Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 22/01/2025

Độc đáo “Làng chai nhựa” ở Panama

06/06/2019

     Hiện nay, các sản phẩm nhựa và túi ni lông là những vật dụng phổ biến trong đời sống sinh hoạt của con người. Sự ra đời của các sản phẩm từ nhựa và ni lông mang lại các tiện ích, nhưng nó cũng chính là tác nhân gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người. Do đó, nhiều nước trên thế giới đã và đang có nhiều giải pháp tái chế rác thải nhựa, đặc biệt, ngôi làng sinh thái có tên gọi “Làng chai nhựa” là tác phẩm độc đáo từ đam mê của doanh nhân Robert Bezeau, người Canađa là ví dụ điển hình cho việc tái sử dụng hiệu quả rác thải nhựa.

     Hệ lụy từ những cơn sốt mùa du lịch

     Panama là một quốc gia thuộc Trung Mỹ, dân số khoảng 3.629.000 người, nổi bật với kênh đào Panama, nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương. Panama có chung biên giới với Costa Rica ở phía Tây Bắc, Colombia ở Đông Nam, biển Caribe ở phía Bắc và Thái Bình Dương ở phía Nam. Đây là nơi cư ngụ của những người đa sắc tộc, đa văn hóa, phần lớn dân số có tổ tiên lai tạp giữa người bản địa và châu Âu.

     Panama được thiên nhiên ưu đãi nhiều cảnh quan tuyệt đẹp với những nét văn hóa lịch sử đầy thú vị, nằm trên vùng biển Caribe, thu hút đông đảo du khách đến nghỉ dưỡng. Đây là nơi có sự đa dạng sinh học bậc nhất trong vùng biển Caribe với 9 hòn đảo lớn, 50 đảo nhỏ và hàng nghìn đảo nhỏ chưa được khai thác, phục vụ cho các dự án du lịch, trong đó, Isla Colon là đảo chính thuộc quần đảo Bocas del Toro, phía Bắc Panama, là một trong những điểm đến hút khách nhất đất nước. Nhưng đất nước Panama không chỉ là nơi sở hữu con kênh quan trọng bậc nhất thế giới, mà còn tự hào với rất nhiều danh thắng tuyệt vời khác. Khu rừng nhiệt đới, biển xanh trong suốt, khu phố cổ Panama… là những địa danh du lịch không thể bỏ qua khi đến Panama. Bất cứ ai từng tới đây, được sống trong bầu không khí sôi động, tận mắt chứng kiến vẻ đẹp hùng vĩ đều đánh giá Panama là “miền đất giàu có”, không phải bởi tiền của mà là “giàu” cá, cây xanh và cảnh sắc thiên nhiên. Với tài nguyên thiên nhiên rừng và biển, Panama là địa điểm lý tưởng để du khách lặn biển ngắm san hô, ngắm chim trời trong những khu rừng xanh mát. Vì vậy, du lịch - ngành công nghiệp không khói đã trở thành nền kinh tế mũi nhọn của quốc gia Trung Mỹ này.

 

Lâu đài nhựa của doanh nhân Robert Bezeau

 

     Thế nhưng, do nhu cầu về du lịch ngày càng tăng cao, trong khi chính quyền Panama cũng như Isla Colon vẫn chưa đáp ứng được vấn đề về cơ sở hạ tầng, các dịch vụ phục vụ du khách còn nhiều thiếu sót. Cơn sốt du lịch đã có những tác động không nhỏ tới môi trường sống xung quanh, biến Isla Colon trở thành một trong những nơi rơi vào cơn khủng hoảng nhựa nghiêm trọng nhất toàn cầu, đáng chú ý là tình trạng rác thải nhựa với khối lượng khổng lồ lớn lên theo từng năm, gây ô nhiễm môi trường và hủy hại hệ sinh thái của vùng biển Caribe. Trong một thời gian dài, chính quyền địa phương và người dân sở tại đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm hạn chế rác thải nhựa nhưng không đạt hiệu quả. Mỗi năm ước tính có khoảng 100.000 du khách đến đây và để lại khoảng 1 triệu chai nhựa.

