Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 22/01/2025

Bhutan: Sống hòa hợp với thiên nhiên và nỗ lực chống biến đổi khí hậu

01/04/2020

     Bhutan có tổng diện tích 38.063 km2, dân số 768.274 người, là quốc gia nội lục tại miền Đông dãy Himalaya thuộc Nam Á, nằm giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Trong những năm qua, Bhutan đã tích cực khai thác điện gió, hầm biogas; hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân, thay vào đó là các phương tiện công cộng, xe đạp, xe buýt điện… để môi trường ngày càng xanh hơn và chung tay vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu (BĐKH).

      BVMT và sống hòa hợp với thiên nhiên được đưa vào Hiến pháp

     Bhutan được đánh giá là một trong những quốc gia xanh và hạnh phúc nhất Trái đất khi lấy chỉ số tổng hạnh phúc quốc gia (GNH) làm thước đo cho sự phát triển, thay vì tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Không đặt ra những chỉ số phát triển cao, các tòa nhà chọc trời, hay những khoản thu lớn từ hoạt động công nghiệp, Bhutan chọn niềm hạnh phúc đơn giản là sống hài hòa với thiên nhiên. Chỉ số CO2 trong không khí tại đây luôn đạt mức âm, đầu năm 2017, Bhutan sản sinh ra 2,2 triệu tấn CO2, nhưng những cánh rừng bạt ngàn đã chuyển hóa lượng CO2 lớn gấp 3 lần con số trên. Không những thế, Bhutan còn hấp thu khoảng 4 triệu tấn CO2 của các nước xung quanh.

 

Một góc đất nước Bhutan

 

     Các chính sách về BVMT ở Bhutan được đưa vào Hiến pháp, trong đó có một chính sách rất hữu ích, đó là “Giải lao cho môi trường”. Theo đó, vào ngày chủ nhật đầu tiên của mỗi tháng, tại các thành phố, thị trấn, tất cả các loại xe cơ giới bị cấm lưu thông (trừ xe công cộng và xe chở khách du lịch). Thimphu là nơi chấp hành chính sách này nghiêm chỉnh và trở thành thủ đô duy nhất trên thế giới không có đèn giao thông. Ngoài ra, Chính phủ Bhutan quy định, Ngày Môi trường thế giới 5/6 hàng năm là ngày cả nước đi bộ, nhằm giảm thiểu lượng khí thải từ các phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, trong những năm gần đây, nền kinh tế cũng như văn hóa của Bhutan ngày càng phát triển và có nhiều thay đổi, internet, truyền hình cáp, điện thoại di động, công nghệ hiện đại… đã trở thành một phần trong cuộc sống của người dân, nhưng Bhutan vẫn gìn giữ, bảo tồn được các giá trị truyền thống hàng nghìn năm tuổi.

     Nỗ lực chống BĐKH

     Mỗi năm, Bhutan chỉ tạo ra hơn 2 triệu tấn CO2, tuy không gây ra BĐKH, song quốc gia này lại phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ hiện tượng băng tan gây lũ, sạt lở đất, vì vậy, Chính phủ đã quyết tâm chung tay nỗ lực cùng cộng đồng thế giới trong cuộc chiến chống BĐKH. Năm 2009, tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP 15, tổ chức ở Copenhagen (Đan Mạch), Thủ tướng Bhutan Tshering Tobgay đưa ra cam kết không phát thải khí CO2 nhưng không nhận được sự quan tâm của các đại biểu tham dự. Đến tháng 12/2015, tại COP 21 diễn ra ở Pari (Pháp), cam kết không phát thải khí CO2 của Bhutan đã được lắng nghe, Liên minh châu Âu (EU) công nhận vai trò đầu tàu của Bhutan trong nỗ lực chống BĐKH khi tham gia ký kết Liên minh Tuyên ngôn châu Âu để phối hợp hành động trong lĩnh vực khí hậu và năng lượng.

 

Thimphu - Thủ đô duy nhất trên thế giới không có đèn giao thông

 

     Từ năng lượng gió cho tới khí sinh học, sử dụng xe đạp và xe buýt điện, Bhutan đã nỗ lực từng ngày để tìm ra các biện pháp góp phần ngăn chặn BĐKH. Đầu năm 2016, hai tuabin gió đầu tiên được xây dựng, khánh thành tại làng Rubesa, quận Wangduephodrang, tạo ra 600 kWh điện, đủ cung cấp điện cho 300 hộ dân trong làng. Đây là minh chứng cho thấy, Chính phủ Bhutan tích cực khai thác các nguồn năng lượng tái tạo, đáp ứng nhu cầu điện ngày một tăng. Tiếp đó, Bhutan lắp đặt thêm 24 trang trại gió để giải quyết tình trạng thiếu điện trong mùa khô. Cục Năng lượng tái tạo, Bộ Môi trường Bhutan cũng cho lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời, tạo ra 1mw điện năng và cung cấp 13.500 bếp nấu ăn bằng năng lượng mặt trời cùng 2.800 hầm khí sinh học cho các hộ gia đình tại 20 quận/huyện. Không chỉ có vậy, Bhutan còn xuất khẩu hầu hết lượng điện tái chế, ước tính khối lượng điện này có thể bù đắp cho 6 triệu tấn CO2 ở những khu vực lân cận và dự kiến đến năm 2020, sẽ bù đắp cho 17 triệu tấn khí CO2.

     Một trong những quyết tâm chống BĐKH được đánh giá cao và ấn tượng nhất của Bhutan là thực hiện hiệu quả Chiến dịch trồng cây gây rừng để duy trì độ che phủ rừng tới 60% diện tích lãnh thổ. Tháng 7/2015, 100 tình nguyện viên đã trồng 49.672 cây xanh chỉ trong 1 giờ, giúp các cộng đồng dân cư ở vùng núi tránh được tác động của BĐKH, trong đó có nguy cơ sạt lở và lũ quét cao. Cùng với đó, để cắt giảm khí thải từ hoạt động giao thông gây ra tình trạng ấm lên toàn cầu, Bhutan đã nỗ lực đưa Thimphu trở thành thủ đô thân thiện với xe đạp. Xe ô tô chạy điện cũng được vận hành với 4 trạm sạc điện lắp đặt trong tháng 2/2014, đưa tổng số trạm sạc điện lên 10 trạm. Trong chiến lược phát triển kinh tế từ năm 2013 - 2018, Bhutan đặt mục tiêu theo đuổi mô hình kinh tế theo hướng ít phát thải các bon, trong đó, ngành nông nghiệp khuyến khích nông dân sử dụng đất bền vững, giảm khí thải chăn nuôi và thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ.

     Có thể thấy, tuy chỉ là một quốc gia nhỏ, nhưng Bhutan lại làm được điều mà rất nhiều cường quốc đang nỗ lực thực hiện, đó là người dân được sống hạnh phúc trong môi trường trong lành.

 

Nguyễn Thành Long

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 3/2020)

 

Ý kiến của bạn