Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Sự cố vỡ đập bãi thải gyps của Nhà máy DAP số 2: Doanh nghiệp chậm trễ trong xử lý rò rỉ nước thải từ bãi thải

01/10/2018

     Ngày 7/9/2018, tại khu công nghiệp (KCN) Tằng Loỏng (huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) đã xảy ra sự cố vỡ đập bờ bao hồ chứa chất thải rắn của Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 (Công ty CP DAP số 2, thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam - Vinachem), khiến hàng nghìn mét khối nước thải, bùn thải gyps tràn ra môi trường và tràn vào nhà dân. Để làm rõ những ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống của người dân, cũng như công tác giải quyết, khắc phục sự cố của doanh nghiệp (DN), địa phương, Tạp chí Môi trường có cuộc phỏng vấn ông Lê Ngọc Dương - Phó Giám đốc Sở TN&MT Lào Cai về vấn đề này.

 

Ông Lê Ngọc Dương - Phó Giám đốc Sở TN&MT Lào Cai

 

     PV: Ông có thể cho biết, nguyên nhân xảy ra sự cố vỡ đập của Nhà máy và hiện trạng môi trường, cũng như những thiệt hại do sự cố gây ra đối với người dân trong khu vực?

     Ông Lê Ngọc Dương: Hiện Công an tỉnh Lào Cai đang điều tra, xác minh làm rõ nguyên nhân xảy ra vụ việc. Tuy nhiên, nguyên nhân ban đầu được xác định là do mưa lớn kéo dài nhiều ngày trên địa bàn khu vực Tằng Loỏng, khiến mực nước dâng cao tạo ra áp lực lớn, cùng với đất thân đê trong tình trạng bão hòa nước làm xung yếu một số điểm tại thân đê của hồ chứa chất thải.

     Theo đánh giá ban đầu, sự cố gây ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm và môi trường đất, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước suối quanh khu vực. Toàn bộ lượng nước và bùn thải từ đập thải của Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 (Nhà máy DAP số 2) chảy ra ngoài theo hai hướng: Hướng thứ nhất, chảy tràn ra suối Hoai và chảy vào các suối Phú Nhuận, Nhuần; Hướng thứ hai, chảy tràn qua đường vào suối Mã Ngan, suối Trát. Lượng bùn đất nhiễm axit, làm chết cá trong các suối và ảnh hưởng đến thảm thực vật hai bên bờ suối. Sự cố còn ảnh hưởng trực tiếp đến 35 hộ dân ở dọc hai bên đường tỉnh lộ 151. Dòng nước, bùn tràn vào nhà dân, cuốn trôi tài sản, ước tính tổng thiệt hại khoảng 3,2 tỷ đồng. Ngoài ra, do ảnh hưởng của sự cố nên đã khiến giao thông đoạn Tằng Loỏng - Văn Bàn bị tắc trong khoảng 6 giờ.

     PV: Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Sở TN&MT Lào Cai đã triển khai những hoạt động gì nhằm khắc phục sự cố, ổn định cuộc sống của người dân?

     Ông Lê Ngọc Dương: Ngay sau khi xảy ra sự cố, Sở TN&MT Lào Cai đã báo cáo Lãnh đạo UBND tỉnh và phối hợp với các Sở, ngành, chính quyền địa phương chỉ đạo Công ty CP DAP số 2, Nhà máy và các doanh nghiệp lân cận (Công ty CP Hóa chất Đức Giang Lào Cai; Chi nhánh Luyện đồng Lào Cai - Vimico thuộc Tổng Công ty Khoáng sản - TKV; Nhà máy tuyển Apatit Tằng Loỏng thuộc Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam) triển khai các hoạt động hỗ trợ nhân lực, vật lực ứng phó và khắc phục sự cố, cụ thể: Chỉ đạo đắp đập ngăn nước trong hồ chứa chất thải của Nhà máy chảy ra môi trường; Xử lý nguồn nước bằng vôi bột tại các vị trí do nước nhiễm axit và bùn thải gyps chảy ra; Huy động xe phun nước để rửa và vệ sinh nhà của các hộ dân, đường giao thông...

 

Đập hồ chứa chất thải của Nhà máy DAP số 2

 

     Lo ngại về tình trạng ô nhiễm môi trường do sự cố, Sở đã chỉ đạo Chi cục BVMT, Trung tâm Quan trắc Tài nguyên, Môi trường huy động các trang thiết bị của các đơn vị trong KCN để tổ chức thành 2 tổ tiến hành quan trắc, giám sát theo 2 lưu vực bị ảnh hưởng; lấy 39 mẫu nước mặt, 2 mẫu nước giếng, 2 mẫu bùn bã gyps.

     Do đặc tính nước rỉ từ bãi thải gyps mang tính axit, Sở đã huy động vôi của các doanh nghiệp trong KCN để tiến hành dải vôi nhằm trung hòa nguồn nước. Ngay trong ngày 7/9/2018, Sở đã sử dụng vôi trung hòa tại 2 lưu vực và giám sát liên tục pH trong nguồn nước tại 11 điểm (lưu vực suối Trát 7 điểm và suối Nhuần 4 điểm) để điều chỉnh lượng vôi cho phù hợp (tránh việc sử dụng quá nhiều vôi, gây ảnh hưởng chất lượng nguồn nước). Đến ngày 13/9/2018, đã huy động khoảng 710 tấn vôi và sữa vôi để trung hòa (Công ty CP Hóa chất Đức Giang có 318 tấn; Công ty CP DAP số 2 là 392 tấn). Trong các ngày tiếp theo, việc xử lý môi trường sau sự cố đã cơ bản hoàn thành.

