Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 22/01/2025

10 câu chuyện môi trường thế giới nổi bật năm 2013

22/01/2014

     Năm 2013 khép lại với nhiều nỗi lo về sự gia tăng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nạn cháy rừng, biến đổi khí hậu, nhưng trên thế giới cũng có không ít thành tựu trong công cuộc BVMT và bảo tồn đa dạng sinh học. Dưới đây là 10 câu chuyện môi trường nổi bật thế giới năm 2013 được Mongabay bình chọn.

     1. Lượng khí thải nhà kính đạt mức kỷ lục

      

Mức khí thải nhà kính trong năm 2013 tăng lên mức kỷ lục

 

     Lần đầu tiên trong lịch sử thế giới, nồng độ CO2 trong khí quyển đã đạt mức kỷ lục - 400 phần triệu (ppm), mức mà Ủy ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (BĐKH) thuộc Liên hợp quốc (IPCC) cảnh báo sẽ gây ra những hiểm họa khôn lường. Trái đất chưa bao giờ chứng kiến mức độ khí nhà kính cao đến như vậy trong vòng 4 - 5 triệu năm kể từ khi nhiệt độ của Trái đất mới chỉ có 10ºC. Tuy nhiên, nỗ lực giảm thiểu khí thải của các nước rất chậm, không đủ để ngăn chặn quá trình nóng lên toàn cầu. Báo cáo của IPCC cho biết, nguồn dự trữ nhiên liệu của thế giới sắp cạn kiệt và chúng ta phải giữ nguyên lượng nhiên liệu này nếu không muốn BĐKH diễn ra một cách thảm khốc trên toàn thế giới.

     2. Trung Quốc giải bài toán ô nhiễm môi trường

 

Người dân Trung Quốc dọn cá chết do nguồn nước bị ô nhiễm

 

     Trước tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên nghiêm trọng, Chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu công bố một loạt các sáng kiến ​​để hạn chế ô nhiễm môi trường và cắt giảm khí thải nhà kính. Trung Quốc là nước tiêu thụ lượng than đá nhiều nhất thế giới nên đây là một trong những nhân tố chính đẩy lượng khí thải nhà kính tăng nhanh. Sau nhiều giải pháp cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường, Trung Quốc cũng đạt được một số kết quả ban đầu trong việc kìm hãm sự gia tăng phát thải khí CO2.

     3. Bị lên án, doanh nghiệp phải cam kết không phá rừng

     Hai doanh nghiệp sản xuất hàng hóa lớn của châu Á là Công ty Asia Pulp & Paper (Inđônêxia) và Công ty Wilmar (Singapo) đã buộc phải tuyên bố hiệp ước không phá rừng, sau khi bị các nhà hoạt động môi trường và người tiêu dùng lên án mạnh mẽ về những hành vi tàn phá rừng của họ trong thời gian qua. Là một doanh nghiệp chuyên kinh doanh bột giấy, dầu cọ và than đá, mỗi năm, lượng bột giấy mà Công ty Asia Pulp & Paper sản xuất chiếm gần một nửa tổng sản lượng ngành bột giấy của Inđônêxia, trong số đó, 20% được chế biến từ gỗ nguyên liệu khai thác trong các khu rừng ở Sumatra và Java (Inđônêxia). Bất bình trước hoạt động tàn phá rừng của Công ty, người tiêu dùng đã đồng loạt “tẩy chay” đối với các sản phẩm giấy của Asia Pulp & Paper. 

     Công ty Wilmar của Singapo là một thương hiệu hàng đầu thế giới trong lĩnh vực chế biến và kinh doanh dầu cọ. Hàng năm, Công ty cung cấp khoảng 45% sản lượng dầu cọ thế giới. Để sản xuất, chế biến lượng dầu cọ này đã có hàng nghìn héc ta rừng bị phá hủy. Trước sự phản đối kịch liệt của các nhà môi trường, Công ty đã phải đưa ra một số chính sách môi trường như: Không mua loại dầu cọ được các khai thác từ các khu rừng giá trị đa dạng sinh học cao; Thực hiện các bước giảm khí thải nhà kính; Xử lý chất thải dầu cọ và quản lý đất than bùn đã canh tác.

     4. Sao la mới “tái xuất” tại Việt Nam sau 15 năm vắng bóng

 

 

     Một trong những động vật có vú quý hiếm nhất đã được phát hiện tại Việt Nam sau 15 năm vắng bóng, đó là Sao la. Qua vệ tinh, bẫy ảnh đã chụp lại được hình ảnh cá thể Sao la đang di chuyển dọc con suối trong thung lũng hẻo lánh tại khu vực Trung Trường Sơn. Sao la là loài thú được phát hiện vào năm 1992 bởi một nhóm các nhà khoa học khi nghiên cứu đa dạng sinh học tại VQG Vũ Quang (Hà Tĩnh). Tại Việt Nam, lần cuối cùng một cá thể Sao la được nhìn thấy trong tự nhiên là vào năm 1998. Các nhà bảo tồn lo ngại rằng, nếu không tiếp tục đẩy mạnh hoạt động bảo tồn loài động vật quý hiếm này, thì Sao la sẽ là một trong những động vật có vú bị đe dọa lớn nhất trên Trái đất.

