghị Thượng đỉnh Đại dương Thế giới tại Bali, kêu gọi chính phủ các nước thông qua chính sách cắt giảm sử dụng nhựa, vận động các ngành công nghiệp giảm thiểu đóng gói bao bì sản phẩm bằng nhựa và khuyến khích người tiêu dùng cắt giảm tối đa sử dụng các sản phẩm nhựa cũng như từ bỏ thói quen vứt rác bừa bãi ra đại dương.

 

Đại dương đang phải gánh nhận tới 51 nghìn tỷ vi hạt nhựa (Ảnh: UNEP)

 

     UNEP hy vọng sẽ tạo ra bước đột phá toàn diện từ thói quen, hành động, tiêu chuẩn cho đến chính sách toàn cầu, nhằm giảm thiểu tối đa số lượng cũng như tác động từ rác thải ra biển. Đến nay, đã có 10 quốc gia tham gia Chiến dịch với những cam kết sâu rộng, bao gồm Bỉ, Costa Rica, Pháp, Grenada, Inđônêxia, Na Uy, Panama, Saint Lucia, Sierra Leone và Uruguay.

      Inđônêxia cam kết giảm 70% lượng rác thải nhựa trên vùng biển vào năm 2025. Trong khi đó, Costa Rica sẽ tăng cường các biện pháp nhằm giảm đáng kể các sản phẩm nhựa dùng một lần thông qua cải thiện quản lý và giáo dục về chất thải.

     Tại Uruguay, Chính phủ sẽ bắt đầu đánh thuế các túi nhựa dùng một lần vào cuối năm 2017. Theo bà Eneida de León, Bộ trưởng Bộ Nhà đất, Quy hoạch vùng lãnh thổ và Môi trường Uruguay, Uruguay hy vọng sẽ cắt giảm sử dụng túi nhựa thông qua các quy định và giải pháp thay thế cho công nhân trong ngành xử lý rác thải, đồng thời kết hợp giáo dục ý thức về tác động tiêu cực của túi nhựa đến môi trường.

     Ước tính, với tốc độ vứt bỏ các loại chai, túi, cốc nhựa sau một lần sử dụng như hiện nay thì đến năm 2025, lòng đại dương sẽ chứa nhiều rác nhựa hơn là cá. Khoảng 99% các loài chim biển có thể sẽ nuốt phải nhựa. Chưa kể, đại dương còn là nạn nhân của đánh bắt thủy sản quá mức, hiện tượng axit hóa và tăng nhiệt độ nước biển do biến đổi khí hậu.

     Cũng vào tháng 2 vừa qua, UNEP đã tổ chức cuộc họp bàn kế hoạch cho Hội nghị về Đại dương dự kiến diễn ra từ ngày 5 - 9/6 tại New York, với mục tiêu “bảo vệ và phục hồi đại dương trước những tác động do con người gây ra”.

     Bà Isabella Lövin, Phó Thủ tướng Thụy Điển nhận định, Hội nghị có thể là cơ hội nghìn năm có một để giải cứu đại dương trước các sức ép. Đây cũng chính là nguyện vọng của nhiều nhà khoa học, môi trường và các tổ chức xã hội dân sự.

     Hội nghị về Đại dương và cuộc họp của Đại hội đồng Môi trường Liên hợp quốc, dự kiến tổ chức vào tháng 12/2017 tại Nairobi (Kenya) được kỳ vọng sẽ đưa ra nhiều tuyên bố mới.

 

Huy Hoàng

Ý kiến của bạn