Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Phát triển công trình xanh trên thế giới và giải pháp cho Việt Nam

01/06/2018

     Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế  giới (WB), xây dựng và vận hành, sử dụng các công trình xây dựng trên phạm vi toàn cầu đã tiêu thụ gần 1/2 nguồn nguyên vật liệu và năng lượng được khai thác, sản xuất của thế giới; tiêu thụ khoảng 1/6 lượng nước sạch và 1/4 lượng gỗ khai thác, 40% tổng sản xuất năng lượng của thế giới và phát thải khoảng 30%  khí nhà kính gây biến đổi khí hậu (BĐKH). Tại Việt Nam, theo số liệu của Bộ Xây dựng năm 2003, tổng tiêu thụ năng lượng của các tòa nhà dân dụng mới chỉ chiếm 22,4%, nhưng đến năm 2014, đã chiếm tới 37 - 38% tổng mức tiêu thụ năng lượng của quốc gia. Với tốc độ phát triển các khu nhà cao tầng hiện đại ở các đô thị như hiện nay, tỷ lệ tiêu thụ năng lượng của các tòa nhà dân dụng trong tương lai còn cao hơn nữa.

     Phát triển công trình xanh (CTX) của thế giới

     Từ năm 1993, Hội đồng CTX Mỹ (US GBC) được thành lập, đây là một tổ chức phi Chính phủ (NGO). Hội đồng này đã đề ra Bộ Tiêu chí làm cơ sở thiết kế, đánh giá và công nhận CTX, gọi là LEED (Chỉ đạo thiết kế năng lượng và môi trường). LEED đã được tất cả các nước trên thế giới chấp nhận và tham khảo để xây dựng các tiêu chí đánh giá và công nhận CTX của nước mình. Theo LEED có 7 tiêu chí CTX, bao gồm: Địa điểm xây dựng bền vững; Hiệu quả sử dụng nước; Hiệu quả năng lượng; Tài nguyên và vật liệu; Chất lượng môi trường trong nhà; Điểm sáng tạo trong thiết kế; Điểm ưu tiên vùng sâu, vùng xa, trong đó tiêu chí hiệu quả năng lượng là quan trọng nhất, được đánh giá là 35 điểm/tổng số 100 điểm đánh giá về chất lượng CTX. US GBC đã phát động và khuyến khích phát triển mạnh mẽ phong trào thiết kế và xây dựng CTX theo tiêu chí LEED. Các chủ đầu tư xây dựng ở Mỹ đã tích cực tham gia phong trào thiết kế và xây dựng CTX, tiến hành đăng ký để được US GBC xét công nhận và cấp chứng chỉ CTX theo các mức “CTX Kim cương”, “CTX Vàng” và “CTX Bạc”. Bởi vì các Dự án công trình xây dựng được US GBC cấp chứng chỉ CTX được thị trường mua bán bất động sản nhiệt liệt hoan nghênh và gia tăng giá trị. Từ trào lưu phát triển CTX được khởi đầu ở Mỹ, xu hướng này đã trở thành phong trào phát triển xây dựng xanh rất mạnh mẽ ở Canada, Anh, Pháp và ở các nước phát triển khác. Cho đến nay, trào lưu phát triển CTX, đô thị xanh đã lan ra ở nhiều nước trên thế giới.

     Ở châu Á, Singapo là nước dẫn đầu về phát triển CTX. Năm 2005, Singapo đã ban hành Bộ tiêu chí đánh giá và công nhận CTX (Green Mark). Năm 2006, Singapo đã xây dựng Kế hoạch Quốc gia về phát triển CTX đến năm 2030. Thực hiện kế hoạch, từ năm 2008, tất cả các công trình xây dựng mới, hay cải tạo nâng cấp có diện tích sàn từ 2000 m2 trở lên đều được thiết kế và xây dựng theo tiêu chí Green Mark. Theo Kế hoạch trên thì đến năm 2030, tối thiểu 80% các công trình xây dựng bằng vốn đầu tư của nhà nước và tư nhân phải đạt tiêu chí CTX, tiết kiệm khoảng 35% năng lượng tiêu thụ so với năm 2005. Hiện nay, Singapo đã trở thành đô thị xanh nổi tiếng thế giới.

