Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Tham khảo kinh nghiệm thế giới và trong nước để xây dựng bộ chỉ số đánh giá hiệu quả công tác chuyên môn lĩnh vực tài nguyên và môi trường

25/06/2018

     Bộ chỉ số (BCS) đánh giá hiệu quả công tác chuyên môn lĩnh vực tài nguyên và môi trường (TN&MT) được xây dựng nhằm mục tiêu tạo ra một công cụ để hàng năm đo lường, đánh giá mức độ hoàn thành công tác chuyên môn của các cơ quan quản lý nhà nước (QLNN) trực thuộc Bộ TN&MT; thay thế cách đánh giá định tính truyền thống bằng phương pháp đánh giá định lượng, chính xác, khách quan, trung thực hơn. Những kinh nghiệm trên thế giới và trong nước về việc lựa chọn ứng dụng những mô hình, phương pháp đánh giá tiên tiến, phù hợp có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng BCS.

     1. Các BCS quốc tế về đánh giá hiệu quả QLNN

     1. 1. Chỉ số tổng hợp về QLNN của Ngân hàng thế giới

     Vào năm 2004, Viện Nghiên cứu thuộc Ngân hàng thế giới (WB) xây dựng các chỉ số (CS) tổng hợp về hiệu quả cải cách QLNN. Năm 2006, WB công bố Báo cáo "10 năm đo lường hệ thống QLNN". Phương pháp của WB dựa trên CS tổng hợp về QLNN (GRICS) của Kaufman. Đây là CS quốc tế được biết đến và sử dụng nhiều nhất. CS tổng hợp về QLNN gồm 6 tiêu chí (TC): Quyền ngôn luận và trách nhiệm giải trình, tính ổn định chính trị và không có sự áp chế, hiệu quả của Chính phủ (CP), chất lượng các văn bản pháp luật, tính tối cao của pháp luật, kiểm soát tham nhũng. Việc đánh giá hiệu quả theo CS GRICS đã được tiến hành ở 212 quốc gia và kết quả được công bố hàng năm. CS này trở thành công cụ quan trọng cho các nhà phân tích chính sách kinh tế - xã hội, giúp nghiên cứu nguyên nhân và hậu quả của QLNN hiện hành, đánh giá tiến trình cải cách, đồng thời cũng là cơ sở để WB quyết định các dự án tài trợ cho các quốc gia trong lĩnh vực cụ thể.

     1.2. CS phát triển con người do Liên hợp quốc xây dựng

     Để xác định chất lượng sống, CS phát triển con người (HDI) được sử dụng như một sự bổ sung cho chỉ tiêu GDP để đo mức phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia. Việc xếp hạng các quốc gia theo HDI nằm trong khuôn khổ Chương trình phát triển của Liên hợp quốc, được công bố hàng năm từ năm 1990, đến nay đã được thực hiện tại 166 quốc gia. HDI dựa trên cơ sở đánh giá về tuổi thọ, mức độ giáo dục, mức GDP thực tế trên đầu. Giá trị của HDI dao động từ 0 (tối thiểu) - 1 (tối đa). Nếu HDI bằng 0,5 hoặc thấp hơn thì được xem là thấp; từ 0,5 - 0,8 là trung bình và từ 0,8 - 1 là cao. HDI là một trong những CS có uy tín nhất, không dựa trên đánh giá chủ quan mà từ các số liệu thực tế từ các nguồn chính thức.

     1.3. CS cảm nhận tham nhũng

     CS cảm nhận tham nhũng (CPI) do Tổ chức Minh bạch quốc tế xây dựng từ năm 1995 và được công bố hàng năm. CS này dựa trên cơ sở khảo sát các dữ liệu khác nhau, do các tổ chức độc lập gồm các nhà kinh doanh và các nhà phân tích thực hiện. CPI phản ánh việc cảm nhận tham nhũng nên phụ thuộc nhiều vào ý kiến của người được hỏi. Các chuyên gia xây dựng CS cũng nhận thấy sự hạn chế của khả năng áp dụng đánh giá quốc tế để kiểm tra tình hình trong một quốc gia cụ thể, vì vậy, họ đưa ra các đánh giá một cách thận trọng. Nhược điểm chính của CPI là phương pháp dựa trên đánh giá thẩm định chủ quan, dẫn đến tăng rủi ro của các đánh giá xếp hạng; các quốc gia có mức độ kinh tế phát triển được cảm nhận là có hệ thống QLNN có chất lượng cao hơn. Mặt khác, CPI không tránh được khả năng bị chi phối bởi chính trị dẫn đến đánh giá thiên vị.

