Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

10 sự kiện môi trường quốc tế nổi bật năm 2015

22/02/2016

   Năm 2015 đánh dấu sự chung tay của tất cả các quốc gia trên thế giới trong nỗ lực chung nhằm chống lại biến đổi khí hậu (BĐKH), cùng sự hợp tác của các quốc gia lớn trong việc bảo tồn các loài hoang dã, bảo vệ rừng, hay sự tương trợ của các quốc gia trong các thảm họa môi trường. Tuy nhiên, đây cũng là một năm mà thế giới phải đối mặt với nhiều thách thức về tình trạng ô nhiễm môi trường tồi tệ nhất trong những năm đầu thế kỷ 21 như ô nhiễm khói mù do cháy rừng, ô nhiễm không khí, ô nhiễm kim loại độc hại… Đó là những mối đe dọa không chỉ trong nội bộ từng nước mà là thách thức chung cho cả khu vực và thế giới, đòi hỏi các quốc gia phải cùng liên kết đưa ra giải pháp BVMT toàn diện hơn trong thời gian tới. Dưới đây là 10 sự kiện môi trường quốc tế nổi bật năm 2015 được Tạp chí Môi trường tổng hợp từ trang tin Mongabay.com.

   1 Hội nghị COP 21 thành công

   Tháng 12/2015, tại Pari (Pháp), gần 200 quốc gia đã đồng ý thông qua một thỏa thuận chung - Thỏa thuận Pari nhằm chống BĐKH toàn cầu tại Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (COP 21). Thỏa thuận được xem là một bước ngoặt lịch sử, mang tính ràng buộc pháp lý đối với tất cả các quốc gia, yêu cầu các nước phải cam kết hạn chế lượng khí thải và đặt ra mục tiêu dài hạn về việc xóa bỏ khí nhà kính do con người gây ra. Ngoài ra, Thỏa thuận cũng khuyến khích các nước thực hiện biện pháp ngăn chặn khí thải, đồng thời cung cấp thêm khoản viện trợ cho các nước nghèo xây dựng nền kinh tế thân thiện với môi trường. Đây là lần đầu tiên tất cả các nước tham gia vào Thỏa thuận, cùng hợp tác, chia sẻ trách nhiệm chung, vì mục tiêu đi đến thỏa ước quốc tế về khí hậu, nhằm giới hạn nhiệt độ Trái đất nóng lên không quá 2°C thông qua việc sử dụng năng lượng hiệu quả, giảm tình trạng phá rừng, hạn chế suy thoái tài nguyên rừng và ít sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Ban điều hành COP 21 vui mừng khi Thỏa thuận Pari được thông qua

 

   2 Năm 2015 được ghi nhận là năm nóng nhất trong lịch sử nhân loại

   Theo kết quả khảo sát của Tổ chức khí tượng thủy văn quốc tế (WMO), năm 2015 đã được ghi nhận là năm nóng nhất trong lịch sử nhân loại. Cùng với kết quả này, giai đoạn 2011 - 2015 cũng được WMO đánh giá là giai đoạn 5 năm nóng nhất trong lịch sử loài người. Nguyên nhân là do hiện tượng El Nino diễn ra theo chiều hướng khó lường, thêm vào đó, đây cũng chính là hệ quả tất yếu của việc con người không ngừng phát triển nền công nghiệp trên toàn thế giới.

Biểu đồ nhiệt độ trung bình trái đất năm 2015 so với giai đoạn 1961 - 1990

 

   3 Cháy rừng tại Inđônêxia

   Trong danh sách những thảm họa môi trường do con người gây ra, tờ báo Jakarta Globe (Inđônêxia) cho rằng, cháy rừng liên tục trong hơn 1 tháng (từ tháng 9 - 10/2015) ở Inđônêxia là thảm họa nghiêm trọng nhất thế kỷ 21. Nạn cháy rừng xảy ra ở quốc gia này hàng năm, nhưng thời tiết khô khiến tình trạng năm nay đặc biệt nghiêm trọng, gây ra tình trạng khói mù tồi tệ nhất trong lịch sử nước này, thiệt hại lớn về kinh tế (20 tỷ USD theo Ngân hàng thế giới), sức khỏe con người (19 người chết và nửa triệu dân mắc bệnh đường hô hấp), hệ động thực vật… Các đám cháy rừng cũng phát thải khoảng 600 triệu tấn các-bon vào khí quyển, góp phần vào sự ấm lên toàn cầu và đe dọa các cánh rừng còn lại. Không những thế, các quốc gia Đông Nam Á khác như Singapo, Malaixia, Brunêy, Thái Lan và Philíppin cũng bị thiệt hại lớn do tình trạng “khủng hoảng” khói mù phát tán từ Inđônêxia. 

