Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Tìm giải pháp để xóa bỏ lò vôi thủ công trong năm 2020

10/04/2019

     Theo Quyết định số 1469/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 22/8/2014 về việc Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 và Quyết định số 507/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng ngày 27/04/2015 về việc Phê duyệt quy hoạch triển công nghiệp vôi đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, việc loại bỏ toàn bộ các lò vôi thủ công (gián đoạn và liên hoàn) trên phạm vi toàn quốc phải được thực hiện trong năm 2020. Mặc dù thời hạn đã được xác định, các địa phương và doanh nghiệp đang gấp rút triển khai, song thực tế việc xóa bỏ lò vôi thủ công không hề dễ dàng vì rất nhiều lý do.

     Do đó, cần có sự chung tay vào cuộc của các Bộ/ngành, địa phương và doanh nghiệp đề tìm ra giải pháp đồng bộ để thực hiệnviệc xóa bỏlò vôi thủ côngtrong năm 2020 theo chỉ đạo của Chính phủ.

     Thực trạng sản xuấtvôi và nhu cầu sử dụng vôi của Việt Nam

     Trong cuộc sống con người, vôi là mặt hàng quan trọng và không thể thiếu cho các ngànhxây dựng, nông nghiệp, thực phẩm, giấy, luyện kim và môi trường…Lĩnh vực xây dựng, vôi được sử dụng để sản xuất gạch vôi silic và vật liệu xây dựng. Ngoài ra, vôi cũng được thêm vào bê tông và vữa để tăng độ bền cho công trình xây dựng. Đối với nông nghiệp, vôi dùng làm phân bón. Khi đất nhiễm acid, dùng vôi để nâng cao độ pH của đất, tăng hàm lượng canxi và magiê sẽ làm hoạt động vi sinh, tăng chất hữu cơ và dinh dưỡng. cho đất. Trong sản xuất giấy, vôi sử dụng vôi để phục hồi soda trong quá trình tạo bột giấy, tẩy giấy. Ngành môi trường, vôi dùng để xử lý và làm sạch nước tại các nhà máy cấp nước sinh hoạt (làm mềm nước bằng cách loại bỏ độ cứng bicarbonate và tẩy uế chống lại vi khuẩn); Vôi dùng để xử lý nước thải công nghiệp (trung hòa acid trong nước thải công nghiệp; loại bỏ silic, mangan, florua, sắt và các tạp chất khác trong nước trước khi thải ra môi trường); Vôi được sử dụng để hấp thụ lưu huỳnh dioxid từ khí thải trong các nhà máy nhiệt điện...

     Vì thế mà công nghệ sản xuất vôi đã được hình thành phát triển từ lâu đời trên thế giới và ở Việt Nam. Công nghệ sản xuất vôi Việt Nam đa phần theo cách nung vôi thủ công và rất lạc hậu so với nhiều nước trong khu vực. Hiện tại ở Việt Nam có khoảng 1.000 lò vôi thủ công gián đoạn và liên hoàn công suất nhỏ (từ 5 - 7 tấn/mẻ hoặc chỉ từ 15-20 tấn/ngày) tập trung nhiều ở các tỉnh Hải Phòng, Thái Bình, Bắc Giang, Hải Dương, Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế, Kiên Giang… tổng công suất sản xuất khoảng2 triệu tấn/năm. Nhiều năm qua ở các địa phương trên cả nước, tình trạng lò vôi thủ công gây ô nhiễm môi trường (do khói, khí và bụi thải)... diễn ra ngày càng nghiệm trọng. Trong khi đó, các sơ sở sản xuất vôi công nghiệp rất ít, chỉ có khoảng dưới 10 cơ sở, với công suất thiết kế của mỗi lò từ 150 - 200 tấn/ngày.

     Theo kết quả niên giám thống kê các tỉnh năm 2010 - 2012 và Quyết định1469/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 22/8/2014  phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030) năng lực sản xuất và tiêu thụ vôi tập trung chủ yếu tại khu vực đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung. Đây là các khu vực tập trung nhiều mỏ đá vôi của Việt Nam; Mức tăng trưởng nhu cầu giai đoạn năm 2010 - 2020 bình quân là 20%/năm và giai đoạn 2021-2030 trung bình 10%/năm; Số lượng vôi xuất khẩu trong giai đoạn 2010 - 2020 bình quân từ 0,5 triệu đến 1,5 triệu tấn/năm và thị trường xuất khẩu chủ yếu các nước Hàn Quốc, Đài Loan, Ấn Độ, Thái Lan và Myamar. Đến năm 2030, dự báo nhu cầu vôi khoảng 10,8 triệu tấn, trong đó tiêu thụ trong nước khoảng 7,8 triệu tấn và xuất khẩu 3triệu tấn.