     Trên cơ sở kết quả quan trắc giám sát nguồn nước đã ổn định, Sở TN&MT Lào Cai đã thông báo cho các địa phương liên quan về chất lượng nguồn nước để tiếp tục khai thác, sử dụng. Trước đó, ngày 10/9/2018, Sở TN&MT tỉnh Yên Bái cũng đã có thông báo kết quả quan trắc tại 5 điểm trên sông Hồng. Qua kết quả quan trắc cho thấy, trong những ngày xảy ra sự cố, pH trong nước sông Hồng ổn định trong giới hạn cho phép, pH giao động từ 6,7 -7,4.

     PV: Được biết, gần đây, Nhà máy DAP số 2 đã bị Sở TN&MT Lào Cai ra quyết định xử phạt hành chính về hành vi rò rỉ nước thải ra môi trường. Nhưng sự cố lần này vẫn xảy ra, theo ông, vấn đề là do đâu?

     Ông Lê Ngọc Dương: Trước đó, vào lúc 16 h ngày 8/5/2018, Sở TN&MT Lào Cai đã tiến hành thanh tra, kiểm tra về công tác BVMT của Nhà máy. Qua đó, phát hiện tại vị trí khu vực đập bãi thải gyps của Nhà máy có rò rỉ nước thải từ khu vực đập ra môi trường.

 

Cán bộ Sở TN&MT Lào Cai tiến hành quan trắc, lấy mẫu nước

 

     Ngay sau khi phát hiện ra điều đó, Sở đã yêu cầu Nhà máy DAP số 2 tiến hành các biện pháp khắc phục, khống chế nước thải từ bãi thải gyps rò rỉ ra môi trường. Trên cơ sở báo cáo của Sở, ngày 23/5/2018, UBND tỉnh Lào Cai đã có Văn bản số 2207/UBND-TNMT về việc khắc phục sự cố rò rỉ nước thải của Nhà máy, trong đó yêu cầu, Nhà máy hạ mực nước trong hồ, rà soát khắc phục điểm rò rỉ; xây dựng phương án ứng phó sự cố khi trời mưa to và nguy cơ vỡ đập; khắc phục triểt để tình trạng rò rỉ, cũng như an toàn lâu dài đối với bãi thải. Đồng thời, giao Ban Quản lý Khu kinh tế của tỉnh thường xuyên theo dõi, giám sát tình hình khắc phục của Nhà máy. Tuy nhiên, do Công ty CP DAP số 2 khắc phục chậm, Sở TN&MT đã báo cáo UBND tỉnh ra quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty, với số tiền là 150 triệu đồng (Quyết định số 2246/QĐ-XPVPHC ngày 18/7/2018) và yêu cầu Công ty dừng việc đổ thải vào bãi thải gyps, đảm bảo an toàn đập và tuyệt đối không để thấm nước, có trách nhiệm bồi thường, di chuyển dân cư quanh bãi thải.

     Từ sự cố lần này, có thể chỉ ra một số tồn tại đối với Công ty CP DAP số 2, đó là: Thứ nhất, ý thức trách nhiệm của DN còn hạn chế, chưa chủ động, quyết tâm trong việc khắc phục tồn tại trong công tác BVMT, chưa đánh giá được hậu quả nghiêm trọng của việc trậm trễ khắc phục và không có đánh giá tổng thể nguy cơ xảy ra sự cố. Thứ hai, sự phối hợp trong công tác nghiệm thu công trình BVMT giữa các cấp, ngành và địa phương chưa chặt chẽ, đặc biệt, đối với các dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường cấp Trung ương (hiện nay, chưa có quy trình nghiệm thu đánh giá cụ thể theo từng giai đoạn để xem xét nghiệm thu tổng thể, dẫn đến không kiểm soát được chất lượng công trình). Thứ ba, mặc dù, Công ty đã lập phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, tuy nhiên, khi xảy ra sự cố, việc xử lý của doanh nghiệp còn lúng túng.

     PV: Để không xảy ra những sự cố môi trường tương tự trên địa bàn trong thời gian tới, Sở có biện pháp gì, thưa ông?

     Ông Lê Ngọc Dương: Rút kinh nghiệm từ sự cố vỡ đập bãi thải gyps của Nhà máy DAP số 2, thời gian tới, Sở TN&MT sẽ thực hiện một số biện pháp như rà soát, đánh giá đưa vào danh sách những cơ sở sản xuất có nguy cơ gây tác động môi trường để tăng cường theo dõi, giám sát (đặc biệt, cơ sở sản xuất hóa chất, phân bón; cơ sở có hồ thải, bãi thải quy mô lớn, gần khu vực dân cư...); Tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ để tham mưu chỉ đạo, yêu cầu các chủ đầu tư, DN khắc phục triệt để không để xảy ra sự cố tương tự; Kiên quyết xử lý vi phạm, trong trường hợp phát hiện tình trạng gây ô nhiễm môi trường, ngoài việc xử lý vi phạm hành chính, sẽ tiến hành đỉnh chỉ hoạt động để DN khắc phục; Phối hợp với các Sở, Ban, ngành và DN tăng cường hoạt động diễn tập phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, để các DN chủ động hơn nữa khi sự cố xảy ra.

     PV: Xin cảm ơn ông!

 

Giáng Hương (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 9/2018)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn