Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 22/01/2025

Đại dịch Covid-19 và những điểm tích cực về môi trường

13/07/2020

    Kể từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 đã gây ra cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu nghiêm trọng nhất trong một thế kỷ, khiến hơn 5 triệu người nhiễm bệnh và hơn 300.000 người chết, đồng thời đẩy nền kinh tế toàn cầu chìm sâu trong suy thoái. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, các nhà khoa học đã thực hiện một số nghiên cứu nhằm đưa ra “cái nhìn tích cực về môi trường”: Không khí sạch hơn, trong lành hơn, lượng khí thải carbon và ô nhiễm do sản xuất giảm. Điều này cũng có thể là do trong đại dịch mọi người ở nhà, ít đi máy bay, ít xe cộ trên đường và nói chung là ít hơn các hoạt động thể chất, kinh tế, sụt giảm ngành sản xuất công nghiệp ô nhiễm sử dụng nhiên liệu hóa thạch… Có thể thấy, đã có những tín hiệu tích cực về môi trường được ghi nhận tại các khu vực vốn bị coi là đang khủng hoảng về chất lượng không khí như châu Âu, hoặc tại những quốc gia được cho là nguồn phát thải khí nhà kính lớn như Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Châu Âu: Giảm hàng chục nghìn ca tử vong do chất lượng không khí được cải thiện

    Một nghiên cứu gần đây của Trung tâm nghiên cứu về năng lượng và không khí sạch, trụ sở tại Vương quốc Anh cho thấy, có sự cải thiện chất lượng không khí trong các tháng vừa qua do “lệnh đóng cửa vì coronavirus” làm giảm mạnh mật độ giao thông đường bộ và lượng khí thải công nghiệp. Chỉ tính riêng ở Anh, đã ghi nhận giảm 6.000 ca trẻ em mắc bệnh hen suyễn, giảm 1.900 ca phải cấp cứu y tế, ít hơn 600 ca sinh non. Tính tổng các quốc gia ở châu Âu giảm hơn 11.000 ca tử vong do ô nhiễm không khí.

    Nghiên cứu đưa ra kết quả bằng cách sử dụng các mô hình thống kê kết hợp dữ liệu về chất lượng không khí, điều kiện thời tiết, lượng khí thải, dân số và tỷ lệ bệnh. Theo đó, so với cùng kỳ năm ngoái, nồng độ CO2 đã giảm 40% trong khi nồng độ bụi mịn PM2.5 giảm 10%, điều đó có nghĩa là những người không nhiễm Covid-19 có thể thở dễ dàng hơn. Hai chất gây ô nhiễm này làm suy yếu tim và hệ hô hấp là nguyên nhân chính cho khoảng 470.000 ca tử vong ở châu Âu mỗi năm.

    Theo báo cáo, số ca tử vong do ô nhiễm không khí giảm đi nhiều nhất ở Đức (2.083), tiếp theo là Anh (1.752), Ý (1.490), Pháp (1.230) và Tây Ban Nha (1.083). Theo loại bệnh, gần 40% giảm tử vong liên quan đến suy tim, 17% từ các bệnh về phổi như viêm phế quản và khí phế thũng, 13% do đột quỵ và ung thư. Những trường hợp khác do bệnh nhiễm trùng và tiểu đường.

    Theo các chuyên gia y tế, những phát hiện này tương tự ghi nhận của họ trong các đợt dịch bệnh. Tiến sĩ LJ Smith, chuyên gia bệnh hô hấp tại Bệnh viện King College ở Luân đôn cho biết, đã ghi nhận ​​rất ít bệnh nhân mắc bệnh hen suyễn, COPD (bệnh tắc nghẽn phổi mạn tính) trong tháng qua và không có nghi ngờ gì về việc giảm ô nhiễm không khí là một phần lý do. 

    Tính toán tổng thể của 11.000 trường hợp tử vong tránh được là kết quả trung bình từ một loạt các tính toán, phân tích số liệu mà theo đó kết quả cao nhất có thể lên tới 20.000 ca và thấp nhất là 7.000 ca. Nếu tính trên toàn thế giới, số ca tử vong do ô nhiễm không khí tránh được sẽ cao hơn nhiều vì nghiên cứu này mới tập trung vào một lục địa và trong khoảng thời gian ngắn.

