Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 22/01/2025

10 câu chuyện môi trường thế giới nổi bật năm 2019

31/01/2020

     Năm 2019 khép lại với những tín hiệu tích cực, lạc quan trong cuộc chiến ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), ngăn chặn sự gia tăng phát thải khí nhà kính (KNK) của toàn thế giới. Nhờ có sự chung tay, góp sức của các quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng toàn cầu mà công tác BVMT, ứng phó với BĐKH đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tạp chí Môi trường xin trích đăng 10 câu chuyện môi trường thế giới nổi bật năm 2019 do trang tin Good News Network - một trang tin chuyên cung cấp những thông tin tích cực liên quan đến các lĩnh vực của đời sống - xã hội trên thế giới.

  1. Tái tạo rừng để cứu Trái đất trước tác động của BĐKH

 

Bản đồ khu rừng sẽ được trồng lại trên khu rừng cũ

 

     Tháng 7/2019, Đại học ETH Zurich (Thụy Sĩ) đã công bố một nghiên cứu, trong đó cho biết, chỉ cần trồng thêm 900 triệu hécta rừng, sẽ hấp thụ đến 205 tỷ tấn cácbon, giảm khoảng 2/3 lượng khí thải nhà kính do các hoạt động của con người gây ra. Điều đó đồng nghĩa với việc thế giới có thể “chống chọi” được với BĐKH thêm khoảng 20 năm.

     Nghiên cứu tập trung vào các vùng đất từng là rừng trước đây, nay đã bị tàn phá, hủy hoại, trên vùng đất này sẽ trồng cây, gây rừng. Các nhà khoa học đã nghiên cứu 80.000 ảnh chụp vệ tinh toàn cầu có độ phân giải cao để xác định vị trí rừng sẵn có và các khu vực có thể hồi phục rừng. Theo các nhà khoa học, để tái tạo được diện tích rừng là 900 triệu hécta, cần trồng mới 1.200 tỷ cây xanh khắp hành tinh. Một cây phong bạc có thể hấp thu tổng cộng 181 kg khí CO2 trong 25 năm.

     2. Hồi sinh loài cá voi có nguy cơ tuyệt chủng

 

Cá voi lưng gù

 

     Cá voi lưng gù - một trong những loài cá voi có nguy cơ tuyệt chủng trên thế giới lại đang “hồi sinh” trong năm 2019. Cá voi lưng gù có tấm sừng hàm, cơ thể khá lớn với chiều dài từ 12 - 16 m và cân nặng khoảng 30 - 36 tấn. Cá voi lưng gù hình dạng đặc biệt, vây ngực dài khác thường và đầu có u.

     Đầu những năm 1900, trước sự phát triển mạnh mẽ của ngành đánh bắt cá voi, số lượng cá voi lưng gù của thế giới, nhất là ở khu vực Tây Nam Đại Tây Dương đã giảm xuống, chỉ còn 450 con. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Khoa học Thủy sản Washington, loài cá voi lưng gù đang dần hồi phục, với số lượng ước tính khoảng 25.000 con tại khu vực Tây Nam Đại Tây Dương.

     3. Con tàu thu gom rác thải nhựa đầu tiên của thế giới

 

Tàu thu gom rác thải nhựa trên đảo Thái Bình Dương

 

     Maersk Launcher - một con tàu đặc biệt được thiết kế để làm sạch các đại dương - đã tiến hành thu dọn rác thải nhựa ở đảo rác Thái Bình Dương. Đây là một phần trong Dự án cải thiện môi trường của Tổ chức Làm sạch đại dương (Ocean Cleanup), một tổ chức phi lợi nhuận của Hà Lan. Theo công bố của Tổ chức Làm sạch đại dương, con tàu có thể làm sạch 50% đảo rác Thái Bình Dương trong vòng 5 năm. Con tàu được trang bị một tấm lưới dài 600 m để thu gom rác thải nhựa, đặc biệt là các mảnh vụn nhựa, sau đó mang số rác thải nhựa này về đất liền để tái chế.