     1.4. CS Tự do trong thế giới

     CS Tự do trong thế giới do Tổ chức phi CP Ngôi nhà tự do xây dựng, phản ánh mức độ phát triển dân chủ. Các chuyên gia đưa câu trả lời cho 25 câu hỏi liên quan đến quyền chính trị và tự do công dân ở quốc gia này hay quốc gia khác. Cách xếp hạng dựa trên cơ sở đánh giá này có tính chủ quan nhất định. Việc xếp hạng dựa trên cảm nhận của nhà nghiên cứu mà không dựa vào các CS khách quan, có thể dẫn đến tư tưởng hóa việc xếp hạng.

     1. 5. CS tự do về kinh tế

     CS tự do về kinh tế được Quỹ Di sản xây dựng năm 2005. Cơ sở thông tin của CS tự do về kinh tế là các dữ liệu của các tổ chức CP và phi CP, kết quả của thăm dò ý kiến xã hội học quốc gia và quốc tế. CS này dựa trên 50 đặc tính, tập trung trong 10 yếu tố về tự do kinh tế: Sự can thiệp của nhà nước vào hoạt động kinh tế; chính sách tiền tệ; chính sách thương mại; chính sách tài chính; đầu tư nước ngoài; lĩnh vực ngân hàng; lương và giá cả; quyền sở hữu; điều tiết của nhà nước; thị trường chợ đen. Mỗi yếu tố được đánh giá theo thang điểm 1 - 5 cho mỗi CS. Giá trị CS càng cao có nghĩa là sự can thiệp của nhà nước càng nhiều và mức độ tự do về kinh tế càng giảm.

     1.6. CS sẵn sàng cho CP điện tử

     Một trong các CS quốc tế được Liên hợp quốc sử dụng để xác định mức độ phát triển của nhà nước, hiệu quả QLNN và ứng dụng CP điện tử là “CS sẵn sàng cho CP điện tử”. CS này đánh giá mức độ sẵn sàng cho việc phát triển CP điện tử và sự tham gia sử dụng công cụ điện tử tại các quốc gia; phản ánh những đặc tính tiếp cận đến CP điện tử. CS này luôn được người đứng đầu CP, các nhà chính trị, các chuyên gia, cũng như đại diện xã hội dân sự và khu vực tư đặc biệt quan tâm vì cho phép phân tích thực trạng và vị trí của đất nước trong cộng đồng quốc tế về mức độ sẵn sàng phát triển và sử dụng CP điện tử. CS được Liên hợp quốc khảo sát đánh giá ở 191 quốc gia và được công bố hàng năm, bắt đầu từ năm 2003 (trừ năm 2006 - 2007).

     1. 7. Khung đánh giá tổng hợp

     Khung đánh giá tổng hợp (CAF) là kết quả hợp tác giữa các Bộ trưởng các nước thuộc Liên minh châu Âu để giải quyết các vấn đề đặt ra trong quản lý hành chính nhà nước. Mô hình CAF hướng tới 4 mục tiêu chính: (1) Ứng dụng trong lĩnh vực quản lý hành chính các nguyên tắc quản lý chất lượng và hỗ trợ cho việc triển khai bằng phương pháp tự đánh giá. Hỗ trợ cho việc chuyển từ chuỗi chu trình “Lập kế hoạch và thực hiện” sang chu trình “Lập kế hoạch - Thực hiện - Kiểm tra - Điều chỉnh”; (2) đưa ra cơ chế tự đánh giá tổ chức với mục tiêu dự báo và cải thiện hoạt động của tổ chức; (3) gắn kết giữa các mô hình khác nhau của quản lý chất lượng; (4) bảo đảm trao đổi kinh nghiệm và nghiên cứu thực tiễn tốt nhất giữa các tổ chức trong khu vực công.