 

         

                                          Tòa nhà Một Liên hợp quốc (One UN) tại Hà Nội                               Tòa nhà FPT Complex tại Đà Nẵng, được  Tổ chức IFCđánh giá là CTX theo tiêu chí LEED

 

     Sở dĩ trào lưu CTX trên thế giới phát triển nhanh và mạnh là vì thực tế đã chứng minh, CTX mang lại lợi ích to lớn và lâu dài về kinh tế, xã hội, BVMT, tiết kiệm tài nguyên và năng lượng, an toàn sức khỏe con người và thích ứng với BĐKH. Riêng về lợi ích kinh tế thì thiết kế và xây dựng CTX thường đòi hỏi thời gian, kinh phí đầu tư ban đầu lớn hơn các công trình thông thường khoảng 5 - 10%, nhưng chi phí vận hành sử dụng CTX sẽ tiết kiệm hơn từ 20 - 30% do tiết kiệm sử dụng năng lượng, nước sạch, chi phí bảo dưỡng và các chi phí khác. Do đó, chỉ sau 4 - 5 năm vận hành, CTX thì tiền tiết kiệm vận hành có thể bù đắp hoàn toàn số tiền tăng vốn đầu tư ban đầu và như vậy, từ năm thứ 5 - 6 trở đi tổng lợi ích tiết kiệm chi phí vận hành của CTX ngày càng lớn. Bên cạnh đó, các CTX còn có lợi ích về sức khỏe và xã hội, người sống và làm việc trong các CTX sẽ có sức khỏe tốt hơn. Cơ quan BVMT Mỹ ước tính, ô nhiễm không khí trong nhà tại các tòa nhà không phải là CTX có thể tồi tệ hơn từ 2 - 5 lần, và đôi khi tới 100 lần, so với chất lượng không khí ngoài trời. Ngoài ra, CTX còn có lợi ích về môi trường, do sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đặc biệt là năng lượng tái tạo, nên CTX có thể làm giảm thiểu tới 30% phát thải khí nhà kính của ngành xây dựng, đồng thời, chống lại hiện tượng “đảo nhiệt” trong đô thị.

     Đẩy mạnh phát triển CTX của Việt Nam

     Hơn 20 năm qua ở trên thế giới đã diễn ra cuộc cách mạng xanh sôi động trong ngành xây dựng - kiến trúc để ứng phó với BĐKH, khủng hoảng năng lượng, ô nhiễm môi trường và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên. Trong khi đó, việc phát triển CTX của Việt Nam còn đang ở giai đoạn “khởi đầu”, chậm hơn các nước trên thế giới khoảng 15 - 20 năm. Đến nay, Nhà nước chưa ban hành chiến lược, kế hoạch, hay văn bản pháp luật nào để định hướng và thúc đẩy phát triển CTX, chỉ có Bộ Xây dựng đã ban hành QCVN 09:2013/BXD- Các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả.

     Năm 2007, Hội đồng CTX Việt Nam (VGBC) được thành lập. Nhưng VGBC không phải do nước ta thành lập mà là do một nhóm người Mỹ và Việt kiều ở Mỹ đứng ra thành lập với sự tài trợ của Quỹ TP Xanh của bang California, Mỹ, VGBC thực chất là một tổ chức NGO của người nước ngoài được phép hoạt động ở Việt Nam. VGBC đã xây dựng được các Bộ tiêu chí LOTUS để đánh giá và công nhận  CTX ở Việt Nam.  Cho đến nay, VGBC đã tiến hành đánh giá và cấp chứng chỉ CTX LOTUS cho khoảng 5 - 6 dự án xây dựng, chủ yếu là các dự án đầu tư có yếu tố nước ngoài như Tòa nhà Một Liên hợp quốc (One UN) tại Hà Nội và Tòa nhà FPT Complex tại Đà Nẵng.

     Hội Kiến trúc sư Việt Nam (Hội KTS) rất quan tâm đến việc phát triển kiến trúc xanh (KTX), năm 2011, Hội KTS đã thành lập Hội đồng KTX, đã tuyển chọn và trao giải thưởng cho 11 công trình KTX đầu tiên vào năm 2012. Công trình KTX do Hội KTS công nhận, chủ yếu đánh giá về các yếu tố sáng tạo giải pháp KTX . Từ năm 2012 đến nay, Hội KTS đã nhiều lần tuyển chọn và tổ chức trao giải thưởng KTX cho các công trình kiến trúc ở nước ta.

