Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Từ chi tiết dùng lá chuối gói hàng nghĩ về văn hóa tiêu dùng Việt Nam

31/05/2019

     Trong thời gian gần đây, một số doanh nghiệp ở ba thành phố lớn ở nước ta (Hà Nội, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh) như Siêu thị Big C Hà Nội, Big C Đà Nẵng, hệ thống chuỗi siêu thị Co.op mart Việt Nam, Sài Gòn Co.op... đã sử dụng sản phẩm tự nhiên (cụ thể là lá chuối) để gói, bọc thực phẩm thay thế túi ni lông. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gửi thư khen ngợi việc làm này và kêu gọi các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, siêu thị, nhà hàng, khách sạn cùng nhân rộng, chung tay BVMT, từng bước nói “không” với túi ni lông.

     Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, nhiều doanh nghiệp đã triển khai gói rau quả, thực phẩm bằng vật liệu thân thiện môi trường, trong đó Tập đoàn Central Group Việt Nam đã có chủ trương áp dụng thí điểm bao gói rau bằng lá chuối liên tục trong một tháng tại Big C, bắt đầu từ 1/4/2019, sau đó sẽ nghiên cứu mở rộng trên toàn hệ thống. Siêu thị Co.opmart Phan Thiết, Tây Ninh, Quy Nhơn, Tam Kỳ và một số siêu thị Co.opmart, Co.op Food tại khu vực TP. Hồ Chí Minh cũng bắt đầu thực hiện chủ trương này. Chuỗi siêu thị của BRG như Intimex, Hapro cũng đang từng bước thực hiện, thông qua đàm phán với các nhà cung ứng khi cung cấp hàng hóa vào các siêu thị. Một số cửa hàng ở những khu dân cư trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh dùng lá chuối tươi thay thế cho túi ni lông... Có thể nói, từ hiện tượng nhỏ lẻ dùng lá chuối bao gói hàng thay túi ni lông ở một vài nơi, chỉ trong một thời gian ngắn, việc làm trên đã lan rộng ra nhiều nơi, trong hệ thống chuỗi siêu thị của các tập đoàn... góp phần thay đổi nhận thức của cả người sản xuất, cơ sở dịch vụ và người tiêu dùng.

     Không phải phân tích, lý giải gì chắc nhiều người cũng thấy cái lợi của việc dùng nguyên liệu thân thiện với môi trường để bao gói hàng hơn là dùng túi ni lông. Hơn nữa, hiện tượng dùng lá chuối bao gói sản phẩm hành hóa tiêu dùng không phải là điều mới mẻ đối với người Việt mà cả hàng nghìn năm qua dân ta đã thường làm.

     Đặc điểm lớn nhất, làm nên truyền thống văn hóa tiêu dùng của toàn dân ta từ cả hàng nghìn năm qua, trước khi có túi ni lông. Đó là bởi vì Việt Nam là nước có khí hậu nhiệt đới nóng ẩm với cây cối phong phú, đa dạng, xanh tốt quanh năm, không như các nước ôn đới mưa tuyết, băng giá thời gian dài; Sản phẩm nông nghiệp của nước ta làm ra cũng lắm mà sức tiêu dùng hằng ngày của người dân đối với sản phẩm này cũng nhiều, chủ yếu là rau, củ, quả, kéo theo chất thải hữu cơ là không nhỏ. Trong quá trình thu hoạch, chuyên chở, vận chuyển, buôn bán thì cách dân ta thường dùng là lấy chính lá, thân, cọng... cây cối để bao gói sản phẩm nông nghiệp. Trong các loại nguyên vật liệu làm chất bao gói thì cây chuối với toàn bộ thân, lá, bẹ hoa của nó là loại cây phổ biến nhất có mặt ở khắp mọi miền đất nước, đồng thời là chất nhanh phân hủy, thân thiện với môi trường, hoàn toàn có thể dùng làm nguyên liệu thay thế túi ni lông.   