    Nghiên cứu này không bao gồm các trường hợp tử vong do coronavirus. Các nhà khoa học tin rằng, ô nhiễm không khí làm tăng sự ác tính của bệnh và một số nghiên cứu cho thấy, virus có thể bám vào hạt bụi mịn. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết, họ không có đủ dữ liệu để đưa vào mô hình tính toán của mình.

    Theo tác giả chính của nghiên cứu, Lauri Myllyvirta, sự giảm mức độ ô nhiễm không khí đã làm giảm áp lực lên các dịch vụ y tế tại một thời điểm quan trọng và cho thấy việc cải thiện chất lượng không khí có thể tạo ra sự khác biệt lớn mặc dù các biện pháp mà chúng ta buộc phải thực hiện trong đại dịch đang gây ra nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội.

Trung Quốc: Virus tấn công ngành công nghiệp giúp cải thiện đáng kể chất lượng không khí

 

Lượng phát thải tại các khu công nghiệp Trung Quốc giảm trong những tháng đầu năm 2020

 

    Tại Trung Quốc, nơi phát thải carbon lớn nhất thế giới, các chuyên gia ước tính rằng lượng khí thải trong tháng qua thấp hơn khoảng 25% so với bình thường.

    Theo một báo cáo của Cơ quan nghiên cứu khoa học về chính sách năng lượng và khí hậu tại Anh, các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của coronavirus tại Trung Quốc đã dẫn đến việc sụt giảm sản lượng từ 15% - 40% trong các lĩnh vực công nghiệp chính, với mức giảm tổng phát thải khí nhà kính khoảng 25% dưới mức bình thường trong suốt tháng 2/2020 tại Trung Quốc.

    Theo số liệu chính thức của Bộ Môi trường và Sinh thái Trung Quốc, nồng độ các hạt bụi mịn lơ lửng trong không khí -­ tác nhân chính gây hại tới phổi, giảm gần 15% tại hơn 300 thành phố của Trung Quốc trong 3 tháng đầu năm 2020. Lượng phát thải tại thành phố Thượng Hải đã giảm gần 20% trong quý đầu tiên của năm trong khi mức phát thải trung bình của Bắc Kinh không tăng trong ba tháng đầu năm 2020. Ở Vũ Hán, nơi bùng phát đại dịch, hàm lượng bụi mịn trung bình trong không khí giảm hơn một phần ba. Hà Bắc, tỉnh nhỏ nhất của Trung Quốc cũng ghi nhận nồng độ hạt bụi mịn (PM2.5) giảm 15,7% trong bốn tháng đầu tiên của năm 2020. Cùng với đó, số ngày “bầu trời trong xanh” đã tăng 6,6 điểm phần trăm trong quý I/2020. Đó là một con số không ai dám nghĩ tới bởi những mục tiêu đã đặt ra cho toàn bộ giai đoạn 2016 - 2020 chỉ là 3,3 điểm phần trăm.

    Trung Quốc đã từng bước nới lỏng “lệnh đóng cửa” tại một số thành phố kể từ cuối tháng 3/2020 và việc nối lại hoạt động kinh tế bình thường đã không dẫn đến sự suy giảm đáng kể chất lượng không khí cho đến nay. Điều này cũng có thể là kết quả từ những nỗ lực rất lớn của Trung Quốc trong cuộc chiến chống ô nhiễm không khí được bắt đầu từ năm 2014 với hàng loạt vi phạm các quy định về môi trường gây bùng phát ô nhiễm khói bụi ở Bắc Kinh và các khu vực khác đã bị trừng phạt nghiêm khắc.

    Hiện Trung Quốc đang thực hiện kế hoạch chống khói bụi mới với mục tiêu giảm thiểu mức độ ô nhiễm tầng ozone do lượng phát thải ngày càng lớn từ xe cộ, gia tăng nguy cơ cho sức khỏe con người và môi trường.

