Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Bangladesh công nhận giống lúa biến đổi gen đầu tiên

09/01/2018

     Các nhà khoa học tại Bangladesh đã phát triển thành công giống lúa biến đổi gen đầu tiên nhằm giải quyết bài toàn mà nông dân nước này đang gặp phải trong quá trình thu hoạch.

     Cuối tháng 12/2017, Chính phủ Bangladesh đã chính thức cho phép canh tác giống lúa BRRIdhan-86, một giống cây thân cứng, dẻo dai và dễ dàng thu hoạch hơn khi sử dụng các loại máy gặt. Đây sẽ là tin vui cho nông dân nước này khi họ sẽ không còn phải lo lắng khi thiếu nhân công trong mùa vụ hay gặp phải khó khăn do các giống lúa hiện tại không thể thu hoạch dễ dàng bằng máy gặt đập thông thường. Với giống mới này kỳ vọng sẽ giúp gia tăng khoảng nửa tấn gạo trên mỗi ha so với năng suất của giống lúa BRRIdhan-28 phổ biến nhất của nước này.

 

 

     Các nhà chọn tạo giống tại BRRI (Viện Nghiên cứu Lúa gạo Bangladesh - Bangladesh Rice Research Institute) lần đầu tiên sử dụng phương pháp nuôi cấy túi phấn lúa - một trong những công cụ ứng dụng công nghệ sinh học từ giống gạo Niamat của người Iran. Phương pháp này chia các hạt phấn non và nuôi trên cả môi trường lỏng và rắn. Theo Sazzadur Rahman, một nhà nghiên cứu khoa học lúa gạo đã giải thích rằng, việc ứng dụng công nghệ sinh học đã giúp các nhà khoa học ở BRRI dễ dàng tìm ra các giống gạo mới hơn so với phương pháp thông thường. 

     Cùng thời điểm trên, Hội đồng Giống quốc gia Bangladesh cũng đã công nhận 4 giống lúa khác của BRRI bao gồm: giống lúa BRRIdhan-84 giàu kẽm (với tỷ lệ 27.6 mg/kg), giống hè ngắn ngày BRRidhan-82, giống BRRIdhan 83 và giống lúa có khả năng chịu úng BRRidhan-85. Với 5 giống được công nhận ngày hôm qua, tổng số giống lúa được BRRI nghiên cứu và phát triển đã lên tới con số 91. Trong số đó có 1 giống biến đổi gen, 6 giống lai, số còn lại là các giống lai năng suất cao (HYVs).

     Bangladesh công bố giống lúa giàu kẽm đầu tiên trên thế giới – BRRIdhan-62 với hàm lượng 19mg/kg vào năm 2013. Kể từ đó tới nay, các nhà khoa học đến từ nhiều quốc gia trên thế giới tại BRRI và trường Đại học Nông nghiệp Bangabandhu Sheikh Mujibur Rahman đã phát triển thêm 6 giống lúa giàu kẽm khác bao gồm giống BRRIdhan-84 nói trên.

     Theo các nhà khoa học tại BRRI, giống BRRIdhan-84 cũng được gia tăng hàm lượng sắt. Thiếu kẽm gây ra còi cọc trong khi thiếu sắt là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới việc thiếu máu. Hơn một phần ba trẻ dưới năm tuổi tại Bangladesh bị còi cọc trong khi hơn 43% phụ nhữ trong độ tuổi sinh sản thiếu máu.

     Trao đổi với UNB, Giám đốc Nghiên Cứu BRRI, ông Tamal Lata Aditya cho biết: 2 giống lúa mới (giống biến đổi gen và giống giàu kẽm) sẽ bổ sung thêm các lựa chọn tốt cho nông dân trong vụ đông khi giống BRRIdhan 28 đang được gieo trồng chính. Cả hai giống mới này đều có khả năng mang lại năng suất cao hơn ở mức độ khác nhau so với giống BRRIdhan 28.

     Hai giống lúa phổ biến nhất tại quốc gia này là BRRIdhan 28 và BRRIdhan 29 được sản xuất đại trà vào năm 1994 hiện tại đang mất dần tiềm năng do không thích nghi được với điều kiện mới. Việc công nhận các giống mới lần này tạo ra kỳ vọng tăng năng suất, giúp Bangladesh giải quyết thực trạng thu nhập canh tác lúa gạo mỗi năm đang giảm dần tại quốc gia này.

     Báo cáo gần đây của IFPRI (Viện Nghiên cứu Chính sách Thực phẩm Quốc tế (International Food Policy Research Institute) đã cho thấy, mức tăng sản lượng lúa gạo của Bangladesh đã giảm dần xuống chỉ còn khoảng 0.7% trong vòng 5 năm (2012-2016) trong khi tỷ lệ này đã từng đạt tới 4.8% trong 5 năm trước đó (2007-2011).

     Akhter Ahmed, Chủ nhiệm Cơ quan nghiên cứu lương thực IFPRI tại Washington cho biết: "Sản xuất lúa gạo đã tăng gấp ba lần kể sau khi giải phóng đất nước (năm 1971), nhưng tăng trưởng nông nghiệp đang chậm lại". Ông quan sát thấy rằng những giống lúa gạo phổ biến nhất ở Bangladesh đã không đạt được năng suất tối ưu và cần phải thay thế bởi những giống gạo tốt hơn để nông dân có thể thu hoạch được sản lượng nhiều hơn trên diện tích đất trồng ít hơn. Đồng thời phải đa dạng hoá ngành nông nghiệp bằng việc trồng các loại giống cây trồng có giá trị cao hơn.

     Akhter nhấn mạnh vai trò của công tác khuyến nông trong việc trình diễn và phổ biến các loại giống lúa mới giàu tiềm năng cho nông dân. Bởi một phần ba các nông hộ của Bangladesh chủ yếu là người làm thuê. Họ phải làm việc trên những mảnh đất của các chủ đất vì vậy chính phủ càng phải chú trọng tới các hoạt động khuyến nông cho nhóm đối tượng này.

     Ngành nông nghiệp đóng góp khoảng 17% GDP của Bangladesh với khoảng 45% dân số tham gia lao động. Hiện nay, có gần 75% trong tổng số 7.84 triệu ha đất canh tác được sử dụng để trồng lúa gạo một phần do quỹ đất giới hạn, mặt khác lúa gạo vẫn là nguồn lương thực chính của người dân nơi đây.

     Theo nhận định của các chuyên gia, năm 2017 được đánh giá là một năm phát triển đột phá trong hệ thống chính sách về nông nghiệp của Bangladesh khi quốc gia này đạt được các bước tiến quan trọng trong việc ứng dụng khoa học và tạo ra các giống mới giàu dinh dưỡng và năng suất cao hơn cho ngành trồng trọt - một trong các trọng tâm phát triển hướng tới tầm nhìn “Một Bangladesh thịnh vượng đến năm 2021”. Đây cũng là năm chứng kiến những nỗ lực mạnh mẽ của Chính phủ trong việc thúc đẩy ứng dụng cây trồng biến đổi gen. Hiện tại, cùng với việc cho phép canh tác gạo biến đổi gen, 3 giống cà tím biến đổi gen khác cũng đang đợi phê duyệt của Bộ Môi trường.

 

Nam Hưng

 

Ý kiến của bạn