Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Sử dụng công cụ chính sách thuế nhằm điều tiết nền kinh tế hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững ở Việt Nam

10/05/2019

     Từ thập kỷ 70 của thế kỷ XX, nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai thực hiện tăng trưởng xanh (TTX), phát triển nền kinh tế xanh, hướng tới phát triển bền vững (PTBV). Tại Việt Nam, Chiến lược quốc gia về TTX và Chiến lược PTBV Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, góp phần phát triển kinh tế bền vững, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tự nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện chất lượng môi trường. Bài viết khái quát những nội dung cơ bản về TTX, PTBV và vai trò của chính sách thuế, nhằm điều tiết nền kinh tế hướng tới TTX, PTBV; phân tích và chỉ ra những hạn chế tồn tại trong các chính sách thuế liên quan đến mục tiêu TTX ở Việt Nam. Trên cơ sở đó đề xuất, khuyến nghị hoàn thiện chính sách thuế, nhằm điều tiết nền kinh tế, thúc đẩy TTX và PTBV ở Việt Nam.

     Tổng quan về TTX, PTBV và vai trò của chính sách thuế

     Theo Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, nền kinh tế xanh là nền kinh tế nâng cao đời sống của con người và cải thiện công bằng xã hội, đồng thời giảm thiểu đáng kể những rủi ro môi trường và những thiếu hụt sinh thái. Phát triển xanh (hay còn gọi là TTX chính là công cụ cần thiết để hướng tới nền kinh tế xanh đó. Theo đó, TTX là quá trình tái cơ cấu lại hoạt động kinh tế và cơ sở hạ tầng để nâng cao đời sống con người và cải thiện công bằng xã hội.

     Các nước phát triển là những nước đi đầu trong việc thực hiện TTX. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) nhìn nhận, TTX là tăng trưởng và phát triển kinh tế mà vẫn đảm bảo tài nguyên, các nguồn vốn tự nhiên tiếp tục phục vụ nhu cầu phát triển. Ngân hàng Thế giới (WB, 2012) khẳng định, TTX là sự tăng trưởng hiệu quả trong sử dụng tài nguyên thiên nhiên, tăng trưởng sạch vì nó giảm thiểu ô nhiễm và tác động môi trường, tăng trưởng có sức chống chịu. Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về PTBV tổ chức ở Johannesburg (Cộng hòa Nam Phi) năm 2002 đã xác định, PTBV là quá trình có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa ba mặt của sự phát triển gồm: Tăng trưởng kinh tế, hoàn thiện các vấn đề xã hội và BVMT. Tiêu chí để đánh giá sự PTBV là sự tăng trưởng kinh tế ổn định; thực hiện tốt tiến bộ và công bằng xã hội; khai thác hợp lý, sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường sống”.

     Như vậy, khái niệm “TTX” và “PTBV” có nội hàm khác nhau nhưng có quan hệ chặt chẽ với nhau. Theo OECD (2011), “TTX là tăng trưởng, phát triển kinh tế mà vẫn đảm bảo tài nguyên và các nguồn vốn tự nhiên tiếp tục phục vụ nhu cầu phát triển. Do đó, thúc đẩy TTX là định hướng đầu tư và đổi mới công nghệ để tạo ra PTBV và những cơ hội mới”. TTX là con đường hướng tới nền kinh tế xanh, mà ở đó “phúc lợi xã hội được nâng cao, công bằng xã hội được cải thiện trong khi giảm rủi ro môi trường và sự khan hiếm nguồn lực sinh thái” (UNEP, 2015).

 

Xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững là một trong những nội dung chủ yếu trong TTX

 

     Trong đời sống kinh tế - xã hội, các hoạt động kinh tế thường gây ra ảnh hưởng ngoại ứng (cả tích cực và tiêu cực). Do đó, Nhà nước giữ vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy TTX thông qua áp dụng các cơ chế, chính sách, trong đó có chính sách thuế nhằm tác động tới hành vi sản xuất, tiêu dùng. Nhà nước thực hiện chính sách ưu đãi thuế đối với các hoạt động kinh tế thân thiện với môi trường, đồng thời đánh thuế đối với hoạt động kinh tế làm tổn hại đến môi trường.

     Thực trạng chính sách thuế ở Việt Nam liên quan đến mục tiêu TTX, PTBV

     Nhận thức và quan điểm của Chính phủ Việt Nam về tầm quan trọng của phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với bảo vệ, cải thiện môi trường thiên nhiên được hình thành khá sớm và rõ ràng. Ngay từ những năm đầu thực hiện đổi mới, chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa sang nền kinh tế thị trường, Chính phủ Việt Nam đã xác định phát triển kinh tế phải đi đôi với BVMT nhằm PTBV.

