Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Hội nghị các nước thành viên CITIES lần thứ 17: Thành công và những thách thức

07/11/2016

   Trước tình hình các loài hoang dã nguy cấp trên thế giới bị buôn bán bất hợp pháp và không bền vững, tại Hội nghị lần thứ 17 (CoP 17) các nước thành viên CITES (Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp) được tổ chức tại Johannesburg, Nam Phi, Chính phủ các nước đã đồng lòng đưa ra một loạt các biện pháp cứng rắn nhằm bảo vệ tốt hơn nhiều loài đang bị đe dọa, đồng thời tăng cường nỗ lực giải quyết vấn đề săn bắn và buôn lậu các loài hoang dã hiện đang phát triển. Đây được xem là Hội nghị thành công nhất từ trước tới nay của CITES với nhiều quy định quan trọng liên quan tới những loài hoang dã đang bị buôn bán bất hợp pháp như hổ, tê giác, voi và tê tê.

Tám loài tê tê trên thế giới đã được đưa vào danh mục bảo vệ trên toàn cầu, cấm buôn bán dưới mọi hình thức

   Một trong những thành công của Hội nghị là phần lớn các quốc gia thành viên đã bỏ phiếu bác bỏ đề nghị hợp pháp hóa buôn bán sừng tê giác của Vương quốc Swaziland. Theo đó, Swaziland đã đưa ra đề xuất bán 330 kg sừng tê giác hiện được lưu trữ trong kho của quốc gia (có nguồn gốc từ các cá thể tê giác chết tự nhiên hoặc từ những kẻ săn trộm), với hy vọng thu được 10 triệu USD nhằm hỗ trợ bảo vệ 73 cá thể tê giác trắng của Swaziland khỏi nạn săn trộm. Họ cũng đề xuất bán thêm khoảng 20 kg sừng tê giác mỗi năm để gây quỹ 600.000 USD, bằng cách thu hoạch sừng của những cá thể tê giác sống (sử dụng các biện pháp không gây đau đớn cho tê giác). Tuy nhiên, đề xuất của quốc gia này với mong muốn xóa bỏ lệnh cấm buôn bán quốc tế đã thất bại, bởi lẽ các quốc gia thành viên cho rằng dỡ bỏ lệnh cấm buôn bán sừng tê giác và sự tồn tại song song của sừng tê giác hợp pháp và bất hợp pháp trên thị trường sẽ gây ra nhiều cản trở và ảnh hưởng đến hiệu quả thực thi pháp luật. Chính vì vậy, hợp pháp hóa buôn bán sừng tê giác sẽ là mối đe dọa lớn đối với các quần thể tê giác trong tự nhiên và sẽ tiếp tục làm gia tăng nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác.

   Thành công tiếp theo là tất cả 8 loài tê tê, loài thú bị buôn bán trái phép nhiều nhất thế giới, đã được nâng cấp mức độ bảo vệ, từ Phụ lục II lên Phụ lục I (cấp độ bảo vệ cao nhất) trong CITES. Hai loài tê tê bản địa của Việt Nam đã được pháp luật trong nước bảo vệ ở mức cao nhất. Tuy nhiên, Việt Nam là điểm trung chuyển lớn vảy tê tê từ châu Phi nên việc nâng cấp mức độ bảo vệ tất cả các loài tê tê trên thế giới là một điểm mới quan trọng. Cùng với sự thay đổi này, vi phạm đối với các loài tê tê từ nay cũng sẽ bị xem xét xử lý hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, dự kiến sẽ có hiệu lực vào thời gian tới.

   Hội nghị đã đưa ra quyết tâm quản lý chặt chẽ tình trạng gây nuôi hổ nhằm tăng cường thực thi Quyết định 14.69, theo đó hoạt động gây nuôi hổ chỉ được phép tiến hành vì mục đích bảo tồn. Trung Quốc ra sức bác bỏ Quyết định này nhưng đã bị nhiều quốc gia phản đối, trong đó có Ấn Độ và Lào. Đặc biệt, Lào - đất nước có ít nhất ba trại hổ lớn đang gây nuôi hàng trăm cá thể hổ - cũng đã tuyên bố tại Hội nghị về quyết tâm đóng cửa các cơ sở gây nuôi hổ và gấu tại quốc gia này. Qua đó cho thấy, hầu hết các quốc gia thành viên đều nhận thấy hoạt động gây nuôi hổ nhằm buôn bán các bộ phận cơ thể và thu lợi nhuận là mối đe dọa với công tác bảo tồn hổ hoang dã.

   Ngoài ra, Hội nghị cũng nâng mức bảo vệ cá mập mắt, cá mập lụa và cá đuối quỷ lên Phụ lục II của Công ước CITES, mặc dù gặp phải sự phản đối quyết liệt của Nhật Bản, Iceland và Trung Quốc. Được liệt kê trong Phụ lục II đồng nghĩa với những biện pháp kiểm soát, bao gồm việc đảm bảo tính bền vững của ngành khai thác thủy sản, sẽ được áp dụng cho các loài này. Hy vọng rằng mức độ bảo vệ mới sẽ ngăn chặn sự suy giảm số lượng nghiêm trọng của các loài cá mập và cá đuối quỷ, vốn phát sinh từ nhu cầu tiêu thụ súp vây cá mập và cá đuối quỷ trong y học cổ truyền.

   Ngoài ra, Hội nghị đã thảo luận, xem xét và quyết định nhiều nội dung quan trọng liên quan đến thực thi CITES như sửa đổi phụ lục các loài động, thực vật thuộc CITES; sửa đổi các nghị quyết, quyết định thực thi Công ước; tăng cường hợp tác với các thể chế quốc tế khác; tăng cường năng lực; sinh kế bền vững; nâng cao nhận thức và giảm nhu cầu sử dụng động vật hoang dã; thực thi pháp luật chống tội phạm vi phạm pháp luật bảo vệ động, thực vật hoang dã và nghiên cứu khoa học trong thực thi CITES.... Đồng thời, Hội nghị nhấn mạnh việc săn bắn trộm, buôn bán các động vật hoang dã trái phép đã và đang ảnh hưởng đến gần 500 loài, đặc biệt các cá thể động vật hoang dã quý hiếm như voi, tê giác, sư tử…. tại châu Phi và nhiều quốc gia khác trên thế giới.

   CoP 17 là cuộc họp lớn nhất trong lịch sử 43 năm của CITES, với sự tham dự của 152 quốc gia, nhằm đưa ra quyết định liên quan đến các đề xuất đối với 62 loài ĐVHD từ 64 quốc gia thành viên. Hơn 3.500 người đã tham gia sự kiện được Tổng thư ký CITES John E. Scanlon ví như một “nước cờ quyết định” để đưa ra một loạt các quyết sách quan trọng nhằm quản lý các hoạt động buôn bán quốc tế ĐVHD một cách hợp pháp, bền vững và có kiểm soát, bao gồm những biện pháp cứng rắn nhằm tuyên chiến mạnh mẽ với nạn buôn bán ĐVHD trái phép, nâng cấp bảo vệ nhiều loài ĐVHD, đề xuất những chiến lược giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ ĐVHD trái phép, và cam kết phối hợp chặt chẽ hơn với các cộng đồng địa phương trong việc bảo vệ ĐVHD 

Minh Phượng
(Trung tâm EVN)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 10/2016)

Ý kiến của bạn