21/01/2025
Đa dạng sinh học là vốn tự nhiên quan trọng để phát triển kinh tế xanh; bảo tồn đa dạng sinh học vừa là giải pháp trước mắt, vừa là giải pháp lâu dài, bền vững nhằm bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Quán triệt sâu sắc quan điểm trên, đồng thời bám sát tình hình thực tiễn, công tác quản lý nhà nước về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học năm 2024 đã đạt được những kết quả quan trọng góp phần vào phát triển bền vững.
1. Một số kết quả quan trọng trong công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học năm 2024
Trong năm 2024, chính sách, pháp luật về bảo tồn thiên nhiên (BTTN) và đa dạng sinh học (ĐDSH) tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch bảo tồn ĐDSH quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1352/QĐ-TTg ngày 8/11/2024; ban hành Chương trình quốc gia về bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 49/QĐ-TTg ngày 8/1/2025.
Bộ TN&MT đã trình Thủ tướng Chính phủ “Đề án tăng cường công tác bảo vệ môi trường (BVMT), BTTN và ĐDSH tại các khu di sản thiên nhiên vùng Đông Nam Bộ” và “Đề án tăng cường liên kết vùng trong bảo tồn, khai thác sử dụng tài nguyên ĐDSH tại các khu BTTN, di sản thiên nhiên vùng đồng bằng sông Hồng”; trình Thủ tướng Chính phủ đề cử Khu BTTN - Văn hóa Đồng Nai, Vườn Quốc gia (VQG) Pù Mát, VQG Xuân Thủy là Vườn Di sản ASEAN để xem xét, phê duyệt. Bộ cũng đang hoàn thiện để trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định sửa đổi một số điều của Nghị định số 160/2013/NĐ-CP của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ và Điều 17 của Nghị định số 65/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật ĐDSH.
Việc hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về BTTN và ĐDSH được tăng cường, gắn kết với thực tiễn của địa phương, cơ sở. Theo đó, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Cục BTTN&ĐDSH) đã triển khai xây dựng, đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật về xác định loài, chế độ quản lý loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ, tăng cường bảo vệ các loài chim hoang dã di cư; đề xuất triển khai thí điểm mô hình gây nuôi bảo tồn, tái thả vào tự nhiên một số loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; dự thảo hướng dẫn xây dựng kế hoạch hành động về ĐDSH đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng kế hoạch mở rộng và phát triển mạng lưới các khu dự trữ sinh quyển; tài liệu hướng dẫn xây dựng Báo cáo đánh giá định kỳ 10 năm cho các khu dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam; hướng dẫn, hỗ trợ một số địa phương, cơ quan thực hiện đề cử, đánh giá khu Dự trữ sinh quyển, khu Ramsar; hướng dẫn các địa phương lập phương án bảo tồn ĐDSH trong quy hoạch tỉnh; tham mưu xử lý các vướng mắc, tồn tại trong thực thi pháp luật về ĐDSH, BVMT.
Cục BTTN&ĐDSH cũng đã đề nghị các địa phương đẩy mạnh thực hiện Chiến lược quốc gia về ĐDSH, Chỉ thị số 42/CT-TTg năm 2020 về tăng cường công tác quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại, Chỉ thị số 04/CT-TTg năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã di cư tại Việt Nam; thực hiện công tác kiểm tra chấp hành pháp luật về bảo tồn và sử dụng các vùng đất ngập nước, bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ tại 14 khu BTTN, VQG trên địa bàn 9 tỉnh/thành phố trên phạm vi cả nước.
Công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về BTTN và ĐDSH tiếp tục được đẩy mạnh thông qua các ngày lễ, sự kiện và lồng ghép nội dung liên quan trong quá trình thực hiện kiểm tra và triển khai các nhiệm vụ chuyên môn. Theo đó, Cục BTTN&ĐDSH đã tham mưu Bộ có văn bản hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Đất ngập nước thế giới, ngày Quốc tế về ĐDSH; phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ Đề án Năm phục hồi ĐDSH quốc gia – Quảng Nam 2024; phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An tổ chức chuỗi hoạt động kỷ niệm ngày Quốc tế về khu dự trữ sinh quyển thế giới; tổ chức các hội nghị, hội thảo liên quan nhằm kêu gọi, thúc đẩy các cộng đồng, tổ chức, cơ quan có những hành động cụ thể, thiết thực nhằm bảo tồn, phục hồi và sử dụng bền vững ĐDSH, triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia về ĐDSH.
