Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Tích cực kiểm tra tất cả doanh nghiệp có nguồn thải lớn ra môi trường

16/05/2016

     Đó là chia sẻ của PGS.TS Vũ Đức Lợi, Phó Viện trưởng Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam trước hiện tượng cá chết ở nhiều địa phương.

     Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&CN, Viện Hóa học KH&CN Việt Nam đã tập hợp các chuyên gia trong và ngoài nước có trách nhiệm phân tích, xác định nguyên nhân gây nên hiện tượng các chết hàng loạt, Bộ TN&MT có trách nhiệm rà soát, kiểm tra các nguồn xả thải ra môi trường để sớm có kết luận.

 

PGS.TS Vũ Đức Lợi, Phó Viện trưởng Viện Hóa học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam

 

     Trao đổi về các vấn đề này, phóng viên VTV đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Vũ Đức Lợi, Phó Viện trưởng Viện Hóa học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam - Một trong những thành viên chủ chốt của đoàn kiểm tra liên ngành việc chấp hành pháp luật về BVMT tại khu kinh tế Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh nhân dịp vừa kết thúc cuộc kiểm tra đầu tiên.

     PV: Là thành viên quan trọng của đoàn kiểm tra thực hiện việc chấp hành pháp luật về BVMT đối với các doanh nghiệp hoạt động tại khu kinh tế Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, xin ông cho biết kết quả quan trọng nhất của đợt kiểm tra từ ngày 4 - 9/5/2016?

     PGS.TS Vũ Đức Lợi: Hiện nay, dư luận đang rất quan tâm đến kết quả kiểm tra về hóa chất và xúc rửa đường ống. Tổ kiểm tra, đoàn kiểm tra đã làm việc với 8 nhà thầu để xác định các loại hóa chất được sử dụng cho công trình này. Theo đó, tổng số hóa chất sử dụng cho việc xúc rửa đường ống tính đến khi đoàn kiểm tra là 244,95 tấn, trong đó, nhập khẩu từ Hàn Quốc là 21,442 tấn, còn lại là sử dụng tại Việt Nam, bao gồm axit clohydric, NaOH, amoniac, natri nitrit, natri phốt phát và axit citric. Tổng lượng nước thải phát sinh từ quá trình xúc rửa đường ống là 2.481 m3, trong đó, Công ty đã xử lý 2.348 m3, nhà thầu Việt Nam tham gia xử lý 755,77 m3, số còn lại là Công ty tự xử lý và lượng nước thải hiện còn lưu giữ tại Công ty là 133 m3. Hiện nay, các đoàn công tác đang tiếp tục đánh giá hệ thống xử lý nước thải của Công ty đối với hóa chất tẩy rửa đường ống này.

     PV: Thưa PGS.TS, hiện nay các Bộ, ngành, địa phương và các nhà khoa học đang vào cuộc như thế nào để xác định nguyên nhân của tình trạng cá chết tại khu vực biển miền Trung trong thời gian vừa qua cũng như là quan trắc về chất lượng nước?

     PGS.TS Vũ Đức Lợi: Xác định đây là sự cố môi trường lớn, lần đầu tiên tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, đặc biệt là các nhà khoa học tích cực vào cuộc để tìm hiểu nguyên nhân cá chết hàng loạt. Bộ KH&CN cũng đã thành lập Hội đồng quốc gia gồm 3 nhóm nghiên cứu về độc tố hóa học, độc tố sinh học và nhóm nghiên cứu về thủy văn, hải văn, động lực biển. 3 nhóm nghiên cứu đang rất tích cực, tìm lại tất cả dấu vết có được tại hiện trường cũng như ở đáy biển và kết quả sẽ sớm được công bố.

     PV: Trong thời gian vừa qua, cùng với các địa phương ven biển miền Trung, nhiều địa phương khác, các khu vực ven sông, ven biển cũng xảy ra tình trạng cá chết và nguyên nhân ban đầu được xác định là do ô nhiễm nguồn nước thải công nghiệp. Vậy PGS.TS có thể cho biết, chung ta cần xử lý nghiêm cũng như là kiểm soát nguồn xả thải này như thế nào?

     PGS.TS Vũ Đức Lợi: Tôi nghĩ rằng, dù là nguyên nhân trực tiếp hay gián tiếp thì cũng đều là do các hoạt động của con người trong quá trình sản xuất. Vì vậy, trong thời gian tới, cần tích cực kiểm tra công tác BVMT đối với tất cả các xí nghiệp có nguồn xả thải lớn ra môi trường và chúng ta không nên quan tâm đến nồng độ mà cần đặc biệt quan tâm đến tổng lượng xả thải ra môi trường.

     PV: Xin trân trọng cảm ơn PGS.TS!

 

Theo VTV.vn

 

Ý kiến của bạn