     5. Kỳ tích trong bảo tồn các loài động vật hoang dã (ĐVHD) quý hiếm

 

Hình ảnh của 2 con báo hoa mai Amur vừa được tìm thấy ở Trung Quốc

 

     Mặc dù, đa dạng sinh học toàn cầu đang ngày càng suy giảm, nhưng trong năm 2013, các nhà bảo tồn trên thế giới vẫn đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong việc đưa một số loài ĐVHD quay trở lại với môi trường thiên nhiên sau một thời gian “biến mất”. Ví dụ, các nhà khoa học châu Âu đã đưa loài Cò quăm tưởng chừng bị tuyệt chủng cách đây 300 năm trở về với tự nhiên. Tại Mêhicô, với nỗ lực bảo vệ loài Vẹt đuôi dài quý hiếm đang bên bờ tuyệt chủng, Vườn quốc gia (VQG) Palenque đã gây giống thành công nhiều cá thể vẹt mới. Các nhà bảo tồn đã bắt đầu chương trình gây giống loài Vẹt đuôi dài đỏ trong điều kiện nuôi nhốt ngay từ năm 1993. Chỉ tính riêng trong năm 2012, đã có 132 cá thể được sinh ra, nâng tổng số Vẹt đuôi dài đỏ được gây giống lên 400 con tính đến thời điểm đó. Tương tự như vậy, loài Báo hoa mai Amur, một loài ĐVHD quý hiếm vừa mới được ghi hình tại Trung Quốc sau bao nhiêu năm tưởng rằng tuyệt chủng. Loài động vật ăn thịt này có nguồn gốc ở khu vực miền núi Đông bắc Trung Quốc và Viễn Đông của Nga. Đây là loài báo cực kỳ nguy cấp trên thế giới, có nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên rất cao…

     6. Botswana và Costa Rica ban hành lệnh cấm săn bắn ĐVHD giải trí

 

Việc ban hành lệnh cấm săn bắt ĐVHD giải trí của Botswana và Costa Rica

là rất cần thiết

 

     Buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) là món lợi khổng lồ nên nhiều người bất chấp các quy định pháp luật vẫn làm. Chính điều này đã đe dọa nguy cơ suy giảm, tuyệt chủng của các loài ĐVHD đặc biệt là những loài nguy cấp quý hiếm có giá trị kinh tế cao. Nhằm ngăn chặn các hoạt động buôn bán ĐVHD trên thế giới, một số nước đã đưa ra nhiều biện pháp để ngăn chặn tình trạng buôn bán các loại ĐVHD. Ví dụ, vừa qua, Botswana đã quyết định sẽ cấm tất cả các hoạt động săn bắn ĐVHD với mục đích giải trí vào năm 2014. Tại châu Mỹ, Costa Rica là quốc gia đầu tiên ban hành Luật cấm săn bắt giải trí, điều này thể hiện cam kết mạnh mẽ của Costa Rica trong cuộc chiến chống săn bắt, buôn bán ĐVHD trái phép. Theo luật mới ban hành, những người săn bắn giải trí - không phải vì mục đích nghiên cứu khoa học - nếu vi phạm luật sẽ đối mặt với hình phạt 4 tháng tù giam hoặc xử phạt hành chính lên đến 3.000 USD, đặc biệt là các loài động vật quý hiếm của Costa Rica như báo đốm châu Mỹ, báo sư tử hay rùa biển...

     7. Cháy rừng ở Inđônêxia gây ô nhiễm không khí nặng nề cho các nước láng giềng

     Vào tháng 6/2013, khói từ hàng trăm đám cháy rừng Sumatra (Inđônêxia) đã lan sang Malaixia và Singapo, gây nên tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở những nước này. Những đợt khói dày đặc do đốt rừng đã khiến chỉ số ô nhiễm không khí (PSI) đo được tại Singapo lên đến 401, là mức rất nguy hiểm theo cảnh báo của Cơ quan BVMT Mỹ. Tại Malaixia, phần lớn khu vực phía Nam đất nước chìm trong làn khói. Chỉ số PSI đo được tại thủ đô Kuala Lumpur ở mức 200, có nơi lên đến 746, cao hơn rất nhiều so với ngưỡng nguy hiểm. Các chuyên gia nhận định, những đám cháy trên đảo Sumatra năm 2013 được đánh giá là nặng nề nhất trong lịch sử Inđônêxia. Trước sự phản ứng gay gắt của các nước làng giềng, Inđônêxia đã phải nỗ lực triển khai nhiều biện pháp để dập tắt lửa rừng. Do lực lượng cứu hỏa khó thể dập tắt được ngọn lửa vì trung tâm các đám cháy thường từ các vỉa than bùn trong rừng rậm, Chính phủ Inđônêxia quyết định dùng đến các biện pháp đặc biệt như làm mưa nhân tạo bằng cách dùng trực thăng để phun một lượng lớn hóa chất vào mây, kích thích tạo thành những tinh thể đá, để gây ra những trận mưa rào.