Các hoạt động của cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Công ước ĐDSH (CBD), Công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (Ramsar), Nghị định thư Cartagena về An toàn sinh học, Nghị định thư Nagoya về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ công bằng, hợp lý lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gen, Nghị định thư bổ sung Nagoya-Kuala Lumpur về nghĩa vụ pháp lý và bồi thường được tổ chức thực hiện có hiệu quả. Trong đó, Cục BTTN&ĐDSH đã tham mưu Bộ tổ chức thành công Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị lần thứ 16 các bên tham gia Công ước ĐDSH (COP16), cuộc họp lần thứ 11 các bên tham gia Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học (MOP11) và cuộc họp lần thứ 5 các bên tham gia Nghị định thư Nagoya về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ công bằng, hợp lý lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen (MOP5) tại thành phố Cali, Colombia.
Bên cạnh đó, hoạt động hợp tác đa phương và song phương với các đối tác, tổ chức quốc tế, diễn đàn về BTTN và ĐDSH như UNDP, UNEP, ACB, WWF, GIZ, JICA, Trung tâm ĐDSH ASEAN (ACB), Đối tác bảo tồn chim di cư tuyến Úc - Đông Á, Mạng lưới đường bay ASEAN (AFN), Diễn đàn liên chính phủ về ĐDSH và dịch vụ hệ sinh thái (IPBES), Quỹ Thông tin ĐDSH toàn cầu (GBIF), Đối tác các Khu bảo tồn Châu Á (APAP), Trung tâm Ramsar khu vực Đông Á... được thúc đẩy, tăng cường để kết nối, chia sẻ kinh nghiệm quản lý, khẳng định vai trò của Việt Nam trong việc đóng góp thực hiện các mục tiêu toàn cầu về ĐDSH, đồng thời huy động sự ủng hộ, hỗ trợ của các quốc gia, các tổ chức quốc tế cho công tác bảo tồn ĐDSH của Việt Nam.
2. Một số định hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2025
Trong năm 2025, Cục BTTN&ĐDSH tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm:
Một là, tiếp tục đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật, quy trình kỹ thuật về BTTN và ĐDSH. Trong đó, tổ chức xây dựng, tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Chương trình BVMT các di sản thiên nhiên; tiếp tục rà soát hệ thống quy định pháp luật về BTTN và ĐDSH và các quy định pháp luật khác có liên quan để đề xuất sửa đổi cho phù hợp với điều kiện thực tiễn, bối cảnh trong nước và quốc tế; tổ chức triển khai đánh giá tổng kết thi hành Luật ĐDSH 2008.
Hai là, tham mưu tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch bảo tồn ĐDSH quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1352/QĐ-TTg ngày 8/11/2024; sơ kết tình hình thực hiện Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chương trình bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ; Kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước giai đoạn 2021 - 2030; Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam; Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại.
Ba là, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về BTTN và ĐDSH; hướng dẫn các địa phương, tổ chức, cá nhân thực hiện quy định pháp luật về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, bảo tồn loài, nguồn gen và an toàn sinh học, BVMT di sản thiên nhiên; triển khai hiệu quả, bảo đảm tiến độ công tác kiểm tra chấp hành pháp luật về BTTN và đa dạng sinh theo kế hoạch phê duyệt của Bộ.
Bốn là, tăng cường năng lực điều tra, kiểm kê, quan trắc ĐDSH; tích hợp, nâng cấp các hệ thống thông tin, phần mềm, cơ sở dữ liệu về ĐDSH; nghiên cứu, đề xuất ứng dụng công nghệ thông tin trong điều tra, đánh giá, xây dựng cơ sở dữ liệu về ĐDSH.
Năm là, đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế về BTTN và ĐDSH, trong đó tập trung nghiên cứu, đề xuất tổ chức triển khai thực hiện Khung ĐDSH toàn cầu Côn Minh – Montreal, các Quyết định của Hội nghị COP16 tại Việt Nam; chủ động tham mưu tổ chức thực hiện có hiệu quả các công ước quốc tế, Nghị định thư, thỏa thuận quốc tế về bảo tồn ĐDSH mà Việt Nam, Bộ TN&MT đã ký kết.
Nguyễn Văn Tài - Cục trưởng
Đặng Quốc Thắng - Chánh Văn phòng
Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 1/2025)