Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Thành phố Hồ Chí Minh: Lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án xử lý chất thải rắn

15/03/2019

     Ngày 13/3/2019, UBND TP. Hồ Chí Minh (HCM) cho biết, vừa có văn bản kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm hướng dẫn việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt phát điện trên địa bàn TP.

 

 

     Theo đó, UBND TP đề xuất hình thức đầu tư dự án theo hướng đấu thầu rộng rãi, công khai làm cơ sở giao, thuê đất để nhà đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác và tham gia cung cấp dịch vụ công (dịch vụ xử lý rác thải cho TP).

    Kết hợp Nghị định số 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015 của Chính phủ để lựa chọn nhà đầu tư xây dựng công trình nhà máy xử lý rác với Nghị định số 130/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ để lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ công (dịch vụ xử lý rác thải cho TP).

    Nhằm rút ngắn về quy trình thủ tục và thời gian thực hiện, UBND TP cũng kiến nghị triển khai thực hiện dự án theo 6 bước: trình phê duyệt danh mục dự án sử dụng đất; công bố dự án; sơ tuyển; kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư; quá trình đấu thầu; đàm phán, hoàn thiện và ký kết hợp đồng.

    Được biết, theo thống kê từ Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM thì tổng lượng chất thải rắn (CTR) xây dựng phát sinh trên địa bàn TP có khoảng trên dưới 2.000 tấn/ngày nhưng chỉ số ít trong đó được thu gom và xử lý. Số còn lại bị thải bỏ ra môi trường hoặc được chuyển nhượng tự do trên thị trường.

    Về hoạt động xử lý đối với loại chất thải này cũng được phân chia khá phức tạp. Cụ thể, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM thu gom và phân loại tại các trạm trung chuyển. Theo đó, CTR xây dựng có khả năng tái chế san lấp mặt bằng (chiếm trên 95% tổng khối lượng được thu gom) được chuyển sang tái chế thành vật liệu xây dựng thứ cấp. Phần còn lại không thể tái chế (dưới 5% tổng khối lượng thu gom) được chuyển về xử lý tại Công ty Sài Gòn Xanh thuộc Khu liên hợp xử lý CTR Đa Phước. Riêng tại các huyện ngoại thành, CTR xây dựng được đổ thải không có kế hoạch tại nhiều khu đất trống, ven đường giao thông, gây mất mỹ quan và đang là vấn đề lớn trong công tác quản lý CTR.

    Bên cạnh đó, do TP.HCM chưa có nhà máy xử lý chất thải xây dựng hiện đại, đáp ứng yêu cầu thu gom và xử lý lượng rác xây dựng hiện tại và trong tương lai. Điều này dẫn đến tình trạng quá tải trong hoạt động chuyển giao chất thải, giá xử lý rác xây dựng đẩy lên cao, gây khó cho DN. Công ty Môi trường đô thị là đơn vị được UBND TP giao trách nhiệm thu gom và xử lý rác xây dựng. Giá thành thu gom hợp lý, nhưng do Công ty chưa có địa điểm tập trung để xây dựng nhà máy xử lý chất thải xây dựng theo đúng quy định tại Thông tư 08/2017 của Bộ Xây dựng, nên chỉ có thể thu gom với số lượng nhất định. Rác xây dựng sau khi được Công ty thu gom được vận chuyển về các trạm trung chuyển của Công ty tại trạm trung chuyển rác xây dựng ở quận 11 và Gò Vấp để phân loại tái chế. Lượng rác còn lại không có khả năng tái chế sẽ được chuyển tiếp đến công trường Đông Thạnh.

    Trước thực tế đó, Sở TN&MT TP.HCM cho rằng, cần thiết phải đưa CTR xây dựng vào diện kiểm soát và xử lý hiệu quả hơn. CTR xây dựng sẽ được xử lý bằng 2 công nghệ chính là chôn lấp và tái chế chất thải. Với công nghệ tái chế, CTR xây dựng đặc biệt là thép, gạch, bê tông, đá… có thể tái chế, tái sử dụng dưới dạng vật liệu san nền hoặc đổ bê tông cường độ thấp hoặc tái chế làm nguyên liệu sản xuất gạch không nung… Còn với công nghệ chôn lấp, đề xuất áp dụng công nghệ chôn lấp CTR xây dựng được đặt trong khu chôn lấp chất thải tập trung của đô thị.

 

Thu Hằng

Ý kiến của bạn