Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 22/01/2025

Ấn Độ xử lý khủng hoảng rác thải

05/06/2019

    Ngọn núi rác cao nhất Ấn Độ nằm ngay ở thủ đô New Delhi được dự báo sẽ còn cao hơn cả ngôi đền Taj Mahal ở nước này trong năm tới, trở thành một “biểu tượng” cho vấn nạn ô nhiễm đang diễn biến khó lường ở đất nước này.

 

Núi rác khổng lồ cao 65 m ở ngoại vi thủ đô New Delhi

 

Núi rác giữa thủ đô New Delhi

    Bãi rác Ghazipur bắt đầu mở cửa vào năm 1984 và hết khả năng tiếp nhận rác thải từ năm 2002, đáng lẽ ra cần phải được đóng cửa ngay lập tức từ thời điểm này. Thế nhưng hàng trăm xe tải chở rác vẫn đổ dồn tới đây tập kết rác thải, khiến cho lượng rác ngày một tăng cao. Hiện nay, núi rác thải ở Ghazipur đã cao tới 65 m. Nếu tiếp tục tốc độ tăng nhanh như hiện nay, núi rác này sẽ có độ cao khoảng 73 m vào năm 2020, tức cao hơn cả ngôi đền nổi tiếng Taj Mahal ở Agra.

    Trong năm 2018, một phần của núi rác này sụp đổ do mưa lớn, khiến 2 người thiệt mạng. Sau sự việc đó, khu vực Ghazipur đã bị cấm đổ rác, nhưng chỉ vài ngày sau, lượng rác thải lớn lại đổ dồn về đây do chính quyền các cấp không thể tìm được nơi đổ rác thay thế.

    Núi rác thải ở Ghazipur thường xuyên phát ra khí methane, gây bùng phát hỏa hoạn mà phải mất nhiều ngày mới có thể dập tắt. Ông Shambhavi Shukla – chuyên gia nghiên cứu cao cấp thuộc Trung tâm Khoa học và Môi trường New Delhi – nói rằng, khí methane bốc lên từ bãi rác nếu hòa vào bầu không khí có thể gây hại cho con người.

    Ngoài ra, thứ dung dịch độc hại, đặc quánh rỉ ra từ bãi rác thải này cũng chảy vào con kênh cạnh đó. “Nếu không ngừng lại ngay lập tức, lượng rác thải khổng lồ này có thể gây ô nhiễm không khí và nguồn nước ngầm” – Chitra Mukherjee, Giám đốc tổ chức vì môi trường Chintan, cho hay.

Ô nhiễm nặng nề

   Cư dân xung quanh khu vực Ghazipur cho hay, lượng rác thải khổng lồ bốc mùi khiến họ không thể thở nổi. “Mùi hôi thối độc hại đã khiến chúng tôi sống như trong địa ngục. Người ta lúc nào cũng bị ốm” – Puneet Sharma, một cư dân địa phương cho hay.

   Người dân khu vực này đã từng thực hiện nhiều cuộc tuần hành để kêu gọi chính quyền giải quyết vấn đề rác thải, nhưng không có hiệu quả. Rất nhiều người phải bỏ xứ mà đi. Thêm vào đó, họ cũng phàn nàn về một nhà máy tái chế rác nằm ngay gần Ghazipur ngày đêm xả khói độc hại ra môi trường.

    Bác sĩ địa phương Kumud Gupta cho hay, hàng ngày có khoảng 70 người, bao gồm trẻ em, mắc các chứng bệnh về đường hô hấp và dạ dày do hít thở không khí ô nhiễm. Một nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng, rác thải ở Ghazipur là mối đe dọa về sức khỏe đối với người dân sống trong bán kính 5 km quanh đó.

   Các tuyến giao thông quá tải, ngành công nghiệp nặng và hoạt động đốt rẫy sau mùa vụ xung quanh New Delhi đã khiến cho thành phố thủ đô này trở nên ô nhiễm có tiếng trên thế giới. Một nghiên cứu do Chính phủ Ấn Độ thực hiện trong khoảng năm 2013-2017 cho thấy, ở New Delhi có 981 trường hợp tử vong do nhiễm trùng đường hô hấp, 1,7 triệu người khác cũng đang mắc các triệu chứng này.

    Nhiều thành phố ở Ấn Độ được xếp vào hàng những thành phố xả thải nhiều nhất trên thế giới, tạo ra khoảng 62 triệu tấn rác thải mỗi năm. Vào năm 2030, con số này có thể tăng tới 165 triệu tấn.

   Khi nhậm chức Thủ tướng Ấn Độ vào năm 2014, ông Narendra Modi từng khởi động Chiến dịch Ấn Độ sạch, trong đó xây dựng hàng chục nghìn khu vệ sinh công cộng và áp dụng nhiều quy định quản lý rác thải mới trong năm 2016. Tuy nhiên, các tổ chức giám sát, trong đó có Tòa án Tối cao, thường xuyên cáo buộc chính quyền các cấp không có nỗ lực cần thiết để giải quyết triệt để cuộc khủng hoảng rác thải.  

 

Bích Hồng

Ý kiến của bạn