Hoa Kỳ: Coronavirus gây trống vắng đường cao tốc, giúp cải thiện chất lượng không khí các đô thị

    Cơ quan Khí quyển và Đại dương Hoa Kỳ (NOAA) gần đây đã công bố số liệu cho thấy, chất lượng không khí của Hoa Kỳ đã được cải thiện đáng kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng coronavirus, làm giảm mật độ giao thông trên các tuyến đường cao tốc, mang lại viễn cảnh về “bầu trời trong xanh với đại đa số các phương tiện giao thông chạy bằng điện”. Qua số liệu thu thập từ các trạm quan trắc trên mặt đất, hàng không và vệ tinh, các nhà nghiên cứu của NOAA cho biết, đã ghi nhận sự sụt giảm từ 25% - 30% lượng khí nitơ oxit (NO) từ khói thải động cơ cùng với sự cắt giảm lớn các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi và khí nhà kính ở hai vùng đông dân cư là Đông Bắc Hoa Kỳ và khu vực Colorado.

    Dự án với tên gọi “Nghiên cứu chất lượng không khí Covid-19” tập trung vào hai khu vực khác nhau của đất nước, đã phác họa ra bức tranh tương lai tích cực về chất lượng không khí đô thị Hoa Kỳ, khi các phương tiện giao thông vận tải chạy bằng nhiên liệu hóa thạch được thay thế bằng phương tiện chạy điện.

    Xinrong Ren, một nhà nghiên cứu tại NOAA cho rằng, cần phải rút ra bài học từ việc “đóng cửa vì coronavirus” này. Ông hy vọng các khu vực đô thị của Hoa Kỳ sẽ có được những cải thiện tương tự về chất lượng không khí nếu một nửa số lượng phương tiện giao thông vận tải tại Hoa Kỳ được chuyển sang sử dụng năng lượng điện thay vì nhiên liệu xăng dầu.

    Ngành giao thông vận tải đóng góp lớn nhất lượng khí thải nhà kính ở Hoa Kỳ. Khi các trường học và doanh nghiệp đóng cửa, việc đi lại giảm có thể tạm thời giảm lượng khí thải carbon trong các cộng đồng nơi mọi người đang dành nhiều thời gian ở nhà hơn. Các nhà nghiên cứu của NOAA cho biết, họ đã phân tích, so sánh các số liệu về mức độ ô nhiễm những năm gần đây của Hoa Kỳ với dữ liệu được ghi lại trong giai đoạn Covid-19 để đưa ra các mức cắt giảm ước tính. Chẳng hạn, dọc hành lang I-95 từ Boston đến Washington, đã phát hiện mức giảm phát thải NO từ 25% - 30% và giảm phát thải CO2 từ 15% - 20% khi mật độ phương tiện giảm một nửa so với lúc cao điểm.

    Theo Cơ quan nghiên cứu của Hoa Kỳ về cơ sở dữ liệu phát thải và khí quyển toàn cầu (EDGAR), giao thông vận tải là nguồn phát thải của khoảng 43% lượng khí NO và 29% lượng khí CO2 của quốc gia. Phát hiện sơ bộ từ Phòng thí nghiệm của NOAA ở Boulder cho thấy, nồng độ các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi đo được trong tháng 4/2020 ở Front Range - nơi có các thành phố đông dân nhất của bang Colorado, chỉ bằng một nửa so với tháng 4/2018. Lượng carbon monoxide (CO) và NO cũng giảm khoảng 30% so với mức đo được trung bình hàng tháng trong giai đoạn từ 2010 - 2019.

    NOAA cho biết, sẽ tiếp tục quan trắc lượng khí thải vào mùa hè, khi các tiểu bang và thành phố mở cửa, doanh nghiệp hoạt động trở lại để có thể làm rõ hơn mức độ ảnh hưởng của giao thông đường bộ đối với chất lượng không khí đô thị.

    Có thể thấy, các nghiên cứu khoa học trong đại dịch Covid-19 đã chỉ ra một thực tế rõ ràng và chưa từng xảy ra trước đây về những lợi ích môi trường từ việc giảm mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch. Đây có thể sẽ là hướng tiếp cận mới cho các nhà hoạch định chính sách, ngành công nghiệp, dịch vụ… trong cuộc chiến ứng phó với biến đổi khí hậu mà toàn thế giới đang phải đối mặt, không phải theo hướng buộc mọi người phải ngồi ở nhà hoặc hạn chế các hoạt động kinh tế… mà là phải thay đổi nhận thức cũng như cách thức quản lý hướng tới sự phát triển giao thông, năng lượng sạch, bền vững.

 

ĐH (Tổng hợp từ tài liệu UNEP)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 6/2020)

Ý kiến của bạn