Malaixia điều thủy phi cơ giúp Inđônêxia dập tắt cháy rừng, ngăn chặn tình trạng khói mù độc hại phát tán trên phạm vi rộng

   4 Tình trạng phá rừng ở Amazon tiếp tục giảm

   Tỷ lệ phá rừng ở Braxin giảm mạnh trong thập kỷ qua, giúp duy trì sự sống cho 1.700 cá thể mỗi năm, đây là tin đáng mừng cho các loài động vật hoang dã, cộng đồng sinh vật sống phụ thuộc vào rừng và khí hậu Trái đất.

   Mặc dù, nạn phá rừng ở Amazon thuộc địa phận Braxin trong năm 2015 đạt mức cao nhất trong vòng 7 năm qua, tuy nhiên, nhìn chung, nạn phá rừng đang có xu hướng giảm trên các cánh rừng nhiệt đới Amazon, cả trong và ngoài khu vực Braxin (như Bolivia, Côlômbia, Êcuađo, Guyana, Pêru, Xu-ri-nam) 

Tình trạng phá rừng Amazon có chiều hướng giảm mạnh trong giai đoạn 2007 - 2015

 

   5 Trái đất đang phải đối mặt với cuộc đại tuyệt chủng lần thứ 6 của nhiều loài

   Các nhà khoa học đang lo ngại rằng, với tốc độ biến mất của các loài như hiện nay, thế giới đang đối mặt với cuộc đại tuyệt chủng lần thứ 6, có thể diễn ra vào năm 2200. Hiện, khoảng 41% các loài động vật lưỡng cư, 26% những loài động vật có vú, 13% loài vật không xương sống… đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Sự suy giảm môi trường sống do hoạt động của con người là nguyên nhân chính dẫn đến sự thay đổi này.

   Các nhà nghiên cứu cho biết, con người có thể đảo ngược xu hướng bằng cách tăng cường các nỗ lực bảo tồn các loài bị đe dọa và làm giảm áp lực lên các quần thể động vật hoang dã, đặc biệt, hạn chế làm mất môi trường sống của các loài, khai thác quá mức vì lợi ích kinh tế và tránh làm nghiêm trọng thêm tình trạng BĐKH toàn cầu.

Ếch vàng Panama được Sách đỏ liệt kê là loài đã “tuyệt chủng trong tự nhiên”

 

   6 Ảnh hưởng của giá dầu thế giới tới hoạt động BVMT

   Giá dầu thế giới tiếp tục giảm trong năm 2015, hai lần xuống mức thấp nhất trong vòng 6 năm qua. Ngoài nguyên nhân chính là tình trạng nguồn cung dầu dư thừa quá mức, khoa học công nghệ phát triển khiến các thiết bị và các nhà máy tiêu thụ ít năng lượng hơn, sự phát triển của các nguồn năng lượng mới… cũng khiến cho giá dầu thế giới giảm mạnh.

   Các chuyên gia đánh giá, giá dầu giảm kéo theo giá hàng hóa giảm, làm giảm các khoản chi của Chính phủ trong các chương trình bảo tồn, tình trạng xe cộ tăng cao, gây áp lực lên việc chuyển đổi đất nông nghiệp và đất rừng phục vụ cho phát triển kinh tế… Tuy nhiên, giá dầu giảm cũng tạo ra môi trường thuận lợi cho sự cải cách, chuyển đổi mô hình kinh tế của một số quốc gia (như Trung Quốc), tạo cơ hội cho phát triển năng lượng sạch, thay thế than đá và các nguồn năng lượng gây ô nhiễm khác. 

Một mỏ dầu của Chevron - Công ty năng lượng lớn thứ 5 trên thế giới đặt tại cánh đồng Duri, quần đảo Riau, tỉnh Sumatra, Inđônêxia

 

   7 Báo động “cái chết xanh” của những nhà hoạt động vì môi trường

   Theo Tổ chức Nhân chứng toàn cầu (Global Witness), tình trạng bạo lực với các nhà hoạt động vì môi trường đang ở mức báo động trên thế giới, nghiêm trọng nhất là tại Mỹ La tinh và châu Á Thái Bình Dương. Nhiều người đã đề cập đến thuật ngữ “cái chết xanh” để nói về cái chết của những nhà hoạt động vì môi trường, với 908 nhà hoạt động vì môi trường đã bị sát hại tại 35 quốc gia trên toàn thế giới trong hơn 10 năm qua. Braxin được xem là quốc gia nguy hiểm nhất cho các nhà hoạt động vì màu xanh, Côlômbia đứng vị trí thứ hai. Ngoài ra, nhóm người bản xứ cũng là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề của bạo lực, với 40% tổng số nạn nhân bị sát hại vì BVMT.

