Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Xóa bỏ lò gạch thủ công - Việc làm nan giải

19/04/2019

     Đã gần một năm từ khi UBND tỉnh Quảng Ngãi có văn bản yêu cầu về việc xóa bỏ lò gạch thủ công, lò thủ công cải tiến, lò đứng liên tục và lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch trên địa bàn tỉnh, đến nay nhiều lò gạch thủ công vẫn hoạt động gây ảnh hưởng tới sức khỏe, đời sống của người dân.

     Từ ngày 6/6/2018, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản số 3198/UBND- CNXD về việc xóa bỏ lò gạch thủ công, lò thủ công cải tiến, lò đứng liên tục và lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch trên địa bàn tỉnh. Văn bản này yêu cầu các chủ cơ sở sản xuất dừng hoạt động và thực hiện tháo dỡ lò nung trước ngày 31/8/2018. 

     Theo Báo cáo của Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi, trước khi UBND tỉnh ban hành văn bản trên, toàn tỉnh có khoảng 250 lò gạch thủ công hoạt động. Tới thời điểm này, mới xóa bỏ được 51 lò thủ công trên toàn tỉnh. Hiện tại, vẫn còn 192 lò gạch thủ công đang hoạt động, cụ thể huyện Tư Nghĩa có khoảng 85 lò gạch thủ công vẫn đang hoạt động (trong đó tập trung nhiều nhất ở xã Nghĩa Mỹ, Nghĩa Phương, thị trấn sông La Hà)... 

 

Một số lò gạch ở huyện Tư Nghĩa vẫn còn hoạt động, ảnh hưởng tới sức khỏe, đời sống của người dân

 

     Mặc dù biết việc ô nhiễm môi trường từ các lò gạch thủ công gây ra cho các khu dân cư và người trực tiếp sản xuất, nhưng đây là nghề truyền thống hàng chục năm qua, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm nhân công và là nguồn thu nhập chính của gia đình. Nên họ lo lắng sau khi lò gạch bị xóa bỏ, không có kế sinh nhai và mong muốn chính quyền hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp khác.

     Trước tình trạng này, ông Lê Trung Thành - Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa cho hay: “Chính quyền địa phương đang cố gắng tập trung tuyên truyền, thuyết phục người dân để kiên quyết xóa bỏ lò gạch thủ công trên địa bàn huyện trong thời gian sớm nhất. Thời gian tới, UBND huyện sẽ làm việc với các doanh nghiệp, tạo điều kiện thu mua nguyên liệu tồn đọng tại các sơ sở lò gạch, cũng như tìm hiểu về nhu cầu chuyển đổi sản xuất của các cơ sở để đưa ra phương án giải quyết tốt nhất.

     Theo ông Thành, vướng mắc lớn nhất vẫn là giải quyết việc làm cho hàng trăm nhân công và nguồn hỗ trợ chi phí để chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân. Để làm được phải có nguồn hỗ trợ rất lớn, trong khi đó kinh phí của huyện thì hạn hẹp nên không có khả năng đáp ứng.

 

Nguyệt Minh              

Ý kiến của bạn