     Việt Nam đang thực hiện một số chính sách thuế, phí liên quan đến BVMT, thúc đẩy TTX, PTBV, bao gồm: Chính sách ưu đãi thuế (thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế gia trị gia tăng, thuế xuất khẩu thuế nhập khẩu,…), nhằm khuyến khích doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường, ứng dụng công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng, ít gây ô nhiễm môi trường thực hiện hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực môi trường; Chính sách thuế nhằm hạn chế sản xuất, tiêu dùng gây hại đối với môi trường (Chính sách thuế BVMT; Một số chính sách phí BVMT; Chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt; Chính sách thuế tài nguyên). Nhìn chung, các chính sách thuế, phí liên quan đến mục tiêu TTX ở Việt Nam đã tiếp cận theo cơ chế thị trường và phù hợp với thông lệ quốc tế, theo đó, vừa hạn chế các hoạt động sản xuất, tiêu dùng đi ngược lại mục tiêu TTX, phát triển kinh tế xanh dựa trên nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả”, “hạn chế ngoại ứng tiêu cực”, vừa khuyến khích các hoạt động sản xuất tiêu dùng thân thiện với môi trường, BVMT vì mục tiêu TTX, phát triển kinh tế xanh theo nguyên tắc “thúc đẩy ngoại ứng tích cực”. Tuy nhiên, các chính sách tài chính liên quan đến mục tiêu TTX ở Việt Nam còn bất cập, hạn chế như: Chính sách ưu đãi về thuế chưa đủ mạnh để khuyến khích sản xuất, tiêu dùng xanh; Chính sách thuế nhằm hạn chế sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm gây nguy hại đối với môi trường còn bất cập về phạm vi đối tượng chịu thuế và mức thu; số thu từ các sắc thuế này chưa tương xứng với những tổn hại do hoạt động sản xuất, tiêu dùng gây ra.

     Kết luận và khuyến nghị

     Trong thời gian tới, cùng với các biện pháp, công cụ và các chính sách khác nhau thì việc sử dụng công cụ chính sách thuế nhằm điều tiết nền kinh tế theo mục tiêu chiến lược TTX và PTBV ở Việt Nam là rất cần thiết.

     Đối với các chính sách ưu đãi thuế nhằm khuyến khích sản xuất tiêu dùng xanh: Cần rà soát, đơn giản hóa thủ tục, điều kiện được hưởng ưu đãi nhằm tăng cường tính hấp dẫn để định hướng thu hút có chọn lọc đầu tư trực tiếp nước ngoài vào phát triển ngành, lĩnh vực công nghệ cao, sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng cao; khuyến khích sản xuất năng lượng sạch; khuyến khích phát triển vận tải công cộng. Mặt khác, cần áp dụng chính sách khấu hao nhanh đối với các dự án đầu tư ứng dụng công nghệ cao, sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường, sản xuất năng lượng sạch; vận tải công cộng; quy định mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng sinh học bằng 50% của mức thuế suất đối với xăng khoáng nhằm tạo sự chênh lệch đáng kể giữa xăng sinh học và xăng khoáng để khuyến khích sản xuất và tiêu dùng nhiên liệu sinh học; quy định mức thuế suất 0% đối với dịch vụ duy trì vườn thú, vườn hoa, công viên, cây xanh đường phố; vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt, xe điện thay vì quy định đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng để khuyến khích khu vực tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ.

     Với các chính sách thuế, phí nhằm hạn chế sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm gây nguy hại đối với môi trường: Cần tăng mức thu đồng thời áp dụng kết hợp mức thu tuyệt đối và mức thuế suất theo tỷ lệ phần trăm đối với các sản phẩm gây nguy hại đối với môi trường; mở rộng phạm vi đối tượng chịu thuế BVMT để bao quát hết các sản phẩm gây tổn hại đối với môi trường (sản phẩm phân bón hóa học,…); tiếp tục duy trì chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ô tô, nhiên liệu hóa thạch nhằm hạn chế tiêu dùng các loại hàng hóa này. Tuy nhiên, cần đánh thuế theo mức xả thải gây ô nhiễm (mức xả thải CO, CO2, NOx, bụi siêu mịn mỗi km di chuyển). Mức thu cần được tính toán đảm bảo có tác dụng hạn chế sử dụng xe ô tô, nhiên liệu hóa thạch. Đồng thời, hoàn thiện chính sách thuế tài nguyên (sản lượng tính thuế, giá tính thuế, thuế suất) và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế tài nguyên.

 

TS. Lê Quang Thuận

Viện Chiến lược và Chính sách tài chính

CN. Nguyễn Hoàng Anh

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 4/2019)

 

Ý kiến của bạn