 

Rau, củ được gói bằng lá chuối tươi xanh tại Siêu thị Big C Thăng Long (Hà Nội)

 

     Do xuất phát của dân tộc chúng ta là từ nền văn minh lúa nước, cho nên khi đi gặt lúa, người nông dân không phải mang mấy những thứ bao gói, ngoài cái liềm, cái hái, cái đòn sóc hay quang gánh. Lúa gặt xong được bó bằng chính cây lúa nối lại với nhau rồi gánh về sân đập, trục, suốt, phơi. Chính vì thế, đến khi đồng bào ta thu hoạch sản phẩm rau màu khác thì cũng dùng chính những cây đó hay cây cỏ có sẵn xung quanh để bao gói, chằng buộc. Chẳng hạn, thu hoạch mía, người ta dùng ngọn mía còn nguyên lá dài để bó các cây mía lại với nhau. Thu hoạch rau mồng tơi, đay, dền, ngót, muống... người ta dùng lá mía non, dây chuối còn tươi hay tàu lá cây dáy, lá cây dọc mùng gói lại. Đến nay, người ta vẫn dùng bẹ cây chuối để gói những chú cua biển vừa kín, vừa giữ ẩm cho cua. Khi tát ao, kéo lưới, người ta cũng hay lấy cây bèo tây (miền Nam gọi là cây lộc bình) để phủ lên cá, tôm, cua, ốc... Những cách làm đại loại như thế vừa làm cho sản phẩm giữ được xanh tươi lâu, vừa giảm chi phí, thời gian tìm dây bao gói, khi thải loại không ảnh hưởng xấu đến môi trường.

     Đối với những sản phẩm hay vật liệu tiêu dùng cần dây buộc chắc chắn, vững bền thì dân ta dùng dây thừng được kết bằng sợi dây đay. Ngày xưa, các bà, các chị khi đi chợ mua sắm, bao giờ cũng mang theo thúng mủng, rổ rá, cái làn bằng mây tre đan hay bị cói, tay nải làm từ cây cói, lộc bình. Hình ảnh những miếng bánh đúc, dày, tẻ, ú, rán, cuốn... được gói trong những tàu lá chuối tươi xanh mướt hay lá sen xanh non xếp gọn gàng một góc thúng mỗi khi các bà, các mẹ đi chợ quê về thật hấp dẫn bọn trẻ con và còn lưu giữ trong tâm trí tuổi thơ của nhiều người chúng ta...

     Từ văn hóa tiêu dùng truyền thống thân thiện với môi trường của người Việt Nam lại là nhu cầu, kéo theo việc gieo trồng, sản xuất ra các nguyên liệu để làm ra những sản phẩm bao gói sản phẩm nông nghiệp, phục vụ cho đời sống hằng ngày. Vì là nền sản xuất nông nghiệp, trồng lúa nước, chế biến thóc gạo, cho nên các loại công cụ đi kèm như thuyền nan, thúng, mủng, giần, sàng, nong, nia, gàu dây, gầu sòng, các công cụ săn bắt cá bắt cá (chúm, đó, lờ, rọ, rậm...) đều có nhu cầu rất lớn nguyên liệu tre, nứa, bương, giang. Cây tre, cây chuối và vô vàn cây lưu niên khác gắn bó cả nghìn đời, với đời sống người dân Việt Nam, che phủ khắp làng trên xóm dưới. Cây tre, cây chuối... đã trở thành ý tưởng cho biết bao những áng văn thơ bất hủ: “Tre xanh/ Xanh tự bao giờ? Chuyện ngày xưa... đã có bờ tre xanh”. Và nhà thơ mong ước: “Mai sau/Mai sau/ Mai sau/Đất xanh tre mãi xanh màu tre xanh”. Cây đay vừa là cây rau làm thực phẩm cho người và gia súc, vừa có củi làm chất đốt, vừa là nguyên liệu dệt bao, dệt thảm, cuộn thừng, đồng thời nó cũng là “đầu vào” của nhiều làng nghề ở nông thôn. Nghề trồng cói, thu nhặt cây bèo tây (lộc bình) những năm trước đây rất phát triển vì phải đáp ứng nhu cầu cho nghề làm chiếu, dệt thảm, đồ thủ công mỹ nghệ vừa làm sản phẩm bao gói, vừa để xuất khẩu... Còn nhiều những ví dụ sinh động, hình ảnh minh họa cho một nếp văn hóa tiêu dùng trở thành cốt lõi của văn hóa, văn minh nông nghiệp, gắn bó với thiên nhiên, môi trường. Đó chính là nét đẹp trong văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam những năm trước khi có “cuộc cách mạng sản xuất đồ nhựa, túi ni lông” tràn vào nước ta.