   Trước tình trạng báo động trên, các nhà hoạt động nhân quyền trên toàn thế giới phải lên tiếng kêu gọi người tiêu dùng có trách nhiệm với các sản phẩm để trở thành người tiêu dùng thông minh, sẵn sàng “tẩy chay” sản phẩm phá hủy môi trường. Đồng thời, Chính phủ các nước cần có giải pháp mạnh mẽ trong cuộc chiến bảo vệ những nhà hoạt động môi trường.

Các nhà hoạt động môi trường cần được bảo vệ để tiếp tục sứ mệnh cao cả của mình

   8 Thảm họa vỡ đập bùn đỏ tại Braxin

   Vào ngày 5/11/2015, đập chứa bùn thải của một công ty khai thác quặng sắt ở Braxin vỡ bờ bao, tạo ra “cơn lũ” bùn đỏ độc hại (62 triệu lít bùn độc) khiến ít nhất 17 người thiệt mạng, để lại hậu quả nghiêm trọng, với khoảng 804 km dọc theo chiều dài con sông Rio Doce ra đến cửa biển Đại Tây Dương bị nhiễm độc thạch tín và thủy ngân trầm trọng. Đặc biệt, hệ sinh thái dọc theo sông và bờ biển đã bị hủy hoại, hàng trăm người phải rời bỏ nhà và nguồn nước cung cấp cho hơn 250.000 người bị nhiễm kim loại nồng độ cao. Đây là thảm họa ô nhiễm môi trường lớn nhất của Braxin từ trước tới nay, được giới chuyên gia cảnh báo sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng lâu dài tới nhiều thế hệ sống xung quanh khu vực sông Rio Doce.

Bùn độc hại nhấn chìm làng Bento Rodrigues, TP. Mariana, Braxin

 

   9 Chất lượng không khí tại Bắc Kinh, Trung Quốc tiếp tục giảm sút

   Tình trạng ô nhiễm không khí ở thủ đô Bắc Kinh từ những năm gần đây đã được xếp vào nhóm báo động vàng và được nâng lên mức cao nhất - báo động đỏ (đầu tháng 12/2015) sau khi làn khói mù mang theo mùi khó chịu quay trở lại TP. Theo các số liệu đo lường, mức ô nhiễm khói bụi ở Bắc Kinh cao gấp 25 lần so với mức an toàn, với nồng độ bụi siêu nhỏ (PM 2.5) ở nhiều thời điểm tăng gần gấp đôi mức rất nguy hiểm. Số liệu thống kê cũng cho thấy, ngoài thủ đô Bắc Kinh, gần 75% TP lớn của Trung Quốc đều không đạt tiêu chuẩn về chất lượng không khí. Hầu hết các khí thải gây hiệu ứng nhà kính xuất phát từ việc đốt than vào mùa đông để sưởi ấm và hoạt động của các nhà máy nhiệt điện.

   Để đối phó với tình trạng này, Chính phủ đã ra lệnh đóng cửa 2.100 doanh nghiệp gây ô nhiễm không khí nặng, trẻ em cũng được phép nghỉ học vào những thời điểm khói bụi quá nhiều, người dân được khuyến cáo ở trong nhà nếu không cần thiết phải đi ra ngoài. 

Bắc Kinh chìm trong khói mù ô nhiễm vào ngày 7/12/2015

 

   10 Trung Quốc và Mỹ cam kết sẽ chấm dứt việc buôn bán ngà voi

   Trung Quốc và Mỹ là hai thị trường lớn nhất toàn cầu trong hoạt động buôn bán trái phép ngà voi. Chính phủ hai nước đã ban hành một tuyên bố chung, cam kết chấm dứt hoạt động buôn bán ngà voi trong nước, cũng như tiếp tục hợp tác để ngăn chặn tệ nạn buôn bán động vật hoang dã đe dọa nhiều loài động thực vật trên khắp hành tinh.

   Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã Cristián Samper cho biết, tuyên bố này sẽ cứu mạng sống của hàng chục nghìn con voi, cũng như các loài động vật hoang dã khác tại châu Phi.

Voi tại Vườn quốc gia Kruger, Nam Phi

 

Lưu Trang
(Tổng hợp từ mongabay.com)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 1/2016)

 

Ý kiến của bạn