     8. Châu Âu cấm sự dụng thuốc trừ sâu có hại cho ong mật

 

Số lượng ong mật đang bị suy giảm tại châu Âu

 

     Ủy ban châu Âu (EC) đã thông qua lệnh cấm sử dụng các loại thuốc trừ sâu gồm clothianidin, imidacloprid và thiametoxam trong một số trường hợp nhất định tại 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU). EC khẳng định các loại thuốc trừ sâu trên là một trong một số những nhân tố có thể đã gây ra sự suy giảm số lượng ong mật ở khu vực này. Lệnh cấm bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/12/2013 và sẽ được xem xét lại vào năm 2015. Theo đó, các loại thuốc trừ sâu trên sẽ bị cấm sử dụng trong các trường hợp xử lý hạt, trị bệnh trên lá của các loại cây trồng và ngũ cốc. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, các loại thuốc trừ sâu này có khả năng phá hủy hệ thần kinh của ong non, khiến chúng dễ nhiễm bệnh và không thể nhớ đường trở về tổ. Neonicotinoids cũng được cho là ảnh hưởng đến côn trùng thụ phấn tự nhiên khác, chẳng hạn như bướm, thậm chí còn có thể gây hại cho não bộ của thai nhi.

     9. Sử dụng ruồi và đỉa để giám sát sự ĐDSH

     DNA trong ruột của côn trùng phân hủy xác chết có thể giúp theo dõi dấu vết của các loài động vật có vú quý hiếm, đó là một nghiên cứu được các nhà khoa học Đức mới công bố. Bằng cách lấy mẫu từ các con ruồi xanh, ruồi ăn thịt hoặc đỉa, các nhà khoa học đã phát hiện, khi các con ruồi và đỉa ăn xác phân hủy của các loài động vật có vú, chúng bảo vệ mẫu DNA của động vật. Cụ thể, nhóm nghiên cứu thu thập ruồi ăn thịt phân hủy từ VQG Taï  (Bờ Biển Ngà) và Khu bảo tồn Kirindy ở Madagascar và thấy rằng 40% trong số ruồi chứa DNA của động vật có vú. Các nhà nghiên cứu đã xác định được 16 loài động vật có vú ở Bờ Biển Ngà, trong đó có 6/9 loài là linh trưởng địa phương và linh dương Nam Phi, 4/8 loài động vật có vú ở Madagascar là vượn cáo. Cùng với khả năng cung cấp DNA của các loài động vật có vú, những con ruồi còn có thể giúp theo dõi trạng thái, thay đổi của các quần thể động vật có nguy cơ tuyệt chủng hiệu quả.

     10. Thiết lập bản đồ thế giới về diện tích rừng Trái đất

     Được hỗ trợ bởi Google, một nhóm các nhà nghiên cứu Mỹ đã xây dựng thành công một bản đồ dựa trên hình ảnh vệ tinh chụp bề mặt Trái đất nhằm theo dõi những thay đổi của diện tích rừng trên Trái đất. Bản đồ cung cấp một cái nhìn tổng thể hệ thống rừng toàn cầu, đồng thời là một công cụ hữu hiệu giúp các chính phủ quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá. Bản đồ cho thấy, từ năm 2000 - 2012, độ che phủ rừng trên thế giới đã giảm rất nhiều, khoảng 2,3 triệu km2 rừng đã biến mất, trong khi chỉ có khoảng 0,8 triệu km2 được phủ xanh trở lại. Các nước có quy mô mất rừng lớn là Nga, Braxin, Mỹ, Canada và Inđônêxia, trong đó, Inđônêxia là nước có tốc độ mất rừng tăng nhanh nhất thế giới, tăng hơn 50% lên tới 20.000 km2/năm vào thời điểm năm 2011. Nhóm nghiên cứu cho biết, thông qua tấm bản đồ mới, mọi quốc gia có thể tiếp cận một bộ dữ liệu đồ sộ, bao gồm những thông tin nền tảng, thống nhất và rõ ràng liên quan tới những vấn đề nghiêm trọng về môi trường như nguyên nhân gây ra thay đổi mật độ rừng, tình trạng của các khu rừng tự nhiên trên thế giới, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học và nguồn nước…

 

P. Linh (Theo Mongabay.com)

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 1/2014

 

Ý kiến của bạn