     Tuy nhiên, với một thời gian không dài, chỉ khoảng vài ba mươi năm trở lại đây, khi công nghệ sản xuất đồ nhựa tiêu dùng, nhất là túi ni lông, ống hút... dùng một lần phát triển thì nền văn hóa tiêu dùng thân thiện với môi trường của người Việt dần dần bị mai một. Về nhiều mặt, cần khẳng định thế mạnh, tính ưu việt, nhất là sự tiện lợi, rẻ tiền, lan rộng mạnh mẽ và phổ biến của đồ dùng bằng nhựa, nhất là những sản phẩm tiêu dùng một lần. Trong những năm qua, túi ni lông dùng một lần, sản phẩm chai nhựa... đã phát triển mạnh mẽ, thậm chí hủy hoại nếp văn hóa tiêu dùng thân thiện với môi trường của người Việt. Một trong những cái gọi là “quốc nạn” hiện nay là chất thải từ túi ni lông, chai nhựa, ống hút... tràn ngập khắp mọi nơi, mọi lúc trên lãnh thổ Việt Nam. Túi ni lông, chai, ống nhựa dùng một lần len lỏi vào mọi ngõ ngách, hang cùng ngõ hẻm của đời sống hằng ngày. Ngay cả những đặc sản của nhiều vùng miền, địa phương, trước đây được bao gói bằng nguyên liệu cây lá sẵn có... cũng được thay bằng nguyên liệu nhựa. Bao bì của chiếc bánh cốm Hà Thành là một ví dụ điển hình. Hay những người bán cốm Làng Vòng, tuy vẫn gói cốm bằng lá sen, lá dáy, nhưng lại cho gói cốm đó vào một cái túi ni lông. Chỉ mất 1 giây để vứt đi 1 túi ni lông nhưng lại mất từ 500 - 1.000 năm để có thể tiêu hủy túi. Đến nay, ai trong chúng ta cũng đã nhận ra rằng: Khi quá lạm dụng túi ni lông và các chất bao gói bằng nhựa, có thể lợi trong chốc lát cho một người nhưng sẽ tổn hại cho đất đai, biển đảo, không khí, nước uống và muôn loài sinh vật hàng trăm, hàng nghìn năm sau. Đã đến lúc, trước khi quá muộn, chúng ta cần phục hồi và phát triển truyền thống quý báu của dân tộc ta hàng nghìn năm qua: Sống hòa hợp với thiên nhiên, trước hết là sử dụng nguyên liệu bao gói thân thiện với môi trường, bắt đầu từ những chiếc lá chuối gói hàng.

     Xu hướng tiêu dùng thân thiện với môi trường cũng là sự lựa chọn của nhiều cư dân trên thế giới, ngay cả với các mặt hàng chế tác từ sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam. Thật bất ngờ, nếu “lướt” trên mạng Amazon có thể thấy các mặt hàng tiêu dùng truyền thống ở vùng nông thôn Việt Nam lại được bán với cái giá cao. Chẳng hạn, một chiếc chổi lúa được bán với giá 11,99 USD (tương đương hơn 278.000 đồng); nếu ở trong nước, một chiếc nón lá có giá 18,99 USD (khoảng 430.000 đồng)... Có lẽ, giá bán của một số sản phẩm nói trên có cả yếu tố thân thiện với môi trường?

     Để truyền thống tiêu dùng thân thiện với môi trường không bị bỏ phí, lãng quên, cần kiên trì tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức, lòng tự hào dân tộc vì có một nền văn hóa tiêu dùng thân thiện với môi trường, khuyến khích những cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, người tiêu dùng sử dụng các biện pháp tiêu dùng truyền thống thân thiện với môi trường. Đồng thời, áp dụng biện pháp kinh tế, cưỡng chế, đánh thuế tiêu thụ đặc biệt vào cơ sở sản xuất, kinh doanh túi ni lông, sản phẩm nhựa tiêu dùng một lần. Bên cạnh đó, cần nêu gương cán bộ, đảng viên, hội viên các đoàn thể quần chúng, nhất là chị em phụ nữ, bà con nội trợ không dùng túi ni lông và bao gói bằng nhựa khó phân hủy... Đây chính là những biện pháp vừa lâu dài vừa cấp bách, góp phần giữ gìn Trái đất của chúng ta mãi mãi xanh.

Nhà báo Vũ Lân

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 5/2019)

 

 

Ý kiến của bạn