Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Tiếp tục điều tra các doanh nghiệp nhập phế liệu có dấu hiệu vi phạm

20/03/2019

    Một trong những vụ việc thu hút được sự quan tâm của dư luận gần đây liên quan đến Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Trung Thanh (Công ty Trung Thanh- trụ sở tại Đồng Tháp). Công ty Trung Thanh được Sở TN&MT Đồng Tháp cấp 2 giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu số 2010 ngày 31/12/2013; số 2221 ngày 19/12/2014 và một giấy xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu số 557 ngày 11/3/2016. Trong đó, giấy chứng nhận số 2221 hết hạn vào ngày 19/12/2015 và giấy xác nhận 557 được ký vào 11/3/2016. Như vậy, trong khoảng thời gian từ 20/12/2015 đến 10/3/2016, Công ty Trung Thanh không đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu.

 

 

Rác thải nhựa không đủ điều kiện nhập khẩu bị Hải quan Hải Phòng phát hiện, bắt giữ tháng 8/2018

 

    Với chính sách kiểm soát chặt chẽ của nhiều quốc gia nhập khẩu phế liệu lớn nhất thế giới, nguy cơ vi phạm liên quan đến nhập khẩu phế liệu ở Việt Nam được dự báo tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. Theo Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan), từ ngày 1/1/2019, Trung Quốc tiếp tục bổ sung thêm 8 chủng loại phế liệu vào danh sách cấm nhập khẩu (tăng từ 24 chủng loại năm 2018 lên 32 chủng loại).

    Đáng chú ý, Malaixia - nước đứng đầu danh sách nhập khẩu phế liệu nhựa trên thế giới, từ năm 2019 cũng gần như cắt giảm hầu hết danh mục phế liệu được phép nhập khẩu vào quốc gia này.

    Do chính sách cấm nhập khẩu của các nước xung quanh và đứng đầu về nhập khẩu phế liệu, Cục Giám sát quản lý dự đoán xu hướng trong năm 2019, phế liệu sẽ tiếp tục dịch chuyển mạnh vào Việt Nam làm gia tăng lượng phế liệu nhập khẩu; có khả năng xuất hiện thủ đoạn buôn lậu qua đường bộ.

   Thực tế những tháng cuối năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018 khi Trung Quốc có chủ trương cấm nhập khẩu 24 loại phế liệu, trong đó có nhiều chủng loại phế liệu nhựa có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao thì lượng phế liệu nhựa nhập khẩu vào Việt Nam gia tăng đột biến. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã nhập khẩu 274,7 nghìn tấn phế liệu nhựa, tăng hơn 200% so với cùng kỳ năm 2017 và bằng hơn 70% lượng nhập khẩu của cả năm 2017.

     Tình hình chỉ được cải thiện từ tháng 7/2018, Tổng cục Hải quan chỉ đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát; thực hiện kiểm tra thực tế đối với mặt hàng phế liệu nhập khẩu, lượng phế liệu nhựa nhập khẩu về Việt Nam giảm rõ rệt. 6 tháng cuối năm 2018, tổng lượng phế liệu nhựa nhập khẩu về Việt Nam chỉ là 107,1 nghìn tấn, giảm hơn 250% so với 6 tháng đầu năm 2018. Đặc biệt, thời gian gần đây, nhất là năm 2018, cơ quan Hải quan đã chủ trì phát hiện, khởi tố nhiều vụ việc vi phạm liên quan đến nhập khẩu phế liệu.

    Mặt khác, theo Cục Giám sát quản lý về hải quan, qua đánh giá của các tổ chức kinh tế, môi trường trên thế giới cho thấy, nếu năm 2017 Việt Nam là thị trường đứng thứ 4 thế giới về nhập khẩu phế liệu nhựa (sau Trung Quốc, Hồng Kông và Malaixia), nhưng đến năm 2018 sau khi Trung Quốc cấm nhập khẩu 24 loại phế liệu thì lượng phế liệu nhựa nhập khẩu vào Trung Quốc và Hồng Kông đã giảm trên 90% so với năm 2017, trong khi Việt Nam đột ngột trở thành thị trường đứng thứ 2 trong danh sách nhập phế liệu nhựa nhiều nhất thế giới chỉ sau Malaixia.

   Trước thực tế thời gian qua và dự báo như đề cập ở trên, Tổng cục Hải quan đang tích cực chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý. Qua đó, một mặt tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp có nhu cầu và đáp ứng các điều kiện nhập khẩu được thông quan nhanh các lô hàng đủ điều kiện phục vụ nhu cầu sản xuất, đồng thời kiểm soát chặt chẽ, phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm.

    Đối với Cục Điều tra chống buôn lậu, ngoài việc tập trung xác minh, xử lý các trường hợp vị phạm, hiện nay, theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, đơn vị đang tập trung xây dựng quy chế phối hợp liên ngành về quản lý nhập khẩu phế liệu nhập khẩu trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.

 

Gia Linh

Ý kiến của bạn