     BCS CAF có 8 TC đánh giá: Lãnh đạo, chiến lược và kế hoạch, đội ngũ, các đối tác và nguồn lực, các quá trình, các kết quả đối với người dân/khách hàng, các kết quả đối với nhân viên, các kết quả đối với xã hội. Đây là công cụ đánh giá hiệu quả thực hiện công việc có quy mô lớn, độ linh động cao nhằm áp dụng rộng rãi trong Liên minh châu Âu. BCS này có thể áp dụng cho nhiều loại đối tượng được đánh giá khác nhau mà không đòi hỏi thay đổi nhiều các TC, TC thành phần. Có thể dùng CS CAF để so sánh, đối chiếu hiệu quả công việc của các đối tượng được đánh giá với nhau nếu nó cùng một lĩnh vực hoạt động hoặc tự đánh giá chính mình, tạo ra thế chủ động để tự điều chỉnh khi cần thiết.

     1.8. BCS đánh giá hiệu quả các cơ quan hành chính của các chủ thể thuộc Liên bang Nga

     BCS đánh giá hiệu quả hoạt động cơ quan hành pháp của các chủ thể thuộc Liên bang Nga được ban hành kèm theo Sắc lệnh số 825 ngày 28/7/2007 của Tổng thống Liên bang Nga. Mục đích BCS này nhằm đánh giá hiệu quả hoạt động cơ quan hành pháp của các chủ thể thuộc Liên bang Nga. Cụ thể là đánh giá hiệu quả chi tiêu ngân sách, sự thay đổi các CS chất lượng cuộc sống, mức độ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, mức độ ứng dụng các phương pháp và nguyên tắc điều hành mới nhằm chuyển thành mô hình điều hành hiệu quả hơn ở các chủ thể liên bang.

     Việc phân tích sự thay đổi giá trị các CS được thực hiện trong khoảng thời gian nhất định. Việc đánh giá các CS được thực hiện bằng cách so sánh giá trị của CS đó với mức trung bình toàn nước Nga; mức được quy định trong các văn bản hành chính - pháp luật hiện hành; mức giá trị của khoảng thời gian trước đó. BCS đánh giá hiệu quả QLNN của các chủ thể thuộc Liên bang Nga được thiết kế khá đồ sộ, gồm 10 lĩnh vực với 87 TC: Phát triển kinh tế, thu nhập của cư dân, an ninh trật tự, sức khỏe, giáo dục quốc dân, giáo dục tiểu học và trung cấp dạy nghề, văn hóa, giáo dục thể chất, nhà ở và các dịch vụ nhà ở chất lượng và tiện lợi, quản lý hành chính. Để thực hành đánh giá cần đến một lượng thông tin khổng lồ, từ nhiều nguồn khác nhau. Trong một nhóm TC, những người thiết kế đưa ra đồng thời 3 loại TC: TC khẳng định, TC phủ định và TC thẩm tra. Nó có giá trị tăng độ trung thực khi đánh giá nhưng cũng làm tăng gấp bội lượng thông tin phục vụ đánh giá.

     1.9. BCS đánh giá hiệu quả cơ quan hành chính cấp tỉnh của Trung Quốc

     Năm 2005, Trung Quốc bắt đầu nghiên cứu, xây dựng các TC đánh giá tổng hợp về hiệu quả hoạt động của chính quyền cấp tỉnh. Hệ thống TC đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền tỉnh được xác định bao gồm các trục chính: Xây dựng và thực hiện thể chế; QLNN trên các lĩnh vực; chất lượng dịch vụ công; mức độ đáp ứng yêu cầu của người dân từ chính quyền; kiểm soát tham nhũng; hiệu quả kinh tế - xã hội. Đây là một bộ TC được thiết kế khá tinh giản, nó chỉ gồm 6 tiêu chuẩn gọi là tiêu chuẩn trục. Mỗi tiêu chuẩn trục lại được phản ánh bởi nhiều TC, TC thành phần. Việc đánh giá dựa vào các TC, TC thành phần có tính tổng quát đòi hỏi phải sử dụng những phương pháp khác nhau, lượng thông tin lớn. Đây cũng là bộ TC đòi hỏi chi phí cao khi thực hiện.