     Những khó khăn, vướng mắc khi xóa bỏ lò vôi thủ công ở Việt Nam

     Báo cáo của Tổng cục Môi trường năm 2017 cho thấy, các lò vôi thủ công đã phát thải các loại khí bụi độc hại (khí, bụi và bụi siêu mịn…) gây ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động tại khu vực sản xuất và cộng đồng dân cư vùng lân cận. Chỉ số bụi đã vượt từ 1,6 đến 1,8 lần, khí CO vượt 4,0 đến 4,2 lần so với QCVN 19:2009/BTNMT. Không chỉ gây ô nhiễm môi trường, các lò vôi  thủ công còn gây ra nhiều tai nạn lao động chết người do ngạt khí và sập lò. Ngày 1/1/2016 tại xã Hoàng Giang, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa xảy ra một vụ ngạt khí tại lò nung vôi khiến 8 người chết và 1 người bị thương nặng; Ngày 3/7/2017 tại lò vôi của khu 6 Vạn Chánh, thị trấn Phú Thứ, huyện Kinh Môn, Hải Dương 5 công nhân thiệt mạng do sập lò...

 

Một số lò sản xuất vôi thủ công đang tồn tại ở các địa phương

 

     Thực hiện Quyết định số 1469/QĐ-TTg ngày 22/8/2014 của Chính phủ và theo lộ trình trong Quyết định số 507/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng ngày 27/4/2015 đã xác định: Trong năm 2015, không cấp phép đầu tư xây dựng mới các lò thủ trên phạm vi toàn quốc; Năm 2016, loại bỏ ít nhất 50% số lò thủ công và chi duy trì khoảng 500.000 tấn/năm sản lượng sản xuất bằng lò vôi thủ công gián đoạn và 1.000.000 tấn/năm sản lượng lò thủ công  liên hoàn; Đến năm 2020, loại bỏ toàn bộ các lò thủ công gián đoạn và thủ công liên hoàn trên phạm vi toàn quốc. Cho dù những tác động tiêu cực do sản xuất lò vôi thủ công gây ra và chủ trương xóa bỏ lò vôi thủ công là đúng đắn, nhưng thời gian đến nay chỉ còn hơn 20 tháng để việc đóng cửa các lò vôi sẽ rất khó đạt được mục tiêu đề ra. Theo đánh giá của các chuyên gia, nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ xóa bỏ lò vôi thủ công như sau: Nhận thức về BVMT của một số người dân và địa phương có lò vôi còn hạn chế. Vì thế mà nhiều cơ sở chưa chú trọng đầu tư kinh phí, nguồn lực để xây dựng kế hoạch thực hiện. Thậm chí khi cán bộ quản lý địa phường xuống vận động, một số chủ lò vôi không hợp tác và không mặn mà với chủ trương này của Chính phủ. Trong khi đó, thời hạn thực hiện loại bỏ lò vôi thủ công ngắn, chỉ có 5 năm (2015-2020) nên gây ra tình trạng lãng phí do kinh phí đầu tư hàng tỷ đồng xây lò nhưng chưa kịp thu hồi vốn; Hàng ngàn lao động mất việc làm và thu nhập có được từ lò vôi thủ công. Thiếu sự hỗ trợ về đào tạo nhân lực và chuyển giao công nghệ sản xuất vôi tiên tiến và hiện đại thay thế lò vôi thủ công. Vì phần lớn người lao động tại các lò vôi thủ công xuất thân từ nông nghiệp, tuổi đời cao, trình độ học vấn thấp, khi lò vôi chấm dứt hoạt động họ không có đủ kinh phí để chuyển đổi việc làm và sẽ làm nghề gì để mưu sinh.

     Một nguyên nhân quan trọng khác là trong những năm qua việc cấp phép khai thác các mỏ đã vôi với quy mô nhỏ khá phổ biến ở các địa phương. Thậm chí nhiều chủ mỏ đá vôi đã đầu tư lò vôi thủ công để tiêu thụ đá vôi do họ khai thác. Sự liên minh “mỏ đá vôi với lò vôi thủ công” càng làm cho tiến độ xóa lò vôi thủ công càng khó khăn hơn.