     Năm 2011, Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam thành lập Hội đồng Xây dựng Xanh (GBCVietnam). GBCVietnam đã tư vấn cho Bộ Xây dựng xây dựng Dự thảo Chiến lược phát triển CTX, dự thảo Bộ Tiêu chí đánh giá CTX, xét và công nhận cấp chứng chỉ CTX cho 2 công trình, trong đó có khu chung cư Number One của Công ty Vigracera tại Hà Nội.

     Sự lan tỏa phát triển CTX từ Mỹ vào Việt Nam không chỉ do sự đóng góp của VGBC, mà còn do US GBC trực tiếp xét công nhận CTX ở Việt Nam như việc cấp chứng chỉ CTX theo tiêu chí LEED mức Vàng cho trụ sở Công ty TNHH Intel Products Việt nam (TP. Hồ Chí Minh) và trụ sở Công ty TNHH Chang Shin Việt nam (tỉnh Đồng Nai) vào cuối năm 2012. Tháng 7/2013, tòa nhà President Palace tại trung tâm TP. Hồ Chí Minh đã được US GBC cấp chứng nhận LEED mức Vàng (mức thứ 2, sau mức Kim cương).

     Để thúc đẩy phát triển CTX, đáp ứng các mục tiêu của Chiến lược Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững (PTBV), Việt Nam cần thực hiện một số giải pháp cấp bách:

    Ban hành các văn bản pháp luật về phát triển CTX: Nhà nước cần xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật như Chiến lược, Kế hoạch phát triển CTX, Bộ Tiêu chí CTX và quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế xây dựng CTX, chính ưu đãi nhằm tạo cơ sở pháp lý cho phát triển CTX ở nước ta.  Đồng thời, xây dựng và ban hành các chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển CTX: Khu vực tư nhân là nhân tố quan trọng thúc đẩy chính của phát triển CTX.  Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư tư nhân chưa hiểu rõ các lợi ích thực sự của CTX, nên thường do dự khi đầu tư xây dựng CTX, vì cho rằng, sẽ phát sinh thêm chi phí, hoặc rủi ro. Vì vậy, song song với việc đưa ra các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế và xây dựng CTX, Nhà nước cần phải xây dựng và ban hành chính sách, các cơ chế nhằm tháo gỡ rào cản, trở ngại đối với phát triển CTX, ưu đãi về thuế, phí đối với thành phần kinh tế tư nhân đầu tư vào xây dựng CTX.

     Nhà nước xét chọn, công nhận và cấp chứng chỉ 1 sao, 2 sao, 3 sao, hay chứng chỉ Bạc, Vàng, Kim cương cho công trình đạt tiêu chí của CTX;  Nhà nước khen thưởng chủ đầu tư công trình và tổ chức tư vấn thiết kế CTX đặc sắc, có giải pháp thiết kế “xanh” sáng tạo, độc đáo, mang lại hiệu quả kinh tế và môi trường cao; rút ngắn thời gian xét cấp phép xây dựng đối với CTX.    

     Tạo lập và phát triển thị trường bất động sản CTX: Muốn phát triển xây dựng các CTX ở nước ta một cách mạnh mẽ, thì trước tiên, phải tạo lập và phát triển thị trường bất động sản về CTX. Nhà nước cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến rộng rãi cho cộng đồng về CTX, các đặc điểm ưu việt của CTX ( công trình có chất lượng môi trường sống tốt, có tính kinh tế và tính nhân văn - xã hội cao), đặc biệt là những lợi ích to lớn và lâu dài của CTX đem lại đối với người đầu tư xây dựng, người mua, người bán, hay thuê CTX, cũng như lợi ích về BVMT và PTBV đối với toàn xã hội, nhằm mục đích “kích cầu” phát triển thị trường bất động sản CTX. Nhà nước cần phải  ban hành các cơ chế chính sách khuyến khích và ưu đãi như miễm giảm một số loại thuế, ngân hàng cho vay vốn với lãi suất ưu đãi và đơn giản hóa thủ tục xét duyệt xây dựng CTX để thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển CTX.