     2. Các BCS đánh giá hiệu quả QLNN đang được sử dụng ở Việt Nam

     Ở Việt Nam, có nhiều BCS đánh giá hiệu quả QLNN đang có hiệu lực; hiện có 2 BCS có uy tín cao đang được sử dụng rộng rãi ở nước ta.

    2.1. BCS đánh giá cải cách hành chính nhà nước cấp Bộ

     BCS đánh giá cải cách hành chính nhà nước cấp Bộ do Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng với sự hỗ trợ về chuyên môn và tài chính của Anh. BCS có 2 phiên bản: Cho các Bộ, ngành và dành cho các tỉnh, TP; gồm 2 lĩnh vực: (1) Đánh giá kết quả thực hiện cải cách hành chính với 7 nhóm TC: Công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính, xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế thuộc phạm vi QLNN của Bộ, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy hành chính, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, cải cách tài chính công, hiện đại hóa hành chính; (2) đánh giá tác động của cải cách hành chính với 6 nhóm TC. Sử dụng 3 chủ thể đánh giá: Bộ Nội vụ đánh giá, tự đánh giá và điều tra xã hội học. Cần cải tiến BCS này bằng cách gia tăng đánh giá của điều tra xã hội học, tức là quan tâm tới tác động của kết quả vào cuộc sống. Đây hiện là công cụ tốt để đánh giá và xếp hạng kết quả công cuộc cải cách hành chính của Bộ, ngành và tỉnh, TP ở nước ta.

      2.2. BCS năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - PCI

     BCS năng lực cạnh tranh trong thu hút đầu tư của các tỉnh, TP tại Việt Nam do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chủ trì xây dựng với sự hỗ trợ chuyên môn của các chuyên gia Mỹ. BCS này được dùng thí điểm lần đầu vào năm 2005. Gần đây, một số TC thăm dò ý thức doanh nghiệp về môi trường cũng mới được cập nhật. BCS PCI chỉ ra, khi PCI có tiến bộ ở tỉnh, TP nào thì ở đó cũng có sự gia tăng đầu tư (từ trong và ngoài nước), kéo theo gia tăng GDP của địa phương.

     BCS PCI gồm 10 nhóm TC: Chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý. Được thiết kế theo hướng thực dụng, chỉ sử dụng 1 phương pháp điều tra xã hội học; các câu hỏi mang thông tin cần điều tra được thiết kế gọn gàng, rõ ràng với các phương án trả lời ngắn: Đồng ý, không đồng ý và không có ý kiến; CS đánh giá chính là tỷ lệ % theo câu trả lời này. Cách làm này có tính khả thi cao trong môi trường hạn chế thông tin nguồn. Báo cáo tổng kết PCI được thiết lập công phu, khai thác thông tin nhiều chiều, do đó, các kết luận có được đáng tin cậy và hữu ích. Tuy nhiên, chi phí để thực hiện đánh giá theo bộ TC này là khá cao.

     3. Kết luận

     Như vậy, việc sử dụng các BCS đánh giá là một xu thế đang được áp dụng ngày càng phổ biến trên thế giới và trong nước. Nó là công cụ mạnh để kiểm soát các loại hình công việc khác nhau, nhằm đảm bảo kế hoạch đã đặt ra sẽ được thực hiện và cho ra các kết quả mong muốn. Tuy nhiên, không một BCS đánh giá nào đạt được sự hoàn hảo tuyệt đối; tất cả đều đã, đang và sẽ được cải tiến theo biến động của thực tiễn.

 

TS. Tăng Thế Cường, ThS. Nguyễn Hưng Thịnh

Bộ TN&MT

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề II/2018)

Ý kiến của bạn