Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Costa Rica: Thực hiện nhiều giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường

03/12/2018

     Là một trong những quốc gia tích cực trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, BVMT, Costa Rica đang tiếp tục có những hành động kiên quyết và nghiêm túc nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hướng đến phát triển bền vững đất nước.

     Là quốc gia đứng đầu thế giới về sử dụng năng lượng tái tạo

     Tháng 6/2016, Costa Rica đã đình chỉ hoạt động của tất cả các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than trên toàn quốc và phát triển hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo (NLTT). Năm 2017, Costa Rica dẫn đầu thế giới về tỷ lệ sử dụng NLTT, cũng là năm thứ 3 liên tiếp phá kỷ lục về số ngày chỉ sử dụng năng lượng sạch. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát năng lượng quốc gia Costa Rica (CNCE) công bố ngày 26/2/2018, năm 2017, Costa Rica đã có 300 ngày chỉ sử dụng điện năng từ các nguồn NLTT, vượt mức 299 ngày và 271 ngày, tương ứng của năm 2016, 2015.

     Sản lượng điện từ NLTT của Costa Rica trong năm 2017 đã đáp ứng được 99,62% nhu cầu điện tiêu thụ của 4,8 triệu dân nơi đây, trong đó, thủy điện là nguồn năng lượng chủ chốt, cung cấp 78,26% lượng điện tiêu thụ, tiếp đến là điện gió (phong điện) với 10,29% và địa nhiệt 10,23%. Riêng nguồn điện gió đã đạt sản lượng kỷ lục trong năm 2017, với 1.015 GW/h, đáng chú ý, năm 1996, Costa Rica mới chỉ có 1 công viên phong điện nhưng hiện nay đã lên đến 16 công viên, hoạt động tại hai tỉnh Guanacaste và San Jose, đạt công suất 1.088 GW. Trong khi đó, điện Mặt Trời là nguồn năng lượng tiềm năng nhưng chưa được khai thác mạnh, do giá thành cao. Mới đây, Costa Rica đã đưa vào hoạt động công viên năng lượng Mặt trời Solar Juanilama, công suất 9 GWh tại tỉnh Guanacaste, đảm bảo cung cấp điện cho 2.100 hộ dân, góp phần giảm thải 1.500 tấn CO2 vào bầu khí quyển mỗi năm. Costa Rica cũng đã nghiên cứu thành công phương pháp sản xuất điện từ chất thải cà phê, giúp hạn chế khí nhà kính phát thải ra môi trường. 

 

Costa Rica là quốc gia dẫn đầu thế giới về tỷ lệ sử dụng NLTT

 

     Đặc biệt, ngày 9/5/2018, tân Tổng thống Costa Rica Carlos Alvarado đã công bố Kế hoạch cấm sử dụng hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch và trở thành quốc gia đi đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu, phấn đấu tới năm 2021, trở thành quốc gia không phát thải khí CO2 công nghiệp. Trong đó, mục tiêu của ngành giao thông là 100% phương tiện chạy bằng năng lượng sạch. Hiện đã có 2 dự án luật được đệ trình Quốc hội Costa Rica xem xét, hướng tới miễn thuế nhập khẩu xe ô tô điện, tạo ra một mạng lưới các điểm sạc điện cho loại hình xe hơi và bắt buộc điện hóa một phần hệ thống phương tiện vận tải công cộng.

     Năm 2017, Chính phủ Costa Rica cũng đưa vào hoạt động loại xe buýt sử dụng nhiên liệu khí hydro, đưa Costa Rica trở thành nước thứ 3 trong khu vực Mỹ Latinh áp dụng công nghệ này, sau Braxin và Ác-hen-ti-na. Dự án thực hiện trong vòng 6 năm, tổng số vốn đầu tư là 4,2 triệu USD, với sức chứa 35 hành khách, tốc độ tối đa 110 km/giờ, có thể chạy tối đa 338 km và tiêu thụ hết 39 kg hydro nén. Điểm khác biệt của xe buýt hydro so với các loại xe tương tự đang lưu hành tại các nước công nghiệp phát triển như Nhật Bản và Mỹ là hydro được tách ra từ phân tử nước nên không gây ô nhiễm không khí. Tới đây, Costa Rica sẽ nhân rộng hình mẫu xe buýt hydro hoạt động 100% NLTT trong hệ thống giao thông công cộng, nhằm giảm nhập khẩu dầu khí và cải thiện môi trường không khí ở các TP lớn.