     Cần có giải pháp đồng bộ để xóa bỏ lò vôi thủ công

     Do nhu cầu cần thiết của vôi đối với sự phát triển của các ngành công nghiệp của Việt Nam và những mặt hạn chế của lò vôi thủ công, nên sản xuất vôi công nghiệp đang được các nhà đầu tư rất quan tâm. Theo “Quy hoạch Phát triển công nghiệp vôi Việt Nam năm 2020 và định hướng đến năm 2030” , nhu cầu vôi trong năm 2015 khoảng 5,49 triệu tấn, dự báo đến năm 2020 vào khoảng 8,18 triệu tấn; năm 2030 là10,8 triệu tấn.Vì vậy, để đảm bảo mục tiêu vừa xóa bỏ lò vôi thủ công, vừa phải đảm bảo nhu cầu vôi cho các ngành công nghiệp của Việt Nam đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ sau:

     Tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng doanh nghiệp, người lao động và cán bộ quản lý ở địa phương về sự cần thiết phải thực hiện chủ trương xóa bỏ lò vôi thủ công.Yêu cầu các địa phương có lò vôi thủ công phải xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện, cần có sự kiểm tra giám sát của các cơ quan chức năng về xây dựng, đầu tư và quản lý môi trường; Gắn trách nhiệm của người đứng đầu tại các địa phương khi thực hiện chủ trương xóa bỏ lò vôi thủ công.

     Về đổi mới công nghệ và quy mô công suất theo hướng: Tập trung mọi nguồn lực (ngân sách nhà nước, doanh nghiệp tư nhân theo hình thức xã hội hóa) để nghiên cứu đổi mới công nghệvà phát triển các Dự án sản xuất vôi với công nghệ tiên tiến, hiện đại; Nghiên cứu sử dụng nhiên liệu thay thế nhiên liệu hóa thạch trong sản xuất vôi nhằm tiết kiệm tài nguyên và giảm ô nhiễm môi trường; Chỉ phê duyệt đầu tư các Dự án mới có công suất mỗi lò sản xuất vôi  ≥ 200 tấn/ngày (60.000 tấn/năm); Các cơ sở sản xuất vôi phải lựa chọn thiết bị và công nghệ nghệ tiên tiến đảm bảo vệ sinh môi trường, khuyến khích sử dụng công nghệ xanh, cơ giới hóa và tự động hóa, nhằm đáp ứng các chỉ tiêu chính: Tiêu hao nhiệt năng< 900 Kcal/kg; Tiêu hao điện< 30 Kwh/tấn; Phát thải khi và bụi theo TCVN; Triển khai các dự án đầu tư thu hồi khí lò vôi để sản xuất CO2 lỏng và rắn gắn với các Dự án sản xuất lò vôi công nghiệp tại một số địa phương.

     Việc quản lý và cấp phép khai thác mỏ đá vôi cần phải được thắt chặt hơn; hạn chế và tiến tới không cấp phép khai thác các mỏ đá vôi với quy mô công suất nhỏ hơn 50.000 tấn/năm và công nghệ khai thác thủ công lạc hậu. Hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp sản xuất vôi thủ công trong việc chuyển đổi nghề cho người lao động và đào tạo để tiếp nhận và chuyển giao công nghệ sản xuất vôi tiên tiến và hiện đại.

     Bộ Xây dựng cần phối hợp với Bộ TN&MT và các địa phương liên quan tổ chức hội nghị (hội thảo chuyên đề) nhằm đánh giá kết quả thực hiện lộ trình đóng cửa hoàn toàn lò vôi thủ công theo chỉ đạo của Chính phủ nêu trong Quyết định số 1469/QĐ-TTg ngày 22/8/2014 và Quyết định số 507/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng.

     Thời hạn xóa bỏ hoàn toàn các lò vôi thủ công không còn nhiều, mặc dù các địa phương, các doanh nghiệp đang gấp rút triển khai nhưng chắc chắn khó đạt được kết quả như mong muốn. Bởi vậy, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, đặc biệt cần có sự chỉ đạo quyết liệt của các Bộ/ngành và sự chung tay hợp sức của các địa phương, doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững.

 

TS. Nghiêm Gia

Hội Khoa học Kỹ thuật Đúc Luyện kim Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 3/2019)

 

 

 

Ý kiến của bạn