     Tòa lâu đài được xây dựng từ 60.000 chai nhựa

     Trong một lần ghé thăm Isla Colon, doanh nhân Robert Bezeau đã suy nghĩ về những hậu quả nghiêm trọng từ vấn nạn ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa và lên một kế hoạch “giải cứu” hòn đảo. Năm 2016, Robert Bezeau chuyển tới Panama sinh sống suốt 14 tháng để thực hiện Dự án Làng chai nhựa. Mục tiêu chính của Dự án là tái sử dụng rác thải nhựa bằng cách biến chúng thành vật liệu xây dựng, góp phần BVMT và sức khỏe con người. Website của Làng chai nhựa cũng phân tích những tác động tiêu cực của rác thải nhựa đến đất đai, nguồn nước và không khí… Để hiện thực hóa kế hoạch của mình, Robert Bezeau đã vận động người dân Isla Colon cùng tham gia Dự án, với công việc thu gom chai nhựa từ nhà dân, các khu vui chơi, bãi biển… để làm nguyên vật liệu. Chính quyền địa phương cũng ủng hộ trong quá trình thực hiện Dự án và Bezeau đã xây dựng được làng tái chế từ chai nhựa. 

     Hiện nay, một tòa lâu đài 4 tầng xây dựng từ 60.000 chai nhựa bỏ đi, tọa lạc ngay trên con đường chính dẫn du khách ra bãi biển với những bãi cát chạy dài, khiến du khách không khỏi choáng ngợp trước cảnh đẹp của thiên nhiên, cùng sự hùng vĩ mà tòa lâu đài mang lại. Không chỉ mang hiệu quả giáo dục BVMT, mà những ngôi nhà trong Làng chai nhựa cũng đảm bảo được tính năng của một ngôi nhà thông thường, hòa hợp tổng quan, đảm bảo ánh sáng, độ bền cao, an toàn trong các trận lũ lụt, động đất, đặc biệt, các bức tường chai nhựa cũng được sử dụng như những chiếc phao nổi. Mỗi ngôi nhà lớn được xây dựng theo thiết kế của Bezeau cần khoảng 20.000 chai nhựa. Lớp thứ nhất gồm các chai nhựa được nhồi vào một khung lưới, sau đó bao phủ bằng một lớp thép cứng, giúp cách nhiệt cho mỗi ngôi nhà và nhiệt độ trong, ngoài ngôi nhà có thể chênh nhau tới 20C, do đó, kiến trúc này tạo ra không gian sống thoải mái cho người ở mà không cần dùng đến điều hòa nhiệt độ. Bước cuối cùng là bao phủ các bức tường bằng bê tông. Tính cả chi phí vận chuyển, việc xây dựng toàn bộ ngôi làng bằng chai nhựa vẫn rẻ hơn so với việc sử dụng xi măng, quá trình xây dựng cũng không cần dùng đến điện. Đặc biệt, bên trong tòa lâu đài,  Bezeau còn thiết kế một căn phòng gọi là “Nhà tù môi trường”, nơi người dân và du khách trải nghiệm cảm giác ngồi một mình suy ngẫm về những thói quen, hành động của mình đã gây tác hại đến môi trường như thế nào?, qua đó khuyến khích mọi người cùng chung tay cứu lấy hành tinh của chúng ta, cũng như giáo dục trẻ nhỏ về tầm quan trọng của công tác BVMT. Mục tiêu tiếp theo của Bezeau là phát triển quy mô Dự án Làng chai nhựa thân thiện với môi trường tới hơn 120 ngôi nhà, trong đó có không gian để tập yoga, khu vực công viên và một gian hàng quần áo, khu nghỉ dưỡng sinh thái có vườn rau, trái cây, thảo mộc.

     Có thể thấy, trước vấn nạn ô nhiễm môi trường như hiện nay, Dự án Làng chai nhựa của Robert Bezeau đã góp phần lan tỏa, giáo dục và khuyến khích các nước đang phát triển trên thế giới bắt tay vào công cuộc tái chế, tái sử dụng rác thải nhựa hiệu quả, vì một hành tinh xanh.

 

Minh Huệ

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 5/2019)

Ý kiến của bạn