      Đảo rác Thái Bình Dương là một bãi rác nổi, là khu vực có nhiều rác thải nhựa nằm trong xoáy nước Bắc Thái Bình Dương (một trong 5 xoáy nước chính của đại dương).

     4. Xử lý loại rác thải không thể tái chế

 

Công ty Năng lương Sierra (California, Mỹ)

 

     Công ty Năng lương Sierra (California, Mỹ) đã nghiên cứu giải pháp xử lý các loại rác không thể tái chế. Công ty đã cải tiến lò cao để tiêu hủy rác bằng công nghệ khí hóa FastOX nhằm đốt rác thải không tái chế dưới nhiệt độ cực cao, gấp đôi nhiệt độ của núi lửa khoảng 4.000 độ F (khoảng 2. 204 độ C). Hệ thống lò cao có thể tạo ra nhiệt bằng phương pháp bơm một lượng khí ôxy cần thiết vào lò. Cácbon bốc lên từ rác thối rữa sẽ hòa trộn và tác dụng với ôxy trong khí quyển, tạo ra hydro và carbon monoxide (CO). Hơi nước giải phóng được thu lại và bơm vào lò để duy trì nhiệt độ bên trong. Nhiên liệu tạo ra từ công nghệ FastOX mà Công ty đang áp dụng sạch hơn tiêu chuẩn California đối với nhiên liệu thông thường khoảng 20 lần.

     5.Sử dụng vỏ chai nhựa để chế tạo thuyền sinh thái

 

Ismaël Essome Ebone tận dụng vỏ chai nhựa để làm thành thuyền

 

     Ismaël Essome Ebone - một thanh niên người Cameroon đã góp phần giải quyết ô nhiễm môi trường bằng cách biến vỏ chai nhựa đã qua sử dụng thành thuyền.

     Năm 2011, khi còn là một học sinh, Ismaël Essome Ebone đã nảy sinh ý tưởng, làm “thuyền sinh thái”. Sau khi chiếc thuyền sinh thái của Ismaël Essome Ebone được thử nghiệm thành công, anh đã đầu tư tất cả số tiền mình có để sáng lập “Madiba & Nature” - một tổ chức tình nguyện, chuyên thu gom rác thải nhựa trong khu vực và biến nó thành thuyền, phục vụ du lịch sinh thái, hoặc dành cho những ngư dân thành phố.

     6. Pin nước” giúp tiết kiệm điện

     “Cục pin nước” đầu tiên trên thế giới đã được đưa vào sử dụng tại Đại học Sunshine Coast (Úc) vào tháng 9/2019. Đây là một hệ thống lưu trữ năng lượng nhiệt khổng lồ, với 6.000 tấm pin mặt trời được lắp đặt trên các mái của Đại học Sunshine Coast, tạo nên hệ thống quang điện 2,1 MW. Hệ thống năng lượng này được sử dụng để làm mát 4,5 triệu lít nước trong bể chứa ba tầng, giúp điều hòa không khí và làm giảm 40% mức điện năng Trường sử dụng, góp phần giảm khí thải nhà kính.

     7. Hệ thống năng lượng toàn cầu dựa vào năng lượng tái tạo 100%

 

Năng lượng tái tạo sẽ là nguồn năng lượng chính của toàn cầu

 

     Tháng 4/2019, Đại học Công nghệ Lappeenranta và Tập đoàn Theo dõi Năng lượng (Đức) đã công bố kịch bản chiến lược năng lượng toàn cầu, trong đó chỉ ra rằng, năng lượng tái tạo sẽ là nguồn năng lượng chính của toàn cầu, để duy trì mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở 1,5 ° C. Báo cáo cũng đề cập đến một kịch bản mà công nghệ chiếm ưu thế, chi phí đầu tư có hiệu quả, tuy nhiên, trong kịch bản năng lượng toàn cầu này không gắn với công nghệ thu giữ cácbon. Báo cáo đưa ra bức tranh chuyển đổi năng lượng toàn cầu trong các lĩnh vực điện, nhiệt, vận chuyển… vào năm 2050. Điều này chứng tỏ rằng, việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo 100% có khả năng cạnh tranh với nền kinh tế truyền thống dựa trên hóa thạch, hạt nhân và có thể giảm phát thải khí nhà kính trong hệ thống năng lượng xuống 0 trước năm 2050.