     Phấn đấu đến năm 2021 trở thành quốc gia trung lập về khí thải các bon

     Không chỉ được công nhận bởi những thành tựu trong cuộc chiến ngăn chặn nạn phá rừng, đi tiên phong trong thực hiện chi trả dịch vụ hệ sinh thái từ những năm 1990, mới đây, Chính phủ Costa Rica còn đưa ra cam kết, đến năm 2021 sẽ cấm sử dụng hoàn toàn các loại nhựa dùng một lần, nhằm trở thành quốc gia trung lập về khí thải các bon. Theo đó, tất cả những loại đồ dùng một lần như cốc, đĩa, thìa, ống hút, dao… đều không được phép lưu hành.

 

Costa Rica đang lên kế hoạch cấm sử dụng hoàn toàn các loại nhựa dùng một lần vào năm 2021

 

     Hiện nay, một bãi chứa rác có diện tích lớn hơn cả bang Texas (Mỹ) đang trôi nổi trên biển Thái Bình Dương, dự kiến đến năm 2050, lượng rác thải nhựa trong lòng đại dương có thể sẽ vượt quá cả số lượng cá. Tại Costa Rica, trung bình mỗi năm có khoảng 4.000 tấn chất thải rắn và 20% trong số đó không thể tái chế mà thải ra môi trường. Vì vậy, quốc gia này quyết định phải có những kế hoạch, biện pháp cụ thể để hạn chế sử dụng, tiến tới loại bỏ rác thải không thể tái chế. Để thực hiện Kế hoạch cấm sử dụng hoàn toàn các loại nhựa dùng một lần vào năm 2021, Chính phủ Costa Rica đã đưa ra nhiều chính sách thiết thực như hỗ trợ tài chính cho các tổ chức tư nhân và công cộng chấm dứt việc sử dụng nhựa một lần. Đồng thời, khuyến khích những dự án nghiên cứu sáng tạo, giải pháp bền vững để tìm ra các chất có thể thay thế cho nhựa. Hiện một nhóm nghiên cứu sinh thuộc trường Đại học Costa Rica đã thử nghiệm thành công loại vật liệu làm từ chuối, có ưu điểm là dẻo, dai gấp 5 lần nhựa thông thường và sẽ phân hủy trong vòng 18 tháng.

     Ngoài ra, tháng 4/2018, được sự hỗ trợ của Bộ Y Tế Costa Rica, Công ty Truyền thông và Phát triển bền vững Próxima Comunicatión đã phát động Chương trình tái chế bằng những đồng crytocpoin “xanh”, nhằm khuyến khích người dân thu thập, rửa sạch, hong khô gom và gửi các vật liệu có thể tái chế (chai thủy tinh, thùng các tông, lon nhôm…) về 36 trung tâm thu gom được ủy quyền để đổi lấy tiền điện tử ecolones. Cách thức tham gia Chương trình rất đơn giản, chỉ cần đăng ký trực tuyến trên điện thoại di động, mỗi người sẽ được cấp một tài khoản sinh thái và khi mang đồ tái chế đến một trong các trung tâm ủy quyền, tiền sẽ tự động thanh toán vào “ví điện tử”. Khi tích lũy đủ ecolones, người dân có thể sử dụng tiền mặt để chi trả cho sản phẩm, dịch vụ hoặc trải nghiệm một số hoạt động theo ý muốn từ các công ty, doanh nghiệp đồng hành cùng Chương trình. Hiện đã có hơn 10 công ty hỗ trợ, chấp nhận phương thức tiền tệ này của Costa Rica như Musmanni, rạp chiếu phim Magaly, Florex, Casa Armonía, Công ty dược Fischel…

     Những kế hoạch, hành động về BVMT mà Costa Rica đã và đang nỗ lực thực hiện không chỉ là giải pháp tạm thời, nó là quá trình thể hiện sự kiên quyết với hy vọng có thể góp phần kiến tạo nên một thế giới bền vững hơn trong thời kỳ hiện đại hoá - công nghiệp hóa.

 

Trương Thị Giang

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 11/2018)

 

 

 

Ý kiến của bạn