     Bộ Xây dựng cần phải quản lý phát triển CTX, chỉ đạo việc đánh giá và cấp chứng chỉ CTX: Nhà nước cần hình thành hệ thống tổ chức đánh giá, xét chọn, công nhận và quy trình cấp chứng chỉ CTX. Bộ Xây dựng là cơ quan chỉ đạo và đầu mối, huy động các Hội  khoa học kỹ thuật và nghề nghiệp có liên quan thực hiện tư vấn xét chọn, cấp chứng chỉ CTX; khuyến khích các tổ chức xã hội, tài chính đặt ra các giải thưởng có giá trị để biểu dương các chủ đầu tư, nhà thiết kế vươn tới các giá trị cao nhất về thiết kế và xây dựng CTX.

     Thực hiện chính sách bắt buộc các công trình được đầu tư bằng vốn ngân sách của Nhà nước phải được thiết kế và xây dựng đạt các tiêu chí CTX để m mô hình thúc đẩy cho khu vực đầu tư tư nhân noi theo: Nhà nước cần phải tiên phong trong việc xây dựng CTX. Các công trình được đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước, như là công sở, trường học, bệnh viện công, công trình công cộng… cần phải được thiết kế và xây dựng theo tiêu chí CTX để làm gương, động lực thúc đẩy và phát động các nhà đầu tư tư nhân, nhà thiết kế tư nhân, doanh nghiệp, cộng đồng tham gia tích cực vào sự nghiệp phát triển CTX ở nước ta.  

     Thiết kế và đầu tư xây dựng thí điểm mô hình mẫu CTX ở nước ta: Nước ta cần thực hiện một dự án thiết kế và xây dựng thí điểm mô hình mẫu CTX với sự tuân thủ triệt để các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về công trình có hiệu quả năng lượng và đáp ứng các tiêu chí về CTX, nâng tầm mức độ hiệu quả năng lượng cao nhất, như là công trình zero không năng lượng ở Singapo đã xây dựng.

     Đào tạo, nâng cao nguồn nhân lực thiết kế và công nghệ xây dựng CTX: Kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy, muốn phát triển CTX nhanh thì cần phải nỗ lực đào tạo, bổ túc kiến thức đối với các KTS, kỹ sư xây dựng và các ngành có liên quan môi trường, năng lượng, vật liệu về các kỹ năng, nguyên tắc thiết kế, công nghệ xây dựng CTX; Tăng cường năng lực quản lý các dự án thiết kế và xây dựng, thẩm định thiết kế CTX cho các cơ quan quản lý nhà nước; Bổ sung kiến thức về CTX và đổi mới chương trình đào tạo đại học và trên đại học đối với các ngành nghề liên quan, nhằm xây dựng nhân lực phục vụ phát triển CTX của đất nước.

     Thực hiện các chương trình khoa học tạo điều kiện cho phát triển CTX: Nhà nước có kế hoạch đầu tư kinh phí, cũng như khuyến khích các công ty tư nhân đầu tư kinh phí cho các đề tài khoa học nhằm phát triển khoa học và công nghệ tiên tiến về thiết kế và xây dựng các CTX.

      Huy động các tổ chức chính trị - xã hội, Hội  Khoa học kỹ thuật tham gia phát triển CTX : Nhà nước cần đổi mới cơ chế huy động sự tham gia của tổ chức chính trị - xã hội và hội khoa học kỹ thuật, hội nghề nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, kiến trúc và môi trường như Hội Kiến trúc Sư, Hội Môi trường Xây dựng, Hội Môi trường Đô thị và Công nghiệp… tham gia phát triển CTX; tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về CTX; ứng dụng và chuyển giao các công nghệ mới về tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nước, tái chế chất thải, sản xuất vật liệu thân thiện với môi trường, cải thiện chất lượng môi trường trong công trình, phát triển CTX.

     Tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế trong phát triển CTX: Cần phải tăng cường hợp tác với tất cả các nước, tổ chức quốc tế trong phát triển CTX, đặc biệt là hợp tác với Hội đồng CTX Thế giới và Hội đồng CTX của các nước trong ASEAN.

 

GS. TSKH. Phạm Ngọc Đăng

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 5/2018)

 

 

 

Ý kiến của bạn