     8. Sử dụng enzyme để phân hủy nhựa

 

Các nhà nghiên cứu Pháp sử dụng enzyme có khả năng phân hủy nhựa

 

     Mới đây, các nhà nghiên cứu thuôc Công ty Carbios của Pháp đã sử dụng một loại enzyme đặc biệt có khả năng phân hủy nhựa PET như khay thức ăn, áo sơ mi polyeste... Chỉ trong một vài ngày, loại enzyme đột biến mới có thể phân hủy nhựa nhanh hơn so với thời gian nhựa tự phân hủy dưới đại dương. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng chùm tia X cực mạnh (gấp 10 triệu lần ánh sáng mặt trời thông thường) để xác định được cấu trúc chính xác của loại enzyme gốc trong tự nhiên, Khi cho loại enzyme này tiếp xúc với lớp màng mỏng PET, chúng sẽ phân hủy nhựa tạo thành những vết lõm. Sau đó lớp màng nhựa PET bị phân hủy hoàn toàn. Thành công của nhóm nghiên cứu đã khiến Công ty quyết định sẽ tài trợ cho việc xây dựng nhà máy tái chế rác thải nhựa để sử dụng loại enzyme đột biến này.

    9. Hơn 1 triệu người làm vườn chung tay tạo ra mạng lưới cây xanh toàn cầu để nuôi dưỡng ong và bướm

 

Mạng lưới các nhà làm vườn kêu gọi cộng đồng tham gia xây dựng vườn hoa thụ phấn để nuôi dưỡng các loài côn trùng thụ phấn

 

            Năm 2015, Mạng lưới vườn thụ phấn quốc gia (NPGN) - một tổ chức làm vườn của Mỹ đã phát động phong trào “Thử thách khu vườn thụ phấn”, kêu gọi toàn bộ người dân nâng cao nhận thức về vai trò của các loài thực vật thụ phấn, nhằm mục đích cứu những loài côn trùng thụ phấn như ong, bướm. NPGN là chương trình hợp tác giữa các tổ chức bảo tồn, các nhóm làm vườn, tổ chức xã hội, cơ quan liên bang tham gia kêu gọi và truyền cảm hứng cho mọi người  giữ gìn môi trường sống tươi xanh với nhiều loại cây thụ phân.

     Đến tháng 4/2019, NPGN đã đã nhận được số đơn đăng ký tham gia chương trình “Thử thách 1.000.000 vườn thụ phấn” là 1.040.000 nhà vườn (đăng ký tham dự. Mặc dù, hầu hết các nhà vườn đăng ký là ở Mỹ, nhưng Chương trình cũng mở rộng sang các nhà vườn ở Canada, Mexico và châu Âu.

     10. Xe điện chạy pin năng lượng mặt trời đường dài đầu tiên trên thế giới

 

Mẫu xe chạy bằng năng lượng mặt trời của Lightyear (Hà Lan)

 

     Nhờ hệ thống các tấm pin năng lượng mặt trời gắn trên nóc, mẫu xe mới ra mắt của Công ty Lightyear (Hà Lan) có thể chạy trên đường dài, mà không cần phải ghé vào các trạm sạc. Về cơ bản, sản phẩm của Công ty cũng giống như của những loại xe điện khác trên thị trường là có bộ pin và động cơ được trang bị ở mỗi bánh xe. Điểm khác biệt ở đây chính là hệ thống các tấm pin năng lượng mặt trời gắn trên nóc có thể thu năng lượng và sạc pin khi phương tiện đang di chuyển trên đường. Đội ngũ kỹ sư của Công ty Lightyear (một số người trước khi làm cho Công ty đã từng làm cho 2 Hãng xe Ferrari và Tesla) cho biết, đây là một bước ngoặt lịch sử giúp giải quyết được lượng khí thải CO2 trên toàn cầu.

 

Phương Linh (Theo Goodnewsnetwork)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 1/2020)

Ý kiến của bạn